Hỗ trợ, chia sẻ, chống kỳ thị với người nhiễm HIV/AIDS
"Thu hẹp khoảng cách"
Khẩu hiệu “Thu hẹp khoảng cách” là chủ đề chính được Chương trình phối hợp phòng chống HIV/AIDS của Liên hợp quốc (UNAIDS) đề ra nhân Ngày Thế giới phòng chống HIV/AIDS (01-12) năm nay.
Khẩu hiệu đã nêu bật sự cần thiết trong việc rút ngắn khoảng cách trong việc được tiếp cận các biện pháp điều trị hiệu quả giữa các khu vực và quốc gia khác nhau trên hành tinh, nhằm đạt mục tiêu chấm dứt mối đe dọa chết người do căn bệnh này vào năm 2030.
Theo số liệu của UNAIDS, hiện trên thế giới có khoảng 35 triệu người sống chung với virus HIV.
Riêng năm 2013, có tới 2,1 triệu ca nhiễm mới, trong đó có 240.000 trẻ em và 1,5 triệu người tử vong vì các bệnh liên quan đến AIDS. Đây cũng là nguyên nhân chính gây tử vong ở thanh thiếu niên trong độ tuổi từ 10 - 19 tại các nước châu Phi.
UNAIDS cho rằng việc thu hẹp khoảng cách trong cơ hội được xét nghiệm HIV sẽ cho phép 19 triệu người không biết bị phơi nhiễm HIV được nhận sự hỗ trợ cần thiết, và 35 triệu người có HIV/AIDS được tiếp cận các chế phẩm điều trị.
Trước đó, ngày 18-11, UNAIDS đã giới thiệu chương trình “Fast - Track," cho phép gia tăng quyền tiếp cận các biện pháp điều trị hiệu quả và chất lượng của người có HIV/AIDS, với nguồn vốn đầu tư 35,6 tỷ USD từ nay tới năm 2020.
Theo các nhà nghiên cứu, nếu đẩy mạnh các biện pháp tích cực phòng chống HIV/AIDS, tới năm 2030, HIV/AIDS sẽ không còn là mối đe dọa toàn cầu về sức khỏe, cứu 21 triệu người thoát chết và ngăn ngừa được 28 triệu trường hợp bị nhiễm virus.
Trong đó, 5 năm tới sẽ đóng vai trò quyết định trong thành công của chương trình “Fast - Track." Mục tiêu chính là tới năm 2020, số ca nhiễm HIV mới phải giảm còn 500.000, và 10 năm tiếp sau chỉ còn 200.000.
Ngoài ra, một mục tiêu quan trọng khác của dự án là trong 5 năm phải hoàn toàn xóa bỏ thái độ phân biệt và kỳ thị với người có HIV/AIDS.
Tại London, nhân dịp này, một nhóm nghị sỹ liên đảng ở Anh đã cảnh báo việc hàng triệu người có HIV trên thế giới tử vong vì không được tiếp cận thuốc điều trị AIDS, đồng thời kêu gọi Chính phủ Anh, các công ty dược phẩm và các tổ chức đa quốc gia cùng hợp tác để tạo ra các dòng sản phẩm thuốc điều trị AIDS mà mọi bệnh nhân có thể tiếp cận được.
Báo cáo của nhóm nghị sỹ trên nêu rõ nỗ lực toàn cầu để đưa thuốc điều trị AIDS đến với người có HIV ở những nước có thu nhập thấp và trung bình để cứu mạng sống của họ là chưa đủ, một phần do giá thuốc mà các công ty dược phẩm đưa ra quá cao và các nguồn tài trợ bị cắt giảm nhiều.
Nữ nghị sỹ Pamela Nash cho rằng đây là một "thảm kịch thời hiện đại" và là lời cảnh báo khắc nghiệt đối với các chính phủ, trong đó có nước Anh, rằng nếu không gỡ bỏ được những rào cản đối với việc tiếp cận thuốc điều trị AIDS, nhân loại sẽ thất bại trong cuộc chiến kiểm soát và ngăn chặn căn bệnh này.
Theo tổ chức Một chiến dịch (One Campaign), số người được điều trị năm ngoái đã cao hơn số người nhiễm mới, song chi phí 3 tỷ USD mỗi năm cho cuộc chiến chống AIDS là chưa đủ để kiểm soát dịch và thiếu bền vững bởi nguồn đóng góp chính chủ yếu chỉ đến từ ba nước Mỹ, Anh và Pháp.
Thành quả trong cuộc chiến chống AIDS còn rất mong manh và những người có HIV đang tập trung ngày càng tăng vào những đối tượng như người nghiện ma túy, người có quan hệ tình dục đồng giới và người hành nghề mại dâm.
Giúp học viên sớm hòa nhập cộng đồng
Trung tâm Chữa bệnh Giáo dục Lao động và Xã hội tỉnh Kiên Giang (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh), nằm trên địa bàn xã Mỹ Hiệp Sơn, huyện Hòn Đất. Ngoài nhiệm vụ chính là giúp các học viên cai nghiện, Trung tâm còn đẩy mạnh công tác định hướng việc làm và đào tạo nghề cho các học viên đang cai nghiện tại đây. Hơn hết, để giúp các học viên an tâm cai nghiện, học nghề, Trung tâm còn tổ chức các hoạt động văn nghệ, thể thao, góp phần cho học viên có thêm niềm vui, nghị lực để sớm cai nghiện tái hòa nhập cộng đồng.
Trung tâm Chữa bệnh Giáo dục Lao động và Xã hội tỉnh Kiên Giang đang cai nghiện cho trên 110 học viên, trong số đó có những người đang điều trị HIV/AIDS. Theo ông Nguyễn Phi Hùng, Giám đốc Trung tâm Chữa bệnh Giáo dục Lao động và Xã hội Kiên Giang, người cai nghiện duy trì nếp sống hàng ngày như ăn, ngủ, sinh hoạt thường gặp khó khăn do sức khỏe suy giảm, không đáp ứng được yêu cầu công việc. Vì vậy, việc tổ chức các giải thể thao, văn nghệ, dạy nghề, rèn luyện kỹ năng lao động, cũng như ý thức kỷ luật là các điều kiện rất cần thiết.
Ông Nguyễn Thiện Ngưng, cán bộ Phòng giáo dục Trung tâm Chữa bệnh Giáo dục Lao động và xã hội Kiên Giang cho biết, khi vào đây, các học viên phải sống xa gia đình, điều kiện sinh hoạt thay đổi, nên tạo môi trường bổ ích, lành mạnh để họ ổn định tâm lý là điều rất cần thiết, qua đó khuyến khích tinh thần của học viên. Vào các dịp lễ, tết, Trung tâm tổ chức các hoạt động văn nghệ, thể thao với các đơn vị chính quyền, đoàn thể trên địa bàn huyện Hòn Đất.
Ban giám đốc Trung tâm Chữa bệnh Giáo dục Lao động và Xã hội Kiên Giang còn áp dụng nhiều hình thức khen thưởng, khích lệ tinh thần của các học viên. Nhiều trường hợp nhờ chuyển biến tích cực nên được trở về với gia đình sớm hơn thời hạn. Điều đáng nói là những học viên ở Trung tâm, ngoài thời gian lao động, học tập còn được tham gia các lớp đào tạo nghề ngắn hạn để sau khi đoạn tuyệt với “cái chết trắng” trở về với gia đình, họ có thể tìm việc làm, sớm ổn định cuộc sống.
Điện Biên giảm bền vững tỷ lệ nhiễm mới HIV
Những năm gần đây, tình hình dịch bệnh HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh Điện Biên có xu hướng chững lại, đặc biệt là ở các huyện, thị trọng điểm. Trong 10 tháng đầu năm 2014, trên địa bàn tỉnh phát hiện nhiễm mới 291 trường hợp, giảm 155 người so với cùng kỳ năm 2013. Theo ông Hoàng Xuân Chiến - Giám đốc Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh Điện Biên, đây là con số giảm bền vững - kết quả đáng ghi nhận ở một tỉnh có tỷ lệ người nhiễm HIV trên 1 vạn dân cao nhất cả nước như tỉnh Điện Biên.
Điện Biên hiện không còn là tỉnh đứng đầu về tỷ lệ lây nhiễm HIV nữa. Số người nhiễm mới hàng năm đều giảm mạnh, từ năm 2010 mỗi năm toàn tỉnh giảm từ 200 - 300 trường hợp nhiễm mới HIV. Đây là kết quả qua nhiều năm can thiệp HIV/AIDS bằng nhiều hình thức trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, dịch HIV/AIDS đang có xu hướng chuyển dịch về những địa bàn vùng sâu, vùng xa, nơi có mức độ bao phủ các dịch vụ chăm sóc, tư vấn về HIV/AIDS còn thấp và còn nhiều khoảng trống trong việc cung cấp thông tin tới người dân. Ở những địa phương như Mường Chà, Điện Biên Đông, nơi có tỷ lệ người nhiễm HIV ở mức rất cao, nhưng chưa được triển khai nhiều cơ sở tư vấn, điều trị HIV, người nhiễm HIV khó có điều kiện tiếp cận với việc điều trị và tư vấn đề phòng lây nhiễm.
Theo thống kê của Sở Y tế tỉnh Điện Biên, tình hình lây nhiễm HIV qua đường máu trên địa bàn tỉnh đã giảm nhưng vẫn ở mức cao (hơn 42%). Đáng lo ngại là tỷ lệ lây truyền qua đường tình dục lại tăng lên 51% (tăng gần 14% so với năm 2013), cho thấy nhận thức về HIV của người dân, đặc biệt là những địa bàn vùng sâu vùng xa vẫn còn hạn chế. Ở nhiều nơi, người dân, thậm chí là người đang mang trong mình căn bệnh thế kỷ này cũng chưa hiểu “HIV” là gì, do đó cần bao phủ rộng hơn nữa các dịch vụ chăm sóc, tư vấn về HIV/AIDS tại các địa phương để lấp đầy khoảng trống trong tiếp cận điều trị đối với người có “H” và cả việc tư vấn, chăm sóc để người dân tự bảo vệ mình.
Ông Hoàng Xuân Chiến, Giám đốc Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh Điện Biên cho biết: Tuy tình hình nhiễm mới HIV những năm gần đây trên địa bàn tỉnh đã giảm và giảm tương đối bền vững, song nguy cơ tiềm ẩn dịch HIV vẫn còn, đặc biệt là ở những địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới. Nhận thức của người có nguy cơ cao còn hạn chế, nên tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm HIV/AIDS cho cộng đồng trong khi những hoạt động như xét nghiệm, chăm sóc điều trị HIV/AIDS vừa mới được triển khai và chưa được bao phủ ở các địa phương. Thời gian tới, Điện Biên cần các biện pháp can thiệp hiệu quả, đặc biệt là ở những vùng sâu, vùng xa, biên giới để giảm bền vững tỷ lệ lây nhiễm HIV/AIDS.
Với 7.528 trường hợp nhiễm HIV, tỉnh Điện Biên là địa phương có tỷ lệ nhiễm HIV trên 1 vạn dân cao nhất cả nước; 10/10 huyện, thị xã, thành phố và 107/130 xã, phường trong tỉnh có người nhiễm HIV/AIDS. Điện Biên còn là điểm nóng về tình trạng nghiện ma túy với hơn 9.500 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý (tính đến tháng 7-2014), luôn tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm HIV trong cộng đồng. Lãnh đạo Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh Điện Biên cho biết: Tỉnh đang đẩy mạnh các hoạt động can thiệp, giảm hại và chăm sóc điều trị HIV/AIDS, đặc biệt là mở rộng chương trình Methadone. Tỉnh phấn đấu đến năm 2015 cơ bản khống chế được sự lây nhiễm trong nhóm nguy cơ cao, đặc biệt là nhóm tiêm chích ma túy./.
Những gì luật pháp không cấm, người dân được tự do kinh doanh  (01/12/2014)
Những gì luật pháp không cấm, người dân được tự do kinh doanh  (01/12/2014)
TP. Hồ Chí Minh tập trung phòng chống tội phạm dịp Tết Nguyên đán  (01/12/2014)
Bế mạc Hội nghị Cấp cao Pháp ngữ lần thứ 15 tại Senegal  (01/12/2014)
Trên 24,8 triệu lượt hộ nghèo, cận nghèo được vay vốn chính sách  (01/12/2014)
Việt Nam tham gia Hội chợ hàng thủ công mỹ nghệ quốc tế tại Italy  (01/12/2014)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên