Ngân hàng Chính sách Xã hội vừa cho biết sau gần 12 năm hoạt động, ngân hàng này đã đáp ứng vốn cho trên 24,8 triệu lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác, góp phần giúp trên 3,2 triệu hộ nghèo vượt qua ngưỡng nghèo.

Dư nợ tín dụng của ngân hàng cũng đã tăng 18 lần, đạt 126.830 tỷ đồng (tính đến 31-10-2014); tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 29,4%; với gần 7 triệu hộ còn dư nợ, tăng hơn 5 triệu khách hàng so với thời điểm thành lập.

Dư nợ bình quân một khách hàng tăng từ 2,5 triệu đồng lên hơn 18 triệu đồng.

Đáng chú ý, tín dụng ưu đãi đã phát huy được sự đóng góp của các tổ chức chính trị-xã hội và thắt chặt thêm quan hệ tình làng, nghĩa xóm.

Hiện nay có gần 8.000 cán bộ lãnh đạo của các cơ quan quản lý nhà nước và tổ chức chính trị-xã hội tham gia kiêm nhiệm công tác quản trị Ngân hàng Chính sách Xã hội.

Trong mô hình này, các cán bộ lãnh đạo của cơ quan quản lý từ cấp Trung ương cho tới địa phương, phối hợp các tổ chức chính trị-xã hội tham gia vào công tác quản lý, điều hành tại Ngân hàng Chính sách Xã hội.

Mới đây, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 40-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội. Để phát huy vai trò và nâng cao hiệu quả của tín dụng chính sách xã hội, Ban Bí thư yêu cầu tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ đảng, chính quyền đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội. Đồng thời, nâng cao trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị-xã hội trong việc thực hiện tín dụng chính sách xã hội.

Ban Bí thư cũng yêu cầu các đơn vị liên quan tập trung nguồn lực và hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm thực hiện hiệu quả tín dụng chính sách xã hội. Bên cạnh đó, cần nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của Ngân hàng Chính sách Xã hội.

Chỉ thị của Ban Bí thư nhận định trong những năm qua, tín dụng chính sách xã hội do Ngân hàng Chính sách Xã hội thực hiện là một giải pháp sáng tạo, có tính nhân văn sâu sắc và phù hợp với thực tiễn của Việt Nam, góp phần quan trọng thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách, các mục tiêu, nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước đã đề ra về giảm nghèo, tạo việc làm, phát triển nguồn nhân lực, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị và phát triển kinh tế, xã hội theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Tuy nhiên, nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội chưa thực sự ổn định, cơ cấu chưa hợp lý, chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế; chất lượng tín dụng chưa đồng đều. Một số cấp ủy đảng, chính quyền chưa thực sự vào cuộc, chưa quan tâm đúng mức tới hoạt động tín dụng chính sách xã hội.

Theo PGS. TS. Tô Ngọc Hưng, Giám đốc Học viện Ngân hàng, Ngân hàng Chính sách Xã hội là một mô hình tổ chức mang tính đặc thù, phù hợp với đặc điểm địa lý, kinh tế, văn hóa của Việt Nam.

Công tác cho vay người nghèo và các đối tượng chính sách khác đã khai thác và sử dụng hiệu quả được sức mạnh tổng hợp từ các cơ quan quản lý cũng như cá nhân có trình độ chuyên môn, kinh nghiệm trong nhiều lĩnh vực, đồng thời duy trì được bộ máy quản lý, điều hành gọn nhẹ, tiết kiệm chi phí./.