TCCSĐT - Ngày 14-11, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tuyên bố tình trạng khẩn cấp về bệnh bại liệt trẻ em ở Trung Đông.

1. Hội nghị Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu

Hội nghị thường niên của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu diễn ra tại Vác-sa-va (Ba Lan) từ ngày 11-11 đến ngày 22-11-2013. Hội nghị lần này có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy xây dựng một thỏa thuận quốc tế mới mang tính ràng buộc pháp lý về ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu vào năm 2015. Phát biểu tại phiên khai mạc, bà Cri-xti-na Phi-gu-ê-rết (Christina Figueres), Thư ký điều hành Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu, đã lấy phương châm Olympic “nhanh hơn, cao hơn, mạnh mẽ hơn” để thúc giục các nước đẩy nhanh tiến trình đàm phán trên tinh thần tất cả đều có lợi. Đại diện Nhóm G77 và Trung Quốc đã nhấn mạnh tác động tàn phá của siêu bão Hai-yan đối với các nước như Phi-líp-pin, Việt Nam; cho rằng các nước ít chịu trách nhiệm gây ra biến đổi khí hậu lại là những nước bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi tình trạng biến đổi khí hậu. Nhóm G77 và Trung Quốc cũng bày tỏ mong muốn đạt được một kết quả đàm phán công bằng trên các vấn đề giảm thiểu, thích ứng và phương thức thực hiện. Nhóm châu Phi đề xuất một mục tiêu toàn cầu trong lĩnh vực thích ứng với biến đổi khí hậu. Đại diện Liên minh châu Âu (EU) kêu gọi đạt được tiến bộ về những nội dung thực chất của một thỏa thuận mới và cần có khung thời gian triển khai cụ thể. Các nước cũng dành nhiều thời gian thảo luận về những biện pháp tài chính để hỗ trợ thực hiện các cam kết về giảm thiểu khí thải gây hiệu ứng nhà kính, phát triển sạch, chuyển giao công nghệ.

2. Việt Nam trúng cử Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc với số phiếu cao nhất

Sáng ngày 12-11-2013, Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 68 đã tiến hành bỏ phiếu bầu 14 nước thành viên mới của Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2014 - 2016. Với 184 phiếu thuận trên tổng số 192 phiếu, Việt Nam đã trúng cử với số phiếu cao nhất trong số 14 nước thành viên mới và lần đầu tiên trở thành thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc. Việc Việt Nam trở thành thành viên Hội đồng Nhân quyền là sự kiện có ý nghĩa quan trọng đánh dấu bước tiến mới trong nỗ lực triển khai chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, tích cực, chủ động hội nhập quốc tế theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI và Nghị quyết 22 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế. Đây cũng là sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế đối với những thành tựu của Việt Nam trong việc bảo đảm ngày càng tốt hơn các quyền của người dân trên tất cả các lĩnh vực chính trị, xã hội, kinh tế, văn hóa, giáo dục, tôn giáo, tín ngưỡng… Việc Việt Nam trúng cử với số phiếu cao cũng thể hiện vị thế và uy tín ngày càng cao của đất nước trên trường quốc tế. Trong nhiệm kỳ ba năm sắp tới làm thành viên Hội đồng Nhân quyền, Việt Nam sẽ có cơ hội đóng góp trực tiếp một cách xây dựng và trách nhiệm vào công cuộc bảo vệ và thúc đẩy các giá trị quyền con người trên phạm vi toàn thế giới, cũng như có điều kiện chia sẻ và học hỏi những kinh nghiệm tốt từ bạn bè quốc tế nhằm bảo đảm sự thụ hưởng ngày càng tốt hơn các quyền của mỗi người dân Việt Nam.

3. Năm 2013 đối mặt với nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan

Báo cáo thường niên công bố ngày 13-11 của Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) thuộc Liên hợp quốc cho biết, năm 2013 là năm có mức nước biển dâng cao kỷ lục (tháng 3-2013). Tốc độ mực nước biển dâng hiện tại là 3,2mm/năm, cao gấp đôi con số 1,6mm/năm của thế kỷ XX. Tổng Thư ký WMO Mi-sen Gia-rốt (Michel Jarraud) nhận định mực nước biển dâng cao là một trong những nguyên nhân khiến các quốc gia ven biển chịu ảnh hưởng nặng nề bởi các hiện tượng thời tiết cực đoan, tương tự như trường hợp của Phi-líp-pin với hơn 2.000 người thiệt mạng do siêu bão Hai-yan. Cũng theo báo cáo trên, 2013 còn là năm có nhiệt độ cao thứ 10 kể từ khi giới khoa học bắt đầu thu thập các dữ liệu nghiên cứu nhiệt độ toàn cầu vào năm 1850. Nếu tính riêng trong 9 tháng đầu năm nay thì đây là năm nhiệt độ cao thứ bảy. Cụ thể, tính đến tháng 9-2013, nhiệt độ mặt đất và bề mặt đại dương đo được cao hơn 0,48°C so với mức trung bình của giai đoạn 1961 - 1990. Trong đó, mức nhiệt cao nhất được ghi nhận tại Ô-xtrây-li-a, miền Bắc Bắc Mỹ, Đông Bắc Nam Mỹ, Bắc Phi và nhiều khu vực tại đại lục Á - Âu. Trong khi đó, băng ở Bắc Cực tiếp tục tan chảy mặc dù tốc độ giảm nhẹ so với năm 2012. Tuy nhiên, tại Nam Cực, lượng băng lại tăng lên 19,47 triệu km², tăng gần 3% so với giai đoạn 1981 - 2010. Các chuyên gia cho rằng thay đổi trong dòng khí lưu và hải lưu có thể là nguyên nhân của hiện tượng này. Giới chuyên gia cảnh báo nếu loài người không sớm có hành động đối phó với lượng khí thải khổng lồ, thế giới sẽ không tránh được việc phải đối mặt với những thảm họa nghiêm trọng bao gồm siêu bão, khan hiếm nước, nhiều loài động vật tuyệt chủng, hạn hán, biển xâm lấn đất và dịch bệnh.

4. Báo động tình trạng trẻ em bại liệt ở Trung Đông

 

Em bé người Xy-ri nghi bị bệnh bại liệt trong trại tị nạn ở miền Nam Li-băng. Ảnh: Reuters/TTXVN

Ngày 14-11, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tuyên bố tình trạng khẩn cấp về bệnh bại liệt trẻ em ở Trung Đông. Tuyên bố này được đưa ra sau thông báo hồi cuối tuần qua về việc WHO và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) đang thực hiện chiến dịch phối hợp quy mô lớn nhằm tiêm chủng ngừa bại liệt cho khoảng 22 triệu trẻ em ở Xy-ri và sáu nước Trung Đông khác. WHO cho biết, 21 quốc gia Trung Đông đã đặt ưu tiên khẩn cấp cho các chiến dịch tiêm chủng phòng bại liệt ở trẻ em, đồng thời hối thúc những nước lân cận thực hiện tương tự. Các nước tham gia chiến dịch khẩn cấp chủ yếu tìm cách tiêm chủng cho trẻ dưới năm tuổi, do độ tuổi này chiếm khoảng 99% tất cả các ca nhiễm bệnh trong vòng 25 năm qua. Tình trạng bùng phát của căn bệnh này ở Trung Đông đang làm dấy lên lo ngại bệnh dịch có thể sớm lan sang châu Âu. Trong suốt hai tuần qua, UNICEF đã cố gắng ngăn dịch bệnh lây lan ở Xy-ri sau khi 13 trường hợp được xác nhận mắc bệnh. Vi-rút bại liệt được cho là bắt nguồn từ Pa-ki-xtan, một trong số những quốc gia mà bệnh bại liệt trẻ em vẫn hoành hành trong những năm gần đây. Tuy nhiên, Xy-ri hiện bị xem là nước có nguy cơ cao nhất, do tình trạng nội chiến khiến các hệ thống chăm sóc sức khỏe sụp đổ, người dân di tản ồ ạt, thiếu vệ sinh và không được tiếp cận với vắc-xin. Ngoài Xy-ri, vi-rút bại liệt trẻ em còn được phát hiện tại Ai Cập, Pa-le-xtin và I-xra-en trong những tháng gần đây.

5. ASEAN cam kết thúc đẩy chuyển đổi kinh tế dựa trên công nghệ truyền thông

Ngày 15-11-2013, Hội nghị Bộ trưởng Viễn thông và Công nghệ Thông tin của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á lần thứ 13 (ASEAN - TELMIN) đã kết thúc thành công với việc thông qua Tuyên bố Xin-ga-po. Phát biểu tại buổi họp báo, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Xin-ga-po, Gia-cốp I-bra-him (Yaacob Ibrahim) cho biết, Tuyên bố Xin-ga-po tái khẳng định cam kết của các nước thành viên ASEAN trong việc thúc đẩy chuyển đổi kinh tế dựa trên thông tin và công nghệ truyền thông với sự tham dự của người dân và hoạt động sáng tạo nhằm phát triển kết cấu hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực và kết nối công nghệ số. Tuyên bố Xin-ga-po cũng đề cập những hoạt động ưu tiên trong việc thực hiện Kế hoạch tổng thể về phát triển công nghệ thông tin trong ASEAN hướng đến thành lập Cộng đồng chung vào năm 2015 (AIM2015) trên cơ sở nhận thức rằng thông tin và công nghệ truyền thông là công cụ giúp ASEAN đạt mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập. Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Xin-ga-po cũng cho biết ASEAN -TELMIN13 đã hoàn thành rà soát giữa kỳ Kế hoạch tổng thể về phát triển công nghệ thông tin trong ASEAN. Ông cho biết, vào thời điểm này, hai phần ba nhiệm vụ đề ra trong Kế hoạch tổng thể đã hoàn thành và các bộ trưởng cam kết tiếp tục thực hiện theo lộ trình để bảo đảm thực hiện AIM2015 đúng thời hạn vào năm 2015.

6. Phi-líp-pin tăng cường ổn định an ninh sau siêu bão Hai-yan

Ngày 17-11-2013, đã có thêm nhiều binh sĩ và cảnh sát được điều động đến thành phố Tác-lô-ban, miền Trung Phi-líp-pin, nơi siêu bão Hai-yan tàn phá cách đây một tuần, để ổn định an ninh. Ngoài ra, do khâu tổ chức thiếu hiệu quả, hầu hết các nạn nhân đều không biết thông tin về việc tái định cư cũng như những địa điểm tạm trú. Việc phân phối công bằng các nhu yếu phẩm cũng rất khó khăn. Trước đó, ngày 16-11, Ngoại trưởng I-ta-li-a Em-ma Bo-ni-nô (Emma Bonino) cho hay, I-ta-li-a đã gây quỹ được 1,1 triệu ơ-rô (tương đương 1,5 triệu USD) viện trợ cho Phi-líp-pin, trong khi dịch vụ bưu chính nước này sẽ cho phép tiền gửi về Phi-líp-pin không mất phí trong 4 tháng. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Phi-líp-pin Ra-un Hơ-nan-đét (Raul Hernandez) cho biết, các nguồn tài trợ đến từ 43 quốc gia và các tổ chức quốc tế. Cho đến nay, Mỹ là nước đóng góp lớn nhất vào nỗ lực chung khi điều một nhóm 8 tàu sân bay do tàu USS George Washington dẫn đầu tới Phi-líp-pin. Bên cạnh đó, Nhật Bản đã tăng gấp ba gói cứu trợ khẩn cấp lên hơn 30 triệu USD và đang chuẩn bị gửi 1.000 binh sĩ đến giúp các nỗ lực cứu trợ. Ô-xtrây-li-a cũng đã điều ba máy bay vận tải C-130 Hercules, tàu đổ bộ HMAS Tobruk cũng đang được chuyển hướng đến Phi-líp-pin. Các máy bay C-130 khác cũng đang được các quốc gia như Ấn Độ, In-đô-nê-xi-a, Nhật Bản, Ma-lai-xi-a, Niu Di-lân, Xin-ga-po, Hàn Quốc, Thụy Điển, Thái Lan, và vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc), cũng như các cơ quan Liên hợp quốc và các tổ chức từ thiện tư nhân triển khai./.