Tuần tin cải cách hành chính từ ngày 11 đến ngày 17-11-2013
Sáng 13-11, tại Hà Nội, Quốc hội đã phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ nhiệm 2 Phó Thủ tướng Chính phủ là đồng chí Vũ Đức Đam và đồng chí Phạm Bình Minh.
Quốc hội phê chuẩn đề nghị bổ nhiệm đồng chí Nguyễn Văn Nên làm Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ.
Quốc hội cũng phê chuẩn đề nghị miễn nhiệm chức vụ Phó Thủ tướng Chính phủ đối với đồng chí Nguyễn Thiện Nhân; miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ đối với đồng chí Vũ Đức Đam.
Về dự toán ngân sách nhà nước năm 2014, tổng số thu cân đối ngân sách nhà nước là 782.700 tỷ đồng; tổng số chi cân đối ngân sách nhà nước là 1.006.700 tỷ đồng. Mức bội chi ngân sách nhà nước là 224.000 tỷ đồng, tương đương 5,3% tổng sản phẩm trong nước (GDP).
Trong lĩnh vực chi ngân sách, Quốc hội yêu cầu Chính phủ triệt để tiết kiệm chi cho bộ máy quản lý nhà nước, sự nghiệp công. Đồng thời, phải thực hiện tinh giản biên chế gắn với cơ chế khoán chi và bố trí kinh phí theo hiệu quả công việc; cắt giảm tối đa kinh phí tổ chức hội nghị, hội thảo, chi công tác nước ngoài, chi cho hoạt động lễ hội, lễ kỷ niệm, khởi công, khánh thành, tổng kết và các khoản chi chưa cần thiết khác; không mua xe công (trừ xe chuyên dùng theo quy định của pháp luật); quản lý chặt chẽ để hạn chế tối đa chi chuyển nguồn.
Triển khai hệ thống thông tin quản lý văn bản tích hợp cho các cơ quan Chính phủ
Thủ tướng Chính phủ đồng ý triển khai thực hiện dự án "Phát triển hệ thống thông tin quản lý văn bản tích hợp trong toàn quốc cho các cơ quan Chính phủ (e-Doc)" theo hình thức hợp tác Nhà nước - Doanh nghiệp.
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Thông tin và Truyền thông làm việc, thống nhất với doanh nghiệp được lựa chọn thực hiện Dự án về mức cước thanh toán sử dụng dịch vụ theo hình thức trả cước tập trung; bảo đảm việc triển khai hệ thống e-Doc hiệu quả, tiết kiệm hơn so với việc gửi văn bản giấy hiện hành.
Từ tháng 1-2014: Sẽ có 1.000 doanh nghiệp thí điểm nộp thuế điện tử
Nhằm thực hiện cải cách hành chính ngành Thuế, Tổng cục Thuế triển khai dự án nộp thuế điện tử, giai đoạn thí điểm sẽ bắt đầu từ tháng 01-2014, với sự tham gia của tối thiểu 1.000 doanh nghiệp tại 3 địa phương đang thực hiện khai thuế qua mạng gồm Hà Nội, Bắc Ninh và Vĩnh Phúc.
Theo đó, người nộp thuế chỉ cần truy cập trực tiếp vào Cổng nộp thuế điện tử của ngành Thuế để lập Giấy nộp tiền vào ngân sách nhà nước và tự động gửi tới ngân hàng thương mại xử lý.
Kết quả nộp thuế được cơ quan thuế trực tiếp nhận từ ngân hàng thương mại, rồi xác nhận và phản hồi cho người nộp thuế, qua đó, cơ quan thuế có thể nắm bắt kịp thời, chính xác thông tin về người nộp, đồng thời hỗ trợ người nộp thuế kiểm soát và hạn chế rủi ro.
Dự thảo Luật Hải quan (sửa đổi): Áp dụng phổ biến hải quan điện tử
Trong bối cảnh phát triển nhanh của nền kinh tế, hội nhập quốc tế, dự kiến đến năm 2020 kim ngạch xuất nhập khẩu đạt trên 400 tỷ USD, số lượng tờ khai hải quan đạt trên 10 triệu tờ khai thì việc thông quan hàng hóa của ngành Hải quan đòi hỏi phải có những thay đổi cơ bản để đáp ứng.
Vì vậy, việc sửa đổi Luật Hải quan sẽ tạo hành lang pháp lý cho hiện đại hóa hoạt động hải quan, áp dụng phổ biến hải quan điện tử, đáp ứng tốt hơn yêu cầu của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN.
Cụ thể, Dự thảo Luật Hải quan (sửa đổi) quy định: “Khai hải quan được thực hiện theo phương thức điện tử…”; việc khai trong tờ khai giấy chỉ áp dụng đối với một số trường hợp cụ thể do Chính phủ quy định.
Việc kiểm tra hồ sơ hải quan được cơ bản thực hiện thông qua hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan hoặc đối với một số trường hợp cụ thể được thực hiện trực tiếp bởi công chức hải quan.
Hỗ trợ doanh nghiệp: Tạo động lực tăng trưởng bền vững
Trong xu thế quyết tâm cải thiện chỉ số về năng lực cạnh tranh của lãnh đạo TP. Hà Nội, các sở, ngành đang tích cực triển khai nhiều biện pháp nhằm tập trung hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn khắc phục khó khăn, từng bước hồi phục để tăng trưởng trở lại.
Thành phố đã chỉ đạo các ngành chức năng thường xuyên rà soát cơ chế, chính sách và gặp gỡ doanh nghiệp để nắm tình hình, sẵn sàng tháo gỡ những vướng mắc nảy sinh. Trong đó, riêng Sở Công Thương đã, đang thực hiện hàng loạt động thái nhằm duy trì mục tiêu khuyến công. Mới đây, Sở lập đoàn khảo sát, thu thập thông tin thực tế tại 75 doanh nghiệp, từ đó tổng hợp, thống nhất nội dung về tình hình doanh nghiệp, tập trung vào những vướng mắc, khó khăn, báo cáo thành phố chỉ đạo, tháo gỡ. Bên cạnh đó, các sở, ngành như Sở Kế hoạch và Đầu tư, Thuế, Hải quan… cũng duy trì các hoạt động tiếp xúc, đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp.
Chính quyền thành phố đang thể hiện quyết tâm cao trong việc đẩy mạnh quá trình cải cách hành chính, hướng tới sự cải thiện cơ bản về thứ hạng trong bảng xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). UBND TP. Hà Nội đã ký văn bản hợp tác với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), phối hợp chặt chẽ và tìm biện pháp phù hợp để tập trung nâng cao PCI của Hà Nội; thường xuyên cung cấp thông tin thị trường, quảng bá tiềm năng và nhu cầu hợp tác cho doanh nghiệp trên địa bàn. Hai bên sẽ duy trì các cuộc gặp định kỳ, trao đổi thông tin, tham vấn tìm thị trường và phát hiện, tiếp nhận chuyển giao công nghệ mới cho doanh nghiệp…
Thời gian tới, Thành phố tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, hỗ trợ doanh nghiệp cũng như chủ động mở rộng liên kết với các tỉnh, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động ổn định, hướng tới sự phục hồi mạnh hơn trong những tháng cuối năm cũng như tạo nền tảng cho năm sau.
Bà Rịa - Vũng Tàu: Môi trường tiếp xúc với người dân, doanh nghiệp được cải thiện
Thời gian qua, cải cách hành chính được tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Các văn bản chỉ đạo, triển khai, hướng dẫn được ban hành kịp thời, làm cơ sở để các sở, ngành thực hiện; công tác kiểm tra, đôn đốc được triển khai thường xuyên.
Trong năm 2013, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành 45 quyết định công bố thủ tục hành chính từ cấp tỉnh đến cấp xã. Hiện trên địa bàn tỉnh có 1.569 thủ tục hành chính áp dụng cho 3 cấp. Sau khi triển khai, các cơ quan, đơn vị đã chấp hành đúng quy trình, thời gian giải quyết theo quy định.
Chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức từng bước được nâng lên. Các thủ tục hành chính thường xuyên được sà soát, môi trường tiếp xúc với người dân, doanh nghiệp được cải thiện. Đến nay, 100% cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, đơn vị hành chính cấp huyện, UBND cấp xã được đầu tư trang thiết bị tin học, xây dựng hệ thống mạng nội bộ thông suốt để phục vụ cho giải quyết công việc; 21/22 đơn vị hành chính cấp tỉnh và 8/8 huyện, thành phố có trang thông tin điện tử. Các trang thông tin này đã hoặc đang được nâng cấp, đáp ứng yêu cầu cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và mức độ 4. Tính đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn tỉnh có 2.574 thủ tục cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Bà Rịa - Vũng Tàu có 8/8 huyện, thành phố, 82/82 xã, phường, thị trấn có ứng dụng công nghệ thông tin trong tiếp nhận, giải quyết hồ sơ hành chính, thực hiện cơ chế một cửa liên thông.
“Bỏ” giấy phép mẹ, “đẻ” giấy phép con
Thực hiện Quyết định số 93/2007QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, các cấp, các ngành đã triển khai cơ chế “một cửa” “một cửa liên thông” ra tất cả các công việc có liên quan trực tiếp đến tổ chức, công dân.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Chính phủ thì công cuộc cải cách hành chính chưa đạt được kết quả mong muốn, vẫn còn nhiều thủ tục hành chính, “giấy phép con” (theo thống kê sơ bộ còn gần 400 loại giấy tờ) gây khó khăn, phiền hà cho công dân, tổ chức cần phải bãi bỏ. Xuất hiện tình trạng bất hợp lý là bỏ được loại giấy phép này thì cũng xuất hiện giấy phép khác; “bỏ” giấy phép mẹ thì sẽ “đẻ” giấy phép con, giấy phép cháu...
Do đó, biện pháp hiệu quả, cấp bách nhất hiện nay trong cải cách thủ tục hành chính là kiểm soát chặt chẽ việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật. Nếu kiểm soát tốt việc ban hành văn bản pháp luật sẽ hạn chế tối đa việc ban hành các thủ tục hành chính gây ảnh hưởng đến cá nhân, tổ chức./.
Để chất lượng công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo của công dân ngày được nâng cao  (19/11/2013)
Kiên trì thực hiện triết lý phát triển giáo dục Việt Nam theo tư tưởng Hồ Chí Minh  (19/11/2013)
Kiên trì thực hiện triết lý phát triển giáo dục Việt Nam theo tư tưởng Hồ Chí Minh  (19/11/2013)
Tạo cú “hích” để Phú Quốc thành đặc khu kinh tế quan trọng  (19/11/2013)
ANMC21: Điểm nhấn quy hoạch và năng lượng đô thị  (19/11/2013)
- Kinh nghiệm quản lý thị trường vàng của một số quốc gia và hàm ý chính sách cho Việt Nam
- Thu hút trí thức người Việt Nam ở nước ngoài cho phát triển nguồn nhân lực khoa học - công nghệ
- Chiến lược triển khai quyền chỉ huy, kiểm soát biển của Mỹ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương và một số tác động
- Một số chính sách lớn nhằm nâng cao hiệu quả ứng phó, giải quyết các vấn đề an ninh phi truyền thống, an ninh mạng ở Việt Nam hiện nay
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên