Cục diện mới trong tương quan cũ

Phan Lang
00:08, ngày 10-10-2013
TCCSĐT- Cuối tháng 9 vừa qua, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã thông qua Nghị quyết số 2118 về tiêu huỷ vũ khí hóa học ở Xy-ri. Sự kiện này được dư luận quan tâm và đánh giá cao về nhiều phương diện.
Lần đầu tiên kể từ gần hai năm rưỡi nay, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc mới có được sự nhất trí về một nghị quyết liên quan đến diễn biến tình hình chính trị an ninh ở Xy-ri. Sự khai thông những bế tắc, đặc biệt là các bất đồng quan điểm giữa Mỹ và Nga, có ý nghĩa đột phá, mở ra cục diện mới ở Xy-ri và những vấn đề liên quan đến quốc gia này.

Nghị quyết này chỉ xử lý vấn đề vũ khí hóa học ở Xy-ri chứ chưa nhằm vào xử lý toàn bộ tình hình chính trị an ninh ở quốc gia, nhưng trong thực chất nó lại xác định tiêu chí, phạm vi và mức độ đối tác bên ngoài có thể can thiệp vào Xy-ri. Cụ thể là Liên hợp quốc sẽ chủ trì việc tiêu huỷ kho vũ khí hóa học ở Xy-ri. Điều đó có thể hiểu rộng hơn chứ không chỉ liên quan đến tình hình Xy-ri, có nghĩa là Liên hợp quốc sẽ không để cho bất cứ ai có thể tuỳ tiện sử dụng vũ khí hóa học. Nghị quyết này đã lên án việc sử dụng vũ khí hóa học ngày 21-8 vừa qua ở ngoại ô thủ đô Đa-mát của Xy-ri, buộc tất cả các bên ở Xy-ri, phải tuân thủ những điều khoản trong nghị quyết và cảnh báo sẽ tính đến những biện pháp mạnh mẽ hơn, kể cả về quân sự, trong trường hợp nghị quyết không được tuân thủ và thực thi đầy đủ.

Mỹ và phương Tây đã phải nhượng bộ Nga ở hai điểm rất cơ bản trong Nghị quyết này là không coi Chính phủ Xy-ri đã sử dụng vũ khí hóa học ngày 21-8 vừa qua và bên ngoài không được tự khắc tấn công quân sự Xy-ri trong trường hợp Chính phủ Xy-ri không tuân thủ nghị quyết mà khi đó sẽ bàn thảo lại trong Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Cái được của Mỹ và phương Tây với nghị quyết này là có được cơ chế, quy trình và lộ trình giải quyết vấn đề vũ khí hóa học ở Xy-ri, nhờ đó họ không buộc phải tấn công quân sự Xy-ri như đã dọa mà không bị mất thể diện, thoát ra khỏi tình thế khó xử cả về chính trị lẫn quân sự, an ninh, nhưng trên danh nghĩa vẫn bám giữ được vào sự răn đe Chính phủ Xy-ri.

Nghị quyết này đề cao vai trò của Liên hợp quốc và làm nổi bật vị thế của Nga so với Mỹ, đồng thời tạo điều kiện cho phía Chính phủ Xy-ri xử lý linh hoạt cả khía cạnh bên trong lẫn bên ngoài của vấn đề Xy-ri. Nếu khôn khéo và thực dụng, Chính phủ Xy-ri vừa có thể ngăn cản hoặc ít nhất cũng hạn chế được sự can thiệp quân sự trực tiếp của Mỹ và một vài đồng minh khác, đồng thời vẫn duy trì được những ưu thế và lợi thế hiện có so với lực lượng chống đối chính phủ.

Liên quan đến vấn đề Xy-ri, sự phân bè, chia phái sau Nghị quyết này của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc không khác trước, sự xung khắc lợi ích của các đối tác bên ngoài và tính đối kháng giữa các đối tác bên trong chưa thay đổi. Nhưng rõ ràng là cục diện đã chuyển biến. Chuyện trung tâm nhất và thời sự nhất trong vấn đề này bây giờ không còn là chiến sự giữa hai phe ở Xy-ri mà là vấn đề vũ khí hóa học ở Xy-ri. Sự can dự trực tiếp của Liên hợp quốc, vai trò và cơ chế dàn xếp tay đôi giữa Mỹ và Nga cũng như cơ hội tham gia tác động vào giải pháp của Chính phủ Xy-ri không chỉ làm phe chống đối Chính phủ ở Xy-ri suy yếu về nhiều phương diện mà còn tạo ra nền tảng cũng như bầu không khí chính trị mới cho quan hệ giữa Chính phủ Xy-ri với Mỹ và phương Tây.

Việc giải quyết vấn đề vũ khí hóa học ở Xy-ri đồng thời là phép thử đối với tất cả các bên liên quan trực tiếp cũng như gián tiếp, bên trong cũng như bên ngoài về thiện chí và thực chất của họ cho việc giải quyết toàn bộ vấn đề Xy-ri bằng biện pháp chính trị ngoại giao. Được nhiều hay mất đối với Mỹ, Nga và Chính phủ Xy-ri bây giờ phụ thuộc vào việc từng bên và cả ba hợp tác với nhau thực hiện Nghị quyết này./.