Cách tiếp cận mới của Nga ở Trung Đông

Nguyễn Nhâm
00:08, ngày 10-10-2013
TCCSĐT - “Chủ động tiến công” là thuật ngữ trong chiến lược Trung Đông của Nga kể từ khi ông V. Pu-tin trở thành Tổng thống. Trong thời gian dài do hạn chế về tiềm lực kinh tế so với phương Tây nên phương châm chiến lược nêu trên thể hiện không được rõ nét. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây người ta đã nhận thấy đang có bước chuyển quan trọng trong chính sách đối ngoại của Nga, nhất là cách tiếp cận mới trong việc giải quyết các “điểm nóng” ở Trung Đông.
Tạo bước đột phá

Trong cuộc khủng hoảng Xy-ri, Nga luôn kiên trì ủng hộ nước này trên cơ sở luật pháp quốc tế và phủ quyết các nghị quyết sai trái về Xy-ri do Mỹ và phương Tây soạn thảo nhưng giờ đây Mát-xcơ-va đã chuyển sang thế “tiến công” ngoại giao, với việc chủ động đưa ra kế hoạch đẩy lui cuộc tấn công quân sự đang cận kề do Mỹ phát động, bằng cách thuyết phục Đa-mát chấp nhận đặt các kho vũ khí hóa học của nước này dưới quyền kiểm soát quốc tế. Trước đó, hồi tháng 2-2013, trong cuộc họp của Hội đồng An ninh Nga, Tổng thống Nga Vla-đi-mia Pu-tin tuyên bố: “Nga đang và sẽ thực hiện một chính sách đối ngoại tích cực và xây dựng nhằm tăng cường vị thế, uy tín và trách nhiệm của Nga trên trường quốc tế”.

Nhà phân tích Cô-nô-va-lốp (Conovalov) cho rằng, Nga quan ngại cuộc chiến lan rộng ra khu vực tiếp giáp với đường biên giới Nga vì vậy kế hoạch đặt các vũ khí hóa học Xy-ri vào tầm kiểm soát quốc tế thực sự là một tình huống đôi bên cùng có lợi, khiến “các bên đều thoát khỏi bế tắc và giữ thể diện về chính trị”. Biên tập viên tạp chí Nước Nga, Lu-ki-a-nốp (Lukyanov) tin rằng “nước Nga đã nhìn thấy một cơ hội cho chiến thắng ngoại giao bởi kế hoạch về vũ khí hóa học của nước này mang lại cho tất cả các bên một điều gì đó”. Người Mỹ có thể tự nhận rằng, áp lực của họ lên Chính phủ của Tổng thống Xy-ri Ba-xa An Át-xát, cũng như các đe dọa của họ đã cho kết quả. Phía Nga có thể tuyên bố họ đã ngăn chặn được một cuộc chiến tranh”. Còn Tổng thống Xy-ri Ba-xa An Át-xát “có thể nói rằng, ông đã tránh được viễn cảnh tồi tệ nhất”.

Thỏa thuận Nga - Mỹ ngày 15-9, được dư luận quốc tế đánh giá là bước đột phá quan trọng trong giải quyết vấn đề Trung Đông, ngăn chặn cuộc tấn công bằng hỏa lực vào Xy-ri do Mỹ khởi xướng.

Loại trừ áp lực quân sự của Mỹ


Ngày 27-9-2013, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc gồm toàn bộ 15 thành viên đã thảo luận và thông qua nghị quyết về Xy-ri do Mỹ, Nga, Anh, Pháp, Trung Quốc nhất trí. Trước đó, Tổ chức Cấm Vũ khí hóa học (OPCW) tại Ha-gơ (Hague) (Hà Lan), cơ quan giám sát vũ khí hóa học thế giới đã thông qua kế hoạch giải trừ vũ khí hóa học đối với Xy-ri. Nghị quyết yêu cầu Xy-ri phải từ bỏ vũ khí hóa học, đây là một thành công sau nhiều ngày đàm phán. Điều quan trọng nhất trong thỏa hiệp Nga - phương Tây là cách thực thi nghị quyết loại bỏ chương trình vũ khí hóa học của Xy-ri và hội nghị hòa bình về Xy-ri vào tháng 11 tới.

Tính pháp lý được thể hiện rõ nét ở việc quy định nếu Xy-ri không tuân thủ các điều khoản, thì Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc sẽ áp dụng các biện pháp mạnh nhất theo Chương VII của Hiến chương Liên hợp quốc (bao gồm cả cấm vận kinh tế và hành động quân sự), nhưng đều phải thông qua Hội đồng Bảo an quyết định.

Nghị quyết được thông qua đã loại trừ đòi hỏi phi lý của phương Tây về điều khoản tự động trừng phạt nếu Xy-ri không tuân thủ Nghị quyết. Điều đó mặc nhiên vô hiệu hóa đối với lời lẽ đe dọa và hô hào tấn công Xy-ri của Tổng thống Mỹ Ba-rắc Ô-ba-ma và một số nước phương Tây như mấy tuần trước đây.

Phát biểu trước báo giới sau cuộc gặp Nga - Mỹ, Ngoại trưởng Mỹ Giôn Ke-ry nói: Chúng tôi đã có buổi gặp gỡ mang tính xây dựng... nhưng còn rất nhiều việc phải làm. Nghị quyết về Xy-ri là một cột mốc lớn của Liên hợp quốc sau nhiều năm thảo luận ở Hội đồng Bảo an về cuộc nội chiến Xy-ri mà phần lớn không đưa ra được giải pháp nào. Giờ đây, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã nhất trí một điều khoản trong nghị quyết rằng, việc sử dụng vũ khí hóa học ở bất kỳ đâu đều cấu thành một đe dọa tới hòa bình và an ninh quốc tế.

Gắn vấn đề vũ khí hóa học và hạt nhân


Ngày 19-9 phát biểu tại Câu lạc bộ quốc tế “Vai-đa”, tỉnh Nô-vô-gô-rốp (Nga), Tổng thống Nga Vla-đi-mia Pu-tin đã có bài phát biểu được giới phân tích cho rằng, đây cũng là cách tiếp cận mới - đòn “tiến công” mới nữa trên “chiến trường” Trung Đông, khi cho rằng: giải trừ vũ khí hủy diệt hàng loạt là một vấn đề cốt yếu, và theo ông V. Pu-tin, “I-xra-en sẽ cần phải chấp thuận rũ bỏ vũ khí hạt nhân của mình, cũng giống như Xy-ri giải trừ vũ khí hóa học”.

Ông Vi-ta-ly Nâu-kin (Vitaly Nokin) thành viên của Viện Khoa học Nga giải thích: Tổng thống Vla-đi-mia Pu-tin mong muốn Trung Đông không còn vũ khí hủy diệt hàng loạt. Đó là ý tưởng cũ mà Nga theo đuổi nhiều năm. Nga coi đây là cách hữu hiệu để bảo đảm hòa bình và ổn định ở khu vực”. Còn cựu Đại sứ I-xra-en tại Nga, Ê-li Mác-gên - hiện là nhà nghiên cứu cấp cao của Viện nghiên cứu An ninh quốc gia Nga cho rằng: “Nga đang lôi kéo vấn đề hạt nhân I-xra-en vào các cuộc thương lượng Trung Đông”, và “có lẽ đây là bước ngoặt trong cách tiếp cận của Nga với I-xra-en”.

Giới phân tích cho rằng, cách tiếp cận mới của Nga ở Trung Đông có thể sẽ tiếp tục được thể hiện ở cả việc giải quyết vấn đề hạt nhân gây tranh cãi của I-ran. Ngoại trưởng I-ran Mô-ha-mét Gia-va Da-ríp (Mohammad Javad Zarif) tỏ ra lạc quan sau cuộc gặp hiếm hoi “riêng biệt và mang tính xây dựng” tại Liên hợp quốc giữa Mỹ và I-ran có đại diện của các cường quốc tham dự. Đây cũng là cuộc gặp riêng cấp cao nhất lần đầu tiên của Mỹ và I-ran trong hơn 30 năm qua.

Như vậy, với cách tiếp cận mới, Nga đã thực sự mang tính “chủ động tiến công” trên chiến trường ngoại giao ở Trung Đông, gắn vấn đề vũ khí hóa học ở Xy-ri với những vấn đề khác của khu vực, bao gồm cả vấn đề hạt nhân của I-xra-en và I-ran. Vì thế, dư luận đang kỳ vọng vào những bước đột phá mới cho giải quyết hòa bình ổn định ở khu vực Trung Đông, vốn đã chịu nhiều đau khổ, tang thương./.