Những sự kiện quốc tế đáng chú ý trong tuần (từ ngày 23-9 đến ngày 29-9-2013)
TCCSĐT - Sáng 29-9-2013, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Phu nhân cùng đoàn Đại biểu cấp cao Việt Nam đã về tới Hà Nội, kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Cộng hòa Pháp và tham dự Phiên thảo luận cấp cao Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 68 tại Niu Oóc (Hoa Kỳ).
1. Thủ tướng A. Mác-ken tái đắc cử
Tái đắc cử Thủ tướng Đức, bà A. Mác-ken được mệnh danh là “Ma-ga-rét Thát-chơ (Margaret Thatcher) của Đức. Ảnh: guardian.com
Ngày 23-9-2013, Cơ quan bầu cử liên bang Đức thông báo đã hoàn tất việc kiểm phiếu tại toàn bộ 299 khu vực bầu cử, theo đó liên minh Dân chủ/Xã hội Cơ đốc giáo (CDU/CSU) của đương kim Thủ tướng A. Mác-ken (A. Merkel) đã giành được số phiếu cao nhất với tỷ lệ 41,5%, tiếp sau là Đảng Dân chủ Xã hội (SPD) được 25,7%, Đảng Cánh tả 8,6% và Đảng Xanh 8,4%. Với kết quả trên, CDU/CSU chiếm 311 trong tổng số 630 ghế của Quốc hội Đức, không hội đủ đa số tuyệt đối nên CDU/CSU vẫn phải tìm đối tác liên minh để cầm quyền. Số ghế của các Đảng SPD, Đảng Cánh tả, Đảng Xanh lần lượt là 192, 64 và 63 ghế. Như vậy, về lý thuyết có 3 khả năng thành lập chính phủ liên minh mới ở Đức: liên minh giữa CDU/CSU với Đảng Xanh, liên minh CDU/CSU với Đảng SPD (đại liên minh) và liên minh giữa SPD, Đảng Xanh và Đảng Cánh tả. Khả năng thứ ba được cho là khá thấp do ứng cử viên Thủ tướng của SPD Pê-ơ Xtai-bruých (Peer Steinbrück) đã bác bỏ việc liên minh với Đảng Cánh tả. Ngay sau khi liên minh CDU/CSU của bà A. Mác-ken về nhất trong cuộc tổng tuyển cử, các nhà lãnh đạo châu Âu đã gửi lời chúc mừng tới bà trong khi báo chí thế giới đánh giá đây là thắng lợi “có ý nghĩa lịch sử” đối với nữ chính trị gia này. Dù đôi lúc bất đồng với bà A. Mác-ken về chính sách “thắt lưng buộc bụng” cứng rắn ở châu Âu, nhưng Tổng thống Pháp Ph. Ô-lăng-đơ (F. Hollande) là nhà lãnh đạo châu Âu đầu tiên gọi điện chúc mừng Thủ tướng A. Mác-ken. Thông báo của Phủ Tổng thống Pháp cho biết trong cuộc điện đàm, hai nhà lãnh đạo Pháp và Đức tỏ ý sẵn sàng tiếp tục hợp tác chặt chẽ để giải quyết các thách thức lớn đối với dự án châu Âu. Ông Ph. Ô-lăng-đơ đã mời bà A. Mác-ken sang thăm Pháp sau khi Chính phủ mới của bà được thành lập. Thủ tướng Anh Đ. Ca-mơ-rôn (D. Cameron) sử dụng trang mạng Twitter để gửi những lời chúc mừng tốt đẹp nhất đến bà A. Mác-ken và tỏ ý tiếp tục hợp tác chặt chẽ với người đứng đầu Chính phủ Đức. Tờ Thời báo Niu Oóc của Mỹ cho rằng bà A. Mác-ken đã giành được chiến thắng xứng đáng với vai trò lãnh đạo của mình. Theo Nhật báo Điện tín của Anh, với việc sẽ giữ chức thủ tướng nhiệm kỳ thứ ba, bà A. Mác-ken được mệnh danh là “Ma-ga-rét Thát-chơ (Margaret Thatcher) của Đức”.
2. Sản xuất năng lượng nguyên tử thế giới tăng gấp 3 lần năm 2050
Ngày 24-9-2013, Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) đã công bố báo cáo thường niên, trong đó dự báo đến năm 2050, sản xuất năng lượng nguyên tử trên thế giới sẽ tăng gấp 3 lần nhờ đầu tư công nghệ mới. Các điểm tăng trưởng chủ yếu nằm ở châu Á, trong đó có Trung Quốc và Hàn Quốc. Sản xuất năng lượng nguyên tử tại khu vực này có thể tăng từ 2 đến 5 lần, đạt hơn 400GW vào năm 2050, từ mức 83GW năm 2012. Ngược lại, dự báo cho khu vực châu Âu vẫn dè dặt. Kể cả trong kịch bản lạc quan thì các nhà máy điện nguyên tử tại Tây Âu cũng chỉ giúp tăng nhẹ sản lượng của khu vực này từ 114 lên 137GW trong giai đoạn trên, còn với kịch bản bi quan, sản lượng sẽ bị thu hẹp xuống còn 33GW, chiếm 2% tổng sản lượng điện trong cả châu lục. Theo số liệu của IAEA, năm ngoái, các nhà máy điện nguyên tử sản xuất ra 373GW hay 7% tổng sản lượng 5,3 nghìn GW điện năng toàn thế giới. Tuy nhiên, con số này sẽ dần bị thu nhỏ. Theo các chuyên gia IAEA, nguyên nhân là do giá khí đốt rẻ cũng như xu hướng nhân rộng các nguồn năng lượng tái tạo tại các nước phát triển. Các công nghệ khai thác khí đốt mới như từ đá phiến sét hay dùng phương pháp phá vỡ vỉa cũng là nguy cơ đe dọa nhất định đến phát triển năng lượng nguyên tử. Thêm vào đó, đầu tư vào các nhà máy điện nguyên tử luôn tốn kém, cũng là một cản trở của lĩnh vực này trong điều kiện khủng hoảng tài chính kéo dài hiện nay.
3. Biến đổi khí hậu đe dọa nghiêm trọng các loài động vật Bắc Cực
Ngày 25-9-2013, các chuyên gia của Quỹ Bảo vệ thiên nhiên quốc tế (WWF) công bố báo cáo khoa học, trong đó cảnh báo hiện tượng Trái đất ấm lên những năm gần đây đã đe dọa nghiêm trọng đến các loài động vật ở Bắc Cực; đồng thời, kêu gọi thay thế việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch bằng các loại năng lượng có khả năng tái tạo. Theo kết quả nghiên cứu của các chuyên gia WWF, nhiệt độ tại Bắc Cực đã tăng nhanh gấp đôi so với các khu vực khác trên Trái đất, khiến lượng băng ở Bắc Băng Dương suy giảm nhanh chóng. Ngoài ra, lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính tăng làm cho cho nồng độ a-xít trong nước đại dương tăng lên khi hấp thụ lượng khí này, đe dọa gây ra những hậu quả khôn lường đối với toàn bộ hệ sinh thái. Trên cơ sở kết quả nghiên cứu, các chuyên gia của WWF khẳng định thế giới cần phải chuyển từ việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang các nguồn nhiên liệu có khả năng tái tạo vào năm 2050. Sự phát triển của khoa học - công nghệ ngày nay cho phép thực hiện được điều này, song đòi hỏi cần phải có nguồn lực tài chính dồi dào. Bà Xa-man-tha Xmít (Samantha Smith), người đứng đầu Chương trình nghiên cứu về năng lượng và biến đổi khí hậu toàn cầu của WWF, đã kêu gọi các nhà lãnh đạo chính trị và tài chính thế giới sử dụng thẩm quyền của mình để tạo nên sự chuyển biến sang sử dụng các nguồn năng lượng sạch, bền vững có khả năng tái tạo; chấm dứt phụ thuộc vào than đá, dầu mỏ và khí đốt tự nhiên.
4. Liên hợp quốc thông qua nghị quyết đầu tiên về buôn bán vũ khí
Ngày 26-9-2013, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã thông qua nghị quyết đầu tiên kêu gọi các quốc gia thành viên Liên hợp quốc xem xét ký một hiệp ước mới về vũ khí thông thường; tăng cường sự hợp tác và chia sẻ thông tin giữa các thành viên nhằm chống lại những tai họa do vũ khí cỡ nhỏ gây ra. Nghị quyết do Ô-xtrây-li-a, Chủ tịch hiện tại của Hội đồng Bảo an, soạn thảo cũng hối thúc các quốc gia thực thi đầy đủ và hiệu quả các lệnh cấm vận vũ khí của Hội đồng Bảo an và tiến hành các biện pháp quản lý, bảo đảm độ an toàn cho các kho vũ khí. Cũng theo nghị quyết mới này, số vũ khí cỡ nhỏ và đạn dược bị thu giữ hoặc giải giáp cũng cần được thống kê lại và có biện pháp giải quyết hợp lý.
Ngày 27-9-2013, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã thông qua một nghị quyết lịch sử yêu cầu tiêu hủy các vũ khí hóa học của Xy-ri, song không đe dọa có hành động trừng phạt tự động đối với Chính phủ của Tổng thống Xy-ri Ba-sa An Át-sát (Bashar al-Assad) nếu Đa-mát không tuân thủ nghị quyết này. Đây là nghị quyết đầu tiên được thông qua về cuộc xung đột Xy-ri kể từ khi giao tranh nổ ra hồi tháng 3-2011, sau khi Nga và Trung Quốc từng 3 lần sử dụng quyền phủ quyết của Ủy viên Thường trực Hội đồng Bảo an để bác bỏ các nghị quyết liên quan tới quốc gia Trung Đông này. Theo nghị quyết này, trong trường hợp Xy-ri không tuân thủ nghị quyết, bao hàm cả việc chuyển giao trái phép các vũ khí hóa học hoặc bất cứ hành động sử dụng vũ khí hóa học nào của bất kỳ ai tại Cộng hòa A-rập Xy-ri, Liên hợp quốc sẽ áp đặt các biện pháp theo Chương VII Hiến chương Liên hợp quốc; Hội đồng Bảo an hoàn toàn tán thành Tuyên bố chung Giơ-ne-vơ ngày 30-6-2012, theo đó đề ra một số bước đi chủ chốt bắt đầu bằng việc thành lập một chính quyền chuyển tiếp có đầy đủ quyền hành pháp…
5. Kết quả chuyến thăm Pháp và dự Đại hội đồng Liên hợp quốc 68
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Cộng hòa Pháp Giăng - Mác Ê-rô (Jean - Marc Ayrault). Ảnh: TTXVN
Sáng 29-9-2013, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Phu nhân cùng đoàn Đại biểu cấp cao Việt Nam đã về tới Hà Nội, kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Cộng hòa Pháp và tham dự Phiên thảo luận cấp cao Đại Hội đồng Liên hợp quốc khóa 68 tại Niu Oóc (Hoa Kỳ). Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh cho biết chuyến thăm Cộng hòa Pháp lần này của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có ý nghĩa quan trọng, không chỉ nhân dịp kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, mà còn là dấu mốc lịch sử khi Thủ tướng Việt Nam và Pháp đã ký Tuyên bố chung về việc nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược. Nhằm làm sâu sắc hơn quan hệ hai nước, trong dịp này, lãnh đạo cấp cao hai nước đã trao đổi các phương hướng lớn và biện pháp cụ thể nhằm đưa quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam và Pháp đi vào thực chất, nhất là trong 5 lĩnh vực ưu tiên được hai bên thống nhất trong Tuyên bố chung, đồng thời, ký nhiều văn kiện, thỏa thuận hợp tác quan trọng trên các lĩnh vực. Tại Phiên thảo luận cấp cao khóa họp 68 Đại hội đồng Liên hợp quốc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có bài tham luận quan trọng với thông điệp “Nhân loại cần một thế giới không có chiến tranh, không còn đói nghèo”, trong đó nêu bật quan điểm và nguyện vọng của Việt Nam về hòa bình và phát triển. Nhân dịp này, Thủ tướng cũng khẳng định lại cam kết Việt Nam sẽ tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc và sẵn sàng đóng góp tích cực, xây dựng và có trách nhiệm vào công việc chung của cộng đồng quốc tế. Tổng Thư ký Liên hợp quốc, lãnh đạo các cơ quan chuyên môn của Liên hợp quốc như Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA), lãnh đạo Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ quôc tế (IMF) đều đánh giá cao các thành tựu và đóng góp của Việt Nam trong việc thực hiện các Mục tiêu Thiên niên kỷ về phát triển, nhất là về giảm đói nghèo và khẳng định sẽ tiếp tục đồng hành cùng Việt Nam trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước./.
Chủ tịch nước sẽ dự Hội nghị APEC 21 tại Indonesia  (01/10/2013)
Công nhận khu ủy Tây Bắc là di tích lịch sử quốc gia  (01/10/2013)
Trung Quốc tổ chức Lễ kỷ niệm 64 năm Quốc khánh  (01/10/2013)
Tập đoàn Đức huy động vốn dự án điện gió Sóc Trăng  (01/10/2013)
IMF thông qua gói cứu trợ 1,98 tỷ euro cho Romania  (01/10/2013)
Lãnh đạo điện mừng Quốc khánh Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa  (01/10/2013)
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam ngày càng bền vững, tiến bộ, bản sắc, tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Từ Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị trong tình hình mới
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 2)
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay