Những sự kiện trong nước đáng chú ý trong tuần (từ ngày 31-12-2012 đến 06-01-2013)
1. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng làm việc với Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương
Ngày 31-12, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã làm việc với Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương. Tham dự cuộc làm việc có đồng chí Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; đại diện lãnh đạo một số ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương.
Báo cáo của Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương nêu rõ: Năm 2012 Hội đồng Lý luận Trung ương đã tích cực đổi mới phương thức hoạt động và đạt được những kết quả quan trọng. Bám sát Chương trình làm việc của Ban chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư Khóa XI, Hội đồng Lý luận Trung ương đã lựa chọn 10 vấn đề để kịp thời tư vấn cho Trung ương, Bộ Chính trị trong việc ban hành các chủ trương, nghị quyết, kết luận. Phương thức tư vấn được đổi mới thông qua nhiều hoạt động chuyên môn của các tiểu ban, của Thường trực Hội đồng; tích cực, chủ động phối hợp với ban, bộ, ngành hữu quan, các viện nghiên cứu, các chuyên gia trong việc xây dựng các báo cáo tư vấn cho Trung ương. Hội đồng đã chủ động trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư Đề án tổng kết lý luận - thực tiễn 30 năm đổi mới; tích cực chuẩn bị 12 chuyên đề trong Chương trình nghiên cứu, học tập của Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XI; thẩm định nhiều đề án mà các ban, ngành, địa phương trình Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của Hội đồng; tham gia tích cực vào việc nghiên cứu sửa đổi Hiến pháp năm 1992... Phương thức hoạt động của Hội đồng Lý luận Trung ương có sự đổi mới mạnh mẽ, xây dựng môi trường, phong cách, lề lối làm việc dân chủ, kỷ cương, khoa học, văn hóa.
Phát biểu tại cuộc làm việc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ghi nhận những kết quả công tác mà Hội đồng Lý luận Trung ương đã đạt được trong năm 2012; cơ bản nhất trí với phương hướng nhiệm vụ công tác của Hội đồng trong năm 2013; đồng thời gợi mở những yêu cầu, nhiệm vụ và định hướng lớn trong công tác nghiên cứu lý luận chính trị nhiệm kỳ khóa XI. Trong thời gian ngắn, lực lượng ít, công việc nhiều, Hội đồng Lý luận Trung ương đã triển khai các công việc một cách bài bản, hiệu quả trên các lĩnh vực, tập trung vào 11 công việc chuyên môn theo chức năng nhiệm vụ được giao và đạt được các kết quả quan trọng; nội bộ đoàn kết hơn, không khí làm việc phấn chấn hơn. Tuy nhiên, Tổng Bí thư cho rằng, Hội đồng cần cố gắng hơn nữa để nâng cao chất lượng công việc, có những việc chưa bao quát được hết, công tác phối hợp chưa thật nhuần nhuyễn giữa các bộ phận, các cơ quan hữu quan, để huy động cùng vào cuộc.
Về công việc sắp tới, Tổng Bí thư nhấn mạnh: Năm 2013 là năm bản lề của nhiệm kỳ khóa XI, nhiệm vụ của Hội đồng Lý luận Trung ương rất nặng nề, có nhiều việc phải làm và đòi hỏi chất lượng cao hơn. Trong khi đó, tình hình trong nước khó khăn, tình hình thế giới diễn biến phức tạp, đang đặt ra nhiều vấn đề mới về mặt lý luận.
2. Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992
Ngày 2-1-2013, theo Nghị quyết số 38/2012/QH13 ngày 23-11-2012 của Quốc hội, Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 chính thức công bố Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 trên các phương tiện thông tin đại chúng để lấy ý kiến rộng rãi các tầng lớp nhân dân.
Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992: gồm có 11 chương, 124 điều. Trong đó: Chương I: Chế độ chính trị; Chương II: Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; Chương III: Kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường; Chương IV: Bảo vệ Tổ quốc; Chương V: Quốc hội; Chương VI: Chủ tịch nước; Chương VII: Chính phủ; Chương VIII: Tòa án Nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân; Chương IX: Chính quyền địa phương; Chương X: Hội đồng Hiến pháp, Hội đồng bầu cử quốc gia, Kiểm toán nhà nước; Chương XI: Hiệu lực của Hiến pháp và việc sửa đổi Hiến pháp.
3. Kỳ họp thứ 6 Hội đồng Lý luận Trung ương
Từ ngày 2 đến 3-1, tại Hà Nội, Hội đồng Lý Luận Trung ương nhiệm kỳ 2011-2015 tổ chức kỳ họp thứ 6. Đồng chí Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội đồng Lý Luận Trung ương chủ trì Kỳ họp.
Để góp phần chuẩn bị các đề án trình Hội nghị Trung ương 7 (khóa XI) sẽ họp vào tháng 4-2013, Hội đồng Lý luận Trung ương đã chủ động phối hợp chặt chẽ với các bộ, ban, ngành Trung ương và các địa phương, các chuyên gia, các nhà khoa học, nhà quản lý chuẩn bị dự thảo 3 báo cáo tư vấn về các vấn đề: Tiếp tục đổi mới và hoàn thiện hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở; Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác vận động quần chúng trong tình hình mới; Chủ trương, giải pháp chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, đẩy mạnh công tác bảo vệ tài nguyên, môi trường. Tại Kỳ họp này, Hội đồng đã thảo luận, cho ý kiến về nội dung các dự thảo báo cáo tư vấn trên.
4. Phê duyệt Chiến lược phát triển dự trữ quốc gia đến năm 2020
Ngày 2-1, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định phê duyệt Chiến lược phát triển dự trữ quốc gia đến năm 2020. Theo đó, sẽ tăng cường tiềm lực dự trữ quốc gia, đảm bảo đến năm 2015, tổng mức dự trữ quốc gia đạt khoảng 0,8-1% GDP và đến năm 2020 đạt khoảng 1,5% GDP.
Quyết định phê duyệt của Chính phủ nhằm mục tiêu sẵn sàng đáp ứng yêu cầu cấp bách về phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh, phục vụ động viên công nghiệp, đảm bảo an ninh lương thực, an ninh năng lượng, bảo đảm quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội, tham gia bình ổn thị trường, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội và thực hiện các nhiệm vụ cấp bách khác.
Giai đoạn 2013-2015: Chiến lược được cụ thể hóa bằng việc thực hiện kế hoạch dự trữ quốc gia 5 năm 2011-2015, đảm bảo tổng mức dự trữ quốc gia đạt khoảng 0,8-1% GDP.
Giai đoạn tiếp theo từ 2016-2020: Giai đoạn này tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ còn lại của Chiến lược bằng việc xây dựng và thực hiện kế hoạch dự trữ quốc gia 5 năm 2016-2020, đảm bảo tổng mức dự trữ quốc gia khoảng 1-1,5% GDP.
Chiến lược phát triển dự trữ quốc gia đến năm 2020 xác định 5 nhóm mặt hàng bao gồm: Nhóm hàng bảo đảm an ninh kinh tế, an sinh xã hội; nhóm hàng phục vụ ứng phó thiên tai, thảm họa và tìm kiếm cứu nạn; nhóm hàng phục vụ an ninh, quốc phòng, bảo vệ biên giới, biển, đảo và động viên công nghiệp; nhóm hàng phòng chống dịch bệnh và cấp cứu cho người; nhóm hàng phòng chống dịch bệnh cho vật nuôi và cây trồng.
5. Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam triển khai tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992
Ngày 3-1, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã tổ chức Hội nghị triển khai thực hiện Nghị quyết số 38/2012 của Quốc hội về việc tổ chức, lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.
Theo đó, MTTQ sẽ tổ chức, thảo luận, lấy ý kiến đại diện các tầng lớp nhân dân thông qua các tổ chức thành viên, các tổ chức xã hội khác; ý kiến của các đại diện tiêu biểu trong giới nhân sĩ, trí thức, luật gia, các dân tộc, tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài. Theo Kế hoạch, trong tháng 1-2013, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam sẽ phân công hoặc theo đề xuất của Ban chủ nhiệm các hội đồng tư vấn tổ chức các cuộc họp, hội thảo chuyên đề góp ý về các nội dung liên quan đến lĩnh vực hoạt động của mỗi hội đồng hoặc liên hội đồng tư vấn. Từ nay đến tháng 3-2013, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam triệu tập và chủ trì các hội nghị lấy ý kiến: các vị Ủy viên Đoàn Chủ tịch và Ủy viên Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam (khóa VII); đại diện người Việt Nam định cư ở nước ngoài là Ủy viên Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; các vị trong Ban Thường trực, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam các thời kỳ, Ban Chủ nhiệm các hội đồng tư vấn của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; các tổ chức thành viên và một số tổ chức xã hội khác; Chủ tịch MTTQ các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; nhân sĩ, trí thức, luật gia, người tiêu biểu các dân tộc thiểu số, chức sắc các tôn giáo là Ủy viên Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam.
6. công bố 10 sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch tiêu biểu
Ngày 3-1, ông Phan Đình Tân, Phó Chánh Văn phòng, Người phát ngôn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: Bộ đã chính thức công bố 10 sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch nổi bật năm 2012 theo sự phê duyệt của Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh tại Quyết định số 5128/QĐ-BVHTTDL.
Theo đó, 10 sự kiện tiêu biểu năm 2012 gồm: 1. “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ” được UNESCO vinh danh vào Danh sách các di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; 2. “Mộc bản Chùa Vĩnh Nghiêm” (Bắc Giang) là Di sản tư liệu ký ức thế giới khu vực châu Á-Thái Bình Dương; 3. Khánh thành Tượng đài Bác Hồ với các dân tộc Tây Nguyên tại Gia Lai và tổ chức thành công các hoạt động kỷ niệm cấp quốc gia; 4. Việt Nam giành quyền đăng cai ASIAD 18 năm 2019; 5. Các hoạt động nhân Năm hữu nghị Việt Nam - Lào, Việt Nam - Campuchia, Việt Nam - Hàn Quốc, Việt Nam - Ấn Độ và Giao lưu văn hóa - nghệ thuật các tỉnh biên giới Việt Nam - Lào, Việt Nam - Campuchia; 6. Lễ công bố Vịnh Hạ Long là một trong bảy Kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới; 7. Du lịch Việt Nam đón 6,847 triệu lượt khách quốc tế, phục vụ 32,5 triệu lượt khách nội địa và Năm Du lịch quốc gia Duyên hải Bắc Trung Bộ - Huế 2012; 8. Trao Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật lần thứ IV, Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật lần thứ III, Danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú lần thứ VII; 9. Thành công của thể dục, thể thao Việt Nam trên đấu trường quốc tế: 18 VĐV chính thức tham dự Olympic 2012, 11 vận động viên tham dự Paralympic 2012, 271 HCV, 234 HCB và 154 HCĐ tại các giải thể thao quốc tế; 10. Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch vùng đồng bào dân tộc Chăm - Ninh Thuận năm 2012 và khánh thành cụm tháp Chăm tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam.
7. Các địa phương triển khai đồng bộ các giải pháp đảm bảo trật tự an toàn giao thông
* Hà Nội: UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành kế hoạch triển khai các hoạt động đảm bảo trật tự an toàn giao thông năm 2013, đặc biệt dịp cao điểm Tết và Lễ hội Xuân 2013. Hà Nội yêu cầu 100% xã, phường, thị trấn ra quân triển khai các hoạt động đảm bảo trật tự an toàn giao thông. Các xã phường, nhất là ở những quận trung tâm không để tái lấn chiếm hè phố kinh doanh buôn bán; tiến hành sắp xếp lại các điểm trông giữ phương tiện, đảm bảo trật tự hè, phố; xóa 100% các điểm đen về tai nạn giao thông.
* Quảng Ngãi: Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi đã chỉ đạo Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, trường học chủ động triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp trọng tâm đảm bảo trật tự an toàn giao thông (ATGT) trên địa bàn tỉnh ngay từ đầu năm 2013. Trước mắt tổ chức quán triệt cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, học sinh, sinh viên nghiêm túc chấp hành các quy định về đảm bảo trật tự ATGT, không uống rượu, bia khi tham gia giao thông; xử lý kỷ luật thích hợp đối với các trường hợp vi phạm các quy định về đảm bảo ATGT.
* Vĩnh Long: Năm 2013 Tỉnh đoàn Vĩnh Long phối hợp Ban An toàn giao thông (ATGT) tỉnh thành lập, duy trì và đẩy mạnh hoạt động các đội thanh niên tình nguyện, thanh niên xung kích tham gia đảm bảo trật tự ATGT, đồng thời nhân rộng các mô hình, công trình, phần việc của thanh thiếu nhi đảm bảo trật tự ATGT. Tỉnh đoàn thành lập các đội, nhóm thanh niên tình nguyện tham gia hướng dẫn, phân luồng giao thông, giúp lực lượng chức năng giải quyết các vụ tai nạn giao thông và người bị tai nạn xảy ra trên địa bàn. Bên cạnh việc phối hợp với các ngành chức năngxây dựng mô hình “Cổng trường an toàn giao thông” tại các trường học trong tỉnh, tỉnh đoàn tổ chức các buổi tuyên truyền về các hành vi bị cấm khi tham gia giao thông, phân tích nguyên nhân các vụ tai nạn giao thông và kỹ năng tham gia giao thông an toàn cho học sinh, sinh viên...
* Điện Biên: Tỉnh Điện Biên đã đề ra nhóm giải pháp đảm bảo an toàn giao thông trong thời gian tới. Tỉnh tiếp tục quán triệt, thực hiện tốt Chỉ thị 18-CT/BBT (ngày 4-9-2012) của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Nghị quyết 88/2011/NQ-CP (ngày 24-8-2012) của Chính phủ đối với công tác đảm bảo trật tự ATGT, thực hiện đồng bộ các giải pháp để ngăn chặn, đẩy lùi, giảm thiểu tai nạn giao thông trên địa bàn với hiệu quả cao nhất; đẩy mạnh công tác tuyên truyền về giao thông qua việc phối hợp chặt chẽ với các tổ chức chính trị- xã hội ở địa phương để lồng ghép các hoạt động tuyên truyền, các phong trào của mỗi tổ chức với tuyên truyền về ATGT theo các chương trình phối hợp đã ký kết.
* Cà Mau: Sở Giao thông vận tải tỉnh Cà Mau cho biết, sẽ không tăng giá cước đối với tất cả các phương tận vận tải thủy bộ, đồng thời sẽ tổ chức tăng gấp đôi các chuyến xe tuyến thành phố Cà Mau đi thành phố Hồ Chí Minh và ngược lại, các tuyến tàu thủy từ trung tâm thành phố Cà Mau về các huyện và ngược lại. Đây là biện pháp tích cực nhằm phục vụ cho nhu cầu đi lại của người dân trước, trong và sau Tết Nguyên đán Quý Tỵ được thuận lợi, không để hành khách phải xếp hàng, chen lấn như những năm trước đây. Kể từ 1-1 bắt đầu tăng 10 chuyến/ngày tuyến thành phố Cà Mau đi thành phố và ngược lại. Trong vài ngày tới sẽ huy động thêm nhiều phương tiện nữa nếu thấy có nhu cầu. Đối với các tuyến giao thông nội địa cũng sẽ tăng chuyến không hạn chế. Mục đích là không được để hành khách ứ đọng trong những ngày có nhu cầu đi lại dịp Tết.
* Kiên Giang: Để đảm bảo trật tự an toàn giao thông trước, trong và sau Tết Nguyên đán 2013, tỉnh Kiên Giang đã xây dựng kế hoạch triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm đảm bảo an toàn giao thông từ ngày 20-12-2012 đến 15-3-2013. Lực lượng Cảnh sát giao thông đường bộ sẽ phối hợp với lực lượng chức năng tăng cường tuần tra, kiểm soát; duy trì thường xuyên tại các điểm giao thông ở những giao lộ phức tạp, những nơi diễn ra lễ hội và trong các giờ cao điểm; huy động tối đa các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ tổng kiểm soát theo chuyên đề đối với xe ô tô chở khách và xe mô tô; kiên quyết xử lý nghiêm với các trường hợp lạng lách, đánh võng trên đường, chạy quá tốc độ quy định, sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông; những trường hợp chở quá số lượng quy định, tránh, vượt sai quy định, không đội mũ bảo hiểm; những trường hợp học sinh - sinh viên chưa đủ tuổi hoặc không có giấy phép lái xe gắn máy.
8. Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác quản lý nhà nước về tôn giáo năm 2012 và triển khai nhiệm vụ công tác năm 2013
Ngày 4-1, tại Hà Nội, Ban Tôn giáo Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác quản lý nhà nước về tôn giáo năm 2012 và triển khai nhiệm vụ công tác năm 2013.
Đánh giá tình hình tôn giáo trong nước thời gian tới vẫn tiềm ẩn những yếu tố phức tạp, các thế lực thù địch tiếp tục lợi dụng vấn đề tôn giáo, dân tộc để chống phá Nhà nước ta, năm 2013, ngành quản lý Nhà nước về tôn giáo sẽ tham mưu xây dựng, bổ sung các quy định pháp luật, chính sách đối với hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo; chủ động nghiên cứu, đề xuất sửa đổi Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo, bổ sung các quy định pháp luật điều chỉnh các nội dung về tín ngưỡng, đạo lạ; tiếp tục hoàn thiện dự thảo đề án “Tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về tôn giáo các cấp”; kiện toàn tổ chức bộ máy cán bộ, nâng cao chất lượng cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về tôn giáo. Ban Tôn giáo Chính phủ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, các Ban Chỉ đạo Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam bộ tham mưu với Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo UBND các tỉnh, thành phố hướng xử lý, giải quyết đối với các vấn đề phức tạp liên quan đến hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo phát sinh trong quá trình quản lý.
9. Trao giải thưởng “Tài năng khoa học trẻ Việt Nam " năm 2012
Ngày 5-1, tại Đồng Nai, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức lễ trao giải thưởng “Tài năng khoa học trẻ Việt Nam” năm 2012 cho 546 sinh viên và 226 đề tài được trao giải. Trong đó, 26 sinh viên thực hiện 10 đề tài đạt giải Nhất; 37 sinh viên thực hiện 20 đề tài đạt giải Nhì; 157 sinh viên thực hiện 70 đề tài đạt giải Ba và 326 sinh viên thực hiện 126 đề tài đạt giải Khuyến khích.
Ban chỉ đạo xét tặng giải thưởng “Tài năng khoa học trẻ Việt Nam ” năm 2012 đã nhận được 311 đề tài dành cho sinh viên và 94 đề tài giành cho giáo viên gửi tham gia xét giải. Một số đề tài khoa học của sinh viên được các nhà khoa học đầu ngành đánh giá có tính sáng tạo cao, có khả năng ứng dụng vào thực tiễn cuộc sống như: “Nghiên cứu, thiết kế và chế tạo xe tự hành chuyên chở hành khách” (nhóm sinh viên Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh); “Xây dựng nhóm bài tập nhận thức âm vị cho học sinh lớp 1 mắc chứng khó đọc” (nhóm sinh viên Trường Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh),… Nhiều đề tài cũng đã mạnh dạn đề cập đến những vấn đề thời sự mà xã hội đang rất quan tâm như: “Quy hoạch không gian biển và khả năng áp dụng trên các vùng biển của Việt Nam” (sinh viên Trường Đại học Luật Hà Nội); “Hoạt động lợi dụng tình hình tranh chấp Biển Đông tuyên truyền chống Đảng, Nhà nước và một số vấn đề đặt ra đối với công tác an ninh” (nhóm sinh viên Học viện An ninh Nhân dân),…
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, qua hơn 22 năm tổ chức, Giải thưởng “Sinh viên nghiên cứu khoa học” trước kia và nay là Giải thưởng “Tài năng khoa học trẻ Việt Nam” là sân chơi khoa học uy tín nhất của sinh viên hiện nay; giải thưởng tác động tích cực đến hoạt động nghiên cứu khoa học của sinh viên, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng đào tạo trong nhà trường.
10. Công bố Năm du lịch quốc gia Đồng bằng sông Hồng – Hải Phòng 2013
Tối 6-1, tại thành phố Hải Phòng, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng tổ chức lễ công bố Năm du lịch quốc gia Đồng bằng sông Hồng 2013 với chủ đề "Văn minh sông Hồng". Đến dự buổi lễ có Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, lãnh đạo 11 tỉnh, thành phố trong khu vực Đồng bằng sông Hồng, cùng các vị khách trong nước và quốc tế.
Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh nhấn mạnh: Năm Du lịch là sự kiện thường niên mang tầm quốc gia, quốc tế nhằm thúc đẩy phát triển du lịch, đồng thời tạo điểm nhấn, làm nổi bật hình ảnh du lịch Việt Nam gắn với các sự kiện lớn trong nước, gắn phát triển du lịch với phát triển kinh tế - xã hội. Năm Du lịch quốc gia Đồng bằng sông Hồng - Hải Phòng 2013 sẽ tiếp nối, phát huy hiệu quả giá trị nổi bật, đặc sắc của dòng chảy “Văn minh sông Hồng”, phát triển bền vững du lịch văn hóa, lịch sử, sinh thái, đặc biệt là kết nối với các di sản, các khu dự trữ sinh quyển thế giới trong vùng và cả nước nhằm mục tiêu phát triển du lịch chất lượng, hiệu quả cao trong những năm tới. Năm Du lịch quốc gia Đồng bằng sông Hồng - Hải Phòng 2013 còn là sự tiếp nối sự kiện Năm du lịch quốc gia Duyên hải Bắc Trung bộ - Huế 2012 chủ đề “Du lịch di sản” vừa khép lại.
Trong dịp này, Hải Phòng tổ chức một số sự kiện chào mừng năm du lịch quốc gia như chương trình biểu diễn Lân – Sư - Rồng, Lễ hội đền Trạng Trình, Hội thi câu cá hoa phượng đỏ lần thứ nhất./.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm, làm việc tại tỉnh Lào Cai  (06/01/2013)
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm chiến sỹ cảnh sát biển  (06/01/2013)
Ngày 7-1 không thể xóa nhòa trong lịch sử đất nước Cam-pu-chia  (06/01/2013)
Mốc son trong quan hệ Việt Nam - Cam-pu-chia  (06/01/2013)
Nội các mới của Ai Cập tuyên thệ nhậm chức  (06/01/2013)
Thông tin tiếp theo về bão số 1  (06/01/2013)
- Kinh nghiệm quản lý thị trường vàng của một số quốc gia và hàm ý chính sách cho Việt Nam
- Thu hút trí thức người Việt Nam ở nước ngoài cho phát triển nguồn nhân lực khoa học - công nghệ
- Chiến lược triển khai quyền chỉ huy, kiểm soát biển của Mỹ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương và một số tác động
- Một số chính sách lớn nhằm nâng cao hiệu quả ứng phó, giải quyết các vấn đề an ninh phi truyền thống, an ninh mạng ở Việt Nam hiện nay
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên