TCCSĐT - Nghiên cứu, thảo luận về thực tại và xu hướng của gia đình Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế; qua đó, đề xuất những giải pháp nhằm củng cố, ổn định và phát triển gia đình Việt Nam hiện nay là mục tiêu chính mà Hội thảo hướng đến.

 
 Đoàn Chủ tịch và Ban thư ký Hội thảo


Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế hiện nay, gia đình Việt Nam đã và đang có nhiều biến đổi sâu sắc theo cả hai hướng: tích cực và tiêu cực. Thực tiễn những biến đổi tiêu cực của gia đình Việt Nam hiện đại là nguyên nhân gây ra nhiều bức xúc trong dư luận thời gian qua, và về lâu dài, sẽ ảnh hưởng đến sự ổn định của đời sống xã hội cũng như làm xói mòn các giá trị đạo đức của gia đình truyền thống. 

Nhận rõ vai trò, tầm quan trọng của gia đình trong việc xây dựng nhân cách con người, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 62-QĐ/TTg, ngày 29-5-2012, Phê duyệt Chiến lược phát triển Gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, và coi đây là một trong các mục tiêu quan trọng của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2020.

Nhằm góp phần hiện thực hóa những mục tiêu đã đề ra, được sự chỉ đạo của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, ngày 29-11-2012, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội đã tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế: “Thực tại và tương lai của gia đình trong thế giới hội nhập”. Hội thảo hướng đến hai mục tiêu: (1) Nghiên cứu thực tại và xu hướng biến đổi của gia đình Việt Nam trong điều kiện của một thế giới hội nhập; tìm kiếm những giải pháp nhằm củng cố, ổn định và phát triển gia đình Việt Nam; (2) Chuẩn bị cơ sở lý luận cho việc xây dựng ngành gia đình học ở Việt Nam.

Trong phát biểu đề dẫn tại Hội thảo, PGS, TS. Nguyễn Văn Cương, Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, khẳng định: Hiện nay, gia đình Việt Nam đang có những biến đổi sâu sắc và đứng trước những khó khăn, thách thức cần giải quyết. Gia đình Việt Nam có những biến đổi tích cực như: đời sống vật chất và tinh thần cùng mức sống, mức hưởng thụ, chất lượng dịch vụ và thông tin được nâng lên đáng kể; sự dân chủ và bình đẳng vợ chồng trong gia đình đang dần là xu thế chủ đạo; nhiều tập tục, chuẩn mực lạc hậu trong xã hội cũ được loại bỏ; các thành viên trong gia đình có nhiều tự do và cơ hội trong mưu cầu hạnh phúc. Bên cạnh đó, gia đình Việt Nam cũng có những biến đổi tiêu cực, làm cho nền tảng gia đình suy yếu, có nguy cơ đổ vỡ, gây bất ổn đến xã hội. Trong đó, nổi bật là hiện tượng ly hôn và bạo lực gia đình ngày càng gia tăng, diễn ra từ thành thị đến nông thôn, xảy ra ở các tầng lớp, giai cấp, dân tộc, độ tuổi và có tính đột biến. Xuất hiện ngày càng nhiều các hiện tượng như: quan hệ tình dục trước hôn nhân, đồng tính luyến ái, sống thử, kết hôn muộn, sống độc thân, ly thân, đẻ thuê, bà mẹ đơn thân,…; cùng với đó là các tệ nạn xã hội như ma túy, mại dâm, buôn bán phụ nữ, bệnh tật. Tư tưởng “trọng nam, khinh nữ” vẫn đeo đẳng trong xã hội hiện đại, dẫn đến gia tăng sự mất cân bằng giới tính, gây ra các hệ lụy tiêu cực đến cơ cấu dân cư.

Từ thực trạng nêu trên, có hai vấn đề cơ bản, mang tính thời sự được đặt ra là: (1) Công tác quản lý nhà nước về gia đình cần phải theo kịp sự biến đổi của gia đình để có những chính sách phù hợp và các giải pháp đồng bộ nhằm hạn chế các tiêu cực và hệ lụy của sự biến đổi tiêu cực của gia đình; (2) Công tác đào tạo gia đình học nhằm đào tạo nguồn nhân lực cho nghiên cứu và quản lý trong lĩnh vực gia đình đang trở nên bức thiết hơn bao giờ hết.


 
  Thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên phát biểu tại Hội thảo


Phát biểu tại Hội thảo, TS. Đặng Thị Bích Liên, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, bày tỏ sự quan tâm đặc biệt đến mục tiêu của Hội thảo. Thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên tin tưởng, với sự quan tâm, tham gia của đông đảo các nhà khoa học, các chuyên gia trong nước và nước ngoài, Hội thảo sẽ có những đóng góp mới có giá trị và hiệu quả trong xây dựng gia đình Việt Nam hiện đại.

Hội thảo nhận được 74 tham luận của các nhà khoa học, các chuyên viên cao cấp và các nhà quản lý đến từ nhiều viện, cục, bảo tàng và trường đại học trong nước và nước ngoài. Các tham luận tập trung vào những nội dung chính như sau:

1- Nghiên cứu và đào tạo gia đình học, đề cập đến các vấn đề đang đặt ra trong nghiên cứu lý luận về gia đình trong xu thế hội nhập và phát triển; một số phương pháp tiếp cận khi nghiên cứu gia đình; cơ sở lý luận và thực tiễn của việc xây dựng ngành gia đình học tại Việt Nam; giới thiệu chương trình đào tạo ngành gia đình học ở Hàn Quốc;...

2- Thực tại của gia đình, đề cập đến nhiều khía cạnh của gia đình, như: vai trò của các thành viên trong gia đình; việc thực hiện chức năng giáo dục của gia đình; hiện tượng ly hôn và tác động tiêu cực của nó tới con cái; động cơ tiến tới hôn nhân; mâu thuẫn thế hệ; bạo lực gia đình;...

3- Sự biến đổi và tương lai của gia đình, đề cập đến những biến đổi của gia đình trong điều kiện đô thị hóa và toàn cầu hóa, như: biến đổi trong đời sống văn hóa gia đình; biến đổi của hệ giá trị gia đình truyền thống; nguy cơ, thách thức mà gia đình đang phải đối mặt trong điều kiện toàn cầu hóa; những giải pháp nhằm xây dựng và phát triển gia đình trong tương lai./.