TCCSĐT - Ngày 29-11-2012, tại thành phố Cần Thơ, Bộ Nội vụ, Tạp chí Tổ chức Nhà nước phối hợp với Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ tổ chức Hội thảo “Đánh giá 3 năm thực hiện công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức xã theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27-11-2009 của Thủ tướng Chính phủ. Tham dự hội thảo có đại diện lãnh đạo Bộ Nội vụ, một số bộ, ngành Trung ương, Tạp chí Tổ chức Nhà nước, lãnh đạo thành phố Cần Thơ và lãnh đạo sở nội vụ, sở nông nghiệp và phát triển nông thôn, sở lao động - thương binh và xã hội, trường chính trị các tỉnh, thành phía Nam.

TS Văn Tất Thu - Thứ trưởng Bộ Nội vụ, chủ trì hội thảo - cho biết: Hội thảo này nhằm đánh giá 3 năm triển khai thực hiện Quyết định số 1956/QĐ-TTg (Quyết định 1956) ngày 27-11-2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” (Đề án 1956), trong đó có một trọng tâm là đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức (CBCC) xã. Bên cạnh việc đánh giá những kết quả bước đầu trong việc đào tạo, bồi dưỡng CBCC xã của Bộ Nội vụ và các địa phương, hội thảo tập trung giới thiệu những điển hình, những cách làm hay; đồng thời chỉ ra những hạn chế, vướng mắc, khó khăn trong quá trình thực hiện; kiến nghị, đề xuất các giải pháp để thực hiện tốt chương trình đào tạo, bồi dưỡng CBCC xã trong thời gian tới.

Theo báo cáo của Vụ Đào tạo, bồi dưỡng CBCC - Bộ Nội vụ, từ năm 2010-2012, tổng kinh phí đã được Chính phủ phê duyệt để thực hiện Đề án 1956 là 165,7 tỷ đồng. Bộ Nội vụ đã hoàn thành việc điều tra nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng CBCC xã đến năm 2015 tại 14 tỉnh, thành đại diện cho các vùng, miền trong nước thực hiện thí điểm Đề án 1956; hoàn tất việc biên soạn 26 bộ tài liệu về đào tạo, bồi dưỡng các chức danh CBCC xã đến năm 2015 ở vùng đồng bằng và vùng trung du, miền núi, vùng dân tộc. Bộ Nội vụ cũng đã phối hợp với các bộ, ngành Trung ương, các địa phương tổ chức các hội nghị triển khai kế hoạch thực hiện Quyết định 1956 giai đoạn 2012-2015; tổ chức 5 lớp tập huấn cho gần 2.000 giảng viên nguồn ở các địa phương. Đến nay, các địa phương đã thành lập ban chỉ đạo thực hiện Đề án 1956, trong đó bao gồm công tác đào tạo, bồi dưỡng CBCC xã; tổ chức tập huấn cho hơn 5.000 giảng viên về nội dung, phương pháp giảng dạy các chương trình bồi dưỡng CBCC xã; các tỉnh, thành được lựa chọn để tiến hành điều tra hiện trạng, nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ CBCC xã đến năm 2015 đã hoàn thành tốt các nội dung theo yêu cầu của Bộ Nội vụ; sở nội vụ nhiều tỉnh, thành đã chủ động ký kết hợp đồng với các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng tại địa phương để tổ chức các khóa đào tạo, bồi dưỡng CBCC xã và cán bộ nguồn của xã; kiểm tra các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng về tổ chức thực hiện chương trình, kế hoạch, chất lượng các khóa đào tạo, bồi dưỡng… Nhìn chung, việc triển khai thực hiện Đề án 1956 trong 3 năm qua đã đạt được những kết quả bước đầu tích cực, góp phần nâng cao chất lượng CBCC xã. 

Tuy nhiên, theo nhận định của nhiều đại biểu tại hội thảo, việc triển khai thực hiện công tác đào tạo, bồi dưỡng CBCC xã thời gian qua vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc nên kết quả còn hạn chế. Cụ thể là:

- Công tác biên soạn tài liệu đào tạo, bồi dưỡng theo Đề án chậm; một số tài liệu chất lượng chưa cao, chưa sát hợp với thực tế địa phương, chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn đang đặt ra.

- Chương trình tập huấn, bồi dưỡng kéo dài nhiều ngày (thời lượng giảng dạy một bộ tài liệu ngắn nhất là 100 tiết, dài nhất là 440 tiết) trong khi một chức danh công chức xã phải đảm nhiệm nhiều ngành, nhiều lĩnh vực nên khi tham gia tập huấn, bồi dưỡng ảnh hưởng lớn đến hoạt động quản lý nhà nước của UBND cấp xã.

- Theo Đề án 1956 đã được phê duyệt, công tác đào tạo, bồi dưỡng CBCC xã chủ yếu tập trung bồi dưỡng, nâng cao kiến thức, kỹ năng, chuyên môn nghiệp vụ nhưng nhiều địa phương lại dành nhiều kinh phí cho việc đào tạo nâng cao trình độ trung cấp, cao đẳng, đại học cho CBCC xã, thiếu quan tâm bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng, chuyên môn nghiệp vụ.

- Nguồn kinh phí do Trung ương cấp hằng năm chậm và chỉ đáp ứng khoảng 50% yêu cầu đặt ra của Đề án, ảnh hưởng đến tiến độ tổ chức thực hiện và hiệu quả đào tạo, bồi dưỡng của các địa phương, nhất là hạn chế số lượng giảng viên nguồn được đi tập huấn, không bảo đảm cho quá trình giảng dạy về sau.

- Một số địa phương cử CBCC đi đào tạo, bồi dưỡng chưa gắn với quy hoạch; chưa chủ động đào tạo lại những CBCC đã qua đào tạo nhưng chưa thích hợp với vị trí công tác, chưa gắn với yêu cầu nhiệm vụ hiện tại và lâu dài.

- Công tác kiểm tra, đôn đốc và sự quan tâm chỉ đạo của cấp ủy ở một số nơi chưa thường xuyên; sự phối hợp của cấp ủy, các ngành với các cơ quan quản lý CBCC trong công tác đào tạo, bồi dưỡng chưa chặt chẽ, đồng bộ. 

Để đạt mục tiêu giai đoạn 2011-2015 có khoảng 500.000 lượt CBCC xã được đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng quản lý hành chính, quản lý kinh tế - xã hội theo đúng chức danh, vị trí công tác, hội thảo đã thống nhất kiến nghị một số giải pháp cần tập trung thực hiện thời gian tới:

Bộ Nội vụ sớm ban hành kế hoạch thực hiện Quyết định 1956 trong năm 2013 và giai đoạn 2013-2015; chuẩn bị chương trình, tài liệu tập huấn, bồi dưỡng CBCC xã giai đoạn 2016-2020. Song song đó, tăng cường phối hợp kiểm tra, giám sát việc thực hiện Đề án, kế hoạch tổ chức các khóa tập huấn bồi dưỡng tại các địa phương.

Nội dung chương trình tập huấn, bồi dưỡng cần tiếp tục được bổ sung, hoàn chỉnh theo hướng sát với thực tế địa phương và phù hợp với từng chức danh CBCC xã. Xem xét rút ngắn thời gian đào tạo, bồi dưỡng trong các bộ tài liệu do Bộ Nội vụ ban hành, tạo điều kiện cho các địa phương dễ triển khai, tập huấn và hạn chế ảnh hưởng thời gian công tác tại địa phương của CBCC.

Trên cơ sở đề xuất của Bộ Nội vụ, Chủ Đề án và Bộ Tài chính xem xét tăng kinh phí hằng năm cho các địa phương và giải ngân sớm từ đầu năm để bảo đảm thực hiện đạt mục tiêu đào tạo CBCC xã đã đề ra trong Đề án 1956.

Sở Nội vụ phối hợp với các sở, ngành có liên quan tại địa phương khảo sát nhu cầu bồi dưỡng các chức danh CBCC xã để xây dựng kế hoạch tâp huấn hằng năm; đồng thời phối hợp biên soạn lại giáo trình, chương trình tập huấn phù hợp thực tế trên cơ sở tài liệu do Bộ Nội vụ tập huấn cho giảng viên nguồn.

Xây dựng và ban hành các chế độ, chính sách đãi ngộ hợp lý để thu hút những CBCC, viên chức đang công tác tại các cơ quan, đơn vị tỉnh, huyện có năng lực, điều kiện tham gia giảng dạy, tập huấn CBCC xã tại các cơ sở đào tạo bồi dưỡng.

Thực hiện tốt công tác đánh giá, quy hoạch; bố trí, sử dụng CBCC xã sau đào tạo hợp lý, đúng sở trường chuyên môn để phát huy tốt năng lực điều hành, quản lý của CBCC. Đồng thời, có chính sách thu hút người có trình độ đại học về công tác tại xã để đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ CBCC xã.

Có chính sách khen thưởng, động viên kịp thời đối với những CBCC tích cực tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng và đạt kết quả tốt; đồng thời nghiêm khắc xử lý kỷ luật những CBCC không chấp hành quyết định cử đi học, sao nhãng trong quá trình học tập dẫn đến kết quả kém làm ảnh hưởng đến kế hoạch đào tạo bồi dưỡng và nâng cao chất lượng CBCC của địa phương./.