Tiếp tục đổi mới tư duy lý luận của Đảng về nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam

Trần Ngọc Liêu TS, Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội
17:20, ngày 25-06-2012
TCCS - Quá trình xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản hiện nay thực chất là xây dựng và hoàn thiện hình thức tổ chức và phương thức thực thi quyền lực của nhân dân vì quyền lợi của nhân dân. Để thực hiện tốt nhiệm vụ đó, trước hết Đảng ta cần tiếp tục đổi mới tư duy lý luận về nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong giai đoạn hiện nay.

Quá trình hình thành và phát triển nhận thức của Đảng về nhà nước pháp quyền

Trước khi giành được chính quyền, tại Hội nghị Trung ương 7 (năm 1940) Đảng ta đã đề ra khẩu hiệu đấu tranh: Ban bố hiến pháp dân chủ và những quyền tự do dân chủ cho nhân dân, tự do ngôn luận, tự do tư tưởng, tự do tín ngưỡng, tự do hội họp. Khi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, Đảng lãnh đạo nhân dân ta bắt tay xây dựng Nhà nước Việt Nam mới, trong đó có nhiều yếu tố pháp quyền thể theo tư tưởng Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, do thực dân Pháp quay lại xâm lược nước ta và cả dân tộc ta phải bước vào cuộc kháng chiến để bảo vệ đất nước, nhiệm vụ bảo vệ chính quyền được đặt lên hàng đầu và giữ vị trí ưu tiên so với nhiệm vụ xây dựng bộ máy quyền lực nhà nước.

Tại Đại hội II (năm 1951), khi bàn về vấn đề “chính quyền nhân dân”, Chính cương của Đảng ta đã nêu lên ba quan điểm cơ bản, đó là: Chính quyền của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là chính quyền dân chủ của nhân dân, nghĩa là của công nhân, nông dân, tiểu tư sản thành thị, tiểu tư sản trí thức, tư sản dân tộc và các thân sĩ yêu nước và tiến bộ. Những tầng lớp nhân dân ấy chuyên chính đối với đế quốc xâm lược và bọn phản quốc. Cho nên nội dung của chính quyền đó là nhân dân, dân chủ, chuyên chính.

Đại hội VI (năm 1986) đã mở đầu cho quá trình đổi mới tư duy lý luận của Đảng ta về chủ nghĩa xã hội, trong đó có tư duy về nhà nước. Tại Đại hội này, Đảng ta chỉ rõ: “Nhà nước ta là công cụ của chế độ làm chủ tập thể xã hội chủ nghĩa... Trong thời kỳ quá độ, đó là nhà nước chuyên chính vô sản thực hiện chế độ dân chủ xã hội chủ nghĩa. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, chức năng của Nhà nước là thể chế hóa bằng pháp luật quyền hạn, lợi ích, nghĩa vụ của nhân dân lao động và quản lý kinh tế, xã hội theo pháp luật”(1).

Quan điểm của Đảng về nhà nước pháp quyền (NNPQ) có bước tiến đáng kể tại Hội nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ khóa VII (năm 1994). Lần đầu tiên văn kiện của Đảng chính thức sử dụng thuật ngữ “nhà nước pháp quyền”. Đó là: Tiếp tục xây dựng và từng bước hoàn thiện Nhà nước pháp quyền Việt Nam. Đó là nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, quản lý mọi mặt đời sống xã hội bằng pháp luật, đưa đất nước phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN).

Hội nghị Trung ương 8 khóa VII (năm 1995) đã ra nghị quyết riêng về vấn đề xây dựng và củng cố Nhà nước đáp ứng yêu cầu và nhiệm vụ trong giai đoạn mới. Nghị quyết xác định 5 quan điểm cơ bản trong quá trình xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam (NNPQXHCNVN). Tiếp tục bổ sung và phát triển 5 quan điểm xây dựng NNPQ, Nghị quyết Đại hội VIII (năm 1996) và các nghị quyết Hội nghị Trung ương 3 và 4 khóa VIII khẳng định:

1 - Xây dựng nhà nước XHCN của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân; lấy liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và tầng lớp trí thức làm nền tảng do Đảng Cộng sản lãnh đạo. Thực hiện đầy đủ quyền làm chủ của nhân dân, giữ nghiêm kỷ cương xã hội, chuyên chính với mọi hoạt động xâm phạm lợi ích của Tổ quốc và nhân dân.

2 - Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công và phối hợp giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp.

3 - Thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ trong tổ chức và hoạt động của Nhà nước.

4 - Tăng cường pháp chế XHCN, xây dựng NNPQ Việt Nam. Quản lý và điều hành xã hội bằng pháp luật, đồng thời coi trọng giáo dục, nâng cao đạo đức.

5 - Tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước(2).

Đến Đại hội IX (năm 2001) tư duy của Đảng ta về NNPQ được nâng lên một trình độ mới khi xác định sự cần thiết phải thực hiện chiến lược: “Đẩy mạnh cải cách tổ chức và hoạt động của Nhà nước, phát huy dân chủ, tăng cường pháp chế”. Chiến lược đó được cụ thể hóa ở những nhiệm vụ trọng tâm: Xây dựng NNPQXHCN dưới sự lãnh đạo của Đảng; cải cách thể chế và phương thức hoạt động của Nhà nước; phát huy dân chủ, giữ vững kỷ luật, kỷ cương, tăng cường pháp chế; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức trong sạch, có năng lực; đấu tranh chống tham nhũng.

Để xây dựng NNPQXHCNVN dưới sự lãnh đạo của Đảng, vấn đề cần đặc biệt quan tâm là tiếp tục làm rõ mô hình lý luận về NNPQ. Đảng ta khẳng định: “Nhà nước ta là công cụ chủ yếu để thực hiện quyền làm chủ của nhân dân, là Nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân. Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công và phối hợp giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp. Nhà nước quản lý xã hội bằng pháp luật. Mọi cơ quan, tổ chức, cán bộ, công chức, mọi công dân có nghĩa vụ chấp hành Hiến pháp và pháp luật”(3).

Đại hội X (năm 2006) của Đảng tiếp tục khẳng định và phát triển chủ trương và các quan điểm đối với việc xây dựng NNPQXHCN ở nước ta. Đại hội xác định những nhiệm vụ cụ thể cho quá trình xây dựng NNPQ ở Việt Nam: “Xây dựng cơ chế vận hành của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, bảo đảm nguyên tắc tất cả quyền lực nhà nước đều thuộc về nhân dân; quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp giữa các cơ quan trong việc thực hiện quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp. Hoàn thiện hệ thống pháp luật, tăng tính cụ thể, khả thi của các quy định trong văn bản pháp luật. Xây dựng, hoàn thiện cơ chế kiểm tra, giám sát tính hợp hiến, hợp pháp trong các hoạt động và quyết định của các cơ quan công quyền”(4).

Đại hội XI (năm 2011) đã chỉ rõ những thành tựu đạt được trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội trong 5 năm qua, đồng thời, khẳng định “Việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa được đẩy mạnh, hiệu lực và hiệu quả hoạt động được nâng lên”(5). Tuy nhiên, Đại hội cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế liên quan tới việc xây dựng NNPQXHCNVN. Đó là: dân chủ và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc chưa được phát huy đầy đủ; xây dựng NNPQXHCN chưa theo kịp yêu cầu phát triển kinh tế và quản lý đất nước; công tác xây dựng Đảng còn nhiều hạn chế, yếu kém, chậm được khắc phục.          

Trên cơ sở đó, Đại hội đã đề ra phương hướng, nhiệm vụ trong 5 năm tới nhằm phát huy dân chủ XHCN và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, đặc biệt tiếp tục khẳng định nhiệm vụ đẩy mạnh xây dựng NNPQXHCNVN với những nội dung quan trọng: Nâng cao nhận thức về NNPQXHCN; tiếp tục đổi mới tổ chức, hoạt động của bộ máy nhà nước; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức trong sạch, có năng lực đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới; tích cực thực hành tiết kiệm, phòng ngừa và kiên quyết chống tham nhũng, lãng phí. Để thực thi được những nội dung đó một trong những nhân tố có ý nghĩa quyết định là “Xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng”(6).

Thành tựu và những vấn đề đặt ra đối với việc tiếp tục đổi mới tư duy lý luận của Đảng về nhà nước pháp quyền

Trong nhận thức và quan điểm của Đảng về NNPQ và xây dựng NNPQ ở nước ta đã đạt được những kết quả quan trọng:

Thứ nhất, từ chỗ xem NNPQ là sản phẩm của chính trị học tư sản, gắn với nền chính trị và dân chủ tư sản, coi nó là một kiểu nhà nước, một chế độ nhà nước của giai cấp tư sản, chỉ tồn tại trong điều kiện của chủ nghĩa tư bản đến thừa nhận NNPQ là một phương thức tổ chức và hoạt động của nhà nước hàm chứa những giá trị có tính phổ biến, có thể và cần được vận dụng trong thời kỳ quá độ lên CNXH ở Việt Nam.

Từ chỗ nhận thức rõ hơn vị trí, vai trò của pháp luật, Đảng ta đã đi đến chính thức thừa nhận và sử dụng khái niệm “nhà nước pháp quyền” và từng bước xác định rõ ràng, cụ thể những yêu cầu, đặc trưng phù hợp với các đặc điểm về chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội của nước ta, nhất là những đặc điểm đó được đặt trong bối cảnh của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Từ chỗ sử dụng nhiều thuật ngữ khác nhau, như: “Nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”; “Nhà nước của dân, do dân, vì dân”; “Nhà nước pháp quyền Việt Nam”; “Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa”; “Nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân” v.v.. đến nay, trong các văn kiện chính thức của Đảng đã thống nhất sử dụng khái niệm “Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.

Trong nhận thức của Đảng, những đặc trưng cơ bản của NNPQXHCNVN được xác định ở những nội dung chủ yếu sau: Nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân trong đó nền tảng là khối đại đoàn kết toàn dân tộc với nòng cốt là liên minh giữa giai cấp công nhân với nông dân và tầng lớp trí thức; Nhà nước hợp hiến, quản lý và điều hành xã hội bằng pháp luật, đồng thời coi trọng giáo dục, nâng cao đạo đức và tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa; quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công và phối hợp giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp; Nhà nước được tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc tập trung dân chủ; Nhà nước do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo.

Thứ hai, quá trình hình thành quan niệm của Đảng ta về NNPQXHCNVN cũng chính là quá trình nhận thức và vận dụng chủ nghĩa Mác - Lê-nin nói chung, học thuyết Mác - Lê-nin về nhà nước nói riêng cho phù hợp với đặc điểm cụ thể và định hướng phát triển của xã hội Việt Nam. Có thể khẳng định, những quan điểm cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lê-nin về nhà nước đã được Đảng ta nhận thức và vận dụng ngày càng nhuần nhuyễn, sáng tạo và hiệu quả trong quá trình xây dựng và hoàn thiện NNPQ ở Việt Nam.

Thứ ba, Đảng ta ngày càng nhận thức rõ hơn những vấn đề có tính đặc thù trong quá trình xây dựng NNPQ ở nước ta. Tính đặc thù này do những đặc điểm về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội trong lịch sử và quá trình phát triển hiện nay quy định.

Một là, xây dựng NNPQ trước hết là đáp ứng yêu cầu của phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, nhưng nền kinh tế này mới hình thành và đang trong quá trình xây dựng, không có sẵn.

Hai là, xây dựng NNPQ, thực sự dân chủ trong điều kiện xây dựng CNXH, với chế độ nhất nguyên chính trị. Cho đến nay, nhân loại mới chỉ biết đến những nhà nước mang tính pháp quyền được xây dựng ở các nước tư bản chủ nghĩa, còn những thành quả mà chúng ta đã thu được qua kinh nghiệm xây dựng NNPQ dưới sự chỉ đạo trực tiếp của V.I.Lê-nin ở nước Nga và Hồ Chí Minh ở Việt Nam tuy rất quý giá, song cũng còn ở giai đoạn mở đầu, vì thế, có rất nhiều vấn đề lý luận và thực tiễn đang đặt ra, cần giải quyết để có thể xây dựng được NNPQXHCNVN theo đúng nghĩa của nó.

Ba là, cùng một lúc Đảng ta phải lãnh đạo cả việc phát triển nền kinh tế thị trường, xây dựng NNPQ và một xã hội thực sự dân chủ, trong đó xây dựng pháp luật và thực hiện dân chủ hóa, công khai hóa, chống quan liêu, tham nhũng được đặt ở vị trí hàng đầu. Điều đó cho thấy tầm vóc lớn lao, tính chất khó khăn và phức tạp của toàn bộ các vấn đề mà Đảng, Nhà nước, nhân dân ta phải giải quyết.

Bốn là, phát triển nền kinh tế thị trường, xây dựng NNPQ và thực sự dân chủ theo định hướng XHCN trong điều kiện toàn cầu hóa. Vì vậy việc phát huy quyền làm chủ của nhân dân lao động, tính tự giác trong nhận thức và hành động của các chủ thể chính trị, nhất là Đảng Cộng sản là một vấn đề có ý nghĩa quyết định đối với quá trình xây dựng đất nước theo định hướng XHCN.

Những thành quả to lớn mà Việt Nam đã đạt được trong thực tiễn xây dựng NNPQ những năm qua đã chứng tỏ quá trình đổi mới tư duy lý luận của Đảng ta về vấn đề đặc biệt quan trọng này. Một mặt, quan điểm của Đảng ta về NNPQXHCNVN là cơ sở, định hướng chính trị quan trọng để giới khoa học tiếp tục đi sâu nghiên cứu, phát triển lý luận về NNPQXHCNVN; mặt khác, giới khoa học, từ những nghiên cứu của mình, cũng cần tiếp tục tham mưu cho Đảng để quá trình đổi mới tư duy lý luận của Đảng về NNPQ có được những bước tiến mới. Trên cơ sở những thành quả đã đạt được, quá trình đổi mới tư duy lý luận của Đảng ta về NNPQ trong thời gian tới cần theo hướng sau:

Thứ nhất, luôn quán triệt sâu sắc trong nhận thức lý luận học thuyết Mác - Lê-nin về hình thái kinh tế - xã hội, về quy luật vận động và phát triển của xã hội loài người, về tính tất yếu đi lên CNXH, để khẳng định, tuy Việt Nam bắt tay xây dựng NNPQ sau so với nhiều nước trên thế giới, song NNPQ mà chúng ta xây dựng là hình thức NNPQ của một chế độ xã hội ở trình độ phát triển cao hơn chế độ tư bản chủ nghĩa. Chúng ta xây dựng sau, ít kinh nghiệm hơn, song lại phải xây dựng NNPQ cao hơn mọi nhà nước có tính pháp quyền, chưa đầy đủ, đang tồn tại trong hiện thực ở các nước tư bản chủ nghĩa.

Thứ hai, xét về bản chất, NNPQ theo nghĩa đầy đủ nhất đồng nghĩa với NNPQXHCN, NNPQ trong CNXH. Chỉ có trong chế độ xã hội chủ nghĩa, nhân dân mới là chủ thể đích thực, duy nhất và tối cao của mọi quyền lực và quyền lợi trong xã hội, mới có thể tự mình tổ chức xã hội và bộ máy nhà nước xoay quanh quyền lực và quyền lợi của mình. Vì thế, lý luận và kinh nghiệm thực tiễn xây dựng NNPQ trên thế giới là rất quan trọng, song chỉ có ý nghĩa tham khảo. Việc tiếp thu và vận dụng lý luận và kinh nghiệm thực tiễn này cần được đặt trên nền tảng tư duy phê phán.

Thứ ba, lâu nay, trong quan điểm của giới khoa học và của cả Đảng ta,  xây dựng NNPQ chủ yếu được tập trung ở vấn đề xây dựng bộ máy nhà nướchệ thống pháp luật, tức là tập trung ở lĩnh vực nhà nước. Đứng trên quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lê-nin về nhà nước việc xây dựng NNPQ thực chất là việc kiến tạo một cách thức tổ chức xã hội mới, trong đó, xây dựng nhà nước, xây dựng pháp luật chỉ là một vòng khâu, dù rằng, đây là vòng khâu quan trọng nhất. Nếu ta tạm quy ước khái niệm “nhà nước” được dùng để chỉ “bộ máy nhà nước” và khái niệm “xã hội” để chỉ chỉnh thể các quan hệ giữa con người với con người đóng vai trò cơ sở của nhà nước, thì xây dựng “nhà nước pháp quyền” cần được tư duy là xây dựng một chỉnh thể cả “nhà nước pháp quyền” xã hội pháp quyền.

Thứ tư, xây dựng NNPQ thực ra là xây dựng một nhà nước dân chủ hoàn thiện. Theo C.Mác, đây là nhà nước - xã hội ở đó nhân dân là chủ thể tối cao, duy nhất đang tự tổ chức, tự quản lý, tự điều hành; là một nhà nước - xã hội của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Chính vì trong NNPQ, nhân dân là chủ thể tối cao, duy nhất, và nhân dân tự tổ chức, tự quản lý, tự điều hành, nên không tồn tại các quan hệ đối lập, đối kháng, hạn chế lẫn nhau giữa các loại quyền lực. Vì thế, trong xây dựng NNPQXHCNVN, tất cả những vấn đề như xây dựng Đảng, củng cố và tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội, xây dựng một bộ máy nhà nước trên cơ sở xác định rõ phạm vi quyền lực của nó, xây dựng hệ thống pháp luật đủ sức mạnh quản lý và điều hành xã hội một cách hiệu quả, xây dựng một xã hội thực sự dân chủ mà tính tự quản của nhân dân là đặc trưng nổi bật, v.v.. đều cần được tư duy là xây dựng các thiết chế, thể chế quyền lực của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Tính thống nhất, chứ không phải tính mâu thuẫn, hay đối lập, đối kháng, phải luôn được tư duy là đặc điểm nổi bật trong cách thức tổ chức và vận hành quyền lực của nhân dân trong NNPQ Việt Nam.

Thứ năm, xây dựng Đảng, củng cố và tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với Nhà nước và xã hội là một nội dung trong xây dựng NNPQXHCNVN. Theo quan điểm của Hồ Chí Minh, Đảng Cộng sản Việt Nam là đảng của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động, đồng thời cũng là Đảng của dân tộc Việt Nam. Đảng là tổ chức của nhân dân, tập hợp những thành viên ưu tú trong nhân dân, đại diện và đấu tranh cho quyền lợi của nhân dân. Đảng chính là nhân dân, là một bộ phận của nhân dân, là một thiết chế quyền lực của nhân dân, do chính nhân dân lập nên, bảo vệ, xây dựng. Sức mạnh của Đảng bắt nguồn và thể hiện sức mạnh của nhân dân. Quyền lực của Đảng chính là sự thể hiện quyền lực của nhân dân. Chính vì thế, xây dựng NNPQXHCNVN với bản chất là cách thức tổ chức nhà nước và xã hội thể hiện và bảo đảm được mọi quyền lực và quyền lợi của nhân dân, thì lại càng phải xây dựng, củng cố, tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng. Vị trí, vai trò, tác động của Đảng đối với Nhà nước và toàn thể xã hội chính là một bộ phận trong chỉnh thể tổ chức và vận hành quyền lực của nhân dân, trong NNPQXHCNVN. Nói cách khác, Đảng không chỉ lãnh đạo quá trình xây dựng NNPQXHCNVN, mà bản thân tổ chức Đảng, vị trí, vai trò của Đảng đối với Nhà nước và xã hội còn là một bộ phận của NNPQXHCNVN theo nghĩa là hình thức tổ chức và phương thức thực thi quyền lực của nhân dân. Chính vì vậy, xây dựng Đảng phải luôn được coi là một nội dung của xây dựng NNPQXHCNVN./.

------------------------------------------

(1) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI. Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1987, tr. 117

(2) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1996, tr. 129

(3) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, tr. 131 – 132

(4) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tr. 126

(5), (6) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần
thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tr. 159, 255