TCCS - Lời Bộ Biên tập: Là một tỉnh có diện tích tự nhiên và dân số không lớn so với một số tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng, nhưng Ninh Bình hội tụ tương đối toàn diện về nguồn lực tự nhiên và xã hội để phát triển nhanh, bền vững theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Sau 20 năm tái lập tỉnh, với sự đoàn kết, sáng tạo và nỗ lực của toàn Đảng bộ và nhân dân, Ninh Bình đạt được những thành tựu rất đáng ghi nhận và đang vững vàng, tự tin đi trên con đường phát triển đã hoạch định. Tạp chí Cộng sản - Chuyên đề cơ sở trân trọng giới thiệu ý kiến của một số đồng chí cán bộ, đảng viên và người dân Ninh Bình chung quanh vấn đề này.

Đồng chí Phạm Thanh Hà,  Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Ninh Bình

Chủ động, sáng tạo để xây dựng thành phố

Để xứng tầm là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố quyết tâm thực hiện Nghị quyết Đại hội XVIII của Đảng bộ thành phố, trong đó công tác quy hoạch, quản lý đô thị và phát triển nguồn lực con người là một trong những nội dung trọng điểm.

Về công tác quy hoạch: Để mở rộng quy mô thành phố gấp 3 - 4 lần hiện nay, rất cần có tiếng nói chung của các sở, ngành chức năng của tỉnh đối với quy hoạch xây dựng thành phố. Quy hoạch chi tiết phải phù hợp với quy hoạch chung và phải được thực hiện nghiêm chỉnh, nếu không tự nó sẽ phá vỡ không gian quy hoạch.

Từ điểm xuất phát đó, với chủ trương phát triển đô thị hiện đại, những năm qua, thành phố kiên quyết xóa bỏ tình trạng nung vôi thủ công, đóng gạch xỉ, giết mổ gia súc trên địa bàn dân cư, kiên trì triển khai công tác bảo đảm trật tự đô thị, mỹ quan, đường thông, hè thoáng... Thành phố thực hiện dự án kè, nạo vét và xây dựng công viên cây xanh hai bờ sông Vân, mở kênh thoát nước chính phía tây bắc thành phố. Đặc biệt, thành phố đã huy động mọi nguồn lực, thu hút đầu tư phát triển hệ thống giao thông, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa, nước sạch sinh hoạt, hệ thống dịch vụ, du lịch (khách sạn, nhà hàng, khu vui chơi, giải trí...) Trong 5 năm tới, thành phố thực hiện nhiều dự án lớn, đưa một số công trình trọng điểm vào khai thác, sử dụng, như Khu Quảng trường và Tượng đài Đinh Tiên Hoàng đế; Khu Du lịch sinh thái và Công viên văn hóa Tràng An; Khu Dịch vụ khách sạn trung tâm tại phường Ninh Khánh; Khu Tiểu, thủ công nghiệp, làng nghề Ninh Phong (giai đoạn 2), Khu Làng nghề sản xuất hàng mỹ nghệ phục vụ khách du lịch Viên Nha, phường Ninh Khánh; đường ĐT 477… Với sự nỗ lực, phấn đấu của Đảng bộ, nhân dân thành phố, sự quan tâm của Trung ương và tỉnh, diện mạo, cảnh quan đô thị ngày càng khởi sắc, tạo tiền đề để thành phố ngày càng vươn cao, mở rộng.

Về nguồn lực con người: Để trở thành đô thị loại II và hướng tới thành phố du lịch, văn minh, hiện đại, còn nhiều việc phải làm; trong đó, đặc biệt là xây dựng nguồn lực con người. Bởi, vốn có thể khai thác được, có tiền là chúng ta có thể xây dựng được kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại. Nhưng, nếu không có “con người đô thị hiện đại” đúng nghĩa, để quản lý, thực hiện, sử dụng thì kết cấu hạ tầng đó dù hiện đại đến đâu, cũng chưa phải là đô thị hiện đại. Do đó, các cấp, các ngành, từng đơn vị, từng người, từng gia đình phải nỗ lực phấn đấu, chung sức, chung lòng triển khai thực hiện. Thành phố luôn quan tâm, chú trọng việc xây dựng đội ngũ kế cận đúng tầm trong tương lai; trước mắt, tâp trung xây dựng đội ngũ cán bộ có đạo đức, chuyên môn giỏi trực tiếp làm công tác quy hoạch, quản lý, thực hiện quy hoạch.

Sau 20 năm tái lập tỉnh và 5 năm được công nhận là đô thị loại III, đến nay, thành phố Ninh Bình có quy mô tương đối lớn, kinh tế - xã hội không ngừng phát triển, diện mạo đô thị được đổi thay từng ngày và đang đứng trước vận hội mới. Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVIII, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố nỗ lực phấn đấu đưa thành phố Ninh Bình  thành đô thị loại II vào năm 2015 và hướng tới thành phố du lịch văn minh, hiện đại.

Đồng chí Quách Cương, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Nho Quan

Quy hoạch, luân chuyển cán bộ để xây dựng nguồn lực con người

Là huyện miền núi của tỉnh Ninh Bình, diện tích tự nhiên của Nho Quan là 45.833 ha (chiếm 33% diện tích toàn tỉnh); số dân 145.214 người, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 14,5%, đồng bào Công giáo chiếm 17,5%. Với tình hình của địa phương như vậy, nên Huyện ủy Nho Quan  rất quan tâm đến công tác quy hoạch, luân chuyển nhằm bồi dưỡng, rèn luyện đội ngũ cán bộ. Bởi, cán bộ là cái gốc của mọi công việc và “Muôn việc thành công hay thất bại đều là do cán bộ tốt hay kém…”.

Những năm gần đây, Ban Thường vụ Huyện ủy xác định, quy hoạch cán bộ là một nội dung trọng yếu của công tác tổ chức - cán bộ. Triển khai thực hiện Nghị quyết số 42-NQ/TW của Bộ Chính trị, khóa IX, Ban Thường vụ Huyện ủy chỉ đạo các cấp ủy thực hiện công tác quy hoạch cán bộ bảo đảm dân chủ, công khai, đúng quy trình, với phương châm “động” và “mở”. Về cơ cấu quy hoạch, chú trọng cơ cấu 3 độ tuổi, theo hướng trẻ hóa; tăng tỷ lệ cán bộ nữ, cán bộ là người dân tộc thiểu số và người có đạo. Do đó, kết quả rà soát, bổ sung, xây dựng quy hoạch cán bộ giai đoạn 2005 - 2010 và 2010 - 2015, đạt chất lượng tốt hơn so với quy hoạch trong những năm trước. Cụ thể là, tỷ lệ các đồng chí trong Ban Chấp hành Đảng bộ huyện có tuổi đời dưới 40 tăng 3,25%, trình độ cao đẳng, đại học chiếm 94,3%; Ban Thường vụ Huyện ủy, nữ chiếm 12,9%, tăng 11,1%; trình độ cao đẳng, đại học 93,5%, tăng 22,9%; trưởng, phó các phòng, ban huyện: trình độ đại học, cao đẳng chiếm 89,5%, tăng 51,6%; cán bộ chủ chốt xã, thị trấn: nữ 8%, tăng 1,83%; trình độ trung học phổ thông 71,5%, tăng 26,5%; cao đẳng, đại học 12,5%, tăng 12%. Kết quả Đại hội Đảng bộ cơ sở nhiệm kỳ 2010 - 2015, đã thể hiện rõ chất lượng công tác quy hoạch cán bộ (cấp ủy các xã, thị trấn: nữ chiếm 17%, dưới 35 tuổi là 22%; cấp ủy chi bộ cơ sở: tỷ lệ nữ chiếm 22,3%; trẻ dưới 35 tuổi là 10,58%; cấp ủy đảng bộ cơ quan: nữ 11%; trẻ dưới 35 tuổi là 13%...)

Từ năm 2007 - 2011, huyện luân chuyển 30 đồng chí giữa huyện và xã, từ khối Đảng, đoàn thể sang khối chính quyền và ngược lại. Số cán bộ luân chuyển không chỉ là cán bộ trẻ có đủ kiến thức chuyên môn mà còn là những đồng chí có trách nhiệm cao trong công tác, dám nghĩ, dám làm… để đưa về các đơn vị có nhiều khó khăn trong lãnh đạo, chỉ đạo, hoặc có khó khăn trong công tác cán bộ, giúp cơ sở đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng hệ thống chính trị, củng cố quốc phòng, an ninh. Đến nay, các đồng chí luân chuyển đều có bước trưởng thành về mọi mặt, được cán bộ, đảng viên và nhân dân tin tưởng. Để đáp ứng kịp thời nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị, 3 năm qua, Nho Quan đã tuyển dụng 128 người có trình độ cao đẳng trở lên về làm việc tại các xã, thị trấn; xét tuyển 14 công chức dự bị cho khối Đảng, đoàn thể, có độ tuổi từ 23 đến 27.

Đồng chí Đỗ Hùng Sơn, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Kim Sơn

Kim Sơn tập trung phát triển Đảng đối với quần chúng có đạo

Ra đời từ công cuộc khẩn hoang vùng bãi biển, dưới sự tổ chức, điều hành của Doanh Điền Sứ Nguyễn Công Trứ (năm 1829), trong gần 200 năm, nơi đây đã tiến hành quai đê, lấn biển 7 lần. Diện tích hiện nay gấp gần 3 lần so với năm đó và là huyện có tỷ lệ đồng bào Công giáo cao nhất tỉnh (45,4%, có xã tỷ lệ đó là 98%), với 31 giáo xứ, 162 giáo họ; trong đó có 31 nhà thờ giáo xứ, 113 nhà thờ giáo họ, 5 nhà nguyện, 2 đền Đức Bà.

Toàn huyện có 77 tổ chức cơ sở đảng, với 6.929 đảng viên (577 đảng viên là người có đạo). Trước đây, do nhiều nguyên nhân, nên công tác phát triển Đảng trong đồng bào có đạo rất khó khăn; có năm chỉ kết nạp được 5 - 6 đảng viên. Do đó, Ban Thường vụ Huyện ủy ra Nghị quyết chuyên đề số 14-NQ/HU, ngày 30-8-2008, về đẩy mạnh công tác kết nạp đảng đối với đồng bào có đạo; trong đó nhấn mạnh những hạn chế cần khắc phục; nhận thức chưa đúng tầm của công tác kết nạp đảng viên trong đồng bào có đạo, khiếm khuyết của công tác tuyên truyền, giác ngộ cho quần chúng có đạo về Đảng; về vai trò lãnh đạo của Đảng, về chính sách tín ngưỡng, tôn giáo của Nhà nước ta; về lợi thế trong việc bố trí cán bộ lãnh đạo các cấp là người có đạo; công tác kết nạp đảng còn nhiều hạn chế, phiền phức... Ban Thường vụ Huyện ủy đề ra mục tiêu: Mỗi năm, Đảng bộ kết nạp từ 200 đảng viên trở lên (trong đó có 25% là người có đạo); tới năm 2015, có 100% số nơi đông đồng bào theo đạo có chi bộ. Với quyết tâm chỉ đạo, trong năm 2010, Đảng bộ kết nạp được 254 đảng viên; trong đó có 30 đảng viên là người có đạo. Năm 2011, kết nạp được 268 đảng viên; trong đó có 26 đảng viên là người có đạo. Nhìn chung, các đảng viên là người có đạo đều thực hiện tốt “việc đời, việc đạo” ở bất kỳ vị trí công tác nào.

Mặt khác, hằng năm, huyện cùng với Ban Chỉ huy quân sự tỉnh mở lớp bồi dưỡng kiến thức quốc phòng cho các chức sắc, chức việc tôn giáo; trong đó, dành nhiều thời gian để nói về công tác tôn giáo. Mở các lớp chuyên đề về học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh cho đồng bào có đạo. Các ngày lễ lớn, lễ giao quân, lễ kết nạp đảng viên, đều mời đại diện các chức sắc tôn giáo đến dự.

Do làm tốt công tác phát triển Đảng trong quần chúng là người có đạo; nên, trong những năm qua, có thể nói Đảng bộ huyện Kim Sơn đã  thực hiện tốt lời dạy của Bác Hồ về đoàn kết lương - giáo, để tạo sức mạnh phát triển kinh tế - xã hội.

Đồng chí Nguyễn Thượng Tín, Giám đốc Chi nhánh Ninh Bình, Công ty cổ phần Tập đoàn Thành Công

Doanh nghiệp góp phần xây dựng quê hương Ninh Bình ngày càng giàu, đẹp

Nhà máy sản xuất và Lắp ráp ô-tô Hyundai Thành Công, Khu Công nghiệp Gián Khẩu, Gia Viễn, do Công ty Cổ phần Tập đoàn Thành Công (trụ sở chính tại Hà Nội) đầu tư xây dựng. Nhà máy được xây dựng cuối năm 2007 và chính thức đi vào hoạt động từ tháng 01-2011; với công suất: 13.000 xe ô-tô các loại/năm và tổng vốn đầu tư gần 800 tỉ đồng.

Hiện tại, lao động của Nhà máy có gần 550 người, trong đó trên 70% là người Ninh Bình (Gia Viễn chiếm gần 50% tổng số lao động);
100% số cán bộ, công nhân có việc làm ổn định; thu nhập bình quân năm 2011 là 3.608.000đ/người/tháng, các chế độ bảo hiểm đối với người lao động được Nhà máy thực hiện tốt.

Chi bộ của Nhà máy thành lập từ năm 2008, hiện có 13 đảng viên, Giám đốc Chi nhánh làm bí thư. Công đoàn, Đoàn Thanh niên cũng đã được thành lập. Chi bộ và các tổ chức quần chúng đã phát huy tốt vai trò lãnh đạo, vận động quần chúng thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các quy định của Nhà máy, góp phần thực hiện hoàn thành kế hoạch sản xuất, kinh doanh. Năm 2011, sản lượng lắp ráp đạt trên 2.700 xe; giá trị sản xuất trước thuế là: 950 tỉ đồng; doanh thu đạt 1.016 tỉ đồng; nộp ngân sách nhà nước trên 280 tỉ đồng.

Hy vọng, giai đoạn hai của Nhà máy đi vào hoạt động, sẽ tạo bước đột phá về phát triển kinh tế công nghiệp của địa phương, góp phần đẩy nhanh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh Ninh Bình trong những năm tới.

Đồng chí Đặng Ngọc Thạch, lão thành cách mạng phường Tân Thành, thành phố Ninh Bình

Chính quyền thực sự quan tâm đến người cao tuổi, người có công

Từ khi tái lập tỉnh và đặc biệt là từ khi thị xã được công nhận là đô thị loại III, diện mạo của thành phố thay đổi hằng ngày; kết cấu hạ tầng đô thị được đầu tư xây dựng tương đối hoàn chỉnh, đồng bộ và đã mang dáng dấp của một đô thị hiện đại.

Từ những đổi thay đó, mà đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân thành phố ngày càng được nâng cao. Phúc lợi xã hội được lãnh đạo cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm; đặc biệt là với những người già, người có công... Về công việc này, tôi thấy, Thành ủy, Ủy ban nhân dân thành phố có sự quan tâm đặc biệt. Hằng năm, các ngày lễ, Tết, lãnh đạo Thành ủy, Ủy ban nhân dân thành phố đều gặp mặt, có quà; nếu ai không tới được thì lại mang đến tận nhà. Đây là một nghĩa cử cao đẹp. Tuy mức trợ cấp hiện nay chưa cao, nhưng thể hiện rõ tính ưu việt của chế độ ta, mà chỉ có chế độ này mới làm được như vậy.

Trong thời gian tới, tôi mong rằng: cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm đến nhà ở cho dân cư đô thị, tạo việc làm cho họ; tạo thêm nơi vui chơi, giải trí cho nhân dân, đặc biệt là người cao tuổi. Suy nghĩ và lựa chọn loại hình công nghiệp nào để làm, không cần to, nhưng phải hiệu quả; quan tâm đào tạo cán bộ trẻ, có đủ năng lực để gánh vác sự nghiệp cách mạng trong tương lai.

Linh mục Phê-rô Nguyễn Hồng Phúc, Chính xứ Chính tòa Phát Diệm, huyện Kim Sơn

Ninh Bình phát triển với tốc độ nhanh

Năm 1828, ông Nguyễn Công Trứ được triều đình Huế phái ra Bắc, với chức Doanh Điền Sứ khai phá những vùng đất mới. Ông đã mộ dân, đắp đê, lấn biển, lập ra huyện Tiền Hải (Thái Bình) và Kim Sơn (Ninh Bình), nay là hai huyện trù phú, xứng đáng với tên gọi “biển bạc”, “núi vàng”. Quá trình đắp đê, lấn biển có công lớn của giáo dân Kim Sơn.

Từ năm 1954 đến nay, mối quan hệ giữa các cấp ủy, chính quyền với giáo dân, đặc biệt là các chức sắc rất tốt; trên quan điểm đoàn kết, đồng thuận để chung sức phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.

Những năm qua, đặc biệt là từ khi tái lập tỉnh, dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy, sự quản lý của chính quyền các cấp, sự đồng thuận của nhân dân trong tỉnh, với chủ trương phát triển công nghiệp, du lịch, dịch vụ đồng bộ, hợp lý; nên diện mạo của tỉnh, thành phố Ninh Bình nói chung và huyện Kim Sơn nói riêng có nhiều khởi sắc. Theo cảm nghĩ của tôi, sự đổi thay toàn diện sau 20 năm tái lập tỉnh đã diễn ra với tốc độ nhanh.

Đồng chí Nguyễn Đức Vũ, Bí thư Đảng ủy phường Bích Đào, thành phố Ninh Bình

Đưa Nghị quyết của Đảng bộ phường vào cuộc sống

Nhiệm kỳ trước, thực hiện quy hoạch của thành phố, một bộ phận dân cư sản xuất trên diện tích 50 ha (đất một vụ lúa) đã bàn giao lại để triển khai các dự án, các công trình phúc lợi xã hội. Để tạo việc làm cho những hộ dân này, Đảng ủy phường đã tổ chức các lớp dạy nghề đan cói, đan bèo bồng, mây tre đan xuất khẩu, thêu ren... Tuy nhiên, các nghề trên đến nay hầu như không được duy trì, do thu nhập thấp, không phù hợp với lực lượng lao động ở thành phố.

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ phường, nhiệm kỳ 2010 - 2015, Đảng ủy tập trung lãnh đạo thực hiện một số giải pháp, nhằm nhanh chóng đưa Nghị quyết đi vào cuộc sống. Cụ thể là, để tạo việc làm cho nhân dân, Đảng ủy phường đã chỉ đạo chính quyền phường tạo môi trường thuận lợi về thủ tục hành chính, khuyến khích các thành phần kinh tế, các hộ gia đình mạnh dạn đầu tư sản xuất, kinh doanh với nhiều ngành nghề đa dạng, phong phú như sản xuất cơ khí, gò hàn, may mặc, xây dựng và phát triển thương mại, dịch vụ.

Hiện nay, trên địa bàn phường có hơn 20 doanh nghiệp và khoảng 800 hộ kinh doanh dịch vụ. Nghề may xuất khẩu thu hút lực lượng lớn lao động động tham gia học và làm nghề. Công ty trách nhiệm hữu hạn Dũng Minh đã tổ chức dạy nghề và tạo việc làm cho gần 300 lao động, phần lớn là con em trong phường, thu nhập bình quân 3,5 triệu đồng/người/tháng. Đảng ủy phường cũng chỉ đạo các đoàn thể khai thác các nguồn vốn giúp hội viên phát triển sản xuất, kinh doanh. Hội Cựu Chiến binh, Hội Nông dân tổ chức cho hội viên tham quan các mô hình làm kinh tế giỏi và xây dựng mô hình nuôi nhím, dế đều đạt hiệu quả kinh tế cao. Cùng với tập trung lãnh đạo đẩy mạnh phát triển kinh tế, Đảng ủy phường chú trọng làm tốt việc giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội. Đến nay, hộ nghèo chỉ còn 0,59%; hộ cận nghèo 1,38%. Lĩnh vực văn hóa - xã hội cũng có nhiều tiến bộ, với 93,2% hộ gia đình đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa, 12/13 phố văn hóa. Năm 2011, thu ngân sách trên địa bàn vượt kế hoạch thành
phố giao.

Đồng chí Đinh Thị Hoa, Bí thư Đảng ủy xã Kỳ Phú, huyện Nho Quan

Phát triển kinh tế, xây dựng chính quyền vững mạnh để hướng tới tương lai

Kỳ Phú là xã vùng cao, phía tây nam huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình; số dân là 5.350 người, dân tộc Mường chiếm trên 77%. Trước đây, đời sống của nhân dân trong xã rất khó khăn. Từ khi có Chương trình 134, 135, cùng với nỗ lực của địa phương, đến nay, toàn bộ đường giao thông liên bản, liên xã được bê-tông hóa, rải nhựa, cấp phối; trường tiểu học, trung học cơ sở, trạm y tế xã được công nhận đạt chuẩn quốc gia, đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân được nâng lên rõ rệt;100% số hộ gia đình có điện thắp sáng. Để hướng tới tương lai, Kỳ Phú tập trung trước hết chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp. Phát huy thế mạnh của địa phương, Ủy ban nhân dân xã giao nhiệm vụ cụ thể cho từng bản xây dựng phương hướng phát triển cây lương thực, cây công nghiệp, trồng rừng gắn với chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, mùa vụ theo hướng sản xuất hàng hóa, hiệu quả kinh tế cao. Hiện nay, Kỳ Phú hình thành những vùng chuyên canh sản xuất dưa, lạc, lúa tại các bản: Xanh, Xăm, Phùng Thượng, Vóng, Sạng… Đối với các bản Tân Phú, Mét, Ao Lươn, tập trung cho các loại cây công nghiệp và phát triển chăn nuôi con đặc sản (dê, hươu, nhím, ong). Và, đã có nhiều hộ vươn lên thoát nghèo.

Đồng thời, Kỳ Phú tập trung xây dựng chính quyền vững mạnh. Đảng ủy xã  xác định: nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, cải cách thủ tục hành chính và thực hiện dân chủ là khâu đột phá. Từ năm 2006 đến nay, xã cử 4 cán bộ đi học đại học, 13 người học các lớp trung cấp. Hiện nay, nhiều cán bộ chủ chốt, cán bộ chuyên môn, các ban, ngành của xã đã có trình độ đại học, cao đẳng. Bên cạnh đó, Kỳ Phú cũng hoàn thành việc kiện toàn đội ngũ trưởng bản; tổ chức tốt việc lấy phiếu tín nhiệm một số chức danh cán bộ, công chức theo quy định. Điều đó đã giúp cho công tác chỉ đạo, điều hành của chính quyền xã ngày càng tiến bộ và thu kết quả quan trọng. Đặc biệt trong công tác giảm nghèo: năm 2005, số hộ nghèo chiếm tỷ lệ 19,5%, năm 2010 chỉ còn 7,73%. Từ năm 2005 - 2010, đã xóa nhà tranh tre cho 251 hộ, với số tiền 2,865 tỉ đồng; trong đó, Nhà nước hỗ trợ 1,445 tỉ đồng, nhân dân đóng góp vật liệu, ngày công có giá trị là 1,420 tỉ đồng.

Đảng ủy xã tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện tốt Quy chế Dân chủ ở cơ sở, trươc hết là công khai cho người dân biết về tình hình thu, chi ngân sách hằng năm; về chủ trương xây dựng đời sống văn hóa; về chính sách hỗ trợ xóa đói, giảm nghèo; nhất là quy hoạch sử dụng đất... Việc bình xét các hộ gia đình được hỗ trợ làm nhà ở theo Đề án 02, 06 của Hội đồng nhân dân tỉnh; đóng góp kinh phí, ngày công, hiến đất làm nhà văn hóa, làm đường giao thông liên bản, kiên cố hóa trường lớp, kênh mương..., người dân được trực tiếp bàn bạc và quyết định./.