Trước xu hướng giảm giá mạnh của phần lớn các phân khúc như căn hộ, chung cư, biệt thự và đất nền phân lô, nhiều người băn khoăn về khả năng trụ đỡ và tồn tại của các nhà đầu tư, các dự án nhà ở nói riêng và toàn thị trường bất động sản nói chung.

Nhiều câu hỏi được đặt ra trong lúc này như khi nào thị trường chạm đáy; nếu xu hướng giảm trở thành làn sóng và chứng kiến hàng loạt dự án bất động sản đang có nguy cơ thoái vốn, thậm chí là đổ vỡ thì Nhà nước có nên can thiệp hay không và can thiệp như thế nào?

Phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam về vấn đề này.


- Thưa Thứ trưởng, tình hình chung của thị trường bất động sản hiện diễn biến ra sao dưới góc nhìn của đại diện cơ quan quản lý Nhà nước?


Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam:
Có thể thấy rằng, sau chính sách thắt chặt tiền tệ và hạn chế cho vay đầu tư, kinh doanh vào lĩnh vực phi sản xuất, thị trường bất động sản đã tỏ rõ sự suy yếu. Bằng chứng là hàng loạt công trình xây dựng đang bị đình đốn, giãn tiến độ. Nhiều dự án nhà ở giảm giá mạnh từ 30 đến 40%, thậm chí có nơi chỉ còn 15,5 triệu đồng/m2.

Bài toán nan giải nhất là đối với các dự án đã bán được một phần, nếu không giảm giá sẽ vừa khó cạnh tranh với các dự án mới, vừa khó huy động được nguồn lực để tái đầu tư, còn nếu giảm giá thì sẽ khó xử với các khách hàng đã mua đợt đầu. Hay các dự án đang xây dựng dang dở, khi bị thắt chặt tín dụng, đã không còn khả năng tài chính để tiếp tục hoàn thiện và cho ra sản phẩm. Nhìn chung là bế tắc, vì thực tế, thị trường bất động sản giảm giá mạnh nhưng không có người mua. Không phải vì họ không có nhu cầu mà vấn đề là bị hạn chế bởi nguồn tiền.


- Nhiều ý kiến cho rằng, nên để thị trường vận hành đúng quy luật, có lúc lên, lúc xuống. Nhờ đó, người mua sẽ được tiếp cận gần hơn với giá trị thực của bất động sản và cải thiện tính minh bạch của thị trường. Thứ trưởng nghĩ sao về điều này?


Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam:
Giá bất động sản tăng-giảm phụ thuộc vào quy luật cung cầu của thị trường. Điều đó là đúng. Nhưng nếu thị trường giảm giá mạnh như thế, vẫn không kích thích được tiêu dùng, không có thêm hoạt động đầu tư, kinh doanh và các doanh nghiệp thì có thể đứng trên bờ vực phá sản trước nhiều sức ép do cạn vốn, do lãi suất, đáo nợ ngân hàng, rồi chi phí giá cả đầu vào tăng cao… thì rất cần “bàn tay” can thiệp của Nhà nước để điều tiết và dẫn dắt thị trường đi đúng hướng.

Dù sao cũng cần coi các doanh nghiệp bất động sản tương tự như các doanh nghiệp nông nghiệp, công nghiệp hay dịch vụ. Họ cũng cần trợ giúp khi đặc biệt khó khăn.


- Trong bối cảnh hiện nay, giải pháp nới lỏng chính sách tiền tệ, ưu tiên cho vay đối với một số dự án khả thi, xem ra sẽ khó được chấp nhận. Thứ trưởng có gợi ý gì khác không?


Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam:
Với nguồn lực hết sức có hạn như hiện nay thì đúng là khó. Tuy nhiên, có thể cân nhắc việc Nhà nước nên bỏ tiền đầu tư và mua lại bất động sản ở thời điểm này như là một cách để bơm vốn ra thị trường, tạo dòng tiền trợ giúp các doanh nghiệp. Hơn thế nữa, điều đó còn giúp tăng thêm quỹ đất, quỹ nhà, đáp ứng nhu cầu cho thuê về nhà ở công vụ, nhà ở cho các đối tượng chính sách hay nhà ở xã hội mà không nhất thiết phải chờ đợi xây mới, chờ huy động tài chính từ các thành phần kinh tế, vừa mất nhiều thời gian, hiệu quả lại hạn chế.

Đây cũng là việc làm phổ biến ở các nước phát triển, với những chính phủ có tiềm lực tài chính bởi không chỉ góp phần điều tiết thị trường bất động sản, mang lại các lợi ích kinh tế vì thuận lợi do giá rẻ, khi bán lại còn có lãi nếu thị trường hồi phục và ổn định. Hơn thế nữa, còn góp phần giải quyết nhiều vấn đề về an sinh xã hội. 


- Ông có thể dự đoán tình trạng này kéo dài tới khi nào và triển vọng của thị trường sẽ ra sao, thưa Thứ trưởng?


Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam:
Khó đoán định khi nào thị trường bất động sản sẽ chạm đáy và tình hình được cải thiện, nhất là khi chưa có động thái nào từ phía Nhà nước để trợ lực cho thị trường. Nhưng chắc chắn rằng, chỉ khi các doanh nghiệp bất động sản ổn hơn và dần hồi phục "sức khỏe," lúc ấy triển vọng của thị trường mới lạc quan./.