TCCSĐT - Mới đây, trong cuộc họp báo tại trụ sở Tổ chức Văn hóa, Khoa học và Giáo dục Liên hợp quốc (UNESCO) ở Paris (Pháp), bà Cécile Duvelle, Vụ trưởng Vụ Văn hóa phi vật thể UNESCO cho biết, "hát Xoan của Việt Nam sẽ là một trong các di sản được đưa ra thông qua để công nhận là di sản văn hóa phi vật thể thế giới”.

Đây là cuộc họp báo được tổ chức dưới sự chủ tọa của bà Cécile Duvelle, trong khuôn khổ kỳ họp Đại hội đồng UNESCO lần thứ 36 đang diễn ra ở thủ đô Paris, nhằm thông báo cho báo giới những nội dung sẽ được bàn thảo tại hội nghị lần thứ 6 Ủy ban liên chính phủ về bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể UNESCO như các vấn đề về tài chính, biện pháp tích cực và thiết thực để bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa phi vật thể thế giới, thành lập ủy ban xem xét, đánh giá kiểm định các di sản đề cử năm 2012, chuẩn bị tổ chức 10 năm ra đời Công ước về gìn giữ di sản văn hóa phi vật thể (2003-2013).

Từ ngày 22 đến ngày 29-11-2011 tại Bali (Indonesia) sẽ diễn ra Hội nghị lần thứ 6 Ủy ban liên chính phủ về bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO.

Tại cuộc họp, bà Cécile Duvelle khẳng định: “khả năng thành công của Việt Nam là rất lớn” bởi hát Xoan đã thỏa mãn tất cả 5 tiêu chí bắt buộc theo đánh giá của Cơ quan tư vấn khoa học, mặc dù điều kiện và phương tiện của Việt Nam để đáp ứng các tiêu chí đó còn rất khiêm tốn.

Theo bà Cécile Duvelle, Việt Nam là đất nước rất năng động và nhận thức đầy đủ những “cái được” của việc bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa phi vật thể của đất nước. Chính phủ Việt Nam đã áp dụng những biện pháp "có trách nhiệm”, thêm vào đó Việt Nam có những chuyên gia giỏi, phụ trách việc hoàn thiện hồ sơ và thực hiện các bước chuẩn bị hồ sơ của những di sản đề cử để Ủy ban liên chính phủ về bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO xem xét và công nhận là di sản văn hóa phi vật thể thế giới.

Trước nguy cơ hát Xoan bị mai một và thất truyền, ngay từ tháng 8-2009, tỉnh Phú Thọ đã phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam cùng UNESCO tổ chức các cuộc hội thảo về loại hình nghệ thuật này, đồng thời lập hồ sơ trình UNESCO xem xét công nhận đây là di sản văn hóa phi vật thể thế giới cần được bảo vệ khẩn cấp, dựa trên các tiêu chí độc đáo ở lời ca, giai điệu, làn điệu và tính trung thực của nó.

Theo kết quả đánh giá công tác kiểm kê hát Xoan (dân ca Phú Thọ) do Ủy ban Nhân dân tỉnh Phú Thọ tổ chức tháng 2-2010, nhằm hoàn chỉnh hồ sơ trình Chính phủ đề nghị UNESCO công nhận hát Xoan là di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp cho thấy, toàn tỉnh Phú Thọ có 69 nghệ nhân hát Xoan (từ 60 tuổi trở lên ở 4 phường Xoan của thành phố Việt Trì), 49 người (từ 60 tuổi trở lên) biết hát Xoan, 81 người tham gia các phường Xoan. Trong số các nghệ nhân hát Xoan, 31 người có độ tuổi từ 80 đến 104, trong đó chỉ có 8 nghệ nhân còn khả năng trình diễn và truyền dạy.

Hiện hát Xoan có ở 18 xã của hai tỉnh Phú Thọ và Vĩnh Phúc, trong đó 15 xã, phường thuộc thành phố Việt Trì, các huyện Phù Ninh, Lâm Thao, Tam Nông và Đoan Hùng (tỉnh Phú Thọ) và 3 xã thuộc 3 huyện Lập Thạch, Sông Lô và Vĩnh Tường (tỉnh Vĩnh Phúc). Các di tích có hát Xoan có ở 30 cửa đình, trong đó 13 di tích đã được bảo tồn tôn tạo bảo đảm môi trường diễn xướng hát Xoan, 2 di tích đã xuống cấp, 15 di tích đã mất hoàn toàn không còn không gian diễn xướng hát Xoan. Riêng địa bàn tỉnh Phú Thọ đã có 4 phường Xoan được thành lập theo quyết định của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang hoạt động tại thành phố Việt Trì, đó là phường Xoan An Thái, phường Xoan Thét, phường Xoan Phù Đức và phường Xoan Kim Đái; 3 đội hát Xoan tự thành lập ở huyện Lâm Thao và Phù Ninh.

Hiện hát Xoan của Việt Nam là một trong 23 di sản được đưa vào danh sách đề cử các di sản cần được “gìn giữ và bảo vệ khẩn cấp”, theo Công ước năm 2003 về gìn giữ di sản văn hóa phi vật thể./.