TCCSĐT - “Trong bối cảnh khu vực hóa và toàn cầu hóa, cùng với sự thâm nhập, tiếp xúc, ảnh hưởng và giao thoa giữa các nền văn hóa, trước những điều kiện mới và những đòi hỏi mới của đất nước trên con đường hội nhập quốc tế, những vấn đề lý thuyết và thực tiễn tiếp nhận nghệ thuật cần phải được đặt ra và xử lý một cách nghiêm túc”, PGS.TS Vũ Đức Nghiệu - Phó Hiệu trưởng trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn khẳng định như vậy trong cuộc Hội thảo “Tiếp nhận văn học nghệ thuật ở Việt Nam thời kỳ hội nhập” do trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn tổ chức ngày 10-11-2011.

Những vấn đề của mỹ học tiếp nhận phương Tây trên cơ sở kinh nghiệm nghệ thuật phương Tây; quan niệm của phương Đông và của cha ông ta về văn học, thưởng thức văn học, bình văn, cách tiếp thu di sản văn học, nghệ thuật của dân tộc và nhân loại cũng như các hoạt động phê bình, giảng dạy văn học trong giai đoạn hội nhập quốc tế, trong bối cảnh phát triển rất mạnh của những ngành và bộ môn khoa học trực tiếp liên quan như ngôn ngữ học, ký hiệu học, phân tích diễn ngôn, nhân học, xã hội học, tâm lý học... là những vấn đề hết sức hấp dẫn, nhưng cũng vô cùng phức tạp. Hơn 50 tham luận tại Hội thảo của các nhà giáo, các cán bộ nghiên cứu và hoạt động văn hóa, văn học của nhiều cơ quan, tổ chức đã tập trung làm rõ những vấn đề trên.

Theo đó, Hội thảo triển khai trên 2 bình diện: lý luận và thực tiễn về tiếp nhận, thực tế tiếp nhận phê bình, đánh giá các hiện tượng khoa học cụ thể. Đối tượng nghiên cứu của hội thảo cũng được mở rộng ở nhiều phạm vi văn học Việt Nam và văn học nước ngoài; khoa học quá khứ và khoa học đương đại; hoạt động dịch thuật và chuyển thể kịch bản; văn học dân gian và văn học chuyên nghiệp; tiếp nhận chuyên nghiệp và tiếp nhận đại chúng...

Khẳng định về tầm quan trọng của Hội thảo, PGS.TS Phạm Thành Hưng, Phó Chủ nhiệm khoa Văn học trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn nhận định: Hoạt động tiếp nhận  văn học có tính truyền thống và quy mô nhất, tiêu điểm nhất là việc giảng dạy văn học đang diễn ra từng ngày trong các trường phổ thông toàn quốc. Chính trên “mảnh đất” tiếp nhận đặc biệt này, vấn đề đổi mới chương trình, viết lại sách giáo khoa đang biến địa hạt giáo dục thành một mặt trận. Câu chuyện về đoạn kết của truyện cổ tích “Tấm Cám” xôn xao dư luận báo chí thời gian qua cũng đã cho thấy rõ điều đó. Bởi vậy, trên bình diện văn hóa và xét từ góc độ xã hội học, vấn đề người đọc cũng như tiếp nhận nghệ thuật nói chung ở Việt Nam hiện nay đang nổi lên như một vấn đề bức xúc, có chứa những mâu thuẫn, tâm lý thế hệ trong những điều kiện hết sức thuận lợi nhưng cũng hết sức phức tạp do công nghệ thông tin tạo ra, do quy luật toàn cầu hóa chi phối. Thế giới đang từng ngày tiếp nhận, bảo tồn và phát huy các giá trị nghệ thuật chân chính gắn liền với cuộc chống trả sự xâm lăng đồng bộ của đủ loại ấn phẩm và các “gói hàng” văn hóa hạ cấp, rẻ tiền. Những người đọc văn học, văn hóa nói chung hôm nay đã phải làm việc với tinh thần “vệ quốc”.

Dưới ánh sáng của công cuộc đổi mới, trong điều kiện hội nhập quốc tế, nhiều giá trị văn học, nhiều tác gia, tác phẩm trong quá khứ cũng như trong hiện tại, trong nước và cả ngoài nước cũng đã và đang bộc lộ những khía cạnh mới. Việc đánh giá lại các tác phẩm, tác gia là việc làm cần thiết trong thời kỳ hội nhập/.