Trong cuốn sách Đông Dương đỏ, xuất bản tại Pari năm 1975, tướng Xa-lăng đã viết về Quân đội nhân dân Việt Nam: “Quân đội của họ, gồm những người được tuyển mộ trong lớp thanh niên hăng hái - trước kia toàn là người tình nguyện - được nước Pháp dâng cho Điện Biên Phủ bằng cả hai tay, nay lại được nước Mỹ biếu không Sài Gòn và một số lượng dụng cụ chiến tranh khổng lồ đáng giá nhiều tỉ đô la, đã trở thành bộ máy chiến tranh không gì sánh kịp...Họ là những người mà sĩ quan Pháp vẫn coi là đối thủ đáng kính trọng. Người Mỹ từng coi thường họ và hiển nhiên họ đã đánh bại người Mỹ, tuy sức mạnh về số lượng và kỹ thuật vượt hơn họ nhiều lần. Họ là cái bảo đảm cho cả một Đông Dương đỏ”[1].

1. Phẩm chất quan trọng hàng đầu của quân đội ta, cội nguồn sức mạnh của “bộ máy chiến tranh không gì sánh kịp” ấy là lòng trung thành tuyệt đối với Đảng, Tổ quốc và nhân dân, sự hy sinh chiến đấu vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, vì hạnh phúc của nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Hơn sáu thập kỷ xây dựng, trưởng thành và chiến thắng, Quân đội nhân dân Việt Nam thực sự là một quân đội anh hùng, đã thể hiện đầy đủ và xuất sắc phẩm chất trung - hiếu với Đảng, với nhân dân, được Đảng và nhân dân hết mực tin yêu, bạn bè ngưỡng mộ và kẻ thù nể phục.

Quân đội là một tổ chức vũ trang của một giai cấp, một nhà nước nhất định; trung thành với giai cấp và nhà nước tổ chức ra nó là phẩm chất cơ bản, yêu cầu cốt tử đối với mọi quân đội. Quân đội nhân dân Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam tổ chức, giáo dục và rèn luyện, là công cụ bạo lực sắc bén của Đảng trong cuộc đấu tranh giai cấp, đấu tranh dân tộc nhằm thực hiện mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, nên tuyệt đối trung thành với Đảng, Tổ quốc và nhân dân là phẩm chất quan trọng hàng đầu. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhấn mạnh và tuyên dương: "Quân đội ta trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng"[2].

Phẩm chất trung với Đảng, hiếu với dân luôn được Chủ tịch Hồ Chí Minh đề cập song hành với việc thực hiện mục tiêu lý tưởng chiến đấu của quân đội. Hai phẩm chất này quan hệ chặt chẽ và thống nhất với nhau trong bản chất và truyền thống của quân đội ta, không thể tách ra một cách biệt lập, càng không hề mâu thuẫn nhau như sự bịa đặt và cố tình xuyên tạc của các thế lực chống đối, thù địch. Cả lý luận và thực tiễn đều chỉ rõ, lòng trung thành với Đảng của quân đội ta còn được biểu hiện ở sự hiếu với dân; hiếu với dân còn biểu hiện ở sự trung thành tuyệt đối với Đảng.

Mục tiêu, lý tưởng của Đảng là độc lập, tự do cho Tổ quốc, hạnh phúc cho nhân dân, trung với Đảng là phấn đấu, hy sinh vì mục tiêu, lý tưởng đó, là phục vụ đất nước, phục vụ nhân đân. Trung với Đảng bao hàm cả việc tuyệt đối trung thành với quốc gia, dân tộc, với Tổ quốc và nhân dân. Phạm trù "trung với Đảng" có nội hàm rộng lớn hơn nhiều và khác hẳn về bản chất so với phạm trù "trung quân" - trung với vua, với dòng họ đương quyền (tuy có gắn với "ái quốc"), một giá trị trong xã hội phong kiến. Còn quân đội do giai cấp tự sản tổ chức, xây dựng thì sự trung thành của quân đội ấy là thực hiện đường lối đối nội, đối ngoại của nhà nước tư sản, đường lối chống lại nhân dân lao động trong nước và thực hiện xâm lược, nô dịch các quốc gia, dân tộc khác.

Những quan điểm cho rằng, "quân đội đứng ngoài chính trị", "quân đội phi giai cấp"; rằng, “quân đội chỉ là công cụ bạo lực của nhà nước, không cần sự lãnh đạo của Đảng” chỉ là những thủ đoạn dối lừa, thực chất là nhằm ''phi chính trị hoá'' quân đội của các nước xã hội chủ nghĩa, tách quân đội ra khỏi sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, làm cho quân đội mất phương hướng và mục tiêu chiến đấu, vô hiệu hoá công cụ bạo lực sắc bén này, làm cơ sở tiến tới thủ tiêu sự lãnh đạo của Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa. Sự mất phương hướng và mục tiêu chiến đấu của quân đội Liên xô (cũ), một nguyên nhân dẫn đến chế độ xã hội chủ nghĩa ở đó sụp đổ là ví dụ sinh động còn nóng hổi tính thời sự minh chứng cho âm mưu "phi chính trị hoá" quân đội các nước xã hội chủ nghĩa của các thế lực phản động. Vì vậy, trong khi khẳng định phẩm chất quan trọng hàng đầu của quân đội ta là trung với Đảng, thì đồng thời phải tích cực đấu tranh làm thất bại âm mưu "phi chính trị hoá" quân đội ta của các thế lực thù địch.

Quân đội ta từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu, một quân đội của dân, do dân, vì dân, hiếu với dân là một phẩm chất quan trọng hàng đầu. Trong lịch sử nhân loại, hiếm có một quân đội nào trên thế giới lại có mối quan hệ mật thiết, gắn bó với nhân dân như Quân đội nhân dân Việt Nam. Từ trong bản chất, mối quan hệ giữa quân đội và nhân dân là mối quan hệ thống nhất và bền chặt. Nguồn sức mạnh vô địch của Quân đội nhân dân Việt Nam là từ nhân dân, dựa trên nền tảng sức mạnh tổng hợp quốc gia, sức mạnh của nhân dân, sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: "Quân với dân như cá với nước, đoàn kết một lòng, học hỏi, giúp đỡ lẫn nhau"[3], nhân dân là "nền tảng", là "cha mẹ" của bộ đội. "Quân với dân như cá với nước” là cách thể hiện rất độc đáo trong tư tưởng Hồ Chí Minh về mối quan hệ mật thiết giữa Quân đội nhân dân Việt Nam và nhân dân Việt Nam. Phẩm chất hiếu với dân của quân đội phản ánh thực tiễn xây dựng, trưởng thành, chiến đấu, công tác của quân đội, được quy định bởi sự thống nhất về mục tiêu, lý tưởng của nhân dân và quân đội. Bao trùm nhất của lòng hiếu với dân của quân đội ta là "vì nhân dân chiến đấu, vì nhân dân phục vụ", vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân. Đó vừa là mục tiêu chiến đấu, vừa là phương châm hành động của tất cả cán bộ, chiến sĩ quân đội trong mọi giai đoạn cách mạng; ngoài lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân, quân đội ta không có mục đích tự thân nào khác.

Chỉ có quân đội cách mạng mới có thể có đầy đủ nguồn sức mạnh từ nhân dân, nguồn sức mạnh vô tận, không bao giờ cạn kiệt, bảo đảm sự trưởng thành và chiến thắng của quân đội, thể hiện ưu thế hơn hẳn so với quân đội của chủ nghĩa đế quốc. Chính vì vậy, tăng cường mối quan hệ quân - dân luôn luôn là yêu cầu cơ bản của việc xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam trong tất cả các giai đoạn cách mạng; đồng thời đó còn là đòi hỏi của việc không ngừng củng cố, bồi đắp phẩm chất hiếu với dân của quân đội. Hiếu với dân không chỉ biểu hiện ở những thành tích huy hoàng của quân đội trong chiến đấu chống kẻ thù của đất nước, của nhân dân, mà còn biểu hiện ở tình cảm "thương yêu dân", “kính trọng dân”, ở hành động giúp đỡ dân, bảo vệ dân, tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với dân, luôn giữ nghiêm kỷ luật trong quan hệ với dân, không đụng đến "cái kim, sợi chỉ" của nhân dân... được nhân dân yêu mến, tin tưởng, "đi dân nhớ, ở dân thương". Nội hàm và ý nghĩa khái niệm “hiếu với dân” của quân đội ta là rất rộng lớn và sâu sắc, chỉ có thể có được ở quân đội cách mạng, quân đội của dân, do dân và vì dân.

2. Trung với Đảng, hiếu với dân không chỉ dừng lại ở phạm vi thái độ, tình cảm, mà điều quan trọng là phải thể hiện ở hành động cách mạng cụ thể, ở sự “sẵn sàng chiến đấu hi sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội; nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng. Nếu cán bộ, chiến sỹ quân đội không hoàn thành tốt nhiệm vụ, sợ hy sinh, ngại khó khăn gian khổ, không vượt qua được những thử thách khắc nghiệt trong chiến tranh cũng như trong thời bình, những cám dỗ của đời thường, mà sao nhãng tay súng, mất cảnh giác hoặc vi phạm kỷ luật... thì chưa thể nói số cán bộ, chiến sĩ ấy đã tận trung với Đảng, tận hiếu với dân. Rõ ràng là, sự trung - hiếu của quân đội đối với Đảng và nhân dân không phải chỉ là ở sự trung - hiếu của một tổ chức thuộc lực lượng vũ trang, mà sự trung - hiếu ấy phải thấm vào trong từng trái tim, khối óc, trong tình cảm cách mạng của mọi quân nhân, ở sự giác ngộ sâu sắc mục tiêu, lý tưởng chiến đấu của quân đội, ở hành động của mỗi cán bộ, chiến sĩ trong thực hiện nghĩa vụ, trách nhiệm của mình đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.

Để quân đội hoàn thành phận sự trung với Đảng, hiếu với dân, điều có ý nghĩa quan trọng hàng đầu là phải xây dựng quân đội "thực sự là quân đội cách mạng", "quân đội vô địch", như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng giáo huấn. Một quân đội dù có trung thành bao nhiêu, nhưng nó sẽ lập tức bị tiêu diệt nếu không được trang bị đầy đủ và huấn luyện chu đáo, lời cảnh báo đó của V.I.Lênin càng có ý nghĩa đặc biệt đối với việc xây dựng quân đội ta trong giai đoạn cách mạng hiện nay. Vì thế, trong khi nhấn mạnh phẩm chất trung với Đảng, hiếu với dân của quân đội, thì đồng thời phải xây dựng quân đội thực sự vững mạnh, nâng cao chất lượng tổng hợp và sức mạnh chiến đấu của quân đội. Mối quan hệ này cần được quán triệt sâu sắc và thực hiện một cách khoa học trong suốt quá trình xây dựng quân đội. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: "Trong công cuộc xây dựng và phát triển quân đội, chúng ta phải ra sức đẩy mạnh việc xây dựng và củng cố công tác chính trị và quân sự trong bộ đội ta. Phải nâng cao giác ngộ chính trị, nâng cao chiến thuật và kỹ thuật, nâng cao kỷ luật tự giác của bộ đội ta. Phải làm cho quân đội ta thành một quân đội chân chính của nhân dân"[4], phải" săn sóc", chăm lo đời sống vật chất - tinh thần cho bộ đội.

3. Trong bối cảnh hiện nay, vấn đề giữ vững và phát huy phẩm chất tốt đẹp của “Bộ đội Cụ Hồ”, đặc biệt là phẩm chất trung với Đảng, hiếu với dân có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Chúng ta đang thực hiện sự nghiệp củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc trong bối cảnh thế giới và trong nước có những biến động to lớn và sâu sắc. Sự phát triển mạnh mẽ của cách mạnh khoa học công nghệ hiện đại, kinh tế tri thức, xu thế toàn cầu hoá kinh tế; những diễn biến phức tạp, khó lường của cuộc đấu tranh giai cấp, đấu tranh dân tộc, của tình hình chính trị, quân sự trên thế giới; sự chống phá quyết liệt của các thế lực thù địch đối với cách mạng nước ta; sự phát triển mới của tình hình kinh tế - xã hội đất nước... làm cho nội dung, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc của nhân dân ta có bước phát triển mới. Bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa là “bảo vệ vững chắc Tổ quốc, độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa; bảo vệ an ninh chính trị, an ninh kinh tế, an ninh tư tưởng văn hoá và an ninh xã hội; duy trì trật tự, kỷ cương, an toàn xã hội; giữ vững ổn định chính trị của đất nước, ngăn ngừa, đẩy lùi và làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá, thù địch, không để bị động, bất ngờ”[5].

Nội dung rộng lớn và toàn diện của sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa đã đặt ra nhiều vấn đề rất mới đối với việc xây dựng quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại nói chung, củng cố, bồi dưỡng phẩm chất trung với Đảng, hiếu với dân cho quân đội nói riêng. Trong điều kiện mới, đòi hỏi phải xây dựng quân đội ta có đủ sức mạnh, đáp ứng mọi yêu cầu của phương thức đấu tranh bảo vệ Tổ quốc, cả vũ trang và phi vũ trang, vừa có khả năng ngăn chặn, làm thất bại mọi âm mưu và hành động phá hoại của các thế lực thù địch, đẩy lùi mọi nguy cơ chiến tranh; vừa phải sẵn sàng chiến thắng địch trong điều kiện chiến tranh, cả chiến tranh thông thường và chiến tranh có sử dụng vũ khí công nghệ cao. Đây là yêu cầu bức thiết, là nội dung cụ thể của việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của quân đội ta, và còn là sự biểu hiện tập trung lòng trung - hiếu của quân đội đối với Đảng, Tổ quốc và nhân dân trong giai đoạn cách mạng mới.

Trong chiến tranh ác liệt, gian khổ, các thế hệ cán bộ, chiến sỹ của quân đội ta đã tạo được hình ảnh “Bộ đội cụ Hồ” hết sức tốt đẹp trong lòng nhân dân; làm cho mối quan hệ quân dân gắn bó, tạo nên sức mạnh chiến thắng mọi kẻ thù. Trong lao động hoà bình, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, những tác động nhiều mặt của tình hình thế giới, trong nước, từ mặt trái của kinh tế thị trường đã đặt ra những vấn đề rất mới đối với việc phát huy hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ”, tăng cường tình đoàn kết quân dân. Thực tế trong quá trình xây dựng và trưởng thành của quân đội, có không ít trường hợp mà hành động của một số cán bộ, chiến sỹ đã làm phai mờ hình ảnh tốt đẹp của “Bộ đội Cụ Hồ” trong lòng nhân dân.

Hình ảnh tốt đẹp của quân đội trong con mắt nhân dân bao giờ cũng thông qua những việc làm và hành động cụ thể của mọi quân nhân, từ vị chỉ huy cao nhất của quân đội đến người lính bình thường. Mỗi quân nhân đều phải thực sự là người cán bộ tuyên truyền, giáo dục, thuyết phục nhân dân bằng chính việc làm của mình, phải ra sức giữ gìn trật tự trị an, bảo vệ cuộc sống yên lành của nhân dân. Cán bộ, chiến sỹ quân đội đi đến đâu đều phải được dân yêu mến, tin tưởng; trong quan hệ với nhân dân tuyệt đối không làm điều gì phương hại đến lợi ích của nhân dân, củng cố mối quan hệ với nhân dân, trước hết và trực tiếp với nhân dân ở địa phương nơi đơn vị đóng quân. Mỗi cán bộ, chiến sỹ quân đội không những phải tích cực tuyên truyền, giáo dục, hướng dẫn và giúp đỡ nhân dân thực hiện các nhiệm vụ quân sự, quốc phòng mà còn phải tham gia tích cực và có hiệu quả trong các nhiệm vụ xây dựng cơ sở chính trị - xã hội ở các địa bàn, nhất là trên các địa bàn trọng yếu, vùng sâu, vùng xa, biên giới; tham gia xoá đói, giảm nghèo; phòng chống thiên tai, cứu hộ cứu nạn và phòng chống các tệ nạn xã hội… Trong thực hiện bất cứ nhiệm vụ nào và ở đâu, cán bộ, chiến sỹ quân đội đều phải phát huy truyền thống tốt đẹp của “Bộ đội Cụ Hồ”, “vì nhân dân quên mình”, thật sự là người chiến sỹ của quân đội cách mạng của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.

Tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với quân đội là nhân tố quyết định việc giữ vững, củng cố và phát huy phẩm chất trung với Đảng, hiếu với dân của quân đội. Sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với quân đội luôn là nhân tố quan trọng hàng đầu trong quá trình xây dựng quân đội ta nói chung, xây dựng quân đội ta về chính trị nói riêng. Đảm bảo cho quân đội luôn tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc và nhân dân; đồng thời có đủ sức mạnh để làm tròn phận sự trung thành của mình là yêu cầu cơ bản, cốt lõi của việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với quân đội trong tất cả các giai đoạn cách mạng. Có giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với quân đội, thì mới có thể xây dựng quân đội thực sự vững mạnh về chính trị, truyệt đối trung thành với Đảng, đó là nguyên tắc quan trọng hàng đầu. Đồng thời, chính sự nghiệp xây dựng quân đội về chính trị, yêu cầu bồi dưỡng phẩm chất trung thành của quân đội đòi hỏi phải tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với quân đội. Đây là mối quan hệ biện chứng thống nhất giữa chủ thể lãnh đạo và đối tượng lãnh đạo trong quá trình xây dựng quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, cần phải được nhận thức đầy đủ và đúng đắn.

Để giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với quân đội, để Đảng có thể nắm chắc quân đội trong mọi tình huống, mọi hoàn cảnh, vấn đề cơ bản đầu tiên là Đảng phải tự nâng mình lên ngang tầm với nhiệm vụ, đủ sức lãnh đạo sự nghiệp cách mạng và lãnh đạo quân đội; đồng thời phải có nội dung và phương thức lãnh đạo phù hợp. Điều có ý nghĩa quyết định trực tiếp đối với việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với quân đội là phải chăm lo xây dựng Đảng bộ quân đội, xây dựng hệ thống tổ chức đảng trong quân đội trong sạch, vững mạnh, đủ sức lãnh đạo toàn quân; xây dựng đội ngũ chính uỷ, chính trị viên cả về phẩm chất, năng lực và tác phong công tác theo tinh thần Nghị quyết 51 của Bộ Chính trị (khoá IX) về “tiếp tục hoàn thiện cơ chế lãnh đạo của Đảng; thực hiện chế độ một người chỉ huy gắn với thực hiện chế độ chính uỷ, chính trị viên trong Quân đội nhân dân Việt Nam”; tăng cường rèn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên trong quân đội thực sự là “hạt nhân”, là “nòng cốt” trong xây dựng quân đội.

Sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới đặt ra một cách gắt gao phải xây dựng quân đội ta thực sự vững mạnh, có sức chiến đấu cao, đáp ứng mọi yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Đại hội X của Đảng tiếp tục chỉ rõ phương hướng nhiệm vụ xây dựng quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, nâng cao chất lượng tổng hợp, sức chiến đấu để quân đội “thật sự là lực lượng chính trị trong sạch, vững mạnh, tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng, Nhà nước và nhân dân, được nhân dân tin cậy, yêu mến”[6]. Quân đội càng tiến lên chính quy hiện đại, nhiệm vụ ngày càng nặng nề thì càng cần phải giữ vững và phát huy phẩm chất tốt đẹp của “Bộ đội Cụ Hổ”, tuyệt đối trung thành với Đảng, Tổ quốc và nhân dân, hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó, xứng đáng là một hình ảnh cao đẹp, một biểu tượng giá trị của dân tộc Việt Nam trong thời đại mới.



[1] Điện Biên phủ, nhìn từ phía bên kia, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, năm 1994, tr. 176

[2] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 11, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, năm 2000, tr. 350

[3] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 11, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, năm 2000, tr. 350

[4] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 6, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, năm 2000, tr. 171

[5] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, năm 2007, tr. 108-109

[6] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, năm 2006, tr. 110