Sáng kiến vì cộng đồng: Nhân rộng và kết nối

Tin: Phương Trà Ảnh: Đình Quyết
21:10, ngày 01-06-2018

TCCSĐT - Sáng 01-6, tại Hà Nội, Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản, Bộ Khoa học và Công nghệ, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã phối hợp tổ chức Hội thảo “Chia sẻ các sáng kiến vì cộng đồng: Nhân rộng và kết nối”. Hội thảo nằm trong khuôn khổ Chương trình “Sáng kiến vì cộng đồng” lần thứ hai.

Đến dự Hội thảo có đồng chí Phạm Công Tạc, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ; đồng chí Vũ Văn Hà, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản; đồng chí Ngô Sơn Hải, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam; cùng các nhà quản lý, các chuyên gia, đại diện các ban, ngành tại Hà Nội.

 
PGS, TS. Vũ Văn Hà, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản phát biểu đề dẫn

Tiếp nối thành công của Chương trình “Sáng kiến vì cộng đồng” lần thứ nhất, phát biểu đề dẫn, PGS, TS. Vũ Văn Hà, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản nhấn mạnh, Hội thảo được tổ chức nhằm tiếp tục góp phần phản ánh, khuyến khích nhân rộng, gia tăng sự kết nối để những sáng kiến vì cộng đồng có tính ứng dụng cao của các tổ chức, cá nhân sớm được triển khai hiệu quả trong đời sống kinh tế - xã hội của đất nước, mang lại những lợi ích thiết thực cho cộng đồng.

Sau 9 tháng phát động (từ tháng 5-2017 đến hết tháng 02-2018), Ban Tổ chức Chương trình đã nhận được gần 400 dự án sáng kiến của các tác giả và nhóm tác giả trên cả nước. Các sáng kiến lần này tập trung vào những vấn đề nóng của đời sống kinh tế, văn hóa - xã hội, y tế, khoa học ứng dụng. Trong đó, các sáng kiến thuộc lĩnh vực văn hóa - xã hội chiếm số lượng lớn, chủ yếu là các hoạt động thiện nguyện nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống cho đồng bào các vùng khó khăn. Bên cạnh đó là các sáng kiến trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, môi trường, giáo dục,… Các sáng kiến tại Chương trình là những công trình có ý nghĩa, rất cần được tiếp tục có những cơ chế, chính sách, giải pháp khuyến khích nhân rộng, tạo sự kết nối, hiện thực hóa các sáng kiến vì cộng đồng. Do vậy, theo đồng chí Vũ Văn Hà, Hội thảo là cơ hội để các sáng kiến được trình bày, làm rõ ý tưởng; đồng thời, Hội thảo tiếp nhận những ý kiến nhận xét, làm rõ thêm giá trị của các sáng kiến, cũng như đặt ra những đòi hỏi để các sáng kiến hoàn thiện hơn, đáp ứng tốt hơn nhu cầu, lợi ích cộng đồng.

Với 10 báo cáo, Hội thảo đã lắng nghe hai nhóm sáng kiến: Nhóm 1 là các sáng kiến xuất sắc trong lĩnh vực khoa học, kỹ thuật với những đề xuất, biện pháp triển khai trong thực tế. Nhóm này gồm: Sáng kiến “Bếp lò đun tạo nước nóng phục vụ sinh hoạt cho học sinh bán trú vùng cao”; Sáng kiến “Ứng dụng truyền tải thông tin ngập (UDI Maps) tại Thành phố Hồ Chí Minh"; Sáng kiến “Cải tiến dàn quạt tạo oxy để tiết kiệm điện trong nuôi tôm”; Sáng kiến “Thu thập và cung cấp số liệu về độ mặn nguồn nước góp phần phục vụ nông nghiệp, phát triển đời sống nông thôn và đời sống con người”; Sáng kiến “Sản xuất muối sạch tự động và tận thu nước ngọt với Lều sấy lắp ghép bẫy nhiệt năng lượng mặt trời”.

Với sáng kiến “Bếp lò đun tạo nước nóng phục vụ sinh hoạt cho học sinh bán trú vùng cao”, nhóm tác giả Minh Ngân muốn giải quyết điều kiện sinh hoạt cho học sinh bán trú ở những vùng dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn. Cụ thể là tạo nước nóng với chi phí thấp, phục vụ sinh hoạt cho học sinh bán trú vùng cao trong điều kiện hiện nay, góp phần bảo đảm, chăm sóc sức khỏe cho học sinh người dân tộc thiểu số, nhất là học sinh nữ; góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Sản phẩm của sáng kiến là hệ thống bếp lò đun được thiết kế tận dụng nhiệt của bếp làm nóng nước. Nhiệt lượng của bếp lò đồng thời vừa làm chín thức ăn, vừa làm nóng nước trong hệ thống ống dẫn nước dẫn tới bồn bảo ôn để học sinh sử dụng.

Sáng kiến “Ứng dụng truyền tải thông tin ngập (UDI Maps) tại Thành phố Hồ Chí Minh” của Đoàn Thanh niên UDI Công ty thoát nước đô thị thành phố Hồ Chí Minh xuất phát từ tình trạng ngập lụt cần giải quyết ở thành phố Hồ Chí Minh. Theo đó, mục tiêu của UDI Maps trong sáng kiến nhằm cung cấp: thông tin cảnh báo sớm các vị trí ngập trước khi mưa; thông tin hiện trạng mưa, triều cường và các vị trí đang ngập; công cụ hỗ trợ tìm đường đi tránh các điểm ngập, tin nhắn cảnh báo mỗi khi xuất hiện những điểm ngập mới; thu nhận thông tin từ người dân để nâng cao chất lượng chuyên môn.

Trên cơ sở đánh giá tổng quan hiện trạng của các hộ nuôi tôm với việc xây dựng các đường dây truyền tải cấp điện cho nuôi tôm hiện nay còn gặp nhiều khó khăn tại vùng đồng bằng sông Cửu Long, Tổng Công ty Điện lực miền Nam (EVN SPC) đưa ra sáng kiến “Cải tiến dàn quạt tạo oxy để tiết kiệm điện trong nuôi tôm”. Hiệu quả về mặt xã hội là các hộ nuôi tôm thí điểm ở tỉnh Sóc Trăng (2016 - 2017) đã có ý thức sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả với mô hình cải tiến tiết kiệm điện. Về hiệu quả kinh tế có 161 hộ được triển khai thí điểm. Đối với ngành điện lực, sản lượng điện được tiết kiệm khi áp dụng giải pháp tiết kiệm điện của hộ nuôi tôm. Sáng kiến tiếp tục được triển khai tuyên truyền tại các tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau năm 2018.

 
 Quang cảnh Hội thảo

Sáng kiến “Thu thập và cung cấp số liệu về độ mặn nguồn nước góp phần phục vụ nông nghiệp, phát triển đời sống nông thôn và đời sống con người” của Xưởng Vô tuyến - NET2 có mục tiêu cung cấp kịp thời thông tin tham khảo trực quan về chất lượng nguồn nước, đặc biệt là độ mặn, giúp bà con có sự chuẩn bị thích hợp cho đời sống, cũng như ra quyết định thực hiện các dự án chăn nuôi hay trồng trọt của mình; góp phần cải tiến hình thức cung cấp thông tin trực tiếp đến bà con thông qua sử dụng ứng dụng IoT. Những thông tin này được bà con truy cập online số liệu tức thời qua các hệ điều hành (Andriod/IOS,..) trên các thế hệ điện thoại thông minh.

Sáng kiến “Sản xuất muối sạch tự động và tận thu nước ngọt với Lều sấy lắp ghép bẫy nhiệt năng lượng mặt trời” của tác giả Trần Công Lý là thiết kế ứng dụng cho phương pháp sản xuất muối phơi nước nhằm tạo lập một hệ thống sản xuất muối sạch tự động, trong đó ô bay hơi hay ô kết tinh được tích hợp trong một bộ thu nhiệt năng lượng mặt trời dạng tấm phẳng, gọi là lều lắp ghép sấy bốc hơi nước bẫy nhiệt năng lượng mặt trời. Sáng kiến nhằm giảm chi phí đầu tư tối đa, có ảnh hưởng tích cực đến nghề sản xuất muối, một bộ phận quan trọng của kinh tế biển Việt Nam.

Sau khi nghe báo cáo của các sáng kiến nhóm 1, Hội thảo đã nhận được ý kiến đánh giá, tư vấn hướng phát triển từ các đại diện Hội đồng Chung khảo. TS. Lê Ngọc Lâm, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu Trí tuệ đánh giá tính hữu dụng của Sáng kiến “Bếp lò đun tạo nước nóng phục vụ sinh hoạt cho học sinh bán trú vùng cao” đáp ứng phục vụ sinh hoạt của các trường bán trú vùng sâu. TS. Lê Ngọc Lâm cũng góp ý nhóm tác giả cần đề cập tới cách sử dụng hệ thống tạo nước nóng này, trao đổi về việc triển khai rộng rãi mô hình sáng kiến trên cơ sở những bản hướng dẫn chi tiết, cụ thể hơn.

Nhận xét về Sáng kiến “Ứng dụng truyền tải thông tin ngập (UDI Maps) tại Thành phố Hồ Chí Minh”, TS. Phan Tùng Mậu, Phó Chủ tịch Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam cho rằng, nhóm tác giả cần khảo sát cụ thể số lượng người dân đã sử dụng công nghệ cảnh báo ngập lụt này. Ngoài ra, ứng dụng mới dừng lại ở cảnh báo tình trạng ngập, do vậy cần khắc phục đưa thêm tính năng thông báo mức độ ngập nước cụ thể ở từng khu vực, phục vụ cho thông tin về khả năng lưu thông trong vùng ngập lụt.

Đánh giá tính thiết thực, hiệu quả của sáng kiến đối với cuộc sống, TS. Ngô Sơn Hải, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam mong muốn sáng kiến UDI Maps có sự đầu tư các số liệu cụ thể trên cơ sở kết hợp với các nguồn lực, các đơn vị có sẵn các hệ thống cảnh báo ngập lụt, cảnh báo các điểm tắc nghẽn giao thông,… để đạt hiệu quả tối đa cho hệ thống.

 
 Đồng chí Ngô Sơn Hải, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam đánh giá Dự án “Tuyên truyền bảo vệ môi trường nguồn nước và hành lang hồ chứa thủy điện”

Nhóm sáng kiến thứ hai được trình bày tại Hội thảo là nhóm các sáng kiến xuất sắc trong lĩnh vực đời sống, xã hội với nhiệm vụ tuyên truyền, giáo dục các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước. Nhóm gồm Sáng kiến “Đẩy mạnh công tác giáo dục vùng biên và phối hợp giải quyết việc làm cho đồng bào biên giới”, Sáng kiến “Vì cuộc sống hòa nhập cho người khuyết tật”, Sáng kiến “Thắp sáng cộng đồng”, Sáng kiến “Ngôi nhà nhỏ trên thảo nguyên”, Sáng kiến “Tuyên truyền bảo vệ môi trường nguồn nước và hành lang hồ chứa thủy điện”.

Trong nhóm thứ hai, Dự án “Đẩy mạnh công tác giáo dục vùng biên và phối hợp giải quyết việc làm cho đồng bào biên giới” của cô giáo Lý Thị Thảo đã thu hút sự quan tâm của Hội thảo. Với tâm huyết của cô giáo vùng biên Lạng Sơn, cô giáo Lý Thị Thảo đã phản ánh thực trạng vượt biên trái phép tại vùng biên ngày càng gia tăng và trở nên nhức nhối. Do đó, cô giáo mong muốn đưa ra một số biện pháp cụ thể nhằm hạn chế việc vượt biên trái phép, nâng cao ý thức tự chủ của đồng bào biên giới, bảo đảm an ninh quốc gia, an toàn cuộc sống của người dân, đồng thời phối hợp với các cơ quan phân phối, tiếp nhận nguồn lao động để ổn định duy trì cuộc sống cho học sinh, thanh niên vùng biên. Đánh giá về dự án, Ds. Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Tổng Giám đốc Đại Bắc Group cho rằng, đây là dự án đầy tính nhân văn của một cô giáo dành cho những học sinh tại vùng hẻo lánh thiếu thông tin. Dự án có cách nhìn mạnh dạn đánh giá về vấn đề an ninh, xã hội, cách tiếp cận mới giúp cung cấp cho học sinh, thanh niên vùng biên có thông tin hữu ích về những cơ hội tìm kiếm việc làm, góp phần giảm thiểu tình trạng vượt biên trái phép. Đồng tình với ý nghĩa của dự án, PGS, TS. Vũ Văn Hà mong muốn dự án sẽ được truyền thông góp tay hiện thực hóa trong cuộc sống.

Để chung tay cùng cộng đồng đồng hành với những người khuyết tật, nhóm tác giả Bệnh viện Phục hồi chức năng Hà Nội đem đến Hội thảo dự án “Vì cuộc sống hòa nhập cho người khuyết tật” với mong muốn giúp người khuyết tật tự tin hòa nhập, vượt qua khó khăn, thử thách để tìm được hạnh phúc trong cuộc sống. Dự án nêu sáng kiến xây dựng “Cơ sở dữ liệu tài nguyên trực tuyến về người khuyết tật” với một hệ thống cơ sở đồng bộ dữ liệu chính xác và cập nhật về tình hình, thông tin từng người khuyết tật tại địa phương thông qua phần mềm quản lý người khuyết tật trên toàn quốc, bao gồm việc khảo sát tỷ lệ, đánh giá các nhu cầu cần hỗ trợ của người khuyết tật, kênh chia sẻ, kết nối các tài liệu, báo cáo, nghiên cứu, dự án về phục hồi chức năng cho người khuyết tật. Dự án nhằm phục vụ chung cho cả cộng đồng, người khuyết tật và gia đình người khuyết tật, các cơ quan tổ chức trong nước và quốc tế quan tâm đến vấn đề khuyết tật. Sáng kiến được Ds. Nguyễn Hữu Dũng nhận xét có cái nhìn tổng quát, khoa học về người khuyết tật. Dự án đưa ra giải pháp thông tin rất tốt hỗ trợ người khuyết tật hòa nhập tốt hơn với xã hội. Bên cạnh đó góp phần giúp quản lý tốt hơn thông tin về nhóm người khuyết tật. Ds. Nguyễn Hữu Dũng mong muốn trang thông tin điện tử của dự án được phổ biến và áp dụng trong cộng đồng.

Sáng kiến “Thắp sáng cộng đồng” của Đại học Hùng Vương được thực hiện với cách thức xã hội hóa nguồn lực và phát huy nội lực cộng đồng thông qua các hoạt động trợ giúp mang tính khoa học và bền vững. Sáng kiến hướng tới trợ giúp cho các em học sinh nghèo vượt khó và các gia đình có hoàn cảnh khó khăn là phụ huynh các em học sinh. Dự án góp phần thay đổi nhận thức của người dân, giúp họ phát huy nội lực, tự vươn lên trong cuộc sống, tiến tới giúp con em họ có điều kiện học tập. Kết quả của dự án đã có sự khác biệt sau 8 tháng thực hiện thí điểm tại xã Xuân Sơn, huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ, trở thành một bước đi tiên phong trong cách thức hỗ trợ từ phía các cá nhân, tổ chức xã hội tham gia hoạt động hỗ trợ cộng đồng nghèo. Sáng kiến đã nhận được sự ủng hộ của Hội thảo.

Xuất phát từ những vấn đề thực tiễn của cộng đồng dân cư trên địa bàn xã Quảng Khê nói riêng, huyện Đăk Glong - Đăk Nông nói chung hiện nay, Dự án “Ngôi nhà trên thảo nguyên” của nhóm BCA đặt mục tiêu góp phần bảo vệ môi trường, giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số Tây Nguyên, kết hợp phát triển dịch vụ vui chơi, giải trí - du lịch, góp phần phát triển kinh tế địa phương, xây dựng nông thôn mới, tạo thêm công ăn việc làm, thu nhập cho người dân địa phương trên địa bàn. Đánh giá ý tưởng của dự án “Ngôi nhà nhỏ trên thảo nguyên”, TS. Phan Tùng Mậu, Phó Chủ tịch, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam cho rằng, nhóm tác giả cần phát huy dự án này trên cơ sở tìm hiểu nhu cầu thiết thực của người dân ở đây, phù hợp với điều kiện thực tế của vùng, miền.

Dự án “Tuyên truyền bảo vệ môi trường nguồn nước và hành lang hồ chứa thủy điện” của Đoàn Thanh niên Tập đoàn Điện lực Việt Nam tuyên truyền về chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, đặc biệt là Nghị định 33/2017/NĐ-CP quy định về xử phạt trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản; tuyên tuyền về lợi ích và vai trò của thủy điện kết hợp với tuyên truyền bảo vệ môi trường, không lấn chiếm khu vực hành lang bảo vệ hồ chứa và vùng bán nhập hạ lưu. Dự án đã được thực hiện thí điểm từ năm 2015 tại 3 công trình thủy điện Hòa Bình, Trị An, Ialy. Năm 2017, dự án được triển khai tuyên truyền quy mô lớn tại 9 nhà máy: Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu, Huội Quảng, Bản Chát, Pleikrong, Sê San 3, Sê San 4, Trị An. Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam Ngô Sơn Hải ghi nhận kết quả của dự án, cho rằng, dự án cần đưa ra những hình thức tuyên truyền cụ thể và hiệu quả hơn nữa trong quá trình triển khai trong những năm tiếp theo.

 
 TS. Phạm Công Tạc, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ

Với tinh thần làm việc nghiêm túc, tích cực, các sáng kiến được trình bày tại Hội thảo đã được làm rõ về ý tưởng, nội dung triển khai và những kết quả, triển vọng, đồng thời đã nhận được những góp ý quý báu từ các chuyên gia. Kết luận Hội thảo, TS. Phạm Công Tạc, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ khẳng định sức mạnh của những sáng kiến vì cộng đồng, một trong những yếu tố góp phần cho sự phát triển đất nước. TS. Phạm Công Tạc nhấn mạnh cuộc thi các sáng kiến vì cộng đồng mang tinh thần đổi mới, sáng tạo. Với lần tổ chức thứ hai, cuộc thi đã đạt được những ý nguyện ban đầu. Với 400 sáng kiến gửi đến từ các vùng, miền trên cả nước, cuộc thi đã động viên, khích lệ cả xã hội có những sáng kiến mang lại lợi ích cho cộng đồng./.