Phát hiện và nhân rộng điển hình để phát triển kinh tế - xã hội ở Sơn La
Là một tỉnh vùng núi cao, biên giới có 12 dân tộc, điểm xuất phát về kinh tế còn thấp, những năm gần đây Sơn La đã phát triển khá nổi bật, có nhiều mô hình sản xuất đem lại hiệu quả kinh tế cao, giúp đồng bào các dân tộc cải thiện cuộc sống rõ nét. Trong tương lai gần, Sơn La sẽ là một tỉnh có nhiều điểm sáng về chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Sơn La nằm ở khu vực Tây Bắc Việt Nam, có nhiều núi cao, địa hình chủ yếu là núi và cao nguyên với mạng lưới sông, suối chằng chịt. Nhờ có nhiều sông, suối, thác ghềnh với nguồn nước dồi dào, nên rất thuận lợi cho việc phát triển các nhà máy thủy điện. Địa hình đa dạng, chia cắt bởi núi đã tạo ra nhiều tiểu vùng khí hậu khác nhau, do đó Sơn La có nhiều tiềm năng phát triển một nền kinh tế nông, lâm nghiệp và thủy điện, thủy sản đa dạng.
Sơn La đã có cây chè được trồng với diện tích rộng lớn và đàn bò sữa rất nổi tiếng ở cao nguyên Mộc Châu. Cao nguyên có tiểu vùng khí hậu mát mẻ quanh năm (như một Đà Lạt ở vùng Tây Bắc) nên trồng được các loại cây hoa, rau, quả ôn đới đáp ứng nhu cầu tiêu dùng cho thị trường nội địa và xuất khẩu. Được Đảng và Nhà nước quan tâm lãnh đạo, giúp đỡ, ở tỉnh Sơn La đã và đang xuất hiện nhiều điển hình, mô hình tốt về cách làm và lựa chọn bước đi phù hợp để đem lại hiệu quả kinh tế - xã hội rõ nét.
1 - Thực trạng phát triển kinh tế - xã hội
Trong những năm qua, tăng trưởng kinh tế của Sơn La luôn giữ được tốc độ khá đều đặn: năm 2006 đạt 14,28%, năm 2007 đạt 15,38%, sáu tháng đầu năm 2008 ước tăng 11% (trong đó, sản xuất nông, lâm nghiệp tăng 2,27%, công nghiệp - xây dựng tăng 21,61%, dịch vụ tăng 17,39%) so với giai đoạn 2001 - 2005 đạt bình quân 11,6%/ năm. Trên địa bàn tỉnh đã hình thành những vùng sản xuất chuyên canh về cây công nghiệp với 4.378 ha chè đạt sản lượng chè búp tươi 23.820 tấn, 3.085 ha cà phê đạt sản lượng cà phê nhân 3.412 tấn, 4.002 ha mía đạt sản lượng mía cây 208.007 tấn, sản lượng đường kính 21.000 tấn và về chăn nuôi với 344.130 con đại gia súc đạt sản lượng thịt hơi 38.500 tấn, 3.143 con bò sữa đạt sản lượng sữa tươi 9.000 tấn. Giá trị sản xuất công nghiệp năm 2007 đạt 951,1 tỉ đồng do các cụm công nghiệp ở thị xã, huyện Mai Sơn, huyện Mộc Châu hoạt động ngày càng có hiệu quả. Trên địa bàn tỉnh đã và đang đầu tư xây dựng 49 nhà máy thủy điện lớn, vừa và nhỏ, trong đó có 04 nhà máy lớn là Nhà máy thủy điện Sơn La 2.400 MW, Nhà máy thủy điện Huổi Quảng 520 MW, Nhà máy thủy điện Nậm Chiến I là 198 MW, Nhà máy Thủy điện Nậm Chiến II là 32 MW. Tổng vốn đầu tư phát triển đạt 6.418 tỉ đồng năm 2007, trong đó vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý là 783,642 tỉ đồng. Tổng thu ngân sách nhà nước năm 2007 đạt 2.608 tỉ đồng, trong đó thu ngân sách trên địa bàn đạt 365,7 tỉ đồng. Thu nhập bình quân đầu người năm 2007 đạt 6 triệu đồng/người/năm, giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống 37%.
Nhờ đầu tư thâm canh và ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, khắc phục kịp thời hậu quả thiên tai, bảo đảm yêu cầu về mùa vụ, năm 2007, cơ cấu kinh tế nông lâm nghiệp đang chuyển dịch tích cực và bảo đảm an ninh lương thực với tổng diện tích gieo trồng cây lương thực có hạt đạt 135.307 ha, tăng 11,24% so với năm 2006. Trong đó diện tích lúa đạt 42.650 ha, tăng 8,75; diện tích ngô đạt 92.657 ha, tăng 12,45%. Tổng sản lượng lương thực đạt 49,3 vạn tấn, tăng 20,8% so với năm 2006 (sáu tháng đầu năm 2008 sản lượng lương thực có hạt ước đạt 52,2 vạn tấn).
Có được những kết quả rất đáng khích lệ trên là nhờ cả một quá trình mày mò, tìm kiếm của các thế hệ lãnh đạo tỉnh Sơn La, cũng như sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với địa bàn trọng yếu của vùng Tây Bắc này. Để sớm ổn định đời sống cho đồng bào các dân tộc và không ngừng phát triển, tiến kịp với các địa phương khác trên cả nước, qua nhiều năm vừa làm vừa rút kinh nghiệm, Sơn La đã tiến hành một số cách làm và lựa chọn bước đi phù hợp với các mô hình kinh tế nổi bật như sau:
- Có doanh nghiệp sản xuất cung ứng giống ngô và chọn cây ngô lai là cây xóa đói, giảm nghèo ở Sơn La.
Đó là câu chuyện của trên 10 năm về trước. Đến nay, cây ngô trên đất Sơn La đã được bà con các dân tộc gieo trồng với diện tích lớn (năm 2007 đạt 92.657 ha), trình độ thâm canh được chuyên sâu nên ngô có năng suất cao và sản lượng đứng ở tốp đầu của cả nước (sau Đồng Nai và Đắc Lắc). Trung tâm ngô giống Mai Sơn là nơi cung cấp giống ngô cho vùng Tây Bắc và nhiều tỉnh trong cả nước. Nhờ cây ngô, cảnh thiếu đói tìm ăn từng bữa của nhiều hộ gia đình, nhất là số đồng bào dân tộc thiểu số, đã sớm chấm dứt, đến nay nhiều hộ đã có thu nhập khá và giàu từ ngô. Nhìn những nương ngô xanh ngút ngàn dọc quốc lộ, tỉnh lộ, đường liên huyện, liên xã càng thấy sự cần cù chịu khó của người nông dân không quản mưa nắng làm nên những vụ ngô bội thu.
Cây ngô trên đồng đất Sơn La được trồng với diện tích lớn, năm 2007 đạt 92.657 ha, năng suất và sản lượng đứng tốp đầu cả nước (chỉ sau Đồng Nai và Đắc Lắc). |
Đến nay, khi đời sống đã được cải thiện, thì vấn đề về sự phát triển bền vững trên đất dốc đang được đặt ra. Cây ngô có đặc điểm phàm ăn hiện đang thích hợp với đất dốc nhưng màu mỡ của Sơn La, nhưng khả năng chống rửa trôi của thảm cây ngô lại rất kém. Bởi vậy, tỉnh đã và đang tìm kiếm cây khác để thay thế dần nhằm tăng độ che phủ, chống xói mòn đất, đồng thời vẫn bảo đảm an ninh lương thực trên địa bàn.
- Công ty cổ phần cao su Sơn La với mô hình liên kết giữa nhà nông với nhà doanh nghiệp một cách bền chặt trong việc phát triển cây cao su trên địa bàn tỉnh Sơn La.
Xuất phát từ yêu cầu xóa đói, giảm nghèo, phòng hộ lòng hồ thủy điện và bảo vệ "mái nhà xanh" của đồng bằng Bắc Bộ, Tỉnh ủy Sơn La đã quyết nghị về chương trình phát triển cây cao su trên địa bàn tỉnh với Kết luận số 139-KL/TU, ngày 20-4-2007, Kết luận số 524-KL/TU, ngày 05-12-2007 và Thông báo số 843-TB/TU, ngày 07-3-2008 để định hướng quy hoạch, kế hoạch, chính sách một cách chặt chẽ, hấp dẫn bảo đảm lợi ích của các hộ nông dân người dân tộc cũng như lợi ích của doanh nghiệp.
Công tác di dân tái định cư thủy điện Sơn La đã tổ chức di chuyển an toàn 8.176 hộ đạt 65% trong tổng số hộ cần chuyển (tính đến 30-6-2008). |
Chính sách mới trong quan hệ liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp là các hộ gia đình có đất góp cổ phần bằng giá trị quyền sử dụng đất trồng cao su và mua cổ phần, vẫn giữ giấy cấp quyền sử dụng đất, đồng thời được tham gia lao động và làm công nhân cho Công ty. Các xã trồng được trên 300 cây cao su/năm sẽ được ưu tiên đầu tư xây dựng trụ sở ủy ban nhân dân xã theo tiêu chuẩn mới; các hộ góp giá trị quyền sử dụng đất từ 01 ha trở lên được tuyển dụng 01 công nhân và quyết định xây dựng Bản công nhân cao su phát triển toàn diện. Mô hình này đã đáp ứng được mục tiêu vì lợi ích kinh tế cho các bên nên rất bền chặt. Với kết quả trồng cây cao su liền vùng, liền khoảnh, năm 2008 trên 2.000 ha được tập trung ở các huyện: Mường La, Quỳnh Nhai, Thuận Châu, Mai Sơn, Yên Châu và phấn đấu trồng đạt 20.000 ha vào năm 2011, đạt 50.000 ha vào năm 2050. Công ty cổ phần cao su Sơn La đứng ra đầu tư ban đầu, chịu trách nhiệm về giống cây, kỹ thuật chăm sóc và bố trí cán bộ kỹ thuật và cán bộ quản lý giúp hướng dẫn đồng bào trong mọi khâu công việc. Số lao động tham gia tại Công ty có thu nhập thường xuyên tương đối khá, từ 1,3 triệu đến 1,8 triệu đồng/người/tháng tùy theo đơn giá và khối lượng công việc (làm đất, trồng cây, chăm sóc, làm cỏ và bảo vệ...). Hiện nay, Công ty cổ phần cao su Sơn La đã thành lập 07 đội sản xuất ở từng xã hoặc liên xã của 05 huyện với số lượng công nhân mỗi đội từ 100 đến 170 người. Khi một đội sản xuất có 1.500 ha cao su sẽ thành lập công ty cổ phần cao su và xây dựng một nhà máy chế biến mủ cao su. Theo kế hoạch trồng cây cao su, năm 2008 có 2.000 cán bộ công nhân, năm 2009 có 6.000 cán bộ công nhân, năm 2011 có 12.000 cán bộ công nhân mà đa số là người dân tộc thiểu số tại địa phương. Đây là mô hình được áp dụng lần đầu tiên tại Sơn La, nhưng bước đầu cho thấy rất nhiều triển vọng tốt từ mô hình này. Cây cao su còn có thể góp phần đắc lực vào việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng phát triển bền vững trên đất dốc.
- Khai thác tiềm năng về thủy điện
Trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp - xây dựng, Sơn La đang phát triển với nhịp độ nhanh, nhất là công nghiệp năng lượng. Nhà máy Thủy điện Sơn La với công suất 2.400 MW đang khẩn trương được xây dựng để tổ máy đầu đi vào hoạt động theo đúng kế hoạch vào năm 2010. Toàn tỉnh Sơn La hiện nay có 49 nhà máy thủy điện nhỏ và vừa đã và đang được xây dựng với tổng công suất 3.398 MW và tổng mức đầu tư khoảng 60.000 tỉ đồng nhằm đáp ứng năng lượng trên địa bàn tỉnh và quốc gia. Cùng với Nhà máy Thủy điện Sơn La, còn có Nhà máy thủy điện Nậm Chiến I, Nậm Chiến II, Huổi Quảng và 45 nhà máy thủy điện nhỏ được thiết kế và xây dựng với công nghệ mới siêu mỏng, có hiệu quả kinh tế cao. Sau công trình thủy điện Sơn La sẽ hình thành chuỗi đô thị dọc sông Đà như thị trấn ít Ong, huyện lỵ Quỳnh Nhai, cảng Vạn Bú, Tà Hộc, Tạ Khoa, Vạn Yên gắn chặt với các khu công nghiệp, cụm công nghiệp để khai thác tiềm năng thế mạnh trên địa bàn tỉnh Sơn La.
- Chú trọng phát triển thương mại, du lịch và dịch vụ
Hoạt động thương mại trên địa bàn tỉnh phát triển khá, thị trường hàng hóa, dịch vụ phong phú đa dạng đáp ứng nhu cầu sản xuất và đời sống. Các thành phần kinh tế vươn lên chiếm lĩnh thị trường, hàng hóa vào tận thôn bản đã làm bộ mặt nông thôn khởi sắc. Công tác xúc tiến thương mại, quản lý thị trường có nhiều tiến bộ, chất lượng dịch vụ được nâng lên rõ rệt. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng xã hội năm sau đạt cao hơn năm trước (6 tháng đầu năm 2008 đạt 2.258,9 tỉ đồng, tăng 28,82%)...
- Phát huy sức mạnh tổng hợp đẩy lùi tệ nạn, phát triển các nhân tố mới trong xây dựng gia đình văn hóa, thôn, bản văn hóa và xã hội văn minh.
Các hoạt động văn hóa, thông tin, báo chí... tiếp tục phát triển, có nhiều đổi mới về nội dung và hình thức. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 8/11 huyện, thị xã, 183 xã, 250 bản có nhà văn hóa, với trên 1.860 đội văn nghệ hoạt động thường xuyên; 80% dân số của tỉnh được xem truyền hình, 95% dân số được nghe Đài Tiếng nói Việt Nam. Toàn tỉnh có 99,7% bản, tiểu khu, tổ dân phố, trường học, trạm y tế xã có đảng viên và 84,34% cơ sở có chi bộ; hiện tại còn 12 bản chưa có đảng viên chiếm 0,3% và 622 cơ sở (485 bản, 85 trường học, 52 trạm y tế xã) chưa có chi bộ, chiếm 15,66% tổng số cơ sở.
Công tác phòng chống ma túy đạt kết quả tích cực và được nhân dân đồng tình ủng hộ. Đến 30-6-2008, tổng số người nghiện ma túy trong danh sách quản lý là 15.029 người, có 9.986 người được hỗ trợ cắt cơn cai nghiện từ năm 2006 không tái nghiện chiếm 77,45%, có 4.901 người được cấp giấy chứng nhận hoàn thành quy trình cai nghiện ma túy...
- Lựa chọn mô hình và hình thức phù hợp để di dân, sớm ổn định số cư dân di dời từ lòng hồ thủy điện Sơn La đến khu, điểm tái định cư mới.
Phát huy truyền thống và bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc, tỉnh đã tháo gỡ được nhiều khó khăn để tìm tòi mô hình và hình thức di dân phù hợp đạt hiệu quả cao. Trong việc di chuyển các hộ dân tái định cư đến bản mới, người dân sở tại ở các bản của Sơn La đã tự nguyện nhường đất nông nghiệp, đến giúp vận chuyển nhà và dựng nhà mới theo sự chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể địa phương. Đến 31-6-2008, tỉnh đã tổ chức di chuyển an toàn 8.176 hộ, đạt 65,5% tổng số hộ cần chuyển. Có được kết quả trên là do tỉnh đã làm tốt công tác quy hoạch, đầu tư xây dựng các khu, điểm tái định cư, thống kê áp giá đền bù, vận động các hộ dân đến tham quan địa điểm nơi ở mới và tự nguyện đăng ký cam kết di chuyển đúng tiến độ.
Tập đoàn cao su Việt Nam có mô hình góp vốn bằng quyền sử dụng đất, nhận lao động từ hộ nông dân, lần đầu tiên được áp dụng tại Sơn La để trồng cây cao su được đồng bào hưởng ứng. |
Bên cạnh những kết quả đạt được, kinh tế - xã hội của tỉnh vẫn còn tồn tại nhiều mặt hạn chế, yếu kém : tốc độ tăng trưởng kinh tế tuy khá cao, nhưng chưa bền vững; tỷ trọng các ngành trong GDP chuyển dịch còn chậm; quy mô sản xuất công nghiệp còn nhỏ bé, năng lực cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa còn hạn chế; việc phát triển các khu, cụm công nghiệp còn chậm, các doanh nghiệp phần lớn có quy mô nhỏ, hiệu quả sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp chưa cao. Lĩnh vực thương mại, dịch vụ và du lịch tuy có bước phát triển nhưng chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của tỉnh. Việc huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển còn hạn chế, toàn tỉnh còn 88 xã và 1.119 bản đặc biệt khó khăn. Kết cấu hạ tầng cơ sở ở nhiều xã vùng cao, biên giới chưa được đầu tư xây dựng đồng bộ. Tiến độ triển khai thực hiện một số khu kinh tế trọng điểm và đô thị mới còn chậm, nhất là triển khai xây dựng trung tâm huyện lỵ Quỳnh Nhai tại Phiêng Lanh. Nguồn nhân lực chất lượng cao còn rất thiếu, chất lượng đào tạo nghề chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn. Đời sống của cán bộ, công nhân viên chức hưởng lương và một bộ phận đồng bào vùng sâu, vùng cao biên giới còn gặp nhiều khó khăn. Cơ sở vật chất, thiết bị y tế và việc khám chữa bệnh cho nhân dân còn chưa đáp ứng nhu cầu. Cải cách hành chính chưa đáp ứng với xu thế hội nhập và mở cửa nền kinh tế. Công tác bảo vệ rừng được quan tâm chỉ đạo, nhưng tình trạng khai thác, vận chuyển, tàng trữ, mua bán trái phép lâm sản vẫn còn diễn ra, chưa được giải quyết kịp thời. Vẫn còn một bộ phận nhân dân vùng rẻo cao chưa ổn định đời sống và sản xuất, nên di dịch cư tự phát vẫn diễn biến theo xu hướng gia tăng.
Căn cứ vào tình hình thực tế của tỉnh, Đại hội Đảng bộ tỉnh Sơn La lần thứ XII đã đề ra mục tiêu tổng quát về phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2006 - 2010 là: "Tranh thủ thời cơ, vượt qua thách thức, huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế đi đôi với phát triển văn hóa -xã hội. Đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; chủ động tiến tới quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Hoàn thành nhiệm vụ di dân tái định cư thủy điện Sơn La. Tăng cường đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội. Phát triển sự nghiệp giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, nâng cao nguồn nhân lực. Không ngừng cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân, xóa đói, giảm nghèo. Giữ vững ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội, bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và an ninh quốc gia. Sớm đưa Sơn La thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn và rút ngắn khoảng cách với các tỉnh phát triển, tạo lập đồng bộ các yếu tố cơ bản làm tiền đề phát triển mạnh trong những năm tiếp theo". Với các mục tiêu chủ yếu là: tốc độ tăng trưởng GDP bình quân từ 14% - 14,5%/năm, đến năm 2010 tổng sản phẩm nội tỉnh gấp 1,9 lần so năm 2005. GDP bình quân đầu người đạt khoảng 550 USD - 560 USD. Về cơ cấu các ngành trong GDP, dịch vụ 37% - 38%; công nghiệp và xây dựng 34% - 35%; nông, lâm nghiệp 28% - 29%. Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng bình quân 8% - 9%/năm; giá trị sản xuất công nghiệp, xây dựng tăng bình quân 32% - 33%/năm (riêng công nghiệp tăng bình quân 23,3%/năm); giá trị các ngành sản xuất dịch vụ tăng bình quân 21%- 22%/năm. Di chuyển xong và ổn định đời sống, sản xuất cho 12.479 hộ dân tái định cư thủy điện Sơn La. Kim ngạch xuất khẩu tăng bình quân 11,4%/năm. Thu ngân sách trên địa bàn đạt 500 tỉ đồng. Tổng số vốn đầu tư toàn xã hội khoảng 32.000 tỉ - 35.000 tỉ đồng. Tạo việc làm cho 6 vạn lao động, bình quân 1,2 vạn lao động/năm; xóa hộ đói, giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống 25%; tỷ lệ hộ dân được dùng nước sạch 85%; tỷ lệ hộ dân dùng điện sinh hoạt 95%.
2 - Các giải pháp chủ yếu để phát triển kinh tế - xã hội
Để thực hiện các chỉ tiêu mà Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII đề ra, đáp ứng yêu cầu của hội nhập kinh tế quốc tế, trong lĩnh vực kinh tế - xã hội cần tập trung vào các giải pháp chủ yếu sau :
Một là, hoàn thiện quy hoạch tổng thể kinh tế - xã hội của tỉnh trên cơ sở quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Bắc. Trước hết, cần đổi mới nhận thức về vị trí của Sơn La trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Sơn La có tiềm năng phát triển nhiều nhà máy thủy điện để cung cấp điện cho đất nước; cao nguyên Mộc Châu, nơi có nhiệt độ từ 18o - 24o quanh năm mát mẻ, có thể phát triển đa dạng cây trồng, vật nuôi và phát triển du lịch sinh thái. Xây dựng các khu công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản gắn với lợi thế vùng lòng hồ và ven hồ thủy điện Hòa Bình, thủy điện Sơn La, Nậm Chiến, Suối Sập, Huổi Quảng... Thực hiện tốt Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Đấu thầu, Luật Xây dựng, Luật Đất đai, Luật Ngân sách và các văn bản quy phạm pháp luật, các chính sách thu hút đầu tư, các biện pháp điều hành thực hiện kế hoạch nhằm đẩy mạnh huy động vốn của các thành phần kinh tế. Nghiên cứu ban hành mới một số cơ chế, chính sách tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đổi mới thiết bị và đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất kinh doanh và bảo vệ môi trường. Rà soát, hoàn thành việc sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, các nông, lâm trường quốc doanh. Kiên quyết cắt bỏ các dự án chuyển đổi mục đích vì mục tiêu lợi nhuận mà ảnh hưởng đến quy hoạch tổng thể của tỉnh và của vùng Tây Bắc.
Hai là, thực hiện có hiệu quả 12 chương trình trọng điểm đến năm 2010, từng bước đưa Sơn La thoát khỏi tình trạng khó khăn và rút ngắn khoảng cách với các tỉnh phát triển. Các chương trình cụ thể là: 1- Di dân tái định cư thủy điện Sơn La; 2 - Chuyển dịch cơ cấu trong nông nghiệp, nông thôn; 3 - Chương trình phát triển kinh tế dịch vụ; 4 - Phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; 5 - Chương trình phát triển nguồn nhân lực; 6 - Chương trình xóa đói, giảm nghèo, giải quyết việc làm và các vấn đề xã hội bức xúc; 7 - Chương trình cải cách hành chính; 8 - Phát triển văn hóa - xã hội; 9 - Chương trình xây dựng quốc phòng, an ninh; 10 - Chương trình đổi mới và chỉnh đốn Đảng; 11 - Phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm và chống lãng phí; 12 - Phát huy sức mạnh đoàn kết dân tộc, liên kết với các tỉnh lân cận và hợp tác quốc tế với các tỉnh Bắc Lào.
Để làm tốt các chương trình trên, đòi hỏi phải phát huy sức mạnh của nội lực kết hợp với ngoại lực; các cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành và địa phương, cơ sở thực hiện có hiệu quả các chủ trương và nghị quyết của Chính phủ. Trong quá trình thực hiện các mục tiêu đề ra, những khó khăn cản trở nảy sinh phải được tìm cách tháo gỡ. Việc kết hợp giữa Nhà nước và nhân dân trong công tác di dân tái định cư thủy điện Sơn La đến quê hương mới ở Nà Nhụng, Mường Chùm (huyện Mường La) là bài học đáng quý cho nhiều nơi học tập, cần được nhân rộng ra nhiều điểm khác. Đó là, việc tổ chức di chuyển, đón dân an toàn tuyệt đối, tiến hành giao đất (cho 63 hộ) để phát triển sản xuất, ổn định đời sống lâu dài.
Ba là, tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu sản xuất trong nông nghiệp; phát triển chăn nuôi theo hướng tập trung gắn với phòng ngừa dịch bệnh cho gia súc, gia cầm. Coi trọng thâm canh cây trồng, nhất là cây công nghiệp như cây cao su, chè, cà phê,... Tiến hành rà soát lại đất trồng rừng, đưa dự án trồng rừng về các bản; tập trung chỉ đạo trồng rừng dọc theo hành lang giao thông, đỉnh đồi ở các vùng trọng điểm về bảo vệ môi trường, rừng đầu nguồn; phát huy vai trò của các bản, giao đất cho chủ cụ thể; có cơ chế, chính sách cho người dân trong việc trồng và bảo vệ rừng. Thực hiện Kết luận số 597-KL/TU, ngày 19-5-2008 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tình hình giao đất lâm nghiệp, giao rừng trên địa bàn tỉnh. Tập trung thực hiện chủ trương phát triển cây cao su theo Kết luận số 139-KL/TU ngày 20-4-2007 và Kết luận số 524-KL/TU ngày 5-12-2007 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh.
Bốn là, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng mạng lưới và nâng cao chất lượng hoạt động các ngành dịch vụ; tìm kiếm đối tác để đẩy mạnh xuất khẩu; tạo lập và phát triển các loại thị trường. Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư chiều sâu, đổi mới thiết bị, công nghệ các cơ sở công nghiệp hiện có; tập trung triển khai đề án khuyến công của tỉnh. Thúc đẩy sản xuất, tạo lập và nuôi dưỡng các nguồn thu; công khai minh bạch các nguồn thu chi ngân sách các cấp, các khoản đóng góp của nhân dân. Tiếp tục điều chỉnh cơ cấu chi ngân sách theo hướng chi cho đầu tư phát triển, thực hiện các chính sách xã hội và đầu tư cho các vùng đặc biệt khó khăn. Huy động các nguồn lực xã hội, thực hiện xã hội hóa một số lĩnh vực cho phát triển, như văn hóa, giáo dục, tài chính, ngân hàng...
Năm là, tăng cường các biện pháp nâng cao chất lượng và hiệu quả sử dụng quy hoạch xây dựng cơ bản. Tập trung xây dựng các dự án trọng điểm, đặc biệt là xây dựng trung tâm huyện lỵ Quỳnh Nhai tại Phiêng Lanh, hoàn thành các dự án phục vụ kế hoạch công bố quyết định công nhận thành phố Sơn La trực thuộc tỉnh. Chỉ đạo rà soát và kịp thời bổ sung quy trình thẩm định thiết kế công trình xây dựng; tập trung rà soát nợ xây dựng cơ bản để thanh quyết toán đúng khả năng, đúng khối lượng, đúng công trình. Triển khai nghiêm túc kết luận của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tình hình quản lý, sử dụng đất đai của các quy hoạch, dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh, chấn chỉnh "dự án treo" và "quy hoạch treo"; về tình hình quản lý thực hiện quy hoạch thủy điện vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh.
Sáu là, thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động các hộ dân ký cam kết và thực hiện di chuyển các hộ dân tái định cư thủy điện Sơn La theo tiến độ kế hoạch. Làm tốt việc bồi thường hỗ trợ về đất đai, giao đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất dự án di dân tái định cư thủy điện Sơn La. Tổ chức thực hiện cơ chế phối hợp giữa Ban Quản lý dự án tỉnh với chủ đầu tư, ban quản lý dự án chuyên ngành và ban quản lý dự án các huyện, thị. Đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng lập các đồ án quy hoạch chi tiết. Hướng dẫn các chủ đầu tư sớm hoàn thiện hồ sơ thủ tục để đẩy nhanh tiến độ giải ngân cho các công trình dự án có khối lượng hoàn thành và đủ hồ sơ thanh toán. Tăng cường việc thống kê, giám sát, áp giá và chi trả thanh toán đầy đủ và đúng quy định cho các hộ dân trước khi di chuyển đến nơi ở mới. Chỉ đạo đẩy nhanh việc giao đất, xây dựng phương án sản xuất, hỗ trợ giống, kỹ thuật canh tác, đào tạo và chuyển đổi ngành nghề cho các hộ tái định cư.
Bảy là, đẩy mạnh phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng xã, phường, thị trấn lành mạnh và không có tệ nạn xã hội. Tiếp tục rà soát, bổ sung và chỉ đạo thực hiện tốt hương ước, quy ước, quy chế dân chủ cơ sở, quy chế giám sát cộng đồng. Tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách về công tác phòng chống ma túy. Khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia vào công tác xã hội hóa cai nghiện ma túy, tổ chức dạy nghề và tạo việc làm cho những người sau cai nghiện ma túy, đáng chú là xây dựng mô hình chỉ đạo điểm trong công tác phòng chống ma túy. Tăng cường trao đổi, hợp tác với các tỉnh Bắc Lào để nâng cao hiệu quả kiểm soát, ngăn chặn tội phạm buôn bán ma túy qua biên giới và truy quét tội phạm ma túy./.
Nửa kỳ thực hiện Chương trình hợp tác quốc gia 7 giữa Việt Nam và UNFPA  (29/11/2008)
Tuyên bố chung Việt Nam - Ấn Độ  (29/11/2008)
Đọc thơ Hồ Chí Minh  (28/11/2008)
Trí thức Việt Nam tiến cùng thời đại  (28/11/2008)
Một số nội dung quan trọng trong Luật Cán bộ, công chức  (28/11/2008)
- Thúc đẩy quá trình cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhà nước
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về phát triển nông nghiệp và sự vận dụng của Đảng đối với vấn đề bảo đảm an ninh lương thực ở Việt Nam hiện nay
- Công an nhân dân tu dưỡng, rèn luyện, quyết tâm thực hiện lời căn dặn “Danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
- Chính sách đối ngoại đa phương của nước Mỹ tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Nâng cao chất lượng quản lý đảng viên ở ngoài nước trong giai đoạn mới: Thực trạng và giải pháp
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên