Trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc và xây dựng đất nước, trí thức luôn được coi là “rường cột của đất nước”, là “nguyên khí của quốc gia”... và thực tế đã có những đóng góp vô cùng to lớn, góp phần không nhỏ làm rạng danh non sông, đất nước. Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện, trí thức Việt Nam luôn sát cánh cùng giai cấp công nhân, giai cấp nông dân và nhân dân lao động cả nước đoàn kết, phấn đấu, cống hiến tài năng và trí tuệ, góp phần rất quan trọng vào thắng lợi chung của đân tộc.

Đảng và Nhà nước ta luôn đánh giá cao vai trò của đội ngũ trí thức, quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi để đội ngũ trí thức không ngừng phát triển, cống hiến ngày càng nhiều cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Ngày nay, trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, trước xu thế hội nhập khu vực, hội nhập quốc tế đang diễn ra mạnh mẽ và sôi động, sự phát triển nhảy vọt của cách mạng khoa học và công nghệ trên thế giới, nhiều vấn đề mới, quan trọng đặt ra đòi hỏi trí thức Việt Nam phải nỗ lực phấn đấu vươn lên để có thể tiếp thu những thành tựu khoa học, công nghệ tiên tiến của thời đại, đưa đất nước từng bước tiến kịp các nước trong khu vực và trên thế giới.

Nhằm làm rõ những vấn đề cơ bản, cấp bách đặt ra đối với trí thức Việt Nam trong xu thế hội nhập, toàn cầu hóa, những phương hướng, giải pháp chủ yếu để xây dựng và phát triển đội ngũ trí thức Việt Nam, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia xuất bản cuốn sách tham khảo Trí thức Việt Nam tiến cùng thời đại của tác giả Nguyễn Đắc Hưng.

Nội dung của cuốn sách gồm 4 chương:

Chương 1: Khái quát về trí thức và đội ngũ trí thức: phân tích nội hàm về trí thức; vị trí, vai trò của đội ngũ trí thức. Theo đó, khái niệm đội ngũ trí thức thường được dùng để chỉ những người có trình độ học vấn và chuyên môn cao, lao động bằng trí óc trên mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội, có khả năng sáng tạo ra tri thức và vận dụng tri thức vào thực tiễn, làm ra của cải, phục vụ nhu cầu con người và phát triển xã hội.

Chương 2I: Những vấn đề đặt ra đối với trí thức Việt Nam: sự biến đổi nhanh chóng của khoa học, công nghệ; sự xuất hiện và phát triển của xã hội thông tin và công nghệ thông tin; những thay đổi đang diễn ra trong thế giới hiện đại; thời cơ và thách thức trong môi trường toàn cầu hóa; những xu thế phát triển mới, tiến bộ như tập trung phát triển nguồn nhân lực, phát triển nông thôn và những vùng khó khăn, cùng nhau đấu tranh chống bệnh tật, nghèo đói, bảo đảm an toàn xã hội và bảo vệ môi trường… Tất cả những điều đó đòi hỏi đội ngũ trí thức phải phát huy vai trò, làm tốt công tác dự báo và chủ động trước những biến đổi nhanh chóng của tình hình trong nước và thế giới.

Chương 3: Về đội ngũ trí thức Việt Nam: tập trung nghiên cứu thực trạng, những trăn trở và tâm trạng của đội ngũ trí thức. Qua những số liệu thống kê, tác giả chỉ ra rằng cơ cấu cán bộ các cấp chưa hợp lý, chất lượng đào tạo đội ngũ trí thức, chất lượng nghiên cứu khoa học còn nhiều vấn đề, cơ sở vật chất phục vụ cho công tác đào tạo và nghiên cứu còn thấp, nguy cơ hẫng hụt đội ngũ cán bộ khoa học do tỷ lệ cán bộ ở độ tuổi chuẩn bị nghỉ hưu cao, v.v..

Chương 4: Phương hướng và giải pháp phát triển đội ngũ trí thức Việt Nam trong thời kỳ hội nhập: nêu quan điểm của Đảng và Nhà nước ta đối với đội ngũ trí thức; phân tích vai trò của giáo dục, chỉ ra tầm quan trọng của việc đổi mới công tác giáo dục, đổi mới chính sách sử dụng trí thức, thu hút trí thức ở nước ngoài.