Phát triển các vùng kinh tế trọng điểm (KTTĐ) là một trong những chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta để thực hiện đường lối công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước trong tiến trình hội nhập kinh tế thế giới. Chủ trương đó gắn liền với yêu cầu đổi mới tư duy, quy hoạch, kế hoạch và chính sách vĩ mô nhằm thúc đẩy quá trình phát triển và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo ngành, vùng và thành phần kinh tế, trong đó vai trò của vùng KTTĐ có ý nghĩa quan trọng. Thực tiễn ở nước ta cho thấy, phát triển vùng KTTĐ bên cạnh những mặt thuận lợi cũng nảy sinh nhiều khó khăn, thách thức.

1 - Quá trình hình thành và phát triển của 3 vùng kinh tế trọng điểm

Ba vùng KTTĐ Bắc, Trung, Nam hình thành và phát triển là sản phẩm của đường lối đổi mới do Đảng ta đề xướng và lãnh đạo. Triển khai Nghị quyết Đại hội VIII của Đảng về phát triển kinh tế vùng trong chiến lược công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Chính phủ đã ra quyết định thành lập 3 vùng "tam giác kinh tế động lực", hạt nhân của 3 vùng KTTĐ của 3 miền: Bắc, Trung, Nam. Tam giác kinh tế động lực miền Bắc lúc đầu gồm Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh với Thủ đô Hà Nội là hạt nhân. Tam giác kinh tế động lực miền Trung gồm 3 tỉnh: Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam - Đà Nẵng và Quảng Ngãi, thành phố Đà Nẵng là hạt nhân. Tam giác kinh tế phía Nam gồm Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu, Thành phố Hồ Chí Minh là hạt nhân.

Sau một thời gian thử nghiệm và phát triển, 3 tam giác kinh tế động lực đã đạt được một số kết quả nhất định. Vai trò và sự liên kết kinh tế giữa 3 tỉnh, thành trong từng tam giác cũng như giữa 3 tam giác kinh tế động lực với nhau đã bước đầu được thể hiện trên một số mặt. Tuy nhiên, quy mô và tốc độ tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế giữa các tỉnh trong một tam giác cũng như giữa 3 tam giác với nhau chưa đều và chưa vững. Vì vậy bước vào thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa theo tinh thần Nghị quyết Đại hội VIII của Đảng, những yêu cầu mới về phát triển kinh tế vùng và sự liên kết giữa các vùng KTTĐ với các vùng khác tăng lên, phạm vi và vai trò liên kết của 3 vùng KTTĐ Bắc, Trung, Nam phải điều chỉnh theo hướng mở rộng cho phù hợp. Cuối năm 1997 và đầu năm 1998, Thủ tướng Chính phủ đã lần lượt phê duyệt Quyết định số 747/1997/QĐ-TTg; Quyết định số 1018/1997/QĐ-TTg và Quyết định số 44/1998/QĐ-TTg về quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội ba vùng KTTĐ Bắc, Trung, Nam gồm 13 tỉnh, thành như sau:

- Vùng KTTĐ miền Bắc gồm: Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng và Quảng Ninh.

- Vùng KTTĐ miền Trung gồm: Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam và Quảng Ngãi.

- Vùng KTTĐ miền Nam gồm: Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu và Đồng Nai.

Các vùng KTTĐ đã phát huy vai trò đầu tàu thúc đẩy quá trình phát triển và chuyển dịch cơ cấu kinh tế cả nước theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tùy theo thế mạnh và vị trí của từng vùng, vai trò liên kết giữa các tỉnh trong vùng và giữa các vùng với nhau không ngừng tăng lên theo chiều rộng và chiều sâu gắn với xu thế hội nhập và mở cửa. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, ba vùng KTTĐ Bắc, Trung, Nam cũng còn nhiều hạn chế do không gian chật hẹp. Trong khi đó yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế ngày càng tăng, sự phát triển của một số tỉnh gần kề khá nhanh, đòi hỏi sự liên kết kinh tế với ba vùng KTTĐ cũng tăng lên. Trong bối cảnh đó không gian của ba vùng KTTĐ theo các quyết định cũ trở nên chật hẹp, không còn thích hợp.

Bước vào thế kỷ XXI, quá trình đổi mới chuyển sang giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế thế giới theo Nghị quyết Đại hội IX và X của Đảng, vấn đề chuyển dịch cơ cấu kinh tế chung và kinh tế vùng đặt ra những yêu cầu mới cao hơn và cấp bách hơn. Để đáp ứng các yêu cầu đó vai trò đầu tàu của ba vùng KTTĐ Bắc, Trung, Nam càng được khẳng định. Nghị quyết Đại hội IX của Đảng đã nhấn mạnh: "Nhà nước tiếp tục thúc đẩy các vùng kinh tế trọng điểm phát huy vai trò đầu tàu tăng trưởng nhanh, đồng thời tạo điều kiện và đầu tư thích đáng hơn cho nhiều vùng khó khăn. Thống nhất quy hoạch phát triển trong cả nước, giữa các vùng, tỉnh, thành phố, tạo sự liên kết trực tiếp về sản xuất, thương mại, đầu tư, giúp đỡ kỹ thuật và nguồn nhân lực"(1).

Bộ Chính trị (Khóa IX) đã ra các Nghị quyết số 39, số 53 và số 54, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các Quyết định số 145/2004/QĐ-TTg, số 148/2004/QĐ-TTg và số 146/2004/ QĐ-TTg về điều chỉnh quy hoạch tổng thể ba vùng KTTĐ đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020.

Theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, địa giới hành chính của 3 vùng KTTĐ Bắc, Trung, Nam có 20 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (nếu kể cả 3 tỉnh: Tiền Giang vào vùng KTTĐ miền Nam, Phú Yên, Khánh Hòa vào vùng KTTĐ miền Trung thì địa giới đó là 23 tỉnh, thành).

2 - Thực trạng vai trò và năng lực liên kết kinh tế của ba vùng kinh tế trọng điểm

a - Vùng kinh tế trọng điểm miền Nam

Vùng KTTĐ miền Nam được thành lập sớm nhất, liên tục được điều chỉnh địa giới hành chính để phát huy lợi thế và tiềm năng của các tỉnh trong vùng Đông Nam Bộ gắn kết với vùng đồng bằng sông Cửu Long. Sau một thời gian hoạt động theo Quyết định số 44/1998/QĐ-TTg, vùng KTTĐ miền Nam đã phát huy vai trò đầu tàu thúc đẩy tốc độ tăng trưởng kinh tế và đô thị hóa trong vùng Đông Nam Bộ. Tuy nhiên, do phạm vi không gian bị hạn chế, sự liên kết với các tỉnh Nam Bộ, nhất là vùng đồng bằng sông Cửu Long chưa được phát huy nên yêu cầu mở rộng phạm vi của vùng là cần thiết. Từ tháng 6-2003, Thủ tướng Chính phủ đồng ý mở rộng phạm vi vùng bao gồm 7 tỉnh, ngoài 4 tỉnh cũ còn có thêm Bình Phước, Tây Ninh, Long An, với tổng diện tích 23.994,2 km2, bằng 15,4% diện tích của cả nước. Phạm vi không gian được mở rộng ra ngoài vùng Đông Nam Bộ, thêm 1 tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long là Long An (sau này thêm Tiền Giang). Với phạm vi rộng, dân số đông, đất đai màu mỡ, lao động dồi dào, kinh tế đa ngành, kết cấu hạ tầng khá hoàn chỉnh, vùng KTTĐ miền Nam có vai trò rất quan trọng đối với kinh tế các tỉnh phía Nam cũng như với cả nước. Trong nhiều năm gần đây, vùng này tạo ra 60% nguồn thu ngân sách quốc gia, trên 70% kim ngạch xuất khẩu và là khu vực kinh tế hàng hóa năng động vào bậc nhất cả nước. Đây cũng là vùng thu hút được nhiều vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), có các khu công nghiệp, khu chế xuất nhiều nhất và sớm nhất. Các trung tâm kinh tế, thương mại, dịch vụ lớn đều tập trung vào 8 tỉnh này nên tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh nhất. Tỷ lệ dân số thành thị hiện nay lên tới gần 50%, so với 25% mức bình quân chung của cả nước và tốc độ chuyển dịch cơ cấu ngành nghề và lao động cũng nhanh nhất. Vai trò và khả năng liên kết kinh tế của vùng với các tỉnh phía Nam và cả nước vốn đã lớn lại ngày càng được tăng cường do lợi thế và tiềm lực kinh tế - tài chính vượt trội của vùng KTTĐ miền Nam. Vai trò và năng lực liên kết vùng của vùng KTTĐ miền Nam được thể hiện trên các mặt:

Ba vùng KTTĐ Bắc, Trung, Nam được hình thành và phát triển do đường lối đổi mới của Đảng và Nhà nước ta. Đương nhiên, để mỗi vùng KTTĐ phát triển nhanh, có hiệu quả phải liên doanh, liên kết giữa các tỉnh và gắn với 8 vùng kinh tế của cả nước.

- Tạo động lực mạnh mẽ cho quá trình cất cánh của nền kinh tế phía Nam và cả nước bằng tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, làm hình mẫu cho các hình thức liên kết kinh tế giữa các thành phần và khu vực kinh tế trong và ngoài nước, thu hút mạnh vốn FDI, vốn đầu tư phát triển chính thức (ODA), phát triển các khu công nghiệp, khu chế xuất thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế và lao động, công nghệ theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

- Hình thành vùng cửa ngõ rộng, thoáng và đầu mối giao lưu quốc tế năng động góp phần nâng cao vị trí của nền kinh tế nước ta trong đối thoại, mở rộng hợp tác, hội nhập kinh tế thế giới, đặc biệt là đối với các nước ASEAN và châu Đại Dương.

- Bố trí địa bàn dân cư theo hướng giảm bớt sức ép về mật độ dân số ở Thành phố Hồ Chí Minh. Tạo sức lan tỏa những yếu tố lành mạnh, tiến bộ về văn hóa, công nghệ, giáo dục, đào tạo... đối với toàn khu vực phía Nam nói chung Nam Bộ nói riêng.

Quan hệ phối kết hợp giữa 3 vùng KTTĐ với Ban Chỉ đạo của 8 vùng kinh tế và 63 tỉnh, thành phố cần có lộ trình rõ ràng trong quy hoạch và tổ chức chỉ đạo thực hiện.

- Hình thành một địa bàn chiến lược và trọng điểm phòng thủ vững chắc biên giới phía Tây Nam và vùng biển Đông, bảo đảm an ninh, quốc phòng, vùng trời vùng biển phía Nam của Tổ quốc. Việc mở rộng tới Tây Ninh, Tiền Giang và Long An, Bình Phước không chỉ gắn kết kinh tế giữa vùng KTTĐ miền Nam với vùng vựa lúa, trái cây, thủy sản lớn nhất nước, mà còn tạo thế đứng của vùng với các vùng biên giới trên đất liền, trên biển, hải đảo phía Nam trong quá trình hội nhập kinh tế thế giới và khu vực Đông - Nam á theo đường lối hòa bình, hữu nghị và hợp tác lâu dài, bình đẳng, cùng có lợi.

- Năng lực liên kết giữa vùng KTTĐ miền Nam với vùng Tây Nguyên cũng rất lớn. Sự liên kết giữa hai vùng này là nhu cầu tất yếu, bổ sung và hỗ trợ lẫn nhau cùng phát triển.

Như vậy, vai trò và tính liên kết của vùng KTTĐ miền Nam đối với các tỉnh Nam Bộ và các vùng khác của cả nước đã được thể hiện trên nhiều mặt cả về kinh tế, xã hội, quốc phòng và an ninh. Những kết quả đạt được trong những năm qua đã góp phần thúc đẩy nhịp độ tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của cả nước theo hướng tiến bộ.

Tuy nhiên, vai trò và ảnh hưởng của vùng KTTĐ miền Nam đối với các tỉnh miền Trung và miền Bắc, đặc biệt đối với vùng đồng bằng sông Hồng và các tỉnh miền núi phía Bắc còn mờ nhạt. Tính chất liên kết mới thể hiện một chiều, chủ yếu từ vùng KTTĐ miền Nam đối với các vùng phía Bắc, và còn rất mờ nhạt, cả về kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh.

b - Vùng kinh tế trọng điểm miền Bắc

Đây là vùng có vị trí địa lý, lợi thế so sánh mang ý nghĩa quốc gia và khu vực cũng như bảo vệ an ninh, quốc phòng cho Thủ đô và cả nước. Theo Quyết định số 1018/1997/QĐ-TTg, vùng KTTĐ miền Bắc nằm trên lãnh thổ đồng bằng sông Hồng và vùng núi Đông Bắc, với 5 đỉnh là thành phố Hà Nội, Hải Phòng, Hưng Yên, Hải Dương và Quảng Ninh. Đến năm 2003, Thủ tướng Chính phủ đồng ý mở rộng phạm vi của vùng đến các tỉnh: Bắc Ninh, Hà Tây và Vĩnh Phúc. Tổng diện tích tự nhiên của vùng KTTĐ miền Bắc là 15.277 km2, bằng 4,76% diện tích của cả nước và dân số (2002) là 13,035 triệu người, bằng 16,35% dân số cả nước. Từ 1-8-2008, địa giới Hà Nội mở rộng gồm toàn bộ tỉnh Hà Tây, huyện Mê Linh (Vĩnh Phúc) và 4 xã thuộc huyện Lương Sơn (Hoà Bình) nên diện tích, dân số, tài nguyên thiên nhiên và khả năng liên kết của vùng KTTĐ miền Bắc cũng tăng lên. Đây là trung tâm chính trị, văn hóa và khoa học - kỹ thuật lớn nhất và đầu mối giao lưu quốc tế tập trung nhất của cả nước, trong đó hạt nhân là Thủ đô Hà Nội.

Với 8 tỉnh có vị trí địa lý và không gian kinh tế liền kề, các tỉnh trong vùng có nhiều khả năng tạo ra sự liên kết kinh tế để bổ sung và hỗ trợ lẫn nhau cùng phát triển. Với vị trí địa lý cực kỳ quan trọng, có thủ đô Hà Nội, thành phố cảng Hải Phòng, thành phố Hạ Long tỉnh Quảng Ninh, vùng KTTĐ miền Bắc là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học - kỹ thuật lớn nhất nước ta. Toàn vùng có lực lượng cán bộ khoa học - kỹ thuật cao nhiều nhất cả nước: chiếm 72,4% cán bộ có trình độ trên đại học, số lao động đã qua đào tạo chiếm tới 29,5% lực lượng lao động xã hội của vùng. Trình độ văn hóa của dân cư cũng thuộc loại cao nhất cả nước.

Về cơ sở kinh tế, tại vùng này đã và đang phát triển tập trung các khu công nghiệp lớn. Tính đến tháng 4-2008, vùng KTTĐ miền Bắc có hơn 34 khu công nghiệp tập trung đang hoạt động (chiếm 19,6%) với diện tích 8.464 ha (chiếm 19,6% diện tích các khu công nghiệp cả nước, chủ yếu là đất nông nghiệp). Diện tích đất quy hoạch cho mỗi khu công nghiệp phụ thuộc vào điều kiện quỹ đất và khả năng thu hút vốn đầu tư của từng địa phương trong từng thời kỳ.

Các ngành công nghiệp chủ chốt như sản xuất xi-măng, đóng tàu, lắp ráp ô tô, xe gắn máy, luyện cán thép, điện tử, tin học, đóng tàu biển, chế biến lương thực, thực phẩm chất lượng cao... do các doanh nghiệp FDI của các nhà đầu tư nước ngoài quản lý, ngày càng tăng cả về quy mô và chất lượng sản phẩm. Vùng còn là trung tâm sản xuất năng lượng lớn nhất miền Bắc, là nơi sản xuất và xuất khẩu than đá lớn nhất nước với vùng mỏ than lộ thiên Quảng Ninh. Sản xuất điện năng có các nhà máy nhiệt điện lớn như Uông Bí, Phả Lại, Hòn Gai...

Vùng KTTĐ miền Bắc hiện nay cũng còn nhiều khó khăn, yếu kém: Hệ thống kết cấu hạ tầng, nhất là giao thông, thủy lợi còn nhiều bất cập. ở Hà Nội, nạn ùn tắc giao thông diễn ra nhiều năm, nhưng chậm được khắc phục. Mạng lưới điện phần lớn đã cũ nát, lạc hậu, chắp vá. Hệ thống giao thông nông thôn của cả vùng Bắc Bộ còn kém, nhất là chất lượng đường sá, cầu cống... Máy móc, thiết bị công nghiệp vừa cũ, vừa không đồng bộ nên năng suất và chất lượng sản phẩm công nghiệp chưa cao, sức cạnh tranh kém. Các khu công nghiệp, cụm công nghiệp và vùng đô thị hóa còn tồn tại nhiều vấn đề bất cập cả về kinh tế và môi trường. Lao động thừa, việc làm thiếu, cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động chuyển dịch chậm là thách thức lớn. Vai trò liên kết của vùng KTTĐ miền Bắc vẫn còn nhiều hạn chế và bất cập. Những tiến bộ và kết quả đạt được về tăng trưởng kinh tế, chuyển dịch cơ cấu lao động, phát triển xã hội chưa đều và chưa vững.

c - Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung

Theo Quyết định số 44/1998/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, vùng KTTĐ miền Trung, gồm Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam - Đà Nẵng và Quảng Ngãi. Từ năm 2003, Thủ tướng Chính phủ đồng ý mở rộng vùng KTTĐ này, thêm tỉnh Bình Định. Như vậy, vùng này có diện tích đất tự nhiên 27.879 km2, dân số (2002) trên 6 triệu người, tức chiếm 8,47% diện tích đất tự nhiên và 7,49% dân số cả nước.

Vùng KTTĐ này có nhiều lợi thế và tiềm năng chưa được khai thác cả về biển, đất liền và rừng núi với nhiều khoáng sản quý hiếm. Thế mạnh của vùng khá nhiều: nằm trên đường quốc lộ 1A huyết mạch chạy suốt từ Bắc vào Nam với hệ thống đường bộ, đường sắt, đường thủy, hàng không rất thuận lợi; hệ thống sân bay quốc tế phân bố khắp vùng: Đà Nẵng, Phú Bài, Chu Lai...; các cảng biển lớn như Chân Mây, Đà Nẵng, Dung Quất, Vân Phong... sát đường hàng hải quốc tế, là cửa ngõ đối với vùng Tây Nguyên và nước bạn Lào, Bắc Cam-pu-chia và Đông Bắc Thái Lan.

Đặc trưng kinh tế của vùng là các khu kinh tế biển tổng hợp bao gồm: khu kinh tế mở Chu Lai; khu kinh tế Dung Quất, khu kinh tế Chân Mây, khu kinh tế Nhơn Hội và khu vực Cam Ranh - Vân Phong. So với 2 vùng KTTĐ miền Nam và miền Bắc, vùng KTTĐ miền Trung có kém hơn về kết cấu hạ tầng và nguồn nhân lực, nhưng lại có tiềm năng lớn về cảng biển, trung chuyển lớn, phát triển du lịch nghỉ dưỡng và di sản văn hóa thế giới (6/7 di sản thế giới tại Việt Nam).

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả, tiềm năng và lợi thế, vùng KTTĐ miền Trung cũng còn nhiều hạn chế. Đó là hệ thống kết cấu hạ tầng chưa đồng bộ, nhất là các vùng nông thôn và cả vùng Chân Mây, Dung Quất. Rừng bị tàn phá, nên chỉ còn đất trống, đồi núi trọc. Thời tiết khắc nghiệt, bão lũ về mùa mưa, khô hạn, nắng nóng về mùa hè, trong khi hệ thống các công trình thủy lợi trong vùng đã xuống cấp nên khả năng phòng chống thiên tai rất hạn chế. Kinh tế của vùng còn ở mức thấp, dân cư còn nghèo, chưa có tích lũy. Sản xuất công nghiệp nhỏ bé, manh mún, máy móc thiết bị công nghệ lạc hậu nhưng chậm đổi mới. Vốn thiếu nên nhiều công trình, dự án đầu tư xây dựng và công tác xóa đói, giảm nghèo trong vùng gặp nhiều khó khăn, chậm tiến độ là phổ biến. Đời sống dân cư, nhất là nông dân, ngư dân, diêm dân còn thấp. Một vấn đề khác đáng quan tâm là phạm vi địa giới của vùng KTTĐ miền Trung còn chưa ổn định. Địa giới của vùng có mở rộng thêm đến 2 tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa hay không còn chưa rõ ràng.

d - Về khả năng liên kết của ba vùng

Từ phân tích thực trạng và những vấn đề đặt ra trong liên kết của ba vùng KTTĐ trên đây có thể rút ra nhận xét sau:

So với 2 vùng KTTĐ miền Bắc và miền Nam, vùng KTTĐ miền Trung có tiềm năng, thế mạnh về phát triển khu kinh tế biển tổng hợp, phát triển cảng biển trung chuyển và du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng.

Vai trò và năng lực liên kết của vùng KTTĐ miền Nam thể hiện khá rõ nét trên nhiều mặt đáng ghi nhận. Những kết quả do vùng KTTĐ miền Nam tạo ra trong vùng đã tạo thêm thế và lực thúc đẩy tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của các tỉnh vùng Đông Nam Bộ. Vùng này trên thực tế đã trở thành động lực thúc đẩy kinh tế chung của các tỉnh phía Nam và cả nước với nhiều "cái nhất": kinh tế tăng trưởng cao nhất, thu hút vốn FDI nhiều nhất, kim ngạch xuất khẩu lớn nhất, cơ cấu kinh tế chuyển dịch nhanh nhất, thu ngân sách nhiều nhất và GDP bình quân đầu người cao nhất, khu công nghiệp nhiều nhất, thu hút nhiều lao động nhất.

Vùng KTTĐ miền Trung hình thành sau, nhưng lại là vùng có nhiều năng lực liên kết với các vùng và cả nước trên nhiều lĩnh vực, trong đó rõ nét nhất là vận tải, du lịch, nuôi trồng thuỷ sản. Vùng có nhiều tiềm năng về liên kết kinh tế với nước ngoài, nếu có hệ thống đường giao thông không ngừng được đầu tư và hoàn thiện. Tuy nhiên, đây là vùng nghèo, thiên nhiên không ưu đãi nên trước mắt còn nhiều khó khăn trong liên kết với các vùng và cả nước.

Vùng KTTĐ miền Bắc có nhiều lợi thế và tiềm năng, nhất là chất xám, khoa học - công nghệ và lao động. Trong những năm qua liên kết giữa các tỉnh trong vùng và với các vùng khác của cả nước đã được cải thiện đáng kể, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động trong vùng theo hướng tiến bộ. So sánh năng lực liên kết của ba vùng KTTĐ tại thời điểm hiện nay, theo chúng tôi, khả quan nhất là vùng KTTĐ miền Nam, thứ hai là vùng KTTĐ miền Trung và thứ ba là vùng KTTĐ miền Bắc. Tuy nhiên, nhược điểm chung của cả ba vùng KTTĐ là sự liên kết còn mang nặng tính tự phát, không theo quy hoạch, không có định hướng, nên kết quả không tương xứng với vai trò và tiềm năng. Vai trò của vùng kinh tế động lực cho các tỉnh trong vùng và cả nước thể hiện chưa đều và chưa vững.

Nguyên nhân có nhiều: Về khách quan, xây dựng vùng KTTĐ là vấn đề mới đối với nước ta, nên chưa có kinh nghiệm trong xây dựng hoàn thiện và tổ chức chỉ đạo. Về chủ quan, công tác nghiên cứu cơ sở lý luận như khái niệm, tiêu chí vùng KTTĐ chưa được quan tâm và đầu tư đúng mức cả tổ chức cán bộ và kinh phí. Tổ chức chỉ đạo các vùng KTTĐ còn tồn tại nhiều vấn đề bất cập, trong đó quan trọng nhất là chưa có tổ chức nào chịu trách nhiệm rõ ràng. Công tác quy hoạch và điều chỉnh quy hoạch vùng KTTĐ cũng còn nhiều hạn chế; phân công phân nhiệm theo dõi, kiểm tra, thu thập thông tin về thực trạng của các vùng còn chưa rõ ràng, thiếu cập nhật. Thiếu thông tin là nhược điểm rõ nét đã và đang gây khó khăn cho công tác xây dựng, kiểm tra, hoàn thiện quy hoạch, cơ chế, chính sách, mở rộng liên kết của 3 vùng với cả nước. Các văn bản pháp lý của chỉ đạo vùng KTTĐ, ngoài các quyết định quy hoạch, không có chính sách, cơ chế chỉ đạo thực hiện của các ngành, các cấp nên rất khó triển khai. Quan hệ phối hợp giữa 3 vùng KTTĐ với Ban chỉ đạo 8 vùng kinh tế và 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chưa rõ ràng cả trong quy hoạch và tổ chức chỉ đạo thực hiện. Vì vậy, vai trò đầu tàu kinh tế của mỗi vùng và liên kết giữa 3 vùng KTTĐ với cả nước chưa được phát huy.

3 - Một số giải pháp chủ yếu

Trước hết: cần làm rõ khái niệm và tiêu chí vùng KTTĐ và liên kết của vùng. Trên cơ sở thống nhất về khái niệm mới có căn cứ để phân biệt vùng KTTĐ với vùng kinh tế nói chung, mối quan hệ liên kết giữa các tỉnh trong vùng với vùng và giữa vùng với cả nước. Xác định vai trò và chức năng, nhiệm vụ của vùng KTTĐ. Vai trò đó cần được xác định trên nội dung khác nhau từ kinh tế đến xã hội và môi trường. Nhiệm vụ và chức năng của vùng KTTĐ đối với các tỉnh trong vùng cũng như cả nước trong từng thời kỳ kế hoạch 5 năm và chiến lược 10 năm. Trên cơ sở xác định rõ chức năng, nhiệm vụ và vai trò liên kết của vùng KTTĐ Chính phủ cần có cơ chế, chính sách để cụ thể hóa các quy hoạch và quyết định đưa quy hoạch vào thực tế của ngành, địa phương có vùng KTTĐ.

- Ổn định phạm vi địa giới hành chính của các vùng KTTĐ của ba miền Bắc, Trung, Nam. Đây là giải pháp quan trọng để ổn định mô hình vùng KTTĐ, làm căn cứ cho việc xây dựng cơ chế, chính sách phát triển và mở rộng mối liên kết kinh tế giữa các tỉnh, thành phố trong vùng, giữa các vùng KTTĐ với nhau cũng như giữa vùng KTTĐ với các vùng và địa phương khác trên phạm vi cả nước. Trên cơ sở ổn định về phạm vi địa giới hành chính của mỗi vùng, các ngành và địa phương trong từng vùng KTTĐ mới có căn cứ để hoàn thiện quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của mình; xác định khả năng liên kết kinh tế của địa phương với các tỉnh trong vùng, cũng như các địa phương khác ngoài vùng KTTĐ; khai thác các thế mạnh và tiềm năng của địa phương.

Hoàn thiện bộ máy tổ chức chỉ đạo, quản lý các vùng KTTĐ của cả nước. Tại Quyết định số 20/2004/QĐ-TTg ngày 18-2-2004, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định thành lập tổ chức điều phối phát triển các vùng KTTĐ. Vấn đề đặt ra hiện nay là hoàn thiện ban chỉ đạo vùng KTTĐ với sự tham gia của các chuyên gia kinh tế, môi trường, văn hóa, giáo dục, xã hội thuộc nhiều bộ, ngành và viện nghiên cứu ở Trung ương, do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì và thường trực. Trên cơ sở hình thành bộ máy tổ chức cần có sự đầu tư cán bộ có năng lực, bố trí kinh phí thỏa đáng cho công tác quản lý, chỉ đạo các vùng KTTĐ thực hiện chức năng thúc đẩy sự liên kết giữa vùng với các vùng khác và cả nước theo đúng vai trò động lực tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững của vùng và cả nước trong hội nhập kinh tế quốc tế.

Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, vai trò quản lý của Nhà nước đối với vùng KTTĐ. Bộ Chính trị đã ra các nghị quyết về phát triển 3 vùng KTTĐ Bắc, Trung, Nam. Vì vậy, vấn đề đặt ra hiện nay là các cấp ủy, chính quyền các ngành, các cấp, các địa phương cần quán triệt đầy đủ yêu cầu và các nội dung cơ bản của nghị quyết, từ đó tổ chức chỉ đạo, thực hiện cho phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của mình.

Cần tập trung vào một số công việc cụ thể có liên quan đến vùng KTTĐ như: hoàn thiện quy hoạch, hoạch định cơ chế,chính sách và hình thành bộ máy tổ chức chỉ đạo bộ máy quản lý, xây dựng phương án đầu tư vốn, khoa học, công nghệ và đào tạo đội ngũ công chức trình độ cao, lao động tay nghề cao cho các vùng KTTĐ. Xác định mối quan hệ giữa các vùng KTTĐ với các vùng kinh tế khác. Theo đó, xác định mối quan hệ giữa ban chỉ đạo các vùng KTTĐ với ban chỉ đạo 8 vùng kinh tế theo địa giới hành chính, với cấp ủy, chính quyền và các ngành, các cấp từ Trung ương đến địa phương đối với nhiệm vụ phát triển và mở rộng liên kết giữa vùng KTTĐ với các vùng, các địa phương. Giải pháp này có ý nghĩa quyết định đối với quy mô và tốc độ phát triển của vùng KTTĐ Bắc, Trung, Nam cũng như vai trò liên kết của 3 vùng này với các vùng và địa phương trong cả nước./.
 

(1) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, tr 179