Hội nhập quốc tế có làm mất độc lập, tự chủ và bản sắc dân tộc?

Trần Đức Tiến
Thượng tá, ThS, Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng
05:55, ngày 20-11-2019

TCCS - Là một xu thế tất yếu, hội nhập quốc tế có sức cuốn hút mạnh mẽ, hàm chứa cả cơ hội lẫn thách thức đối với các quốc gia trên con đường phát triển. Với quan điểm phát huy nội lực, tranh thủ các điều kiện quốc tế thuận lợi để phát triển đất nước nhanh và bền vững theo định hướng xã hội chủ nghĩa, Việt Nam nhất quán đường lối chủ động, tích cực hội nhập quốc tế đi đôi với giữ vững độc lập, tự chủ và bản sắc dân tộc. Tuy nhiên, trước những diễn biến phức tạp, khó lường của tình hình thế giới, khu vực và sự chống phá của các thế lực thù địch, cơ hội chính trị trong chiến lược “diễn biến hòa bình”, chúng ta cần kiên quyết đấu tranh, bảo vệ thành quả cách mạng, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, hiệu quả.

Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Phiên thảo luận cấp cao Đại hội đồng Liên hợp quốc Khóa 73 với chủ đề “Vì một thế giới hòa bình, công bằng và phát triển bền vững”_Ảnh: TTXVN 

Thực chất của luận điệu “hội nhập quốc tế sẽ làm mất độc lập, tự chủ và bản sắc dân tộc”

Hội nhập quốc tế là quá trình liên kết, gắn kết giữa các quốc gia, vùng lãnh thổ với nhau thông qua việc tham gia các tổ chức, thiết chế, cơ chế, hoạt động hợp tác quốc tế vì mục tiêu phát triển của mỗi quốc gia, vùng lãnh thổ, tạo thành sức mạnh tập thể giải quyết những vấn đề chung mà các bên cùng quan tâm(1). Về bản chất, hội nhập quốc tế là một hình thức phát triển cao của hợp tác quốc tế nhằm thực hiện mục tiêu và lợi ích chung trên tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội. Trong thời đại toàn cầu hóa và sự tác động mạnh mẽ của cách mạng khoa học và công nghệ, hội nhập quốc tế là tất yếu, là nhu cầu tồn tại và phát triển của các nước. Đối với Việt Nam, hội nhập quốc tế là định hướng chiến lược lớn nhằm thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Từ khi tham gia hội nhập quốc tế, chúng ta đã tạo lập, củng cố môi trường hòa bình, hợp tác, tranh thủ tối đa các điều kiện quốc tế thuận lợi, “góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, gia tăng sức mạnh tổng hợp quốc gia, giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước, giữ vững an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội; cải thiện đời sống nhân dân, củng cố niềm tin của các tầng lớp nhân dân vào công cuộc đổi mới; nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế”(2).

Song hiện nay, các thế lực thù địch, cơ hội chính trị không ngừng lợi dụng quá trình hội nhập quốc tế, coi đó là tâm điểm để ráo riết thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình” chống phá cách mạng Việt Nam.

Trước hết, thông qua tiến trình hội nhập quốc tế, các thế lực thù địch đẩy mạnh các hoạt động chống phá. Lợi dụng Việt Nam tiến hành hội nhập quốc tế mà bắt đầu từ hội nhập kinh tế quốc tế, các thế lực thù địch thúc đẩy hình thành những yếu tố phi xã hội chủ nghĩa, gia tăng mặt trái của nền kinh tế thị trường, nhằm làm cho Nhà nước mất khả năng kiểm soát, điều hành nền kinh tế, từ khống chế về kinh tế để chuyển hóa và gây sức ép về chính trị. Chúng ngầm thâm nhập, móc nối với các đối tượng phản động, gây dựng lực lượng đối lập, mua chuộc, lôi kéo những cán bộ, đảng viên, quần chúng thoái hóa, biến chất, cơ hội chính trị, triệt để lợi dụng sơ hở của chính sách, khoét sâu mâu thuẫn nội bộ, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” ngay từ bên trong. Chúng đưa ra các yêu cầu mang tính áp đặt phi lý, như đặt điều kiện để có “thỏa thuận”, “hợp tác” thì ta phải “cải cách”, “đổi mới” về tư tưởng, chính trị, pháp luật; phải thay thế chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh bằng hệ tư tưởng dân chủ tư sản; đòi Nhà nước xóa bỏ Điều 4 của Hiến pháp và một số điều về an ninh quốc gia trong Bộ luật Hình sự hiện hành; đòi thực hiện tự do báo chí, tự do ngôn luận theo tiêu chí phương Tây... nhằm tạo nên những tiền đề gây mất ổn định chính trị, mất độc lập, tự chủ của đất nước.

Tuyên truyền các luận điệu trái chiều, xuyên tạc với nội dung “hội nhập quốc tế sẽ làm mất độc lập, tự chủ và bản sắc dân tộc”. Thời gian gần đây, trên một số trang mạng xã hội, facebook, website cá nhân xuất hiện ngày càng nhiều những luận điệu suy diễn của một số đối tượng tự xưng là “yêu nước”, “nhà dân chủ”, “trí thức”, “học giả” dưới các hình thức “lời kêu gọi”, “tư vấn”, “phản biện”, “kiến nghị”, “góp ý”... nhằm bác bỏ, phủ nhận đường lối, quan điểm hội nhập quốc tế của Đảng và Nhà nước ta. Từ việc tuyệt đối hóa và cho rằng độc lập, tự chủ là một “hằng số bất biến”, là không thể tương tác, dung hợp với hội nhập quốc tế, hội nhập quốc tế làm gia tăng sự phụ thuộc lẫn nhau giữa các nước nên đã hội nhập quốc tế là không thể giữ được độc lập, tự chủ; muốn có độc lập, tự chủ thì không thể hội nhập quốc tế; càng hội nhập quốc tế một cách sâu rộng sẽ càng bị lệ thuộc vào các nước tư bản phát triển và không sớm thì muộn sẽ bị đi chệch hướng xã hội chủ nghĩa. Có người đã ví hội nhập quốc tế là vô cùng nguy hiểm như “bơi ra biển lớn”, như bước vào “vòng xoáy thời cuộc”, cho nên đất nước sẽ bị “lạc phương hướng, mất tự chủ, không có đường thoát”. Hoặc họ “biện giải” rằng Việt Nam chưa có đủ các điều kiện nên khi hội nhập quốc tế, Đảng, Nhà nước ta đã “nhập khẩu nguy cơ”; thậm chí, cực đoan hơn, xem thế giới như một phức thể quá khó lường, cần “đề cao cảnh giác”, “khuyến cáo” nên đóng cửa khép kín, không cần hội nhập quốc tế. Lại có những người “tư vấn” với Đảng, Nhà nước hãy “vứt bỏ quan điểm” đấu tranh phòng, chống “diễn biến hòa bình” vì nếu còn cảnh giác và chống “diễn biến hòa bình”, thì các nước phát triển  phương Tây sẽ không muốn và không dám hợp tác với Việt Nam...

Bằng những “lý sự” đó, những đối tượng này đưa ra “kết luận” rằng: Trong thời đại toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, không cần thiết và cũng không thể giữ vững được độc lập, tự chủ, bản sắc dân tộc. Cái “cớ” cho những luận điệu này là họ vin vào tác động tiêu cực của hội nhập quốc tế. Do đó, không ít người nhẹ dạ, thiếu hiểu biết, đã vội vã cổ xúy cho những luận điệu này. Sự suy diễn đó thực chất là cố tình nhìn nhận phiến diện, một chiều, ngụy biện, tuyệt đối hóa mặt trái, tác động tiêu cực của hội nhập quốc tế; là cách nhìn thiển cận, “thấy cây mà không thấy rừng”, không thấy rõ tính chất hai mặt, đan xen nhau cùng tồn tại giữa thời cơ và thách thức trong hội nhập quốc tế. Mục đích của họ là nhằm phá vỡ sự đồng thuận, dẫn đến hoài nghi, dao động, thiếu tin tưởng, cản trở không nhỏ đến tiến trình chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, giữ vững độc lập, tự chủ và bản sắc dân tộc của nước ta.

Nắm vững bản chất, nội hàm, giải quyết tốt mối quan hệ giữa giữ vững độc lập, tự chủ và bản sắc dân tộc với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế

Trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Đảng ta đặc biệt chú trọng nắm vững và giải quyết tốt mối quan hệ giữa độc lập, tự chủ với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, giữa chủ động, tích cực hội nhập quốc tế với giữ gìn bản sắc dân tộc. Đây là mối quan hệ biện chứng khách quan, có sự tác động qua lại lẫn nhau, nảy sinh và ngày càng sâu sắc trong tiến trình hội nhập quốc tế, được Đảng xác định rõ trong hệ thống cương lĩnh, văn kiện, nghị quyết. Trong đó, giữ vững độc lập, tự chủ và bản sắc dân tộc giữ vai trò quyết định tiến trình hội nhập quốc tế; ngược lại, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế có sự tác động trở lại đối với việc giữ vững độc lập, tự chủ, phát huy bản sắc dân tộc. Bản chất, nội hàm của mối quan hệ này ngày càng được Đảng, Nhà nước, nhân dân ta nhận thức sâu sắc hơn, thực hiện tốt hơn trên thực tế, thể hiện ở những điểm cơ bản sau:

Thứ nhất, độc lập, tự chủ là cơ sở nền tảng, giữ vai trò quyết định tiến trình chủ động, tích cực hội nhập quốc tế. Độc lập, tự chủ là vấn đề có tính nguyên tắc xuyên suốt, nhất quán, mang tính sống còn đối với mọi quốc gia trên thế giới, là nhân tố đóng vai trò quyết định trong mối quan hệ với hội nhập quốc tế. Hiện nay, độc lập, tự chủ được hiểu không phải là biệt lập với thế giới, đứng ngoài tiến trình hội nhập quốc tế. Độc lập là quyền dân tộc tự quyết và tự chủ là năng lực thực hiện quyền tự quyết ấy trên thực tế. Đó là tự mình xác định mục tiêu, hoạch định con đường, chiến lược phát triển, không chấp nhận bất cứ sự can thiệp, sắp đặt nào từ bên ngoài và điều này phải được thực thi trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, quốc phòng, an ninh, đối ngoại... Trong giai đoạn hiện nay, tất yếu các quốc gia, dân tộc đều tham gia quá trình hội nhập quốc tế để phát triển đất nước; hội nhập để phát triển, muốn phát triển phải hội nhập. Nhưng nếu không có độc lập, tự chủ thì không thể hội nhập quốc tế. Bởi để tham gia hội nhập quốc tế, trước hết mỗi quốc gia, dân tộc phải thực sự là một chủ thể trong quan hệ quốc tế, tức là phải có độc lập, tự chủ. Một quốc gia có độc lập, tự chủ thì mới quyết định được lộ trình, bước đi, cách thức, nội dung, biện pháp, phát huy được những lợi thế, hạn chế những tác động tiêu cực từ hội nhập quốc tế.

Thứ hai, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế tác động trở lại đối với việc giữ vững độc lập, tự chủ của đất nước trên hai góc độ tích cực và tiêu cực. Dưới góc độ tích cực, hội nhập quốc tế tạo ra tiền đề cho phát triển kinh tế - xã hội thông qua việc huy động các nguồn lực bên ngoài, tận dụng cơ hội để “đi trước, đón đầu”, ứng dụng những thành tựu khoa học - công nghệ hiện đại, mở rộng thị trường, phát huy mặt mạnh và lợi thế so sánh. Đây là những điều kiện thuận lợi có ý nghĩa quyết định để phát triển đất nước nhanh, bền vững. Trên cơ sở đó, nâng cao sức mạnh tổng hợp của quốc gia, góp phần giữ vững độc lập, tự chủ của đất nước. Hội nhập quốc tế sâu rộng sẽ mở ra cơ chế phối hợp chặt chẽ và thống nhất giữa các nước, các vùng lãnh thổ; hạn chế và đẩy lùi các nguy cơ khủng bố, xung đột, ly khai; giải quyết những vấn đề mang tính toàn cầu đã, đang đe dọa trực tiếp đến sự ổn định, phát triển của từng quốc gia, khu vực và thế giới; qua đó, ngăn chặn âm mưu, thủ đoạn, hành động xâm phạm độc lập, chủ quyền quốc gia. Thông qua hội nhập quốc tế, chúng ta nhận thức được lợi ích chung để thúc đẩy hợp tác với các nước, cũng như thấy rõ mặt mâu thuẫn, khác biệt để có đối sách xử lý đúng đắn mối quan hệ giữa hợp tác với đấu tranh, giữa đối tác với đối tượng; tạo ra sự đan xen lợi ích sâu rộng với những quan hệ cân bằng có lợi cho đất nước. Tất nhiên, để làm được điều đó, chúng ta phải có năng lực tiếp nhận, biến cơ hội thành hiện thực và có các giải pháp khắc phục những tác động trái chiều của tiến trình hội nhập quốc tế, vừa giữ vững độc lập, tự chủ, vừa bảo đảm cho đất nước phát triển. Qua hơn 30 năm đổi mới và hội nhập quốc tế, chúng ta đã phát huy sức mạnh dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại, tranh thủ sự ủng hộ rộng rãi của cộng đồng quốc tế trong giải quyết các tranh chấp về chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia; giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Đây là tác động tích cực, sự thống nhất giữa chủ động, tích cực hội nhập quốc tế với giữ vững độc lập, tự chủ của đất nước. Do đó, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế vừa là động lực, vừa là phương thức, là giải pháp tối ưu để giữ vững mục tiêu, nguyên tắc độc lập, tự chủ của đất nước.

Tuy nhiên, bên cạnh mặt tích cực, hội nhập quốc tế cũng có những tác động tiêu cực đối với giữ vững độc lập, tự chủ của đất nước.

Một là, hội nhập quốc tế làm gia tăng sự tùy thuộc lẫn nhau giữa các nước, gây khó khăn trong giữ vững độc lập, tự chủ, nhất là đối với các nước nhỏ có tiềm lực yếu trước các nước lớn có tiềm lực mạnh; trước hết là phụ thuộc về kinh tế do sự chi phối, áp đặt từ bên ngoài. Thực tiễn cho thấy, khi tham gia hội nhập quốc tế, sự tùy thuộc lẫn nhau giữa các nước có thể chuyển hóa thành sự lệ thuộc của một số nước nghèo, kém phát triển vào nước lớn, có tiềm lực mạnh. Thêm vào đó, khi các nước lớn “ngầm bắt tay”, thỏa hiệp về lợi ích sẽ tác động không nhỏ đến vấn đề độc lập, chủ quyền của các nước nhỏ. Ngoài ra, trong hội nhập quốc tế, nếu không tỉnh táo, các nước chậm phát triển rất dễ “sập bẫy” nhập khẩu công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường sinh thái, ảnh hưởng đến phát triển nhanh và bền vững. Đây là tác động tiêu cực, những mâu thuẫn cần giải quyết giữa chủ động, tích cực hội nhập quốc tế với giữ vững độc lập, tự chủ của đất nước.

Hai là, hội nhập quốc tế tác động sâu sắc tới giữ gìn bản sắc dân tộc. Bản sắc dân tộc bao gồm những tinh hoa, cốt cách, giá trị bền vững của cộng đồng các dân tộc Việt Nam được vun đắp qua hàng nghìn năm lịch sử dựng nước và giữ nước. Đó là lòng yêu nước nồng nàn, ý chí tự cường dân tộc, tinh thần đoàn kết, gắn kết cá nhân - gia đình - làng xã - Tổ quốc, lòng nhân ái, khoan dung, trọn nghĩa vẹn tình; đức tính cần cù, sáng tạo, vượt khó, sự giản dị, tinh tế trong lối sống, ứng xử... Bản sắc đó là điều kiện tiền đề để Việt Nam hội nhập với thế giới. Giữ gìn bản sắc dân tộc là cơ sở để củng cố ý thức tự tôn dân tộc, là nền tảng cho sự phát triển bền vững và phát huy tính sáng tạo của dân tộc trong quá trình hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, hội nhập quốc tế là thời cơ, đồng thời cũng là những thách thức to lớn đối với bảo vệ, giữ gìn, phát huy, phát triển các giá trị truyền thống, bản sắc dân tộc. Sự tác động này rất phức tạp. Một mặt, khi hội nhập quốc tế, nhân dân ta có cơ hội tiếp cận, giao lưu với những giá trị văn hóa tiêu biểu của nhiều quốc gia trên thế giới, tiếp thu tinh hoa, trí tuệ, tiến bộ của nhân loại, từ đó có sự tiếp biến, kế thừa và phát huy những truyền thống cao quý, tốt đẹp của dân tộc, thúc đẩy tiềm năng sáng tạo trong nước, làm phong phú, sâu sắc thêm bản sắc dân tộc; mặt khác, quá trình này dễ dẫn đến tình trạng bị lai căng, đồng hóa, chứa đựng nguy cơ băng hoại những giá trị truyền thống, làm mất cốt cách và diện mạo tinh thần của quốc gia, xói mòn bản sắc dân tộc, tiềm ẩn những bất ổn về an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Nhưng với tinh thần “gạn đục khơi trong”, chúng ta chủ động tiếp thu có chọn lọc những giá trị chân - thiện - mỹ, những nhân tố phù hợp với đời sống văn hóa - tinh thần của dân tộc; qua đó giữ gìn, bảo vệ, phát huy và làm phong phú thêm bản sắc của dân tộc, không chấp nhận mưu đồ lợi dụng hội nhập quốc tế để áp đặt giá trị của các nước lớn.

Nhất quán chủ động, tích cực hội nhập quốc tế đi đôi với giữ vững độc lập, tự chủ và bản sắc dân tộc

Hội nhập quốc tế là quá trình phức tạp, một “sân chơi” với những tác động thuận - nghịch trong cục diện thế giới mới đang định hình. Tham gia hội nhập quốc tế, Việt Nam chấp nhận tham gia môi trường cạnh tranh gay gắt về lợi ích, ảnh hưởng, có sự chi phối của các nước lớn trong tình hình thế giới, khu vực diễn biến hết sức phức tạp, khó lường; tham gia cuộc đấu trí, đấu mưu, đấu pháp, đấu lực để phát triển đất nước theo con đường xã hội chủ nghĩa. Quá trình này luôn tồn tại hai mặt đan xen nhau giữa thuận lợi và khó khăn, thời cơ và thách thức, đồng thời chứa đựng nhiều mâu thuẫn. “Chìa khóa” để Việt Nam hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, giữ vững độc lập, tự chủ và bản sắc dân tộc là phải bảo đảm lợi ích của quốc gia, dân tộc gắn với lợi ích của các nước đối tác. Là một thành viên của cộng đồng quốc tế, Việt Nam chủ động tham gia “luật chơi” chung; tập trung giải quyết mâu thuẫn, bất đồng trên cơ sở luật pháp quốc tế với tinh thần mềm dẻo, linh hoạt, vừa hợp tác, vừa đấu tranh. Một mặt, thúc đẩy hợp tác, mở rộng và lấy hợp tác là chủ đạo để phát huy mặt tác động tích cực, sự thống nhất giữa hội nhập quốc tế với giữ vững độc lập, tự chủ, bản sắc dân tộc. Mặt khác, kiên quyết, kiên trì đấu tranh nhằm hạn chế, khắc phục những tác động tiêu cực, giải quyết mâu thuẫn và thu hẹp bất đồng. Trong tiến trình hội nhập quốc tế, Việt Nam vừa tìm kiếm cơ hội, tham khảo kinh nghiệm các nước để xây dựng những nhân tố mới phù hợp với đất nước, vừa bảo vệ, phát huy các thành quả, giá trị đã đạt được và đấu tranh loại bỏ các vật cản trên bước đường phát triển. Chúng ta chủ động, tích cực hội nhập quốc tế nhưng không để lợi ích quốc gia, dân tộc, độc lập, chủ quyền bị xâm hại; đổi mới chứ không đổi hướng, đổi đường. Quá trình này, Đảng ta luôn kiên định và vững vàng trên lập trường chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, giữ vững các nguyên tắc đổi mới, phát triển kinh tế đi đôi với xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thực hiện tiến bộ, công bằng và an sinh xã hội. Thực hiện những bước đi thận trọng với đối sách mềm dẻo, khôn khéo, tránh bị rơi vào thế đối đầu hay bị cô lập, lệ thuộc. Chống cả hai khuynh hướng chủ quan, nóng vội hoặc dè dặt, cầm chừng trong hội nhập quốc tế. Không tuyệt đối hóa độc lập, tự chủ là “nhất thành bất biến”; ngược lại, cũng không đề cao thái quá cho rằng hội nhập quốc tế là “phương thuốc trị bách bệnh” để đất nước phát triển trong thời đại toàn cầu hóa.

Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc với các trưởng đoàn  tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tại Osaka của Nhật Bản_Ảnh: TTXVN

Trên thực tế, những năm qua Việt Nam đã chủ động, tích cực hội nhập quốc tế đi đôi với giữ vững độc lập, tự chủ và bản sắc dân tộc, thu nhiều kết quả to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Hội nhập quốc tế thực sự trở thành “động lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội, làm tăng sức mạnh tổng hợp của quốc gia; thúc đẩy hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; mở rộng thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu, tranh thủ được khối lượng lớn vốn đầu tư, công nghệ, tri thức, kinh nghiệm quản lý và các nguồn lực quan trọng khác; tạo thêm nhiều việc làm; nâng cao dân trí và cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân”(3). Tiến trình chủ động, tích cực hội nhập quốc tế đã đóng góp quan trọng vào việc giữ vững môi trường hòa bình, hợp tác, giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội; quảng bá sâu rộng hình ảnh đất nước, con người Việt Nam trên trường quốc tế. Thông qua hội nhập quốc tế, chúng ta đã khai thác tối đa các nguồn lực bên ngoài, phát triển kinh tế nhanh và bền vững, tăng cường thế, lực, sức mạnh tổng hợp của quốc gia. Độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ được giữ vững trong bối cảnh tình hình quốc tế và khu vực có những diễn biến phức tạp. Chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, chúng ta đã mở rộng và đưa quan hệ của nước ta với các đối tác đi vào chiều sâu, tạo thế cân bằng chiến lược và đan xen lợi ích, nâng cao vị thế, uy tín của đất nước trên trường quốc tế. Tính đến nay, Việt Nam chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao với 189 quốc gia trên thế giới; là nước ASEAN duy nhất có quan hệ đối tác chiến lược, đối tác toàn diện với 5 nước Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc; có quan hệ kinh tế thương mại với trên 230 quốc gia và vùng lãnh thổ; là thành viên tích cực của trên 70 tổ chức quốc tế, khu vực với trên 100 cơ quan đại diện tại các quốc gia và vùng lãnh thổ ở khắp các châu lục; đã ký kết 16 hiệp định thương mại song phương, đa phương, trong đó có các hiệp định tự do thương mại thế hệ mới; hoàn tất ký kết các hiệp định quản lý, bảo vệ biên giới trên bộ với các nước láng giềng. Việt Nam chủ động tham gia và phát huy vai trò tại các cơ chế, diễn đàn, hợp tác song phương, đa phương, nhất là tại Cộng đồng ASEAN và Liên hợp quốc; trở thành thành viên có trách nhiệm và uy tín trong cộng đồng quốc tế; là nhân tố tích cực, chủ động đề xuất các sáng kiến, thúc đẩy các liên kết, tích cực hội nhập sâu rộng vào trật tự kinh tế, chính trị toàn cầu. Việc Việt Nam chính thức trở thành Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020 - 2021 cho thấy sự tin tưởng, tín nhiệm và đánh giá cao của cộng đồng quốc tế trước những đóng góp tích cực, thực chất, có trách nhiệm của Việt Nam đối với tổ chức Liên hợp quốc nói chung và Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nói riêng trong suốt thời gian qua.

Trong giai đoạn hiện nay, Đảng ta tiếp tục nhất quán triển khai mạnh mẽ định hướng chiến lược chủ động, tích cực hội nhập quốc tế. “Bảo đảm hội nhập quốc tế là sự nghiệp của toàn dân và cả hệ thống chính trị, đẩy mạnh hội nhập trên cơ sở phát huy tối đa nội lực, gắn kết chặt chẽ và thúc đẩy quá trình nâng cao sức mạnh tổng hợp, năng lực cạnh tranh của đất nước; hội nhập kinh tế là trọng tâm, hội nhập trong các lĩnh vực khác phải tạo thuận lợi cho hội nhập kinh tế; hội nhập là quá trình vừa hợp tác, vừa đấu tranh, chủ động dự báo, xử lý linh hoạt mọi tình huống, không để rơi vào thế bị động, đối đầu, bất lợi”(4). Ngay trong quá trình này, Đảng ta đã từng bước hoàn thiện chiến lược, lộ trình, bước đi, xác định đồng bộ, hệ thống hóa mục tiêu, quan điểm chỉ đạo, chủ trương chiến lược, giải pháp cụ thể để chủ động, tích cực hội nhập quốc tế.

Trong hội nhập quốc tế, Việt Nam nhất quán nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp công việc nội bộ của nhau; không dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực; giải quyết các bất đồng, tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế; kiên định lợi ích quốc gia là giá trị cốt lõi, là mục tiêu cao nhất trong quán triệt, xử lý mối quan hệ giữa độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế. Chủ động, tích cực hội nhập quốc tế luôn được thực hiện đồng bộ trong một chiến lược tổng thể, có lộ trình, bước đi phù hợp với điều kiện thực tế và khả năng của đất nước, theo tinh thần “dĩ bất biến ứng vạn biến”. Giữ vững và thực hiện tốt phương châm đối ngoại đa phương hóa, đa dạng hóa, là bạn, là đối tác tin cậy, là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Đổi mới tư duy, chuyển mạnh từ “mở rộng quan hệ, gia nhập và tham gia hợp tác quốc tế” sang “chủ động đóng góp, tích cực khởi xướng và tham gia định hình các cơ chế hợp tác”. Tăng cường sức mạnh tổng hợp quốc gia và coi đây là yếu tố quyết định thành công của quá trình hội nhập quốc tế, đó là sức mạnh được tạo nên từ sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước, của khối đoàn kết toàn dân tộc, của văn hóa, con người Việt Nam, sức mạnh của thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân vững chắc. Chủ động phát hiện, ngăn chặn từ sớm, từ xa các nguy cơ; kiên định giữ vững độc lập, tự chủ và bản sắc dân tộc. Nhạy bén trong nghiên cứu nắm chắc tình hình, nâng cao năng lực dự báo, phục vụ đắc lực tiến trình hội nhập quốc tế, bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc.

Như vậy, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế thể hiện tầm nhìn chiến lược, toàn diện của Đảng ta với nguyên tắc cơ bản và bao trùm là giữ vững độc lập, tự chủ, giữ gìn bản sắc dân tộc theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Đây là vấn đề lý luận, thực tiễn quan trọng cần tiếp tục nghiên cứu làm rõ, thực hiện tốt trên thực tiễn, tạo sự thống nhất cao trong nhận thức, hành động và đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái của các thế lực thù địch. Giữ vững độc lập, tự chủ và bản sắc dân tộc vừa là mục tiêu, vừa giữ vai trò quyết định đến tiến trình hội nhập quốc tế. Chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, hiệu quả là phương thức, giải pháp phù hợp nhất để chuyển hóa ngoại lực thành nội lực nhằm phát triển đất nước, góp phần giữ vững độc lập, tự chủ và bản sắc dân tộc. Với những kết quả đạt được và kinh nghiệm trong nắm bắt thời cơ, vượt qua thách thức, chúng ta tin tưởng và khẳng định bằng đường lối chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, đất nước có thêm nguồn lực to lớn phục vụ phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, củng cố niềm tin của nhân dân, thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới, giữ vững ổn định chính trị, phát triển văn hóa - xã hội, tăng cường quốc phòng, an ninh, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa./.

-----------------------------

(1) Hướng dẫn chi tiết chuyên đề “Hội nhập quốc tế” ban hành kèm theo Hướng dẫn số 42-HD/BTGTW, ngày 1-9-2017, của Ban Tuyên giáo Trung ương
(2) Nghị quyết số 22-NQ/TW, ngày 10-4-2013, của Bộ Chính trị, Về hội nhập quốc tế
(3) Nghị quyết số 06-NQ/TW, ngày 5-11-2016, về thực hiện có hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, giữ vững ổn định chính trị - xã hội trong bối cảnh nước ta tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới
(4) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr. 154 - 155