Một số vấn đề liên quan đến quản lý biên chế, đối tượng, tiêu chuẩn và phân cấp đào tạo lý luận chính trị hiện nay
TCCS - Ngày 16-3-2022, tại Hà Nội, đã diễn ra Hội nghị lần thứ hai về quản lý biên chế và Hội nghị trực tuyến quán triệt Quy định số 57-QĐ/TW, ngày 8-2-2022, của Ban Bí thư về đối tượng, tiêu chuẩn và phân cấp đào tạo lý luận chính trị (gọi tắt là Quy định 57). Đây đều là những hội nghị có ý nghĩa quan trọng, thể hiện quyết tâm chính trị cao trong việc tổ chức triển khai thực hiện công tác quản lý biên chế và đào tạo lý luận chính trị trong thời gian sắp tới.
Tại trụ sở Trung ương Đảng, Ban Chỉ đạo Trung ương về quản lý biên chế đã tổ chức Hội nghị lần thứ hai. Đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về quản lý biên chế chủ trì hội nghị. Dự hội nghị có đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo, cùng các đồng chí thành viên Ban Chỉ đạo và thành viên Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo.
Tại hội nghị, các đại biểu đã nghe tóm tắt kết quả công tác quản lý biên chế cán bộ, công chức, viên chức của hệ thống chính trị giai đoạn 2016 - 2021; đồng thời, trao đổi, thảo luận, đề xuất biên chế giai đoạn 2022 - 2026; làm cơ sở tham mưu Bộ Chính trị ban hành Quyết định tổng biên chế của hệ thống chính trị giai đoạn 2022 - 2026.
Phát biểu kết luận hội nghị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng khẳng định, công tác quản lý biên chế, thực hiện tinh giản biên chế và xây dựng vị trí việc làm là những vấn đề lớn, hết sức hệ trọng, đòi hỏi phải có quyết tâm chính trị cao, phải căn cứ và bám sát các nghị quyết của Đảng, nhất là Nghị quyết Đại hội XIII.
Chỉ rõ yêu cầu, nhiệm vụ tinh giản biên chế phải gắn với rà soát chức năng, nhiệm vụ, sắp xếp tổ chức bộ máy, cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức; hoàn thiện xây dựng vị trí việc làm, cải cách tiền lương, cải cách hành chính; tăng cường phân cấp, phân quyền trong công tác quản lý biên chế, trong đó có tăng thẩm quyền và bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất trong quản lý biên chế ở địa phương, đồng chí Võ Văn Thưởng nhấn mạnh, Ban Chỉ đạo cần khẩn trương hoàn thiện các dự thảo văn bản để trình Bộ Chính trị xem xét, quyết định.
* Cùng ngày, Ban Tổ chức Trung ương tổ chức Hội nghị trực tuyến Quán triệt Quy định số 57-QĐ/TW, ngày 8-2-2022 của Ban Bí thư về đối tượng, tiêu chuẩn và phân cấp đào tạo lý luận chính trị (gọi tắt là Quy định 57). Đồng chí Hoàng Đăng Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương chủ trì hội nghị.
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Hoàng Đăng Quang nhấn mạnh, công tác đào tạo lý luận chính trị là một nội dung quan trọng trong công tác cán bộ. Lần đầu tiên trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của Đảng, Ban Bí thư ban hành Quy định 57 thể hiện quyết tâm chính trị cao trong việc cụ thể hoá, bảo đảm sự đồng bộ công tác đào tạo lý luận chính trị với việc đổi mới công tác cán bộ của Đảng theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII và phù hợp với tình hình mới.
Quy định 57 gồm 4 chương, 12 điều với nhiều điểm mới, đột phá về vấn đề đào tạo lý luận chính trị. Quy định nêu rõ đối tượng, tiêu chuẩn đào tạo lý luận chính trị; phân cấp nhiệm vụ đào tạo; thẩm quyền, trách nhiệm của các cơ quan đào tạo lý luận chính trị. Bởi vậy, mục đích của hội nghị này là để thống nhất việc lãnh đạo, quản lý và tổ chức thực hiện công tác đào tạo lý luận chính trị ở cả 3 cấp (sơ cấp, trung cấp, cao cấp). Việc quán triệt Quy định 57 sẽ tạo sự thống nhất về mặt nhận thức, quan điểm, nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác đào tạo lý luận chính tri, đáp ứng yêu cầu chất lượng đội ngũ cán bộ của Đảng.
Quán triệt việc triển khai thực hiện Quy định 57, đồng chí Vũ Thanh Sơn, Cục trưởng Cục Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, Ban Tổ chức Trung ương chỉ rõ 6 điểm mới mang tính đột phá của Quy định bao gồm: 1- Lần đầu tiên trong lịch sử công tác đào tạo lý luận chính trị của Đảng, Ban Bí thư ban hành quy định về đối tượng, tiêu chuẩn và phân cấp đào tạo lý luận chính trị, thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng với công tác này trong tình hình mới. 2- Quy định 57 đã mang tính hệ thống, tổng hợp khi bao quát đủ 3 cấp học lý luận chính trị từ sơ cấp, trung cấp đến cao cấp. Điều này tạo sự liên thông, mang tính kế thừa cao, tránh được sự trùng lắp, chồng chéo giữa các cơ quan về việc đào tạo lý luận chính trị trước đây. 3- Xác định rõ, cụ thể, mạch lạc từng loại đối tượng tham gia 3 cấp học trong đó có quy định riêng đối tượng của Bộ Quốc phòng và Bộ Công an; bổ sung thêm một số đối tượng phù hợp với yêu cầu thực tiễn hiện nay. 4- Xác định rõ việc phân cấp đào tạo lý luận chính trị đối với các cơ sở đào tạo, các cơ quan liên quan. 5- Xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm các bên liên quan trong lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, tổ chức thực hiện công tác đào tạo lý luận chính trị từ sơ cấp, trung cấp đến cao cấp. 6- Xác định rõ lộ trình cho các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng thuộc các ban, bộ ngành (11 cơ sở) để dừng đào tạo trung cấp lý luận chính trị.
Theo Kế hoạch 60-KH/BTCTW “Về đào tạo lý luận chính trị và bồi dưỡng cán bộ năm 2022” của Ban Tổ chức Trung ương ngày 28-2-2022, năm 2022 sẽ tổ chức 221 lớp đào tạo cao cấp lý luận chính trị và 32 lớp bồi dưỡng nghiệp vụ xây dựng Đảng, bồi dưỡng cập nhật kiến thức theo chức danh. Kế hoạch nêu rõ việc tiếp tục đổi mới công tác đào tạo cao cấp lý luận chính trị và công tác bồi dưỡng cán bộ. Theo đó, riêng về đào tạo lý luận chính trị sẽ tăng đào tạo hệ tập trung, giảm đào tạo hệ không tập trung; về công tác bồi dưỡng cán bộ sẽ đặc biệt đổi mới nội dung chương trình theo hướng thiết thực, cập nhất kiến thức, đáp ứng yêu cầu người học trong tình hình mới, giảm tối đa lý thuyết, tăng nội dung chuyên môn, nghiệp vụ mới và xử lý tình huống.
Tại hội nghị, các đại biểu tham dự tại nhiều điểm cầu cũng thảo luận đóng góp nhiều ý kiến và kiến nghị Ban Tổ chức Trung ương giải đáp, hướng dẫn một số đề nghị trong việc triển khai thực hiện Quy định 57. Về cơ bản, các cơ quan đơn vị đều thống nhất cao với các nội dung của Quy định 57 và thể hiện quyết tâm chính trị rất cao trong việc tổ chức triển khai thực hiện công tác đào tạo lý luận chính trị trong thời gian sắp tới.
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Hoàng Đăng Quang cho biết, thực tiễn thời gian qua, quy định về đào tạo lý luận chính trị do nhiều cơ quan ban hành chưa có sự liên thông, phối hợp chặt chẽ; một số nội dung chưa sát thực tiễn; chưa gắn việc đào tạo lý luận chính trị với tiêu chuẩn chức danh cán bộ và chưa tạo sự đồng bộ giữa công tác đào tạo với công tác quy hoạch, bố trí, sử dụng cán bộ. Đặc biệt, vấn đề phân cấp đào tạo lý luận chính trị còn rất nhiều hạn chế, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ còn thiếu tính dài hạn, chiến lược; nội dung chương trình học có mặt chậm đổi mới, phù hợp với tình hình thực tiễn đặt ra. Bởi vậy, xảy ra tình trạng lười học, ngại học lý luận chính trị, thích học tại chức, ngại học tập trung và học mang tính chất đối phó còn nhiều.
Do đó, Quy định 57 đã xác định rất rõ về vấn đề đối tượng, tiêu chuẩn và phân cấp đào tạo lý luận chính trị nhằm đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ, gắn công tác đào tạo với công tác quy hoạch, bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử, phân cấp, quản lý cán bộ. Ngoài ra, Quy định nêu rõ thẩm quyền, trách nhiệm của các cơ quan đào tạo lý luận chính trị từ sơ cấp đến cao cấp.
Trong việc tổ chức thực hiện quy định, đồng chí Hoàng Đăng Quang đặc biệt lưu ý, Ban Tổ chức Trung ương sẽ có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan theo dõi, đôn đốc, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và hướng dẫn việc thực hiện Quy định 57. Ban Tuyên giáo Trung ương định hướng về chính trị, tư tưởng trong chương trình đào tạo lý luận chính trị, thẩm định nội dung các chương trình đào tạo ở cả 3 cấp. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh thực hiện kế hoạch tổ chức và quản lý đào tạo, tập huấn đội ngũ giảng viên trực tiếp đào tạo lý luận chính trị; chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng nội dung, chương trình, biên soạn giáo trình và thời gian đào tạo lý luận chính trị và hướng dẫn thống nhất việc thực hiện nội dung chương trình theo định hướng của Nghị quyết Đại hội XIII.
Các tỉnh, thành ủy, ban đảng, ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng ủy trực thuộc trung ương, đơn vị sự nghiệp trung ương tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt và cụ thể hóa thực hiện Quy định 57 theo thẩm quyền; có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cụ thể bài bản; cử cán bộ đi học bảo đảm đúng đối tượng, tiêu chuẩn. Các học viện, trường, trung tâm được giao nhiệm vụ đào tạo lý luận chính trị thực hiện đúng quy định; chủ động xây dựng kế hoạch, quy chế và tổ chức, quản lý đào tạo bài bản, khoa học; chú trọng phát triển nâng cao đội ngũ giảng viên và cán bộ quản lý./.
Thùy Linh (tổng hợp)
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì cuộc họp lãnh đạo chủ chốt  (10/03/2022)
Thường trực Ban Bí thư: Phải nâng cao chất lượng, tiến độ công tác giám định, định giá tài sản trong các vụ việc, vụ án tham nhũng, tiêu cực  (18/01/2022)
Thực hiện đồng bộ giữa kiểm tra và giám sát, chú trọng những địa bàn, lĩnh vực dễ nảy sinh vi phạm  (12/01/2022)
Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thường tham dự Hội nghị trực tuyến liên đảng quốc tế do Đảng Nước Nga Thống nhất chủ trì  (02/12/2021)
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc  (15/11/2021)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên