Thúc đẩy các nỗ lực chung, đồng bộ của Cộng đồng ASEAN trong ứng phó dịch bệnh
TCCS - Ngày 14-4-2020, trên cương vị Chủ tịch ASEAN 2020, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN và Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN+3 (bao gồm Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc) về ứng phó dịch bệnh COVID-19 bằng hình thức họp trực tuyến. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử 50 năm hình thành và phát triển của ASEAN, một hội nghị cấp cao được tổ chức theo hình thức này.
Bừng sáng tinh thần đoàn kết
Phát biểu khai mạc Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, đây là hội nghị có ý nghĩa rất quan trọng trong bối cảnh đại dịch COVID-19 nguy hiểm đang lan tràn khắp khu vực và toàn cầu. Tất cả các quốc gia thành viên ASEAN cũng đang phải nỗ lực phòng, chống dịch COVID-19 tác động tiêu cực tới đời sống của mọi người dân, kinh tế - xã hội nhất là khu vực dịch vụ vốn chiếm 30% tổng GDP của ASEAN, thách thức ổn định và an sinh xã hội.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, chính trong thời điểm u ám, khó khăn này đã bừng sáng lên tinh thần đoàn kết của Cộng đồng ASEAN về tình đoàn kết, tương thân, tương ái, cùng kề vai vượt qua khó khăn được thể hiện qua Tuyên bố Chủ tịch ASEAN về ứng phó chung trước dịch bệnh COVID-19; tăng cường hợp tác về y tế, quốc phòng, kinh tế, du lịch; sẻ chia, hỗ trợ cung cấp nhu yếu phẩm, thiết bị y tế, hỗ trợ công dân trong dịch bệnh. Những nỗ lực của ASEAN đã mang lại kết quả đáng khích lệ, kiểm soát được dịch bệnh, số ca nhiễm trong 650 triệu người dân ASEAN chỉ khoảng 15 nghìn là thấp hơn, tăng chậm hơn nhiều so với tỷ lệ chung của toàn cầu. Việt Nam giữ cương vị Chủ tịch luân phiên ASEAN vào thời điểm rất đặc biệt - khi dịch COVID-19 gây thiệt hại nặng nề trên các mặt kinh tế - xã hội của nhiều nước trên thế giới. Việc lần đầu tiên tổ chức hội nghị cấp cao đặc biệt ứng phó với COVID-19 dưới hình thức trực tuyến tiếp tục thể hiện sự chủ động của Việt Nam trong thúc đẩy hợp tác khu vực và quốc tế để ứng phó các thách thức phi truyền thống.
Trong vai trò Chủ tịch ASEAN, Việt Nam cũng đã thúc đẩy việc thành lập và tổ chức cuộc họp đầu tiên bằng hình thức trực tuyến của Nhóm công tác liên ngành Hội đồng điều phối ASEAN về ứng phó các tình trạng y tế công cộng khẩn cấp hôm 31-3-2020 để thống nhất khuyến nghị các bước triển khai phối hợp và hành động tiếp theo. Bên cạnh đó, trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp và ngày càng lan rộng và các cuộc họp không thể diễn ra theo phương cách truyền thống, Việt Nam đã thúc đẩy tổ chức họp theo hình thức trực tuyến. Đây là một giải pháp linh hoạt và phù hợp, góp phần giúp ASEAN phản ứng nhanh và kịp thời trước đại dịch COVID-19.
Tại Hội nghị, các nhà Lãnh đạo ASEAN đã nghe Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh, Chủ tịch Hội đồng Điều phối ASEAN (ACC) trình bày báo cáo về các nỗ lực của ASEAN trong ứng phó COVID-19 và khuyến nghị về phương hướng hợp tác thời gian tới. Các nhà lãnh đạo các nước đã cùng nhau đề ra các biện pháp, sáng kiến cụ thể, thúc đẩy hơn nữa hợp tác phòng, chống dịch bệnh, đồng thời bảo đảm sự phát triển năng động, bền vững của khu vực về dài hạn.
Chủ động thúc đẩy hợp tác khu vực và quốc tế
Ngay sau thành công của Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN về ứng phó dịch COVID-19, chiều cùng ngày, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN+3 (Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc). Tham dự Hội nghị, ngoài lãnh đạo các quốc gia ASEAN còn có lãnh đạo các nước đối tác gồm: Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường, Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo và Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới Tedros Adhanom Ghebreyesus.
Phát biểu khai mạc Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN+3, chào mừng lãnh đạo các quốc gia thành viên ASEAN và đặc biệt là lãnh đạo các nước đối tác, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đề cập đến việc các quốc gia trong khu vực và thế giới đang phải đối mặt với những thách thức chưa từng có do dịch COVID-19 gây ra. Đại dịch này đã lan đến hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, tác động nghiêm trọng đến đời sống kinh tế - xã hội của nhiều quốc gia, trong đó có các nước ASEAN+3.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, phát huy tinh thần “Gắn kết và chủ động thích ứng”, Cộng đồng ASEAN đang hợp tác chặt chẽ với các đối tác và cộng đồng quốc tế để ngăn chặn dịch bệnh. Các nỗ lực kịp thời, quyết liệt của chính phủ các nước ASEAN và Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc nhằm kiểm soát sự bùng phát và lây lan của dịch COVID-19 thời gian qua đã đạt được kết quả bước đầu đáng khích lệ. Thủ tướng Chính phủ khẳng định, các nước ASEAN+3 có truyền thống hợp tác tốt đẹp, ứng phó hiệu quả với các thách thức kinh tế, các đợt thiên tai, dịch bệnh, trong đó có dịch bệnh SARS năm 2003.
Tại hội nghị, các nhà lãnh đạo đã trao đổi nhận định đánh giá, chia sẻ kinh nghiệm và bàn các biện pháp cụ thể để sớm đẩy lùi dịch bệnh, chăm lo, bảo vệ lợi ích của người dân, giảm thiểu tác động kinh tế - xã hội do dịch COVID-19 gây ra và kế hoạch phục hồi sau khi dịch bệnh kết thúc. Các nước ASEAN+3 cam kết sẵn sàng chia sẻ những kinh nghiệm, chính sách, liệu pháp điều trị, nghiên cứu dịch tễ và lâm sàng, hỗ trợ cung cấp trang thiết bị vật tư y tế, đẩy mạnh hợp tác nghiên cứu sản xuất vắc-xin và thuốc điều trị COVID-19.
Các nhà lãnh đạo cho rằng những bài học kinh nghiệm từ các nước Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc trong kiểm soát, ngăn ngừa dịch COVID-19 rất hữu ích với ASEAN trong cuộc chiến chống dịch bệnh còn nhiều cam go và thách thức. Các nhà lãnh đạo nhấn mạnh cần đặt lợi ích người dân lên hàng đầu, bảo đảm sức khỏe và sinh kế của nhân dân, hỗ trợ kịp thời và đối xử bình đẳng với công dân các nước ASEAN+3 bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, trong đó có lao động di cư, không để ai bị bỏ lại phía sau. Đồng thời cam kết duy trì thị trường mở, sớm ký kết Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), đa dạng hóa kết nối nguồn cung trong và ngoài khu vực, bảo đảm lưu thông hàng hóa, dịch vụ, nhất là các nguyên vật liệu, sản phẩm y tế thiết yếu.
Các nhà lãnh đạo nhất trí giao Văn phòng Nghiên cứu kinh tế vĩ mô ASEAN+3 (AMRO) nghiên cứu đưa ra các khuyến nghị chính sách kịp thời ứng phó với các rủi ro suy thoái và tận dụng các cơ chế dự phòng bảo đảm ổn định kinh tế, tài chính, an ninh lương thực đã có của ASEAN+3 như Thỏa thuận đa phương hóa Sáng kiến Chiềng Mai (CMIM), Quỹ dự trữ gạo khẩn cấp (APTERR).
Nhấn mạnh tình đoàn kết và tương trợ lẫn nhau giữa các quốc gia là chìa khóa thành công để các quốc gia vượt qua thời điểm khó khăn này, tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã giới thiệu kinh nghiệm và kết quả bước đầu Việt Nam đạt được trong kiểm soát dịch bệnh và bảo vệ cuộc sống của người dân. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cảm ơn các nước đã phối hợp, hỗ trợ và đã có giúp đỡ về tài chính và kỹ thuật cho Việt Nam thời gian qua, đồng thời cũng nêu các đề xuất thúc đẩy hợp tác ASEAN+3 trong ứng phó với dịch bệnh, duy trì ổn định và phát triển kinh tế.
Kết thúc Hội nghị, các nhà lãnh đạo ra Tuyên bố chung của Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN+3 về dịch bệnh COVID-19. Các đại biểu đánh giá cao Việt Nam đã tích cực, chủ động tổ chức thành công Hội nghị lần này, đóng góp thiết thực cho cuộc chiến chung chống COVID-19 của khu vực và cộng đồng quốc tế.
Là Chủ tịch ASEAN, Việt Nam đã phối hợp với các nước ra Tuyên bố Chủ tịch về ứng phó của ASEAN trước dịch COVID-19, vừa cảnh báo nguy cơ dịch bệnh, vừa khẳng định quyết tâm hợp tác khu vực, quốc tế trong chống dịch, phối hợp tổ chức nhiều cuộc họp với các đối tác như Trung Quốc, Liên minh châu Âu, Hoa Kỳ và các tổ chức quốc tế nhằm cùng nhau sớm đẩy lùi và khống chế dịch bệnh. Kể từ khi đại dịch bùng phát đến nay, Việt Nam đã cùng ASEAN thực sự thể hiện khả năng phản ứng kịp thời ngăn chặn đại dịch cũng như năng lực gắn kết trong phối hợp chính sách và hành động giữa các thành viên. ASEAN đã kịp thời tổ chức nhiều hoạt động phối hợp chung với các Đối tác đối thoại như Trung Quốc, EU, Hoa Kỳ và các tổ chức quốc tế quan trọng như Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) để cùng nhau trao đổi kinh nghiệm, hỗ trợ, ứng phó hữu hiệu với dịch bệnh, bảo đảm sự phối hợp đồng bộ trong phòng, chống dịch.
Việc tổ chức Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN và Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN+3 về ứng phó với dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 bằng hình thức họp trực tuyến đã được các chuyên gia quốc tế đánh giá cao và thu hút sự quan tâm của nhiều hãng thông tấn quốc tế, cũng như các tờ báo lớn trên thế giới./.
Vũ Linh (tổng hợp)
Chính phủ tìm phương án tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh trong bối cảnh ứng phó dịch COVID-19  (14/04/2020)
Tạm ngừng nhập khẩu xăng, dầu: Nên hay không?  (13/04/2020)
Chính phủ triển khai gói an sinh xã hội hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng do dịch Covid-19  (06/04/2020)
Thành phố Hà Nội giao 650 tỷ đồng vốn uỷ thác giúp người dân vượt khó  (06/04/2020)
Vingroup sản xuất máy thở và máy đo thân nhiệt  (03/04/2020)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển