Hôm nay (12-2-2009), Ban Thi đua Trung ương đã tổ chức Hội nghị triển khai công tác thi đua, khen thưởng năm 2009. Đồng chí Nguyễn Thị Doan, Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Thi đua khen thưởng Trung ương đến dự và phát biểu chỉ đạo hội nghị.

Tham dự hội nghị còn có đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành, đoàn thể ở Trung ương và địa phương, các cán bộ trực tiếp làm công tác thi đua khen thưởng trong cả nước.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đánh giá cao kết quả đạt được trong công tác thi đua, khen thưởng, chỉ rõ: Năm 2009 là năm có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế-xã hội kế hoạch 5 năm 2006-2010 mà nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X đã đề ra; cũng là năm có nhiều ngày lễ lớn và Đại hội thi đua các cấp, tiến tới Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc 2010, ngành Thi đua - Khen thưởng cần tập trung thực hiện những nhiệm vụ trọng tâm sau:

Một là, tiếp tục học tập tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước, đi đôi với việc quán triệt thực hiện Chỉ thị số 39-CT/TW ngày 21-5-2004 của Bộ Chính trị về việc đổi mới, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, phát hiện bồi dưỡng, và nhân rộng điển hình tiên tiến.

Hai là, cần tiếp tục đẩy mạnh các phong trào thi đua thực hiện chỉ thị số 17-2006/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Các phong trào thi đua yêu nước bám sát việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của bộ, ngành, địa phương và đất nước, nhằm giải quyết những khó khăn, bức xúc về phát triển kinh tế, chăm lo cải thiện đời sống nhân dân, giải quyết việc làm, phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm chống lãng phí, xoá đói giảm nghèo, giảm tai nạn giao thông, vệ sinh an toàn thực phẩm, ô nhiễm môi trường, tệ nạn xã hội... góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 23/2008/NQ-QH ngày 6-11-2008 của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2009 và Nghị quyết số 30/2008/NQ-CP ngày 11-12-2008 của Chính phủ về các giải pháp cấp bách nhằm ngăn chặn suy giảm kinh tế, duy trì tăng trưởng kinh tế hợp lý, bảo đảm an sinh xã hội.

Ba là, triển khai có hiệu quả việc thực hiện Luật Thi đua, Khen thưởng và Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng. Chú trọng khen thưởng đột xuất, khen chuyên đề với các hình thức khen thưởng ở cơ sở nhằm động viên kịp thời, phát hiện và nhân rộng những gương người tốt, việc tốt, các điển hình tiên tiến. Cần xây dựng nhiều hơn nữa mô hình chỉ đạo điểm về phong trào thi đua ở một số bộ, ngành, địa phương; tổng kết và nhân rộng mô hình mới.

Bốn là, cần tăng cường hơn nữa công tác quản lý nhà nước về thi đua, khen thưởng. Tích cực giải quyết các trường hợp khen thưởng tổng kết kháng chiến còn tồn đọng.

Trong báo cáo đánh giá công tác thi đua khen thưởng năm 2008, của Ban Thi đua Khen thưởng Trung ương đã nêu những ưu điểm nổi bật và những kết quả quan trọng, sự quan tâm thường xuyên, kịp thời của Đảng, Nhà nước với phong trào thi đua yêu nước và công tác khen thưởng, vai trò tham mưu của Ban Thi đua khen thưởng Trung ương với việc trình Chính phủ ban hành và hoàn thiện cơ bản hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về thi đua, khen thưởng. Hoạt động của các cụm, khối thi đua dần đi vào nền nếp; nhận thức về vai trò, tác dụng của công tác thi đua, khen thưởng trong lãnh đạo bộ, ngành, địa phương đã có những chuyển biến tích cực; các phương tiện thông tin đã có nhiều cố gắng trong việc tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phong trào thi đua yêu nước, phát hiện và nhân rộng điển hình tiên tiến trong các lĩnh vực đời sống, xã hội...

Các hình thức khen thưởng như khen thưởng theo niên hạn; khen thưởng của các bộ, ngành, đoàn thể trực thuộc Trung ương...được thực hiện thường xuyên, có nề nếp, chất lượng tốt.

Bộ máy làm công tác thi đua, khen thưởng các cấp ngày càng được kiện toàn, hoàn thiện.

Tồn tại và hạn chế nổi bật trong công tác thi đua-khen thưởng năm qua là: Việc quán triệt Chỉ thị số 39-CT/TW ngày 21-5-2004 cảu Bộ chính trị; Luật Thi đua, Khen thưởng; Chỉ thị số 17/2006 CT-TTg ngày 8-5-2006 của Thủ tướng Chính phủ; Chỉ thị 19-CT/TW ngày 22-12-2007 của Ban Bí thư và các quyết định của Thủ tướng chính phủ trong cấp uỷ đảng, chính quyền và các đoàn thể chưa đồng bộ, thiếu chặt chẽ, hiệu quả đạt được còn thấp. Trong công tác khen thưởng, việc áp dụng đối tượng, tiêu chuẩn, thẩm quyền quyết định khen thưởng ở một số bộ, ngành, địa phương còn thiếu thống nhất. Bộ máy tổ chức và cán bộ một số nơi chưa được kiện toàn...

Tham luận tại hội nghị, các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến sâu sắc về kinh nghiệm trong chỉ đạo thực hiện phong trào thi đua ở các địa phương, phân tích sâu những hạn chế và nguyên nhân của những tồn tại, đề ra và nhất trí cao với các giải pháp nhằm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ của ngành năm 2009./.
 

Năm 2008, Thủ tướng Chính phủ đã đề nghị Chủ tịch nước ký quyết định khen thưởng 144.162 trường hợp, trong đó: 16.111 trường hợp do Thủ tướng Chính phủ quyết định tặng thưởng, gồm 1 Bằng có công với nước; 180 Bằng khen kháng chiến chống Mỹ; 6 Bằng khen kháng chiến chống Pháp; 9.169 bằng khen thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội; 963 Cờ thi đua của Chính phủ; 354 Chiến sĩ thi đua toàn quốc; 739 Huy hiệu Vì nghĩa vụ quốc tế; 4.699 Kỷ niệm chương Chiến sĩ cách mạng bị bắt tù đày.

Chủ tịch nước ký quyết định tặng thưởng (truy tặng) 128.051 trường hợp, gồm: 9 Huân chương Sao vàng; 77 Huân chương Hồ Chí Minh; 818 Huân chương Độc lập; 52 Huân chương Quân công; 6.114 Huân chương Lao động, 234 Huân chương Bảo vệ Tổ quốc; 130 Huân chương Chiến công; 61 Huân chương Đại đoàn kết dân tộc; 14 Huân chương Dũng cảm; 139 Huân chương Hữu nghị; 2.499 Huân chương Kháng chiến chống Mỹ; 88 Huân chương Kháng chiến chống Pháp; 94.272 Huy chương Chiến sỹ vẻ vang; 16.468 Huy chương Quân kỳ quyết thắng; 49 Anh hùng Lao động; 27 Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân; 101 Nhà giáo nhân dân; 816 Nhà giáo Ưu tú; 43 Thày thuốc Nhân dân; 897 Thày thuốc Ưu tú; 125 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng.