Từ khi tiến hành công cuộc cải cách mở cửa đến nay, Đảng Cộng sản Trung Quốc luôn coi chủ nghĩa Mác, tư tưởng Mao Trạch Đông, lý luận Đặng Tiểu Bình, tư tưởng quan trọng" ba đại diện", quan niệm "phát triển khoa học" làm nền tảng soi đường cho công cuộc phát triển đất nước. Không ngừng sáng tạo lý luận trong thời kỳ mới là nhiệm vụ quan trọng trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc.

I - Quá trình đổi mới công tác lý luận

1 - Đổi mới về lý luận chính trị

Sau Hội nghị Trung ương 3 khóa XI (năm 1978), Đảng Cộng sản Trung Quốc đã hình thành lý luận "một trung tâm, hai điểm cơ bản"(1), đến Đại hội XII (năm 1982), Đảng Cộng sản Trung Quốc đưa ra khái niệm "Chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc", nhưng đến Đại hội XIV (năm 1992) mới đưa ra nội dung chủ yếu của "lý luận chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc", bao gồm 9 vấn đề: Con đường phát triển chủ nghĩa xã hội (CNXH); Giai đoạn phát triển của CNXH: Trung Quốc đang ở giai đoạn đầu của CNXH, đó là giai đoạn rất dài, ít nhất 100 năm; Nhiệm vụ cơ bản của xã hội XHCN; Động lực phát triển của CNXH; Điều kiện bên ngoài của xây dựng kinh tế XHCN; Bảo đảm chính trị cho công cuộc xây dựng CNXH; Bước đi chiến lược xây dựng CNXH; Động lực lãnh đạo và chỗ dựa của CNXH; Vấn đề thống nhất đất nước.

Tại Đại hội XIII (năm 1987), Đảng đưa ra khái niệm về giai đoạn đầu của chủ nghĩa xã hội, nhưng đến Đại hội XIV (năm 1992) khái niệm này mới được nêu ra một cách cụ thể: "Đảng Cộng sản Trung Quốc lãnh đạo và đoàn kết nhân dân các dân tộc; Lấy xây dựng kinh tế làm trọng tâm;Kiên trì cải cách mở cửa và 4 nguyên tắc cơ bản; Mục tiêu xây dựng Trung Quốc giàu mạnh, dân chủ, văn minh; Thời gian dự báo ít nhất khoảng 100 năm".

Đại hội XVI (năm 2002), đã tổng kết và rút ra 10 bài học lịch sử quan trọng trong công cuộc cải cách mở cửa, trong đó nhấn mạnh không ngừng đổi mới và phát triển hoàn thiện hệ thống lý luận, đồng thời đưa ra hệ thống lý luận mới là tư tưởng quan trọng "ba đại diện", đây là sự kế thừa và phát triển chủ nghĩa Mác, tư tưởng Mao Trạch Đông và lý luận Đặng Tiểu Bình.

Tại Đại hội XVII (năm 2007), lần đầu tiên Đảng Cộng sản Trung Quốc đưa ra khái niệm về hệ thống lý luận "chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc", gồm lý luận Đặng Tiểu Bình, tư tưởng quan trọng "ba đại diện" và quan điểm "phát triển khoa học". Tư tưởng quan trọng "ba đại diện" là phương châm chỉ đạo quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội Trung Quốc, là tư tưởng chiến lược quan trọng cần được kiên trì và quán triệt trong phát triển chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc". "Phát triển khoa học" được xác định là "yêu cầu cơ bản" của công cuộc phát triển chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc, là sự kế thừa và phát triển tư tưởng quan trọng của tập thể lãnh đạo trung ương thế hệ thứ ba, là sự thể hiện tập trung thế giới quan và phương pháp luận về phát triển của nghĩa Mác, là lý luận khoa học vừa tiếp nối vừa phát triển tiến cùng thời đại của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Mao Trạch Đông, lý luận Đặng Tiểu Bình. Hàm nghĩa quan trọng hàng đầu của quan điểm "phát triển khoa học" là "phát triển". Hạt nhân của quan điểm "phát triển khoa học" là "lấy con người làm gốc". Yêu cầu cơ bản của quan điểm phát triển một cách khoa học là "sự hài hòa bền vững toàn diện". Phương pháp căn bản của quan điểm này là "bố trí đồng bộ".

2 - Đổi mới lý luận về kinh tế

Sau Hội nghị Trung ương 3 khóa XI (năm 1978), Đặng Tiểu Bình đã chỉ rõ: "Muốn phát triển sức sản xuất, phải cải cách thể chế kinh tế". Đây chính là một trong những nội dung đổi mới quan trọng về lý luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Mục tiêu và thực chất của cuộc cải cách này là thay đổi cơ chế quản lý kinh tế cũ (cơ chế kinh tế kế hoạch) sang nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa, giải phóng và phát triển sức sản xuất để thực hiện hiện đại hóa xã hội chủ nghĩa. Quá trình hình thành và phát triển lý luận xây dựng thể chế kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa ở Trung Quốc có thể chia làm 3 giai đoạn:

Giai đoạn thứ nhất (từ tháng 12-1978 đến tháng 9-1984): xây dựng cơ chế kinh tế bước đầu có sự điều tiết của thị trường.

Giai đoạn thứ hai (từ tháng 10-1984 đến tháng 12-1991): xây dựng thể chế kinh tế theo hướng thị trường. Hội nghị Trung ương3 khóa XII (năm 1984) thông qua Nghị quyết về cải cách thể chế kinh tế, trong đó nêu rõ: "Kinh tế XHCN là kinh tế hàng hóa có kế hoạch trên cơ sở chế độ công hữu. Phát triển đầy đủ kinh tế hàng hóa là giai đoạn không thể bỏ qua của sự phát triển kinh tế - xã hội, là điều kiện tất yếu để thực hiện hiện đại hóa kinh tế của Trung Quốc"(2). Đây là một bước đột phá quan trọng về lý luận, chỉ ra phương hướng cho công cuộc cải cách mở cửa của Trung Quốc.

Giai đoạn thứ ba (từ năm 1992 đến nay): xây dựng bước đầu thể chế kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa. Đại hội XIV Đảng Cộng sản Trung Quốc (tháng 10-1992) đã chính thức tuyên bố: "Mục tiêu cải cách thể chế kinh tế của Trung Quốc là xây dựng thể chế kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa". Đại hội cũng chỉ rõ: "Thể chế kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa chính là làm cho thị trường phát huy được vai trò mang tính cơ sở trong việc bố trí các nguồn lực dưới sự điều tiết vĩ mô của Nhà nước xã hội chủ nghĩa, khiến cho các hoạt động kinh tế tuân theo yêu cầu của quy luật giá trị; thông qua chức năng của đòn bẩy giá cả và cơ chế cạnh tranh, phân phối các nguồn lực một cách hiệu quả, tạo ra động lực và sức ép cho doanh nghiệp, thực hiện chọn lọc tự nhiên, lợi dụng ưu điểm của thị trường phản ứng mau lẹ với các tín hiệu kinh tế, thúc đẩy điều tiết kịp thời sản xuất và nhu cầu tiêu dùng"(3).

Để đạt được mục tiêu trên, Hội nghị Trung ương 3 khóa XVI đã xác định nhiệm vụ chủ yếu để hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa là: "Hoàn thiện chế độ kinh tế cơ bản lấy chế độ công hữu làm chủ thể, nhiều chế độ sở hữu cùng phát triển, xây dựng thể chế có lợi cho việc dần dần thay đổi cơ cấu kinh tế ở thành thị và nông thôn, hình thành cơ chế thúc đẩy sự phát triển hài hòa kinh tế khu vực, hình thành hệ thống kinh tế thị trường hiện đại thống nhất mở cửa, cạnh tranh lành mạnh, hoàn thiện hệ thống điều tiết vĩ mô, thể chế quản lý hành chính và chế độ pháp luật kinh tế, kiện toàn chế độ việc làm, phân phối thu nhập và bảo đảm xã hội, xây dựng cơ chế thúc đẩy kinh tế xã hội phát triển bền vững."(4)

II - Kinh nghiệm về đổi mới công tác tư tưởng lý luận sau 30 năm cải cách mở cửa

Sau 30 năm tiến hành công cuộc cải cách mở cửa, Trung Quốc đã thu được nhiều thành tựu quan trọng trong công tác tư tưởng lý luận, mà quan trọng nhất là xác định được hệ thống lý luận "chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung quốc", bao gồm ba bộ phận: lý luận Đặng Tiểu Bình, tư tưởng "ba đại diện" và quan niệm "phát triển khoa học". Hệ thống lý luận này, về cơ bản, đã hoàn thành tiến trình "Trung Quốc hóa chủ nghĩa Mác". Bên cạnh xây dựng hệ thống lý luận, Đảng Cộng sản Trung Quốc đặc biệt coi trọng công tác tư tưởng để quán triệt đường lối, chủ trương, chính sách và thực hiện sự lãnh đạo của Đảng. Có thể khái quát một số bài học về đổi mới công tác tư tưởng, lý luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc như sau:

1 - Vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác vào điều kiện Trung Quốc (Trung Quốc hóa chủ nghĩa Mác)

Trong quá trình cải cách mở cửa, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã đưa ra quan điểm lý luận phải thường xuyên liên hệ với thực tiễn, tích cực nghiên cứu và phát triển lý luận của chủ nghĩa Mác, kết hợp với thực tế, thúc đẩy chủ nghĩa Mác phát triển. Kinh nghiệm kết hợp giữa lý luận và thực tiễn của Đảng Cộng sản Trung Quốc được thể hiện: kết hợp nguyên lý của chủ nghĩa Mác với thực tiễn Trung Quốc, "Trung Quốc hóa chủ nghĩa Mác"; kiên trì các nguyên tắc cơ bản khi cải cách mở cửa; kết hợp tôn trọng tinh thần sáng tạo của nhân dân với sự lãnh đạo của Đảng; kiên trì chế độ chính trị với kinh tế thị trường; kết hợp thúc đẩy cải cách cơ sở kinh tế với thượng tầng chính trị; kết hợp phát triển sức sản xuất xã hội với nâng cao tố chất văn minh dân tộc; kết hợp tăng trưởng với công bằng xã hội; kết hợp độc lập, tự chủ với tham gia toàn cầu hóa; kết hợp thúc đẩy cải cách mở cửa với ổn định xã hội; kết hợp giữa thúc đẩy sự nghiệp vĩ đại chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc với xây dựng công trình vĩ đại mới của Đảng Cộng sản Trung Quốc.

2 - Không ngừng đổi mới hoàn thiện hệ thống lý luận trên cơ sở tổng kết thực tiễn

Năm 1978, Trung Quốc bắt đầu tiến hành công cuộc cải cách, mở cửa và không ngừng phát triển hoàn thiện hệ thống lý luận. Trải qua các Đại hội XII, XIII, XIV, Đảng Cộng sản Trung Quốc mới đưa ra được nội dung về lý luận chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc; đồng thời, về mặt kinh tế, tại Đại hội XIV cũng đề ra lý luận xây dựng kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa. Từ Đại hội XVI, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã tổng kết và rút ra 10 bài học lịch sử quan trọng trong công cuộc cải cách mở cửa, trong đó nhấn mạnh công tác xây dựng và hoàn thiện hệ thống lý luận. Điều đặc biệt là hệ thống lý luận chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc là hệ thống lý luận mở, không ngừng phát triển; tức là đã tạo nên một quy tắc mà theo đó, những thành quả về tư tưởng lý luận được tìm tòi trong thực tiễn xây dựng chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc sau này, đều có thể trở thành một bộ phận của hệ thống lý luận nói trên, nó không dừng lại ở những thành quả đạt được hôm nay.

Đảng Cộng sản Trung Quốc cho rằng, nghiên cứu lý luận phải bám chắc chủ đề xây dựng chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc, bám sát thực tế, xuất phát từ thực tiễn sinh động của các địa phương, các ngành, tổng kết và khái quát kinh nghiệm trên các mặt, các cấp độ khác nhau, đồng thời tổng kết những kinh nghiệm phong phú được quần chúng nhân dân sáng tạo từ sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội do Đảng lãnh đạo, khái quát và nâng thành lý luận để làm sâu sắc hơn nữa nhận thức về quy luật xây dựng chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc. Đảng Cộng sản Trung Quốc cũng rất chú trọng tính sáng tạo trong phát triển hệ thống lý luận và tạo ra bước đột phá về lý luận. Mỗi bước đột phá quan trọng về lý luận của chủ nghĩa Mác, mỗi bước nhảy vọt có tính chất lịch sử trong thực tiễn của chủ nghĩa xã hội đều là kết quả sáng tạo lý luận nhờ kết hợp những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác với thực tiễn cụ thể của Trung Quốc.

3 - Coi trọng tuyên truyền, giáo dục niềm tin và lý tưởng chủ nghĩa cộng sản, quán triệt đường lối, chỉ thị của Đảng

Nhiệm vụ cơ bản của công tác tư tưởng lý luận là nâng cao nhận thức cho toàn Đảng, giáo dục cho cán bộ, đảng viên và nhân dân về chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Mao Trạch Đông, lý luận Đặng Tiểu Bình, tư tưởng "ba đại diện", quan điểm "phát triển khoa học"; tăng cường tính nguyên tắc, tính hệ thống, tính khoa học và tính dự đoán trong công tác tư tưởng lý luận; nhanh chóng nhận biết và kịp thời khắc phục những ý kiến thiếu tinh thần xây dựng, thực hiện triệt để đường lối và cương lĩnh cơ bản của Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Niềm tin vào lý tưởng cộng sản là cơ sở tư tưởng cơ bản để nhân dân Trung Quốc đoàn kết, phấn đấu, là sức mạnh tinh thần to lớn để thực hiện công cuộc chấn hưng dân tộc và đất nước Trung Hoa. Tuyên truyền, giáo dục niềm tin vào lý tưởng là một nội dung quan trọng trong công tác giáo dục chính trị tư tưởng của Đảng, được thể hiện qua một số mặt: Một là, giữ vững vai trò chỉ đạo của chủ nghĩa Mác, không ngừng tăng cường sức thuyết phục và sức chiến đấu của chủ nghĩa Mác; kịp thời tổng kết kinh nghiệm, rút ra từ thực tiễn những nhận thức mới, giải đáp những vấn đề lớn về tư tưởng, lý luận mà đời sống hiện thực đặt ra được cán bộ, quần chúng quan tâm; vận dụng nhuần nhuyễn quan điểm mác-xít, đấu tranh một cách tích cực với các quan điểm sai trái, giúp đông đảo cán bộ và quần chúng xây dựng và nhận thức tư tưởng, lý luận đúng đắn. Hai là, tuyên truyền một cách toàn diện, kịp thời, chuẩn xác đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng. Toàn diện có nghĩa là phải truyền đạt nguyên văn đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, không được cắt xén, thêm bớt theo ý riêng. Kịp thời có nghĩa là phải đưa đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng đến với quần chúng một cách nhanh nhất, sâu rộng nhất. Chuẩn xác có nghĩa là trên cơ sở nắm bắt tinh thần của Trung ương, đưa tin chuẩn xác, đúng mức, hoàn toàn phù hợp với đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng. Việc tuyên truyền đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng không rập khuôn, máy móc, không phải chỉ là những khẩu hiệu chính trị, mà phải đứng trên lập trường của Đảng và lợi ích của nhân dân v.v.. Ba là, tuyên truyền sâu rộng chủ nghĩa yêu nước, chủ nghĩa tập thể, chủ nghĩa xã hội, những thành tựu của công cuộc cải cách mở cửa... Kiên trì giáo dục lịch sử Trung Quốc và truyền thống cách mạng của dân tộc TrungHoa... Thông qua những hình thức tuyên truyền, giáo dục phong phú và đa dạng để nâng cao nhận thức, làm cho cán bộ, quần chúng giữ vững niềm tin đối với chủ nghĩa Mác, đối với công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc.

4 - Đổi mới phương thức giáo dục tư tưởng lý luận, xây dựng hệ thống giáo trình chuẩn trên toàn quốc

Hiện nay, nhiều nơi ở Trung Quốc không ngừng đổi mới phương thức giáo dục tư tưởng lý luận, đưa ra một số hình thức giáo dục lý luận phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh mới, như tổ chức buổi học tập tập thể của Bộ Chính trị, tổ chức các buổi học tập tại trường Đảng, các buổi học tập trong đảng ủy, các lớp nghiên cứu thảo luận lý luận, lớp học trực tuyến qua truyền hình, giảng dạy lý luận chủ nghĩa Mác tại các trường đại học, cao đẳng v.v.. Kết hợp tốt việc học tập lý luận của cán bộ đảng viên với việc học tập của quần chúng, nhất là thanh niên, học sinh và trí thức.

Chủ động bố trí chương trình giảng dạy và biên soạn giáo trình về chủ nghĩa Mác ở các trường đại học, cao đẳng. Đưa lý luận Đặng Tiểu Bình, tư tưởng "ba đại diện" vào giảng dạy tại các trường học. Trang bị lý luận là một chương trình có hệ thống, bởi vậy phải kết hợp một cách hữu cơ việc học tập lý luận với nghiên cứu lý luận và tuyên truyền lý luận. Phối hợp chặt chẽ các khâu để phát huy hiệu quả một cách đồng bộ. Tăng cường nghiên cứu lý luận, đẩy mạnh nghiên cứu lý luận một cách sâu sắc, nhất là những vấn đề lớn trong xây dựng kinh tế và trong quá trình phát triển xã hội một cách toàn diện. Không ngừng cải tiến công tác tuyên truyền lý luận, phát huy tốt hơn nữa lợi thế của các phương tiện truyền thông trong công tác tuyên truyền tư tưởng lý luận.

Đảng Cộng sản Trung Quốc cũng yêu cầu cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân học tập lý luận phải gắn chặt với thực tiễn, liên hệ chặt chẽ với những kinh nghiệm lịch sử của công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, liên hệ với tình hình mới, nhiệm vụ mới trước mắt, liên hệ với thực tế công việc của địa phương, và tư tưởng của bản thân v.v.. Hình thức giáo dục lý luận phải đa dạng, linh hoạt, sinh động, kết hợp giữa truyền thống và sáng tạo.

Người cán bộ không những phải tích cực để trở thành người thạo nghề, có tri thức, biết nghiệp vụ... mà trước hết phải nỗ lực để trở thành nhà hoạt động chính trị trung thành với chủ nghĩa Mác, kiên trì đi theo con đường chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc. Cán bộ lãnh đạo các cấp phải có tinh thần học tập, có ý thức chính trị, có tinh thần ngay thẳng, phải giữ vững phương hướng chính trị đúng đắn, phải tự giác tuân thủ kỷ luật chính trị, nâng cao khả năng phân tích tình hình chính trị và nhạy bén chính trị, trở thành người mác-xít kiên định, tỉnh táo.

5 - Nâng cao hiệu quả công tác quản lý báo chí, xuất bản

Đổi mới công tác quản lý báo chí, xuất bản là động lực quan trọng thúc đẩy sự nghiệp báo chí Trung Quốc phát triển. Sau khi tiến hành công cuộc cải cách mở cửa, công tác quản lý báo chí, xuất bản ở TrungQuốc đã có những thay đổi to lớn, phục vụ đắc lực cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước, được thể hiện trên các mặt sau:

- Giữ vững sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động báo chí, xuất bản; bảo đảm báo chí là tiếng nói của Đảng và diễn đàn của nhân dân. Hạn chế tình trạng báo chí, xuất bản phát triển một cách tràn lan. Tháng 12-1996, Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc và Quốc vụ viện đã ra Thông tri về việc tăng cường quản lý đối với công tác báo chí, xuất bản, phát thanh - truyền hình, yêu cầu tăng cường quản lý vĩ mô đối với các cơ quan này, đồng thời áp dụng mạnh mẽ các biện pháp thúc đẩy báo chí, xuất bản, phát thanh - truyền hình nhanh chóng chuyển từ chỗ chútrọng tăng quy mô, số lượng sang lấy nâng cao chất lượng, hiệu quả làm chính, nghiêm túc chấn chỉnh và xử phạt nghiêm các tòa soạn báo, nhà xuất bản, đài phát thanh, đài truyền hình vi phạm quy định. Trọng điểm của công tác này là giảm bớt một số tờ báo bị trùng lặp, giảm bớt số lượng báo chí hiện có, hạn chế thành lập một số đài phát thanh và truyền hình trùng lặp.

- Đổi mới tư tưởng chỉ đạo công tác báo chí, xuất bản. Cùng với sự thay đổi trong công tác Đảng, trước kia, báo chí chủ yếu tham gia vào sự nghiệp đấu tranh giai cấp, nay chuyển sang lấy xây dựng kinh tế làm trung tâm, giải phóng tư tưởng, thực sự cầu thị, thích ứng với thể chế kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa, phục vụ đắc lực cho sự nghiệp phát triển đất nước. Báo chí đã tạo ra môi trường dư luận tốt, sự ủng hộ mạnh mẽ của dư luận cho cải cách mở cửa và hiện đại hóa.

- Đổi mới cơ chế quản lý báo chí, xuất bản. Để thích ứng với tình hình của công cuộc cải cách mở cửa, Trung Quốc đã thực thi cơ chế quản lý vĩ mô và điều tiết hai cấp đối với công tác báo chí, xuất bản. Từ Trung ương đến địa phương thống nhất xây dựng chế độ và cơ chế về việc đổi mới công tác quản lý báo chí, xuất bản. Tăng cường quản lý và giám sát các cơ quan báo chí, xuất bản. Yêu cầu các cơ quan báo chí, xuất bản tích cực học tập và tham khảo kinh nghiệm cải cách kinh tế, mạnh dạn tiến hành cải cách chế độ nhân sự và chế độ tiền lương. Xây dựng cơ chế cạnh tranh và cơ chế ràng buộc, tích cực huy động được tính chủ động và tính sáng tạo của những người làm công tác trên mặt trận tư tưởng này.

- Tích cực cải tiến hình thức tuyên truyền. Những năm gần đây, hàng loạt các chuyên trang, chuyên mục, các chương trình truyền hình, phát thanh mang tính thời sự, lượng thông tin tăng đã ra đời, thu hút đông đảo quần chúng quan tâm theo dõi. Phương thức đưa tin mới mẻ, đa dạng, nhiều chiều, đáp ứng nhu cầu của quần chúng nhân dân.

- Hiệu quả xã hội được đặt lên hàng đầu, thống nhất hiệu quả xã hội với hiệu quả kinh tế. Kiên trì đặt hiệu quả xã hội lên hàng đầu không có nghĩa là không chú trọng hiệu quả kinh tế, báo chí xuất bản có thể phát triển kinh doanh, nhưng phải giữ vững định hướng chính trị đúng đắn.

- Sản phẩm của báo chí và xuất bản là sản phẩm tinh thần đã được vật chất hóa, có vai trò quan trọng trong đời sống văn hóa tinh thần của quần chúng nhân dân; do vậy, phải kiên quyết ngăn chặn mọi sách báo truyền bá tư tưởng hủ bại, đồi trụy, bạo lực, mê tín dị đoan...

Có thể thấy, từ khi cải cách mở cửa đến nay, Đảng Cộng sản Trung Quốc luôn kiên trì các nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác, vận dụng một cách sáng tạo thế giới quan, phương pháp luận của chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử vào điều kiện lịch sử cụ thể của Trung Quốc để không ngừng hoàn thiện và phát triển tư tưởng lý luận./.
 

(1) Một trung tâm là phát triển kinh tế, hai điểm cơ bản là cải cách mở cửa; kiên trì 4 nguyên tắc cơ bản
(2) Lý Thiết ánh: Về cải cách và mở cửa ở Trung Quốc, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2002, tr 46
(3) Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ XIV
(4) Thông báo của Hội nghị Trung ương 3 khóa XVI Đảng Cộng sản Trung Quốc