Tối 8-8, tại Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt-Xô, Hà Nội, Trung ương Hội Nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin Việt Nam cùng các cơ quan liên quan tổ chức Chương trình giao lưu nghệ thuật từ thiện nhân Ngày vì nạn nhân chất độc da cam Việt Nam 10-8-2009, với chủ đề: Công lý và Trái tim. Ðến dự, có các đồng chí: Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu; Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết; nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình; các đồng chí Ủy viên Trung ương Ðảng: Nguyễn Ðức Kiên, Phó Chủ tịch Quốc hội; Lê Doãn Hợp, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; cùng đại diện các đại sứ quán và các tổ chức quốc tế tại Việt Nam.

Tại đây, các đại biểu, đại diện các nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin Việt Nam và các tầng lớp nhân dân cùng thưởng thức những tiết mục văn nghệ, phim phóng sự về nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin Việt Nam; giao lưu với đại diện đoàn nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin Việt Nam đi vận động dư luận ủng hộ cuộc đấu tranh đòi các công ty hóa chất Mỹ phải bồi thường...

Phát biểu ý kiến tại chương trình giao lưu nghệ thuật từ thiện, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết gửi tới các nạn nhân chất độc da cam và gia đình lời thăm hỏi ân cần và thân thiết, đồng thời nêu rõ: Mặc dù chiến tranh đã đi qua, nhưng chất độc da cam vẫn gây ra những nỗi đau và bất hạnh trong cuộc sống của nhiều nạn nhân chất độc da cam Việt Nam và gia đình. Ðất nước Việt Nam tự hào về những nạn nhân chất độc da cam bởi họ đã góp phần quan trọng vào thắng lợi của dân tộc trong cuộc chiến chống quân xâm lược, thống nhất đất nước. Chủ tịch nước cảm ơn và hoan nghênh Hội Nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin Việt Nam cùng các tổ chức quốc tế, các nhà tài trợ, các doanh nghiệp, các cá nhân hảo tâm trong nhiều năm qua luôn tận tình ủng hộ, chăm lo, giúp đỡ các nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin Việt Nam vượt qua những khó khăn trong cuộc sống đời thường; cảm ơn Hội Luật gia dân chủ thế giới đã tổ chức Tòa án lương tâm quốc tế để ủng hộ nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin Việt Nam.

Chủ tịch nước nhấn mạnh: Cuộc đấu tranh giành công lý cho các nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin Việt Nam còn gặp nhiều gian nan, vất vả nhưng nhất định sẽ giành thắng lợi cuối cùng. Ðồng thời, mong muốn, ngày càng có nhiều tổ chức, cá nhân tham gia giúp đỡ, hỗ trợ Hội Nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin Việt Nam, các nạn nhân chất độc da cam, nhằm góp phần bù đắp những mất mát, thiệt thòi cho các nạn nhân, giúp họ vượt qua những khó khăn để có những đóng góp thiết thực cho xã hội, cho đất nước.

Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh, Chủ tịch Trung ương Hội Nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin Việt Nam đã phát động Cuộc vận động quyên góp 60 tỉ đồng để giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam trong cả nước. Số tiền trên sẽ được dùng xây dựng 55 trung tâm nuôi dưỡng, phục hồi chức năng bán trú, 550 nhà tình thương, tặng 1.100 suất học bổng và tạo 1.100 việc làm... giúp nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin.

Tại đêm giao lưu nghệ thuật, một số tổng công ty, đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân hảo tâm bước đầu ủng hộ số tiền gần bảy tỉ đồng.

* Cùng thời điểm này, tại một số tỉnh, thành phố trong cả nước đã diễn ra Chương trình giao lưu với chủ đề: Công lý và Trái tim, nhằm kêu gọi các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước ủng hộ nạn nhân chất độc da cam Việt Nam bằng những hành động thiết thực.

* Hưởng ứng Ngày vì nạn nhân chất độc da cam Việt Nam 10-8, Công đoàn viên chức Thành phố Hồ Chí Minh vừa phối hợp với Bảo tàng chứng tích chiến tranh tổ chức chương trình họp mặt, giao lưu văn nghệ, tặng quà gần 70 thiếu nhi nhiễm độc da cam đến từ làng Hòa Bình Từ Dũ, Mái ấm Ánh Sáng, Trường Hy Vọng... Trong chương trình, các thiếu nhi gặp gỡ, biểu diễn văn nghệ, thưởng thức các tiết mục múa rối, xiếc và tặng những sản phẩm tự tay mình làm tới những nhà tài trợ, hảo tâm có tấm lòng nhân ái.

* Tỉnh Hòa Bình hiện có 4.691 nạn nhân chất độc da cam (NNCÐDC). Trong số đó còn hơn 3.000 người chưa được hưởng chế độ trợ cấp hằng tháng, đang cần sự động viên, giúp đỡ của cộng đồng. Trước thực tế đó, tỉnh đã có nhiều hoạt động chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho các NNCÐDC, như làm nhà tình nghĩa, hỗ trợ vốn sản xuất, dạy nghề miễn phí và tạo việc làm, cấp xe lăn, dụng cụ chỉnh hình và phục hồi chức năng; xây dựng Quỹ Bảo trợ NNCÐDC được gần 400 triệu đồng... Nhờ sự giúp đỡ của cộng đồng, nhiều gia đình có NNCÐDC trong tỉnh đã vượt lên khó khăn, từng bước phát triển và ổn định cuộc sống, tích cực tham gia các hoạt động xã hội ở địa phương.

* Tỉnh Bạc Liêu hiện có hơn 7.000 trường hợp nhiễm độc da cam/đi-ô-xin, trong đó có hơn 4.000 trường hợp trực tiếp tham gia kháng chiến hoặc con cái của những người tham gia kháng chiến; số còn lại là những người dân ở những vùng địch rải chất độc hủy diệt. Hưởng ứng Tháng hành động vì nạn nhân chất độc da cam và Ngày vì NNCÐDC (10-8), Hội NNCÐDC/đi-ô-xin tỉnh Bạc Liêu phát động đợt vận động ủng hộ NNCÐDC từ tháng 8 đến hết tháng 12-2009, với chỉ tiêu phấn đấu là 200 triệu đồng...

* Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình phối hợp với Hội Nạn nhân chất độc da cam (CÐDC) tỉnh vừa tổ chức trao 1.652 suất quà, tổng giá trị gần 250 triệu đồng. Bên cạnh đó, Hội cũng đã trao hai ngôi nhà tình nghĩa cho hai gia đình nạn nhân CÐDC ở hai xã Minh Tân (huyện Ðông Hưng) và Thái Hà (huyện Thái Thụy); trao năm sổ tiết kiệm tặng năm Bà mẹ Việt Nam Anh hùng có con, cháu là nạn nhân CÐDC; trao 50 suất học bổng cho các cháu nạn nhân là học sinh giỏi. Toàn tỉnh hiện có hơn 2,7 vạn người bị nhiễm và nghi nhiễm chất độc da cam. Hầu hết các gia đình nạn nhân đang sống trong hoàn cảnh hết sức khó khăn, cần được quan tâm chia sẻ.

* Tại tỉnh Bến Tre, trong Tháng hành động vì nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin năm nay, Hội Nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin của tỉnh tiếp tục vận động tiền và vật chất trị giá 500 triệu đồng để thăm viếng và tặng quà cho các gia đình nạn nhân chất độc da cam khó khăn; bình quân mỗi xã 10 suất, mỗi huyện 200 suất. Bên cạnh đó, tỉnh tổ chức khám bệnh và phát thuốc miễn phí cho 2.100 người thuộc hộ gia đình nạn nhân chất độc da cam ở hai huyện Bình Ðại và Ba Tri, trong số này có 100 trẻ khuyết tật.

* Tại tỉnh Lâm Ðồng, Hội Chữ thập đỏ tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam với tổng kinh phí lên đến 510 triệu đồng. Nổi bật nhất trong các hoạt động này là Hội triển khai việc cấp vốn (không thu hồi lại) cho 63 hộ nạn nhân chất độc da cam có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, cần vốn để trồng trọt, chăn nuôi, buôn bán nhỏ... với mức 4,5 triệu đồng/hộ. Cũng trong dịp này, tỉnh đã quyết định xóa nợ cho 34 hộ được vay vốn ưu đãi trước đây để làm ăn nhưng vì những lý do khách quan nên chưa trả được vốn với số tiền 67,4 triệu đồng./.