Hà Giang phát triển kinh tế - xã hội và giữ yên vùng biên giới
TCCS ĐT - Hà Giang là một trong những tỉnh có nhiều khó khăn nhất trong phát triển kinh tế - xã hội ở nước ta. Để phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ biên giới, đòi hỏi Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh phải hết sức nỗ lực, đoàn kết nhất trí, vượt mọi khó khăn, gian khổ...
Nhằm thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trên địa bàn tỉnh Hà Giang, những năm qua, Đảng bộ và Ủy ban nhân dân tỉnh đã lãnh đạo, tổ chức, huy động được sức mạnh tổng hợp xây dựng, củng cố thế trận quốc phòng - an ninh vững mạnh, thế trận biên phòng toàn dân ngày càng vững chắc, gìn giữ biên giới hòa bình, hữu nghị, phát triển.
Trước hết, công tác đối ngoại biên giới đã có sự khởi sắc. Hai tỉnh Hà Giang (Việt Nam) và Vân Nam (Trung Quốc) đã đẩy mạnh các hoạt động hữu nghị, hợp tác trên nhiều lĩnh vực. Về phát triển kinh tế biên mậu, hai bên đã tạo thuận lợi cho các hoạt động xuất - nhập khẩu, xuất - nhập biên theo quy định; xây dựng các chợ đường biên để nhân dân trao đổi hàng hóa, phát triển kinh tế. Vì vậy, kim ngạch xuất - nhập khẩu đã tăng nhanh; từ năm 1992 đến nay, tỉnh đã thu được hơn 10 nghìn tỉ đồng. Nguồn thu từ kinh tế đối ngoại hằng năm đã đóng góp một phần đáng kể cho phát triển kinh tế của tỉnh. Các hoạt động đối ngoại nhân dân được củng cố, tăng cường; từ năm 1991 đến nay, hai bên đã có 79 cuộc gặp gỡ, hội đàm cấp tỉnh. Các lực lượng chức năng như công an, quân sự cũng đã đẩy mạnh hoạt động hợp tác trên một số lĩnh vực.
Hoạt động đối ngoại của Bộ đội Biên phòng, nhất là các đồn được thực hiện tốt; hằng tháng, hằng quý, hai bên luân phiên gặp gỡ, trao đổi, giải quyết kịp thời những vấn đề phát sinh trên biên giới về trị an xã hội, chủ quyền lãnh thổ theo thẩm quyền, trên tinh thần vừa tăng cường hữu nghị, vừa bảo vệ và giữ vững chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia. Từ năm 1991 đến nay, lực lượng biên phòng hai bên đã trao đổi 2.979 lượt thư; gặp gỡ hội đàm 1.495 lần, tạo thuận lợi cho 11.735 lượt người xuất - nhập cảnh, 1.078.924 lượt người xuất - nhập biên. Các hoạt động trên đã góp phần quan trọng cho đường lối đối ngoại rộng mở của Đảng, Nhà nước ta và có tác dụng tích cực trong thúc đẩy hợp tác phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, củng cố quốc phòng, an ninh, bảo vệ và giữ vững chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia trên địa bàn tỉnh.
Mặt khác, thực hiện Chỉ thị số 15/1998/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về “Tăng cường chỉ đạo xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh ở các xã, phường biên giới, hải đảo”, những năm qua, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh đã đề ra nhiều chủ trương, biện pháp, thực hiện nhiều chương trình, dự án của Chính phủ như 134, 135, 120, 661,… ở khu vực biên giới, nhằm đẩy mạnh phát triển về kinh tế, văn hóa, xã hội, xóa đói, giảm nghèo. Do đó, nhân dân biên giới đã được thụ hưởng các chính sách của Nhà nước, cụ thể là 10.033 hộ (57,33%) có điện sinh hoạt; mở mới 468 km đường ô tô, 547,56 km đường dân sinh; 12.571 lượt hộ dân (71%) được vay vốn sản xuất với tổng số tiền là 49,1 tỉ đồng; số người được sử dụng nước sạch đạt 36%; hệ thống trường học, trụ sở ủy ban, trạm y tế 34 xã, thị trấn biên giới đã được xây dựng kiên cố. Hầu hết các trung tâm xã, thị trấn đã được phủ sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam và sóng của mạng lưới thông tin di động…
Thứ hai, công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm có nhiều kết quả khá tốt. Thông qua các biện pháp nghiệp vụ và phát động phong trào quần chúng tham gia bảo vệ an ninh trật tự, nhân dân đã cung cấp cho các lực lượng chức năng 15.632 tin, trong đó 4.486 tin có giá trị. Bộ đội Biên phòng đã phối hợp với Công an giải quyết, xử lý 2.283/2.559 vụ việc (đạt 88%) (trong đó 33 vụ/64 đối tượng có liên quan đến tội phạm ma túy, thu giữ 830,46 gam hê-rô-in, 1.172 gam thuốc phiện, xóa bỏ nhiều diện tích trồng cây thuốc phiện); xác lập và đấu tranh 3 chuyên án chính trị, bắt 11 đối tượng; 12 chuyên án hình sự, bắt 30 đối tượng; thực hiện 27 kế hoạch nghiệp vụ, thu giữ 7 khẩu súng các loại, 35,085 triệu đồng và 15.280 nhân dân tệ giả; điều tra, truy tìm được 295 con trâu, bò trả lại cho dân; giải cứu 43 phụ nữ và 11 trẻ em bị bắt đưa sang bên kia biên giới; khởi tố, điều tra 143 vụ/214 đối tượng (trong đó 10 vụ/26 đối tượng mua bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép chất ma túy); xử lý hành chính 1.361 vụ/2.265 đối tượng (trong đó 11 vụ/18 đối tượng tàng trữ, sử dụng trái phép chất ma túy; 9 vụ/12 đối tượng tái trồng cây thuốc phiện; phạt tiền 523 vụ/748 đối tượng, thu nộp ngân sách nhà nước 244,090 triệu đồng; phạt cảnh cáo 569 vụ/1.053 đối tượng).
Thứ ba, công tác tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước cho nhân dân các dân tộc khu vực biên giới được triển khai tích cực, tập trung vào các nội dung của Hiệp định tạm thời, Hiệp ước biên giới trên bộ, Nghị định 34 của Chính phủ về Quy chế biên giới đất liền. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng đã xây dựng chuyên mục “Vì chủ quyền, an ninh biên giới”, phát sóng trên Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh hằng tháng; làm phim tuyên truyền về đề tài phòng, chống tội phạm trên biên giới. Các đồn biên phòng đã tích cực tham mưu cho cấp ủy, chính quyền và phối hợp với các tổ chức, đoàn thể các xã, thị trấn biên giới thường xuyên bám địa bàn, bám dân để tuyên truyền, thuyết phục, vận động nhân dân; đã tập trung tuyên truyền về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương và địa phương về phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo, nâng cao dân trí, củng cố quốc phòng - an ninh.
Công tác tuyên truyền, vận động nhân dân những năm qua đã làm chuyển biến nhận thức và trách nhiệm trong các cơ quan, đoàn thể, nhân dân và các lực lượng vũ trang về nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ biên giới. Đáng chú ý là, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 39/CT-UB, ngày 18-12-2003, về tổ chức phong trào quần chúng tham gia tự quản đường biên, cột mốc và an ninh, trật tự xóm (bản) khu vực biên giới. Kết quả, 354/354 xóm (bản) của 34 xã, thị trấn với 17.501 hộ (100%) đã ký kết tham gia thực hiện phong trào. Phong trào quần chúng tham gia tự quản đã phát huy tốt hiệu quả, góp phần bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ, giữ vững sự ổn định về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai thực hiện công tác phân giới cắm mốc, bảo vệ biên giới và phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh trên địa bàn xung yếu.
Thứ tư, để giữ yên biên giới, trong 10 năm gần đây, tỉnh đã có nhiều chủ trương, giải pháp để xây dựng, củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở, nhất là các xã, thị trấn biên giới. Hằng năm đã có cán bộ, kể cả cán bộ nguồn của các ngành, các lực lượng được tăng cường cho các xã biên giới để các xã có điều kiện cử cán bộ đi học và giúp các xã xây dựng, củng cố hệ thống chính trị vững mạnh. Bộ đội Biên phòng là lực lượng đã đóng góp nhiều công sức trong củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở khu vực biên giới vững mạnh. Cán bộ các đồn biên phòng đã thường xuyên bám, nắm chắc tình hình hệ thống chính trị ở cơ sở và làm tốt việc tham mưu cho cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các xã, thị trấn để nâng cao vai trò, trách nhiệm, năng lực lãnh đạo, quản lý, điều hành.
Cùng với việc bố trí các tổ công tác bám, nắm địa bàn tại xã, xóm, 10 năm qua Bộ đội Biên phòng đã tăng cường 2 đợt gồm 67 đồng chí cán bộ trên cương vị bí thư, phó bí thư đảng ủy các xã, thị trấn biên giới giúp các xã xây dựng, củng cố, kiện toàn hoạt động của hệ thống chính trị ở cơ sở. Đầu năm 2008, Bộ đội Biên phòng tiếp tục đưa 145 đồng chí đảng viên các Đồn Biên phòng tham gia dự sinh hoạt tại 145 chi bộ thôn của 34 xã, thị trấn biên giới. Sau một thời gian triển khai thực hiện đã giúp các chi bộ thôn, bản hoạt động có nền nếp hơn; trình độ, năng lực, tác phong công tác của bí thư chi bộ, trưởng thôn (bản) được nâng cao hơn.
Những năm qua, hệ thống chính trị các xã, thị trấn biên giới đã có sự chuyển biến rõ nét. Chỉ tính riêng từ năm 2000 đến nay, các xã, thị trấn biên giới đã kết nạp được 1890 đảng viên, thành lập mới được 244 chi bộ. Đến nay, 100% thôn (bản) đều có chi bộ đảng, tổ chức cơ sở đảng; ở 34/34 xã, thị trấn đều có đảng bộ (trước năm 1999 mới có 18/34 xã có đảng bộ, nhưng đến năm 2002 đã có 34/34 xã có đảng bộ).
Lực lượng công an, dân quân các xã, thị trấn biên giới cũng thường xuyên được rà soát, củng cố, kiện toàn, đảm bảo tiêu chuẩn chính trị và năng lực hoạt động; hằng năm đều được tập huấn, huấn luyện, tích cực phối hợp cùng Bộ đội Biên phòng tuần tra, bảo vệ biên giới và giữ gìn an ninh, trật tự địa bàn. Mặt trận Tổ quốc, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên tích cực tham gia vào các phong trào tự quản, tuyên truyền, vận động nhân dân khu vực biên giới thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo, giữ gìn trị an thôn, bản và bảo vệ đường biên, cột mốc, chủ quyền, lãnh thổ.
Nói đến phát triển kinh tế - xã hội bảo vệ biên giới ở Hà Giang phải nói đến Bộ đội Biên phòng. Bộ đội Biên phòng tỉnh đã chủ động đề xuất Bộ Quốc phòng và các bộ, ngành Trung ương đầu tư nhiều dự án xây dựng cơ bản, phát triển kinh tế - xã hội gắn với củng cố quốc phòng - an ninh trên các xã biên giới, và đến nay đã nghiệm thu, đưa vào sử dụng 17 dự án phát triển kinh tế - xã hội ở 18 xã biên giới với tổng vốn đầu tư trên 150 tỉ đồng. Từ năm 1992 đến năm 1999, Bộ đội Biên phòng đã tham gia dạy xóa mù chữ trên khu vực biên giới, cụ thể là tổ chức được 158 lớp/3.606 học viên, phổ cập tiểu học cho 192/3.866 học sinh. Đến nay, các xã, thị trấn biên giới đều được công nhận hoàn thành chương trình phổ cập giáo dục tiểu học.
Bộ đội Biên phòng đã duy trì và thực hiện tốt quy chế phối hợp với các lực lượng chức năng trong phòng, chống và đấu tranh với các hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế đối ngoại, đẩy mạnh xuất - nhập khẩu, xuất - nhập biên; mở thêm 8 chợ biên giới phục vụ cho giao lưu, trao đổi hàng hóa của cư dân biên giới; quy hoạch được 60 cụm dân cư, đưa 837 hộ dân ra cư trú ở các xóm giáp biên để vừa canh tác sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội, vừa bảo vệ biên giới, củng cố thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân và thế trận biên phòng toàn dân vững chắc trên khu vực biên giới.
Từ năm 1999 đến nay, thực hiện nhiệm vụ Quân khu II giao cho Bộ Chỉ huy quân sự và Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, các đơn vị vũ trang đã tổ chức rà phá vật cản, giải phóng được 1.373,3 ha đất trên biên giới, trong đó Bộ đội Biên phòng rà phá được 214,25 ha, phục vụ cho nhiệm vụ phân giới, cắm mốc, phát triển kinh tế - xã hội trên khu vực biên giới. Thực hiện Nghị định 34, ngày 18-8-2000, của Chính phủ về Quy chế khu vực biên giới nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Bộ đội Biên phòng tỉnh đã cắm được 240 biển báo vành đai, vùng cấm, khu vực biên giới; làm được 238 km/632 km đường tuần tra biên giới. Đây là những cố gắng rất lớn của Bộ đội Biên phòng tỉnh vì phải vượt qua nhiều khó khăn, phức tạp.
Đánh giá tình hình phát triển kinh tế - xã hội và giữ yên vùng biên giới trong 10 năm qua, Hà Giang đã rút ra bài học kinh nghiệm là: Phát huy và nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, động viên được sức mạnh hùng hậu của toàn dân và đặc biệt là khai thác tốt vai trò nòng cốt của lực lược Bộ đội Biên phòng, tạo thành sức mạnh tổng hợp để bảo vệ và xây dựng vùng biên cương của Tổ quốc. Phát huy bài học kinh nghiệm đó, Hà Giang sẽ tiếp tục vượt qua được khó khăn, giữ vững vùng biên và xây dựng vùng biên ngày càng phát triển./.
Đổi mới và phát triển dạy nghề đến năm 2020  (07/08/2009)
Bến Tre phát huy sức mạnh hệ thống chính trị ở xã, phường, thị trấn  (07/08/2009)
Nước Mỹ và bản kế hoạch cải tổ hệ thống tài chính  (07/08/2009)
Nước Mỹ và bản kế hoạch cải tổ hệ thống tài chính  (07/08/2009)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển