TCCSĐT - Trong 2 ngày 4 và 5-8, tại thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam, Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương tổ chức Hội thảo khoa học toàn quốc “Tính dân tộc và tính hiện đại trong văn học, nghệ thuật Việt Nam hiện nay”. Đồng chí Tô Huy Rứa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đã tới dự và chỉ đạo Hội thảo.

Gần 150 đại biểu là các nhà nghiên cứu lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật; các nhà văn, nhà thơ, các nghệ sĩ và các nhà quản lý văn học, nghệ thuật ở Trung ương và địa phương trong cả nước, thuộc tất cả các lĩnh vực văn học, nghệ thuật đã tham dự Hội thảo.

Mục tiêu của Hội thảo là, thông qua việc xác định khái niệm, làm rõ mối quan hệ giữa tính dân tộc và tính hiện đại của văn học, nghệ thuật nước ta; trên cơ sở đó, đề xuất với Đảng, Nhà nước những phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp khả thi, những công việc trọng tâm phải làm để góp phần xây dựng nền văn học, nghệ thuật nước nhà ngày càng tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Trách nhiệm của những người dự Hội thảo là, tập trung trí tuệ làm rõ một số vấn đề lớn:

- Từ điểm nhìn của hội nhập và phát triển, cần hoàn thiện và bổ sung lý luận về mối quan hệ giữa tính dân tộc và tính hiện đại trong văn học, nghệ thuật hiện nay.

- Văn học nghệ thuật cần làm gì và đổi mới ra sao để thích ứng với tình hình mới.

- Cần kiến nghị với Đảng, Nhà nước những vấn đề gì để đảm bảo cho văn học, nghệ thuật nước nhà phát triển mạnh mẽ và theo định hướng hài hoà, “tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”.

Hội thảo đã nhận được 48 tham luận của các tác giả là những nhà nghiên cứu lý luận, phê bình văn học, nghệ thuât; các nhà văn, nhà thơ, các nghệ sĩ và các nhà quản lý từ các trường đại học, các viện nghiên cứu, các hội chuyên ngành, các cơ quan quản lý văn học, nghệ thuật ở trung ương và địa phương trong cả nước, thuộc tất cả các lĩnh vực văn học, nghệ thuật.

Phát biểu chỉ đạo Hội thảo, đồng chí Tô Huy Rứa nêu rõ: Ban Bí thư đồng tình cao với sự lựa chọn chủ đề của Hội thảo, một vấn đề rất căn bản, đã, đang và sẽ tiếp tục tác động sâu sắc, mạnh mẽ đến toàn bộ đời sống văn học, nghệ thuật Việt Nam, không chỉ hiện nay, những năm sắp tới mà còn rất lâu dài; tán thành những vấn đề được đặt ra cho Hội thảo, đó là tiếp cận về mặt lý luận và nghiên cứu, xử lý những vấn đề cơ bản của tính dân tộc và tính hiện đại cũng như quan hệ biện chứng giữa chúng trong bối cảnh giao lưu và hội nhập, đồng thời chỉ ra cái được, cái chưa được, những nguyên nhân và những giải pháp khắc phục, đề xuất những vấn đề cần thiết tư vấn cho Đảng và Nhà nước chỉ đạo xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp với văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới.

Tại diễn đàn Hội thảo, nhiều nhà nghiên cứu, phê bình đưa ra các cách tiếp cận để lý giải, làm sáng rõ chủ đề của Hội thảo. Chẳng hạn, GS Trần Đình Sử xem tính dân tộc và tính hiện đại là hai phạm trù có quan hệ biện chứng. Tính dân tộc là động lực bên trong của tính hiện đại; tính hiện đại là hệ giá trị, phương hướng nâng cao tính dân tộc. Tính hiện đại của một nền văn học, nghệ thuật phải là tính hiện đại của dân tộc; tính dân tộc phải là tính dân tộc hiện đại. Còn TS Nguyên An cho rằng, tính dân tộc và tính hiện đại tuy hai mà là một. Tính dân tộc qua các thời đại luôn được bổ sung nhân tố mới của chính dân tộc và của bên ngoài, tạo thành tính dân tộc hiện đại của mỗi thời đại. Do vậy, tính dân tộc trong hiện hữu và phát triển của mình đã hàm chứa tính hiện đại...

Qua 2 ngày thảo luận, GS,TS Phùng Hữu Phú, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương, chủ trì Hội thảo, đã kết luận theo 4 nhóm vấn đề lớn:

1- Những cách tiếp cận và nhận thức mới về tính dân tộc và tính hiện đại, mối quan hệ giữa chúng, xét trên bình diện lý luận.

2- Nhận thức về phương thức xử lý mối quan hệ giữa tính dân tộc và tính hiện đại trong sáng tác, trình diễn, quảng bá văn học, nghệ thuật trên các lĩnh vực, các loại hình cụ thể (sân khấu, điện ảnh, kiến trúc, âm nhạc, nghệ thuật tạo hình, thơ ca,…).

3- Cách nhận thức, cách làm và kinh nghiệm của một số nước trong việc giải quyết mối quan hệ giữa tính dân tộc và tính hiện đại.

4- Đề xuất một số kiến nghị, giải pháp nhằm kết hợp hài hòa, giải quyết hiệu quả mối quan hệ giữa tính dân tộc và tính hiện đại trong quá trình xây dựng nền văn học, nghệ thuật Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Tuy quan điểm, cách luận giải, tiếp cận,… có sự khác nhau, nhưng phần lớn các ý kiến đều thống nhất không xem tính dân tộc và tính hiện đại là hai phạm trù đối lập nhau, cái này cản trở, triệt tiêu cái kia mà hỗ trợ, bổ sung cho nhau, tạo thành chất lượng phát triển văn học, nghệ thuật. Không tuyệt đối hóa cái này là nội dung, cái kia là hình thức mà cả hai đều chứa đựng tư tưởng, lý tưởng thẩm mỹ, cảm xúc thẩm mỹ, nội dung phản ánh và phương thức biểu đạt.

Hội thảo đi đến khẳng định, văn học, nghệ thuật Việt Nam trước hết và trên hết là nền văn học, nghệ thuật phục vụ Tổ quốc, phụng sự nhân dân; sáng tạo, trình diễn, quảng bá văn học, nghệ thuật là vì lợi ích của quốc gia, dân tộc, vì mục tiêu xây dựng con người Việt Nam. Do đó, nhận thức và giải quyết tính dân tộc, tính hiện đại đều phải xuất phát từ mục tiêu tối thượng này./.