Trong chuyến công tác tại Thái Bình chiều 07-8, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã lựa chọn xã Bình Định là điểm làm việc đầu tiên để tìm hiểu, lắng nghe ý kiến của chính quyền và nhân dân trong xã sau 5 năm thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới.

Xã Bình Định, huyện Kiến Xương về đích nông thôn mới chỉ sau 3 năm triển khai và cũng là 1 trong 8 xã đầu tiên của Thái Bình được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.

Về đích sớm hơn so với kế hoạch, Bình Định đã có nhiều cách làm sáng tạo, khơi dậy được nguồn lực trong nhân dân. Từ một xã thuần nông, thu nhập của người dân chủ yếu phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp, với sự vào cuộc của cả chính quyền và người dân; coi xây dựng nông thôn mới là cơ hội để bứt phá, chuyển biến toàn diện, Bình Định phát động mạnh mẽ phong trào này với phương châm “công khai, dân biết, dân bàn, dân làm, dân hưởng thụ”. Nhờ đó, tạo ra sự đồng tình, hưởng ứng và tích cực tham gia thực hiện các tiêu chí nông thôn mới trong toàn thể nhân dân.

Xác định vai trò chủ thể của người dân trong tiến trình xây dựng nông thôn mới, Bình Định luôn chủ động, khắc phục tâm lý trông chờ ỷ lại vào sự hỗ trợ cấp trên. Đến nay, xã đã thực hiện thành công dồn điền, đổi thửa giảm từ 2,53 thửa/hộ xuống còn 1,59 thửa/hộ. Bình Định đã huy động được 74 tỷ đồng cho xây dựng hạ tầng nông thôn của địa phương. Sau 5 năm làm nông thôn mới, đến nay, thu nhập bình quân người dân Bình Định đạt 31 triệu đồng/người/năm (tăng 7,7 triệu đồng so với năm 2010).

Dành thời gian cùng lãnh đạo các bộ, ngành trao đổi trực tiếp với cán bộ xã, những người trực tiếp gây dựng phong trào, Thủ tướng ghi nhận, biểu dương kết quả xây dựng nông thôn mới của Bình Định và cho rằng, chính sự đoàn kết, phát huy tối đa nội lực, tạo sự đồng thuận, tập hợp và huy động được sức dân là cơ sở cho thành công của chương trình. Đánh giá với mức thu nhập bình quân của người dân xã Bình Định đạt 31 triệu đồng/người là mức cao so với các địa phương trong khu vực, Thủ tướng đề nghị tỉnh Thái Bình tổ chức đánh giá, rút kinh nghiệm qua công tác xây dựng nông thôn mới ở Bình Định để các địa phương khác học tập, áp dụng.

Thủ tướng và đoàn công tác của Trung ương cũng trực tiếp thảo luận với lãnh đạo xã, đề nghị địa phương góp ý với các cơ quan trung ương để hoàn thiện các tiêu chí của chương trình, cơ chế của Nhà nước hỗ trợ hoạt động của hợp tác xã cũng như bộ máy, tổ chức hệ thống chính trị ở cơ sở sao cho phù hợp hơn với yêu cầu của thực tiễn. Một thực trạng đáng chú ý được ghi nhận tại buổi làm việc đó là, mặc dù thực hiện tốt, nhưng hiệu quả từ chương trình nông thôn mới ở Bình Định cũng chỉ đáp ứng được nhu cầu cuộc sống của 2/3 tổng số nhân khẩu trên địa bàn. Người lao động vẫn phải sinh sống bằng nhiều nghề khác nhau, chủ yếu là làm việc tại các khu công nghiệp trong và ngoài tỉnh.

Góp ý với địa phương, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường đề nghị địa phương nghiên cứu, tìm tòi và lựa chọn loại hình cây trồng, vật nuôi hiệu quả cao hơn, phù hợp với đặc thù địa phương và nhu cầu thị trường; phá thế độc canh của các sản phẩm nông nghiệp truyền thống. Thủ tướng cũng gợi mở Thái Bình tổ chức lại sản xuất nông nghiệp để nâng cao hiệu quả; tăng cường áp dụng khoa học công nghệ và lưu ý cân đối các yếu tố kinh tế-xã hội môi trường trong phát triển. Thủ tướng cũng đề nghị địa phương giữ gìn và tích cực đẩy mạnh xây dựng các giá trị văn hóa truyền thống, phấn đấu đưa cuộc cách mạng xây dựng nông thôn mới của Đảng, Nhà nước ngày càng đạt hiệu quả cao hơn trên quê hương cách mạng Thái Bình.

* Tiếp đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tới thăm nhà máy chế tạo các loại cấu kiện bê tông thành mỏng đúc sẵn tại xã Vũ Quý (Kiến Xương). Đây là cơ sở sản xuất do Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Thoát nước và Phát triển đô thị tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu (BUSADCO) đầu tư. Doanh nghiệp này cũng là một trong những đơn vị triển khai nhiều hoạt động sản xuất kinh doanh gắn phát triển hạ tầng kỹ thuật đô thị, nông thôn với công tác bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh Thái Bình.

Thủ tướng cũng đã tới khảo sát trực tiếp tuyến đê Trà Lý, thuộc xã Vũ Đông, thành phố Thái Bình - tuyến đê bị hư hỏng nặng do cơn bão số 1; khảo sát thực tế mô hình tái cơ cấu ngành nông nghiệp tại Tổng Công ty giống cây trồng Thái Bình và đi thăm hỏi, tặng quà một số gia đình chính sách, người có công trên địa bàn.

Theo chương trình, dự kiến sáng 08-8, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và đoàn của Chính phủ sẽ làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Thái Bình về kết quả phát triển kinh tế - xã hội./.