Cảnh báo ô nhiễm môi trường từ phát triển sân golf ở đồng bằng sông Cửu Long
Golf là môn chơi thể thao giải trí ngày càng được nhiều người có điều kiện về kinh tế ưa thích, nhất là doanh nhân. Tuy nhiên, mở rộng nhiều sân golf đồng nghĩa với chấp nhận ô nhiễm môi trường. Các quốc gia phát triển thấy rõ hậu quả ô nhiễm môi trường từ phát triển sân golf, vì vậy, hơn thập kỷ nay, đã hạn chế và phản đối phát triển lĩnh vực này. Người chơi đã tìm đến các sân golf mới ở khu vực Đông Nam Á - nơi đang “bùng nổ” sân golf, trong đó có Việt Nam.
1- Sân golf gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng
Đầu tư cho 1 sân golf 18 lỗ thuần túy (golf không có dịch vụ kèm theo) cũng phải ngốn gần 140 ha đất. Nếu là đất rừng, đồi núi thì việc khai hoang chặt cây, phát cỏ sẽ làm xói mòn, lở đất; độ dốc tự nhiên cùng mực nước ngầm sẽ bị thay đổi, hậu quả là nền đất suy yếu dễ bị mưa, lũ, động đất hủy hoại. Nếu là đất nông nghiệp, cũng làm mất đi quỹ đất sản xuất, đẩy hàng ngàn nông hộ vào con đường khó khăn tìm kế sinh nhai. Một sân golf như vậy, mỗi ngày tiêu thụ khoảng 5.000m3 nước tưới cỏ, tương đương lượng nước sinh hoạt cho 2.000 hộ dân cư, là mối đe dọa lớn đối với khu vực nước khan hiếm, ngoài ra việc khai thác nước ngầm về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến khả năng lún nền đất.
Để có một sân golf đạt chuẩn, cỏ phải xanh tươi và mịn, nên phải thường xuyên chăm sóc bằng một lượng hóa chất trừ sâu bệnh, nấm mốc... Theo Gen Morita (nhà hoạt động môi trường của Nhật Bản), trung bình mỗi năm một sân golf sử dụng 1,5 tấn hóa chất, trong đó có axít silic, ôxít nhôm và ôxít sắt, là các nhân tố có tiềm năng gây ung thư. Chất xúc tác làm cứng đất để gia cố nền và bờ hồ nhân tạo ở sân golf có sử dụng arcryamide là một chất cực độc. Hóa chất ngấm xuống đất và nguồn nước ngầm khiến người dùng nước có thể bị nhiễm độc và rối loạn chức năng hệ thần kinh trung ương. Hóa chất không chỉ làm nhiễm độc nguồn nước, mà còn được phun vào không khí ở sân, người chơi golf không nhận ra mình đang hít thở chất độc tổn hại đến sức khỏe, mà cứ nghĩ rằng mình đang chơi môn thể thao “quý tộc”.
Để đánh giá thực trạng ô nhiễm môi trường, các nhà khoa học Ca-na-đa đã phân tích mẫu đất của khu vực sân golf, so sánh với mẫu đất khu vực khác, và nhận thấy, đất trồng cỏ, bùn lắng dưới hồ của sân golf có mật độ thủy ngân cao vượt tiêu chuẩn, trong cá ở hồ sân golf cũng có nhiều thủy ngân hơn cá ở hồ khác. Theo Tạp chí Golfdigest (Mỹ), trong vòng 9 năm, một phần lớn đất thung lũng Coachella (California) - nơi có 126 bãi tập golf đã lún hơn 30 cm; mối nguy hiểm của việc sử dụng thuốc trừ sâu và phân hóa học đã được chứng minh tại Câu lạc bộ Sapporo Kokusai Country ở thành phố Hi-roo-si-ma (Nhật Bản). Những người quản lý đã cho phun hợp chất đồng để cỏ khỏi héo về mùa đông. Khi mưa xuống, hóa chất tan vào hệ thống thoát nước, giết chết hơn 90.000 con cá của một dự án thủy sản gần đó. Hậu quả việc sử dụng hóa chất tại sân golf này và 6 sân golf khác của thành phố làm nhiều người mắc bệnh viêm mũi dị ứng, phát ban kinh niên và hen xuyễn. Tỷ lệ người mắc bệnh hen suyễn ở thành phố này cao gấp 5 lần so với trung bình toàn nước Nhật.
Với những hậu quả cụ thể, tiêu biểu trên, trong hơn thập kỷ qua, rất nhiều quốc gia phản đối xây dựng sân golf, đi đầu là Nhật Bản. Đặc biệt, từ năm 2000 đến nay, phong trào chống xây dựng sân golf đã lan rộng đến nhiều quốc gia ở châu Âu và châu Mỹ. Ngày 29-4 hằng năm được chọn làm “Ngày thế giới không có Golf”. Ngược lại, khu vực Đông Nam Á trong đó có Việt Nam lại “bùng nổ” sân golf. Người Nhật mê chơi golf đang hướng ra nước ngoài tìm những sân golf mới mà Đông Nam Á là khu vực hấp dẫn nhất.
2- Vì sao bùng nổ dự án đầu tư sân golf ở đồng bằng sông Cửu Long?
Tính đến thời điểm tháng 9-2008, cả nước đã có 144 dự án kinh doanh sân golf, trong đó có 78 dự án đã được cấp phép, 66 dự án đang trong giai đoạn hoàn tất hồ sơ đầu tư. Với 144 dự án, đã quy hoạch sử dụng khoảng 49.000 ha đất, trong khoảng 12.000 ha đất nông nghiệp bao gồm 2,800 ha đất trồng lúa. Đến nay, đã có 13 dự án chính thức đi vào hoạt động, sử dụng 2.711 ha đất, trong đó đất nông nghiệp chuyển đổi là 773,24 ha bao gồm 175 ha đất trồng lúa, sử dụng 5.219 lao động (trung bình mỗi dự án sử dụng 401 lao động), thu nhập bình quân 2 triệu đồng/người/tháng.
Tại đồng bằng sông Cửu Long, trong vài năm gần đây cũng đã bùng nổ “dự án đầu tư” sân golf. Long An là tỉnh có dự án sân golf nhiều nhất trong vùng bởi xuất phát từ quan điểm: đầu tư sân golf sẽ tạo ra một vùng kinh tế phát triển theo hướng hiện đại; thúc đẩy phát triển du lịch; tạo ra thương hiệu quốc gia; đẩy mạnh giao lưu văn hóa thế giới… Chỉ từ tháng 9-2004 đến tháng 3-2007, Long An đã chấp thuận đầu tư cho 13 dự án, đồng thời tiếp nhận 5 dự án sân golf khác với diện tích khoảng 9.500 ha. Nhận thấy sự phát triển không bình thường, cuối tháng 4-2008 Long An quyết định chỉ chọn 3 dự án với tổng diện tích đất sử dụng là 720 ha, các dự án còn lại kêu gọi chuyển mục đích kinh doanh sang lĩnh vực khác.
Cù lao Thới Sơn (Châu Thành, Tiền Giang) có diện tích đất tự nhiên 1.200 ha, 1.678 hộ dân đang sinh sống bằng nghề nông với 600 ha cây ăn trái, hơn 800 bè cá quanh cù lao. Cuộc sống đang bình yên, công ty TNHH Mêkông – Thới Sơn đã làm dự án “cả Thới Sơn” đầu tư sân golf 36 lỗ, rộng 180 ha gắn liền với khu vui chơi, biệt thự cao cấp, trung tâm thương mại...
Hậu Giang cũng có một dự án sân golf đã được tỉnh chấp thuận, chiếm diện tích 232 ha trên vùng đất lúa của xã Tân Phú Thạnh, huyện Châu Thành.
Tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến bùng nổ các dự án đầu tư sân golf , có thể thấy hiện tượng này không phải xuất phát từ cung - cầu, cũng không phải lợi nhuận cao do đầu tư sân golf thuần túy, mà do những yếu tố khác.
Thứ nhất, do muốn đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế, hội nhập nhanh của chính quyền địa phương: Nghị định 108/2006/NĐ-CP ngày 22-9-2006 hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư đã phân cấp việc xem xét, cấp phép đầu tư cho ủy ban nhân dân tỉnh, ban quản lý khu kinh tế, khu thương mại đặc biệt, khu công nghiệp. Từ việc phân cấp này, các địa phương có toàn quyền quyết định trong thẩm quyền của mình. Do muốn địa phương mình phát triển mạnh, hội nhập nhanh nên cũng “thoáng” trong việc cấp phép đầu tư, trong đó có đầu tư vào sân golf. Tính đến thời điểm trước khi Luật Đầu tư có hiệu lực, cả nước chỉ có 13 dự án được cấp phép. Từ ngày 1-7-2006 (Luật Đầu tư có hiệu lực) đến nay, các tỉnh đã bổ sung cho cả nước 106 dự án, gấp 3 lần so với dự án được cấp phép 16 năm trước đó cộng lại.
Thứ hai, mục đích đầu tư bất động sản của các nhà đầu tư: Nếu kinh doanh thuần túy về golf thì hiệu quả không cao, vì chỉ phục vụ cho người có thu nhập cao mà mức thu khoảng 100 USD/ngày/lượt rất chậm thu hồi vốn. Vì thế, các nhà đầu tư đầu tư vào sân golf, đa phần, chỉ sử dụng một diện tích đất nhỏ, phần còn lại là đầu tư bất động sản để bán, cho thuê biệt thự, nhà ở cao cấp, kinh doanh trung tâm thương mại… Đây mới là nguồn thu chính, là khoản lợi nhuận khổng lồ gây bùng nổ đầu tư vào sân golf.
3. Làm gì để hạn chế “lạm phát” sân golf, giảm thiểu ô nhiễm môi trường?
Không chỉ riêng đồng bằng sông Cửu Long, cả nước cũng đang “lạm phát” sân golf. Đứng trước nguy cơ trên, ngày 25-8-2008, Văn phòng Chính phủ đã thông báo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng về việc quản lý các dự án sân golf với nội dung: Chủ tịch tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện ngay việc rà soát, đánh giá các dự án đầu tư trên địa bàn; xác định cụ thể hiệu quả, tiến độ thực hiện, việc tuân thủ các quy định về môi trường của các dự án để báo cáo Thủ tướng trong quý 4-2008; cơ chế quản lý hoạt động cấp phép xây dựng sân golf theo chủ trương phân cấp đầu tư, việc kiểm soát ngăn ngừa hành vi lợi dụng danh nghĩa xây dựng sân golf để giữ đất, hoặc khai thác trái với mục đích được cấp phép, trong tháng 9-2008 phải báo cáo và đề xuất với Thủ tướng. Đây là bước củng cố quản lý các dự án sân golf, cùng với cơ hội này các cơ quan quản lý Nhà nước nên tham khảo một số giải pháp sau:
- Đưa danh mục kinh doanh sân golf vào nhóm danh mục hạn chế đầu tư, cần kiểm soát chặt chẽ.
- Có quy hoạch cụ thể đối với đất sử dụng mục đích kinh doanh sân golf, tránh sử dụng đất nông nghiệp để đầu tư.
- Các cơ quan hữu quan môi trường sớm đưa ra tiêu chuẩn cụ thể về đầu tư cho sân golf, để có cơ sở thẩm định dự án cũng như kiểm tra thường xuyên khi dự án được đưa vào sử dụng.
- Các địa phương có dự án đầu tư sân golf rà soát lại những dự án đã được duyệt chậm triển khai, động viên chủ đầu tư chuyển đổi công năng có kiểm tra, ưu tiên cho đầu tư công nghiệp. Những dự án đang đàm phán nên ngưng cấp.
Việc đầu tư sân golf làm ô nhiễm môi trường, tổn hại sức khỏe cộng đồng, đem lợi ích kinh tế cho địa phương thấp. Kết luận rút ra từ nhiều quốc gia, cũng là bài học kinh nghiệm cho nước ta. Các cấp chính quyền cần chấn chỉnh lại các dự án đầu tư cho sân golf, mặc dù đã muộn còn hơn đặt vào việc đã rồi, khi đó xử lý sẽ tốn kém và khó khăn gấp bội./.
Kết quả kiểm toán Chương trình 135 giai đoạn 2 tại 10 tỉnh  (31/10/2008)
Kết quả kiểm toán Chương trình 135 giai đoạn 2 tại 10 tỉnh  (31/10/2008)
Đảng Cộng sản Ô-xtrây-li-a: Lịch sử và hiện đại  (31/10/2008)
Truông Bồn xanh  (30/10/2008)
Việt Nam là một người bạn gần gũi và hữu nghị của Mông Cổ  (30/10/2008)
Thông cáo số 12 Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XII  (30/10/2008)
- Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm an ninh kinh tế, góp phần bảo đảm an ninh quốc gia trong bối cảnh hội nhập quốc tế
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Đắk Nông: “Điểm sáng” trong phát triển du lịch thời kỳ hội nhập quốc tế
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên