Huyện đảo Cô Tô phát triển kinh tế kết hợp với củng cố quốc phòng - an ninh
Huyện đảo Cô Tô thuộc tỉnh Quảng Ninh giữ vị trí rất quan trọng về quốc phòng - an ninh của Tổ quốc. Ngày 09-5-1961 lần đầu tiên Bác Hồ đã ra thăm đảo bằng máy bay trực thăng và căn dặn đồng bào, chiến sĩ đảo Cô Tô rằng, "... Thủ đô Hà Nội tuy cách xa các đảo, nhưng Đảng và Chính phủ luôn quan tâm đến đồng bào các đảo và mong đồng bào đoàn kết cố gắng và tiến bộ". Để thể hiện lòng biết ơn và sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và tình cảm vô bờ bến của Bác Hồ, đồng bào, chiến sĩ đảo Cô Tô đã xây dựng tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh. Điều đặc biệt, đây là nơi đầu tiên và cũng là duy nhất được Bác đồng ý cho phép dựng tượng lúc Bác Hồ còn sống.
Vị trí tiền tiêu
Huyện đảo Cô Tô cách đất liền trên 100 km về phía Đông Bắc bờ biển nước ta trong vịnh Bắc Bộ. Huyện có khoảng 40 hòn đảo lớn nhỏ, trong đó có 4 đảo lớn: Cô Tô, Thanh Lân, Trần, Mã Cháu, với tổng diện tích đất nổi là 46,2 km2, diện tích biển khoảng 300 km2. Phía Bắc huyện giáp vùng biển Cái Chiên thuộc huyện Hải Hà, Vĩnh Thực thuộc thị xã Móng Cái; phía Nam giáp vùng biển Bạch Long Vĩ của thành phố Hải Phòng; phía Tây giáp vùng biển của huyện Vân Đồn; phía Đông giáp hải phận quốc tế có chiều dài khoảng 200 km biên giới trên biển, kéo dài từ đảo Trần đến ngoài khơi huyện đảo Bạch Long Vĩ.
Tiềm năng phát triển
Cô Tô hiện có 5 cảng: Nam Hải, Bắc Vàn, Chiến Thắng và 2 cảng thuộc đảo Trần. Cảng Nam Hải đang được phát triển thành khu hậu cần nghề cá của vịnh Bắc Bộ. Hệ thống giao thông trên đảo cơ bản đã được rải nhựa và bê-tông. Từ đất liền ra đảo và giữa các đảo với nhau hiện nay chủ yếu vẫn bằng đường thủy.
Đến nay, toàn huyện có 1.278 hộ, với khoảng 5.500 người chủ yếu sinh sống bằng các nghề ngư nghiệp, nông nghiệp và lâm nghiệp.
Huyện đảo Cô Tô không có sông, chỉ có những con suối nhỏ. Tuy đã xây dựng được hơn chục hồ nước nhỏ, nhưng nhu cầu nước ngọt phục vụ đời sống, sinh hoạt và trồng trọt trên đảo còn khó khăn.
Là huyện đảo, nhưng địa hình Cô Tô có đủ núi, đồi, rừng, biển, nên có khá nhiều tiềm năng phát triển kinh tế theo hướng đa ngành: trồng trọt, chăn nuôi, thủy hải sản để phục vụ nhu cầu tại chỗ:
- Đất nông nghiệp chiếm khoảng 20% diện tích tự nhiên, trong đó khoảng 1/2 số diện tích có thể cấy lúa, trồng màu, số còn lại có khả năng chăn nuôi gia súc và trồng cây ăn quả. Những tiềm năng cho phép khai thác để đáp ứng nhu cầu tại chỗ của quân, dân trên đảo là một vốn quý cần được duy trì và khai thác thật hiệu quả.
- Trên một số đảo nhỏ còn có các thảm thực vật khá nhiều chủng loại. Rừng tự nhiên nơi đây có nhiều loại gỗ, dược liệu, động vật quý, như: song, mây, ràng ràng, hương nhu, sâm đất, thầu dầu tía, khỉ vàng, tắc kè, lợn rừng...
- Nguồn hải sản, trong vùng biển quanh đảo có khoảng 1.000 loài cá, trong đó có khoảng 60 loài có giá trị kinh tế cao, như: cá hồng, song, mú, chim, thu, nục, trích, bạc má... Ngoài ra, còn có một số hải sản quý hiếm khác như ngọc trai, bào ngư, trân châu... Đã có một thời nghề nuôi và chế tác ngọc trai khá phát triển trên đảo. Nghề cá cũng đã từng dẫn đầu trong toàn tỉnh. Chẳng hạn, có năm trước đây Hợp tác xã Cô Tô đã từng đánh bắt được 133 tấn cá, trong đó nghề giã đôi thuyền đánh được 90 tấn, đạt sản lượng cao nhất tỉnh Hải Ninh lúc bấy giờ.
Những thành tựu đạt được
Trong những năm qua, huyện đảo Cô Tô đã đạt được những thành tích rất quan trọng, thể hiện rõ nét trên một số nội dung sau:
Thứ nhất: Ngư nghiệp được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn. Lãnh đạo huyện đảo đã chỉ đạo sử dụng hiệu quả các nguồn vốn, triển khai đóng mới các phương tiện đánh bắt, nên từ chỗ chỉ có 63 phương tiện (năm 1994), đến nay đã có 218 phương tiện với tổng công suất đạt 3.800 CV. Sản lượng đánh bắt hằng năm tăng nhanh. Nếu năm 1994, đạt 218,5 tấn (mới chỉ vượt được mức những năm đầu thập niên 60 thế kỷ XX), thì năm 2006 đã đạt 5.650 tấn. Hiện nay, để khai thác tốt nhu cầu thị trường và tiềm năng trên đảo, huyện đang chỉ đạo đầu tư phát triển các mô hình nuôi trồng hải sản và các loại ốc biển đặc sản bằng lồng bè theo công nghệ của Na Uy.
Thứ hai: Trong nông nghiệp, do khó khăn về nước ngọt, nên những năm qua huyện đã tập trung huy động các nguồn vốn sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới một số hồ đập để trữ nước phục vụ cho sinh họat và trồng trọt. Nhờ đó, sản lượng lượng thực hằng năm tăng lên nhanh chóng, năm 1994 đạt 302 tấn, năm 2006 đạt 610 tấn. Ngoài ra các loại rau, củ, quả phục vụ nhu cầu của nhân dân trên đảo về cơ bản cũng đã được đáp ứng. Nhất là phát triển chăn nuôi các đàn gia súc, gia cầm. Năm 2006, toàn huyện có 173 con trâu, 683 con bò, 1.903 con lợn, 11.867 con gia cầm các loại. Những con số trên chỉ có thể nói lên hết giá trị kinh tế - xã hội và cả quốc phòng - an ninh của nó khi đem so sánh với việc vận chuyển từ đất liền từng ki-lô-gam lương thực, rau và các loại vật phẩm thiết yếu của đời sống nhân dân trên đảo.
Thứ ba: Trong lâm nghiệp, từ chỗ rừng bị chặt phá nặng nề làm cho đất trống, đồi núi trọc chiếm 70% diện tích đất rừng; nay cơ bản huyện đã phủ xanh số diện tích đó và đang tập trung vào khâu chăm sóc, bảo vệ. Tính riêng giai đoạn từ năm 1996 - 2001, huyện đã trồng mới được 826 ha nhờ đầu tư của các chương trình 327, 773 và 661. Công tác phòng, chống cháy rừng luôn được các cấp ủy, cùng với lực lượng quân đội, biên phòng trên đảo ý thức một cách sâu sắc, nên 2 - 3 năm gần đây không có vụ cháy rừng nào nghiêm trọng xảy ra. Đó cũng là một nỗ lực đáng ghi nhận.
Thứ tư: Là huyện đảo ở xa đất liền, nên công tác giao thông, vận tải được lãnh đạo huyện đặc biệt quan tâm, bởi nó như huyết mạch nối liền giữa đất liền với đảo. Trong những năm qua, huyện đã duy trì đều đặn các chuyến tàu chở khách và tàu công tác kết hợp với chở khách, đáp ứng đầy đủ nhu cầu của người dân và công vụ. Hạ tầng giao thông trên đảo đã được cải thiện rõ nét, đường sá đi lại trên đảo và các cảng để neo đậu tàu thuyền làm ăn trên biển cơ bản đã thuận tiện. Ngoài ra, thông tin, liên lạc, báo chí... vẫn bảo đảm kịp thời, chính xác, an toàn. Nếu cách đây dăm năm, ba ngày mới có thư báo, thì nay chỉ một ngày. Toàn huyện đã có một tổng đài, hai trạm viễn thông, hiện có tổng số 912 máy điện thoại (cố định và di động), đạt bình quân 15 máy/100 người dân.
Thứ năm: Từ năm 1995 huyện đã được trang bị hệ thống chuyển tiếp truyền thanh và truyền hình; các trường lớp trên đảo cũng đã được quan tâm xây dựng mới, mua sắm trang thiết bị giáo dục, nên đến nay toàn huyện có 1 trường trung học phổ thông, 2 trường trung học cơ sở, 1 trường kết hợp cả trung học cơ sở và tiểu học, 2 trường tiểu học, 3 trường mầm non, tổng số có 73 lớp với 1.634 học sinh. Từ năm 1996, huyện đã được tỉnh công nhận hoàn thành chương trình phổ cập tiểu học, hoàn thành việc xóa mù chữ; năm 2001 Trường tiểu học thị trấn Cô Tô được Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận trường chuẩn quốc gia; năm 2003 được tỉnh công nhận đạt chuẩn quốc gia về phổ cập giáo dục trung học cơ sở.
Thứ sáu: Các hoạt động văn hóa, thể thao không ngừng được phát triển. Đến nay, toàn huyện có 8/12 làng, khu có nhà văn hóa; 12/12 làng, khu triển khai xây dựng làng, khu văn hóa. Năm 2006, có 6/12 làng, khu được công nhận là làng, khu văn hóa. Huyện đảo Cô Tô đã được tỉnh quyết định thực hiện Đề án xây dựng thành huyện điểm văn hóa năm 2003 - 2010. Trung tâm y tế của huyện đã được đầu tư xây dựng và trang bị máy móc, y cụ cần thiết phục vụ cho công tác khám và điều trị, trong đó có sự phối - kết hợp với chương trình quân - dân y trên đảo, nên đã cơ bản khắc phục được những yếu điểm trong khám và chữa bệnh trong điều kiện cách xa đất liền.
Thứ bảy: Về quốc phòng - an ninh, huyện Cô Tô có ngư trường rộng lớn giáp với vùng biển của nước bạn Trung Quốc, nên tình trạng đánh bắt hải sản trộm, trấn cướp biển, xuất - nhập khẩu lậu, trốn thuế vẫn diễn ra liên tục. Sau khi có đường phân định vịnh Bắc Bộ, công tác tuần tra trên biển được tăng cường, nên các hiện tượng tiêu cực trên đã có chiều hướng giảm dần.
Đạt được những thành tích trên là nhờ các cấp lãnh đạo của huyện, cũng như các đơn vị của lực lượng vũ trang trên đảo và nhân dân đã xác định đúng vị trí chiến lược của một đảo tiền tiêu bằng những hoạt động cụ thể và thiết thực. Chẳng hạn, các lực lượng vũ trang thường xuyên hiệp đồng chặt chẽ với các đơn vị trên đảo xây dựng thế trận phòng thủ, có chế độ tuần tra nghiêm ngặt, kịp thời xử lý tốt các vụ việc xẩy ra trên biển, trên đảo. Huyện ủy, ủy ban nhân dân huyện và các đơn vị của lực lượng vũ trang thường xuyên duy trì chế độ giao ban để tăng cường công tác phối - kết hợp thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị được giao. Công tác xây dựng cụm địa bàn, đơn vị an toàn trên các đảo đã được duy trì thường xuyên và có nền nếp. Phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc "Giữ đảo bình yên" ngày càng được phát huy mạnh mẽ và có hiệu quả thiết thực.
Một số kiến nghị đề xuất
Những thành tích đã đạt được là rất lớn, thể hiện những cố gắng vượt bậc của đồng bào, chiến sĩ cùng với sự chỉ đạo sát sao và hiệu quả của các cấp lãnh đạo trên đảo, sự hỗ trợ đắc lực của các lực lượng vũ trang đóng quân tại địa phương. Tuy nhiên, so với yêu cầu, nhiệm vụ là vị trí chiến lược của huyện đảo tiền tiêu, thì vẫn còn nhiều việc phải làm trong thời gian tới.
Trước mắt, huyện đang rất cần có các dự án đầu tư phát triển bền vững hệ thống điện. Có nhiều các nguồn lực sẵn có như sức gió, năng lượng mặt trời, năng lượng thủy triều..., nhưng hiện đang rất khó huy động các nguồn vốn đầu tư.
Ngoài ra, huyện đảo Cô Tô đang cần có những dự án lớn về kinh tế biển, du lịch sinh thái - nghỉ dưỡng... làm cho "huyết mạch" giao lưu kinh tế "đất liền - đảo" và "đảo - đất liền" phát triển mạnh mẽ hơn và sầm uất hơn. Kinh tế có phát triển thì thế trận quốc phòng - an ninh mới được củng cố vững chắc, khu vực phòng thủ mới vững bền trên cơ sở sức mạnh của thế trận chiến tranh nhân dân.
* Huyện ủy viên, Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban nhân dân huyện đảo Cô Tô, Quảng Ninh
Công bằng xã hội - mục tiêu cốt lõi trong chính sách xã hội của Đảng ta  (29/05/2007)
Công bằng xã hội trong chính sách bảo trợ xã hội với tăng trưởng kinh tế  (29/05/2007)
Nông nghiệp Việt Nam với quá trình hội nhập kinh tế quốc tế  (29/05/2007)
Việt Nam là bạn, đối tác tin cậy của các nước trong cộng đồng quốc tế  (29/05/2007)
Hoàn thiện chế độ công vụ và nâng cao chất lượng đội ngũ công chức  (24/05/2007)
- Tỉnh Yên Bái nâng cao chỉ số hạnh phúc cho người dân: Từ nghị quyết đến thực tiễn
- Vai trò của Hội Xuất bản Việt Nam trong việc phát triển ngành xuất bản và nguồn nhân lực ngành xuất bản
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 2)
- Nâng cao chất lượng công tác phát triển đảng viên trong Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương
- Một số giải pháp thúc đẩy quá trình chuyển đổi số tại các cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập ở Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên