TCCSĐT - Ngày 18-11-2013, tại Hà Nội, Ban Nội chính Trung ương tổ chức Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Thông báo 130-TB/TW của Bộ Chính trị về giải quyết khiếu nại tố cáo. Đồng chí Nguyễn Bá Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương chủ trì Hội nghị.

Báo cáo sơ kết của Ban Nội chính Trung ương, các ý kiến tham luận của các tỉnh ủy, thành ủy, ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng ủy trực thuộc Trung ương tại Hội nghị đều khẳng định các nhiệm vụ, giải pháp mà Bộ Chính trị kết luận trong Thông báo số 130-TB/TW đã đi vào cuộc sống, tạo sự chuyển biến tích cực trong công tác giải quyết khiếu nại tố cáo. Các cấp ủy, tổ chức đảng đã nhận thức rõ hơn vai trò trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo cả hệ thống chính trị tham gia công tác giải quyết khiếu nại tố cáo ngay trong nội bộ tổ chức của mình. Các cơ quan nhà nước đã sửa đổi, bổ sung luật, pháp lệnh có nội dung liên quan đến việc giải quyết khiếu nại, tố cáo và xét xử các vụ án hành chính tạo cơ sở pháp lý, phát huy dân chủ; đề cao trách nhiệm, nâng cao hiệu lực, hiệu quả, quản lý nhà nước, tăng cường công tác tổng kết, thực tiễn thi hành pháp luật. Công dân được quyền chủ động, lựa chọn cách thức giải quyết khiếu nại, tố cáo. Hiệu quả công tác giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo của công dân được nâng cao, góp phần giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội. 

Phần lớn các cấp ủy, tổ chức đảng đã xác định việc lãnh đạo, chỉ đạo công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại tố cáo là một trong những nhiệm vụ chính trị thường xuyên của cơ quan, đơn vị, địa phương mình. Các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị đã tập trung giải quyết được khối lượng lớn các vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền trong đó có những vụ phức tạp, kéo dài, đông người tham gia. Công tác giám sát, kiểm tra, thanh tra việc tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân được tăng cường; đội ngũ cán bộ làm công tác tiếp dân, xử lý đơn thư khiếu nại tố cáo được củng cố. Công tác xây dựng và hoàn thiện pháp luật nhất là pháp luật liên quan đến khiếu nại tố cáo và giải quyết khiếu nại, tố cáo đạt được nhiều kết quả tốt. Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và hòa giải ở cơ sở được đẩy mạnh và có hiệu quả. 

Tuy nhiên, qua 5 năm thực hiện Thông báo 130-TB/TW, công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân vẫn còn một số hạn chế cần khắc phục. Cụ thể là: 

Việc phổ biến, quán triệt và xây dựng chương trình kế hoạch thực hiện Thông báo của Bộ Chính trị còn chậm; chất lượng, sức thuyết phục chưa cao, tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, chuyển đơn thư lòng vòng, kéo dài còn khá phổ biến. Tổ chức thực hiện nhiều quyết định giải quyết khiếu nại, tố cáo đã có hiệu lực pháp luật còn chậm, thiếu kiên quyết. Số vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp còn tồn đọng, chậm giải quyết dứt điểm còn nhiều. Ở một số địa phương, công tác giám sát, kiểm tra, thanh tra trách nhiệm giải quyết khiếu nại, tố cáo chưa được coi trọng đúng mức. Hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân hiệu quả còn hạn chế. Một số cấp ủy, tổ chức đảng cũng chưa tập trung kiểm tra việc thực hiện chủ trương của Đảng, pháp luật Nhà nước lĩnh vực giải quyết khiếu nại, tố cáo. Qua giám sát, kiểm tra, thanh tra chưa kiên quyết kiến nghị, yêu cầu giải quyết dứt điểm những trường hợp để kéo dài, hoặc giải quyết không đúng quy định của pháp luật. Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật hiệu quả vẫn còn hạn chế, nội dung còn dàn trải, chưa thực sự phù hợp với trình độ của từng loại đối tượng. Nhận thức pháp luật và ý thức chấp hành pháp luật của công dân đi khiếu nại, tố cáo còn nhiều hạn chế, tỷ lệ khiếu nại, tố cáo sai nhiều. Có những vụ, việc mặc dù đã được giải quyết nhiều lần, có quyết định giải quyết cuối cùng, cơ bản đúng chính sách, pháp luật, bảo đảm có lý, có tình nhưng vẫn không chấp nhận, thậm chí có phản ứng tiêu cực, gây nên những dư luận không tốt trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo… Một số nơi, việc tiếp công dân còn mang tính hình thức, thiếu tính thuyết phục, chưa kết hợp tốt giữa tiếp dân với giải quyết khiếu nại, tố cáo và tuyên truyền phổ biến pháp luật…

Hội nghị nhấn mạnh trong thời gian tới, các cấp ủy, tổ chức đảng cần tăng cường lãnh đạo công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân, bảo đảm sự lãnh đạo chặt chẽ, kịp thời của cấp ủy, tổ chức đảng đối với công tác này.

Thủ trưởng các đơn vị, cơ quan nhà nước, nhất là của Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp cần nâng cao hơn nữa trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ, quyền quản lý nhà nước trên địa bàn hành chính được giao, nhất là trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo thuộc thẩm quyền, hạn chế tình trạng công dân khiếu nại vượt cấp lên Trung ương. Công tác thanh tra, kiểm tra trách nhiệm trong việc thực hiện pháp luật về giải quyết khiếu nại, tố cáo cần được tăng cường, sớm phát hiện những hạn chế, yếu kém để khắc phục và xử lý kịp thời.

Các cơ quan chức năng chú trọng công tác sơ kết, tổng kết thực tiễn, kịp thời bổ sung, sửa đổi, thay thế những quy phạm pháp luật không phù hợp với thực tiễn, tạo cơ sở pháp lý đồng bộ cho việc nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước, của cán bộ, công chức trong giải quyết khiếu nại, tố cáo. Công tác kiểm tra, thanh tra của Đảng, chính quyền đối với việc thực hiện tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân ở tất cả các cấp, các nghành, đoàn thể cần được tăng cường; xử lý kịp thời, nghiêm minh các cán bộ, đảng viên vi phạm chế độ, trách nhiệm khi thi hành công vụ và người lợi dụng khiếu nại, tố cáo để gây rối, vu khống, không chấp hành chính sách, pháp luật. Các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị tăng cường tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật về khiếu nại, tố cáo; củng cố, kiện toàn đội ngũ cán bộ làm công tác tiếp dân, xử lý đơn thư và giải quyết khiếu nại, tố cáo./.