Xây dựng nông thôn mới ở Cà Mau: Cần những giải pháp mang tính đột phá
TCCSĐT - Cà Mau là tỉnh nông nghiệp, có nhiều khó khăn khi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Để phấn đấu đến năm 2015 có 18 xã đạt 19/19 tiêu chí xã nông thôn mới, tỉnh cần phải thực hiện những giải pháp mang tính đột phá và quyết tâm cao.
Những kết quả bước đầu
Tại Hội nghị Trung ương 7, khóa X Đảng ta đã ban hành Nghị quyết 26-NQ/TW ngày 05-8-2008 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; ngày 16-4-2009 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 491/QĐ-TTg về việc ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới (NTM) với 19 tiêu chí cụ thể. Ngày 04-6-2010, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ra Quyết định số 800/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng NTM giai đoạn 2010 ¬- 2020. Ngày 20-02-2013, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 342/QĐ-TTg về sửa đổi một số tiêu chí của Bộ tiêu chí quốc gia về NTM.
Trên cơ sở những văn bản và chỉ đạo của Trung ương, Tỉnh ủy Cà Mau đã ban hành Chỉ thị về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chương trình xây dựng NTM. Từ đầu năm 2011, Cà Mau đã đồng loạt triển khai Chương trình xây dựng NTM theo Bộ tiêu chí quốc gia về NTM và sẽ tiếp tục thực hiện trong giai đoạn 2010 - 2020, định hướng đến năm 2030. Tỉnh đã chọn 4 xã điểm để xây dựng Chương trình NTM, đó là xã Tân Hải, huyện Phú Tân; xã Tân Dân, huyện Đầm Dơi; xã Trí Lực huyện Thới Bình và xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời.
Bước đầu, Chương trình xây dựng NTM đã đạt được những kết quả tuy chưa lớn nhưng có ý nghĩa rất quan trọng cho phát triển nông nghiệp, nông thôn Cà Mau, cụ thể như sau:
Một là, Chương trình đã tập hợp được sức mạnh của toàn xã hội cùng tham gia; Công tác tổ chức tuyên truyền cũng khá sôi động trong cả hệ thống chính trị từ tỉnh xuống huyện, xã và đến tận các ấp.
Để có kế hoạch và bước đi phù hợp trong việc lập đề án xây dựng NTM, tỉnh Cà Mau đã đẩy mạnh công tác tập huấn, tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM, với các nội dung trọng tâm: Quy hoạch và thực hiện quy hoạch; phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội; kinh tế và tổ chức sản xuất; văn hóa - xã hội - môi trường; hệ thống chính trị. Việc tuyên truyền một cách đồng bộ với sự tham gia của toàn xã hội đã giúp các cấp ủy đảng, cán bộ đảng viên và quần chúng nhân dân thấy rõ nhiệm vụ trọng tâm là tập trung mọi nguồn lực phát triển “nông nghiệp, nông dân, nông thôn” và “xây dựng NTM”.
Hai là, Chương trình triển khai đã tạo ra không khí thi đua trong các cấp, các ngành và toàn thể nhân dân. Chương trình gắn với lợi ích của nông dân nên dễ đi vào lòng người, từ đó đã tạo được nhiều mô hình, nhiều phong trào như: phong trào toàn dân góp sức xây dựng hệ thống thủy lợi theo tinh thần Nhà nước và nhân dân cùng làm, đến tháng 12 năm 2012 đã có 40/82 xã đạt tiêu chí thủy lợi, đạt 48,78%; phong trào giúp đỡ những gia đình khó khăn, những gia đình từ nơi khác chuyển về nhanh chóng ổn định cuộc sống...
Ba là, bộ mặt nông thôn ngày càng đổi thay, kết cấu hạ tầng phát triển, hệ thống đường liên xã, đường liên ấp, trường học và trạm y tế được xây dựng khang trang, kiên cố. Từ một tỉnh vùng sâu, vùng xa, giao thông chủ yếu là đường thủy, nay đã có hệ thống đường bộ, cơ sở giáo dục, y tế phát triển như hiện nay đó là nhờ sự chỉ đạo sát sao của các cấp ủy đảng, nhờ sự chung lòng, chung sức của bà con nông dân Cà Mau trong hơn 2 năm qua.
Bốn là, đời sống nhân dân được cải thiện, nhiều hộ nông dân đã vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình. Thu nhập bình quân đầu người năm 2011 là 23,26 triệu đồng/người/năm, năm 2012 là 25,64 triệu đồng/người/năm; chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng hiệu quả cao hơn, phù hợp với lợi thế của từng địa phương trong tỉnh.
Năm là, an ninh trật tự xã hội được bảo đảm, giữ vững được kỷ cương. Tỉnh đã thực hiện tốt phong trào toàn dân tham gia bảo đảm an ninh trật tự xã hội, đến cuối năm 2012 đã có 67/82 xã (đạt khoảng 78,05%) đã hoàn thành tiêu chí này.
Sáu là, sau hơn 2 năm thực hiện Chương trình xây dựng NTM, toàn tỉnh đã có 3 xã đạt từ 14-18 tiêu chí; 10 xã đạt từ 9-13 tiêu chí; 53 xã đạt từ 5-8 tiêu chí và 16 xã đạt dưới 5 tiêu chí. Kết quả bước đầu như vậy là chưa cao so với các địa phương trong vùng, nhưng nếu hiểu rõ điều kiện của Cà Mau, một tỉnh vùng sâu, vùng xa, có nhiều khó khăn nhất ở vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thì chúng ta mới thấy được đó là một kết quả đáng khích lệ và tạo niềm tin cho bà con nông dân trong quá trình thực hiện Chương trình xây dựng NTM.
Bên cạnh những kết quả bước đầu của Chương trình xây dựng NTM, Cà Mau cũng gặp không ít khó khăn như: hầu hết các xã xuất phát điểm có kết cấu hạ tầng rất yếu kém; công tác quy hoạch NTM còn sơ sài, tính khả thi chưa cao; do không phải là người địa phương nên trong quá trình lập quy hoạch, đơn vị tư vấn đã không sâu sát được địa bàn, thậm chí còn có dấu hiệu sao chép trong các quy hoạch. Rõ ràng làm quy hoạch là để hiện đại hoá nông thôn chứ không phải phá nông thôn cũ để làm NTM, cho nên buộc phải lấy ý kiến người dân và tự người dân quyết định, chúng ta không làm thay cho người dân được. Chính vì vậy, nhất thiết phải để cho người dân bàn bạc đóng góp ý kiến hay ít nhất cũng để họ biết được quy hoạch đó. Nhiều nơi chỉ quan tâm đến suất đầu tư, tài chính, trụ sở làm việc mà không có phương án sản xuất hiệu quả, đây cũng là cách suy nghĩ không đúng của một số cán bộ lãnh đạo địa phương. Các địa phương quá nôn nóng, chạy theo thành tích khi xây dựng kết cấu hạ tầng nên nhiều công trình không bảo đảm chất lượng.
Một số xã chưa hướng dẫn cụ thể các tiêu chí xây dựng NTM. Theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Nông thôn, mỗi địa phương phải đạt từ 70% nhà ở theo tiêu chuẩn của Bộ Xây dựng, trong đó nhà ở phải bảo đảm đủ tiêu chuẩn “3 cứng” là nền cứng, khung cứng và mái cứng, không có nhà tạm, dột nát. Nhưng qua khảo sát và đánh giá ở Cà Mau, nhà ở chủ yếu xây dựng bán kiên cố và nhà tạm, bằng cây gỗ địa phương.
Một khó khăn khác khi thực hiện Chương trình xây dựng NTM ở Cà Mau là trình độ cán bộ địa phương, nhất là cấp cơ sở còn hạn chế so với yêu cầu; về cơ bản phong trào cũng đã triển khai tuy nhiên còn chưa sâu rộng, vẫn mang tính hình thức, đối phó. Nông thôn Cà Mau thiếu lao động có tay nghề trầm trọng, chủ yếu là lao động phổ thông nên năng suất lao động thấp, thu nhập của người dân không cao.
Nguyên nhân những hạn chế đó là do: Ngân sách Trung ương cấp cho địa phương còn thấp so với nhu cầu thực tế của địa phương nên nhiều hạng mục công trình thực hiện chậm tiến độ; việc xác định tiêu chí chưa thật phù hợp với điều kiện thực tiễn ở vùng ĐBSCL nói chung và Cà Mau nói riêng. Sự vào cuộc của các sở, ngành, chính quyền các địa phương còn chưa mạnh mẽ. Một số sở, ngành còn thờ ơ với tiêu chí mà ngành mình đảm trách; một số địa phương còn chưa phát huy hết nội lực mà vẫn trông chờ, ỷ lại vào sự đầu tư của Nhà nước. Phải làm sao để các địa phương, các sở, ban, ngành và người dân thấy được rằng, xây dựng chương trình này phải từ nội lực, nhân dân làm chủ thể trong xây dựng.
Sau hơn 2 năm thực hiện, Cà Mau đã rút ra một số bài học kinh nghiệm đáng quý như: tập trung công tác tuyên truyền; công tác quy hoạch nông nghiệp, nông thôn phải có sự tham gia của người dân để bảo đảm tính khả thi; ưu tiên phát triển sản xuất, tăng thu nhập cho nông dân; xây dựng NTM phải gắn với dạy nghề, giải quyết việc làm; vận dụng linh hoạt trong việc huy động nguồn lực xây dựng NTM; phát động phong trào nông dân hiến đất để Nhà nước và nhân dân cùng làm đường giao thông nông thôn, phát triển hệ thống thủy lợi và mạng lưới giáo dục, y tế...
Một số giải pháp chủ yếu
Để đến năm 2015 Cà Mau có 18 xã đạt 19/19 tiêu chí và ít nhất 30 xã đạt 12/19 tiêu chí xã NTM, trong thời gian tới tỉnh cần phải thực hiện một số giải pháp sau đây:
Thứ nhất, nhanh chóng hoàn thành quy hoạch xây dựng nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh làm cơ sở đầu tư xây dựng NTM. Cụ thể là quy hoạch sử dụng đất và hạ tầng thiết yếu cho phát triển sản xuất; quy hoạch phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội - môi trường; phát triển các khu dân cư mới, chỉnh trang những khu dân cư hiện có ở các địa phương. Tập trung chỉ đạo công tác tổ chức thực hiện quy hoạch trên địa bàn 82 xã. Tiếp tục rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch đối với những quy hoạch chưa hợp lý, chưa thực sự gắn với điều kiện thực tiễn.
Thứ hai, kiện toàn Ban chỉ đạo các cấp, Văn phòng điều phối xây dựng NTM của tỉnh và Tổ giúp việc cho Ban chỉ đạo triển khai thực hiện Chương trình đạt hiệu quả. Tăng cường công tác chỉ đạo, điều hành, quản lý thực hiện xây dựng NTM, nâng cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy các cấp.
Thứ ba, tiếp tục tổ chức quán triệt, tuyên truyền sâu rộng để tất cả cán bộ, đảng viên và nhân dân nhìn nhận đúng về Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM và xem đây là công tác trọng tâm, hàng đầu.
Thứ tư, thực hiện có hiệu quả phong trào thi đua “Cà Mau chung sức xây dựng NTM”. Khen thưởng kịp thời các cá nhân, tập thể có công đầu tư xây dựng và phát triển nông thôn, bảo đảm tính tiêu biểu, nêu gương, giáo dục và tạo tác động tích cực lan tỏa trong toàn xã hội.
Thứ năm, tập trung đầu tư, phát triển sản xuất, hỗ trợ các hoạt động khuyến nông - khuyến ngư giúp các hộ và các tổ chức tiếp cận các dịch vụ, ứng dụng kiến thức khoa học kỹ thuật, nâng cao nhận thức và khả năng áp dụng để phát triển ngành nghề nông thôn. Phổ biến nhân rộng mô hình sản xuất mới, phù hợp với các xã, nhất là 4 xã điểm.
Thứ sáu, tiếp tục củng cố và đổi mới hoạt động của các hợp tác xã, phát triển đa dạng các hình thức kinh tế hợp tác ở nông thôn. Đẩy mạnh phát triển kinh tế tập thể, đưa khoa học công nghệ vào sản xuất để phát triển sản xuất hàng hóa.
Thứ bảy, tập trung huy động tối đa mọi nguồn lực đầu tư, gắn với việc thực hiện lồng ghép các chương trình, dự án khác để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn; có chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư vào khu vực nông thôn.
Thứ tám, tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao trình độ cán bộ tham gia Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM và đào tạo nghề cho nông dân ở nông thôn./.
Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn Hà Nội  (08/11/2013)
Thủ tướng công bố Ngày Pháp luật Việt Nam 9-11  (08/11/2013)
Các nước trên thế giới lên án hoạt động do thám của Mỹ  (08/11/2013)
Thông cáo số 15 Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII  (08/11/2013)
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp Tổng Giám đốc UNDP  (08/11/2013)
UNDP đánh giá cao quan hệ hợp tác hiệu quả với Việt Nam  (08/11/2013)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay