Những sự kiện quốc tế đáng chú ý trong tuần (từ ngày 30-9 đến ngày 06-10-2013)
1. Thế giới đạt tiến bộ trong cuộc chiến chống lạm dụng lao động trẻ em
Ngày 30-9-2013, Bộ Lao động Mỹ công bố báo cáo về tình hình sử dụng lao động trẻ em trên thế giới, theo đó 10 nước và vùng lãnh thổ bao gồm In-đô-nê-xi-a, Phi-líp-pin, Thái Lan, Bra-xin, Chi-lê, Cô-lôm-bi-a, Ê-qua-đo, Pê-ru, Ê-ti-ô-pi-a và Ghi-bran-tan - vùng lãnh thổ hải ngoại của Vương quốc Anh - đã ghi nhận tích cực nỗ lực xóa bỏ tình trạng lạm dụng sức lao động trẻ em. Tuy nhiên, báo cáo cũng phản ánh tiến độ chưa khả quan tại 62 quốc gia trong lĩnh vực này. Đa số những nước này tập trung chủ yếu tại khu vực châu Á, Trung Đông và châu Phi, những nơi vẫn tồn tại tình trạng bóc lột lao động trẻ em trong các nhà máy hoặc xưởng sản xuất. Báo cáo chỉ rõ tại Ấn Độ, Băng-la-đét, Pa-ki-xtan, Ai Cập, Li-băng, Kê-ni-a và Nam Phi, trẻ em vẫn phải lao động để kiếm sống. Cũng trong tài liệu trên, Bộ Lao động Mỹ quyết định loại ba sản phẩm gồm than củi của Na-mi-bi-a, kim cương của Dim-ba-uê và lá thuốc của Ca-dắc-xtan, khỏi danh sách các sản phẩm có sử dụng lao động trẻ em. Danh sách trên của Mỹ hiện gồm 134 hàng hóa của 73 nước, trong đó Ấn Độ đứng đầu bảng với 21 sản phẩm. Bộ trưởng Bộ Lao động Mỹ Thô-mát Pê-rết (Thomas Perez) nhấn mạnh chính phủ các nước không được phép xây dựng nền kinh tế dựa trên việc lạm dụng lao động trẻ em. Theo thống kê của ILO, hiện nay trên thế giới có khoảng 168 triệu trẻ bị cưỡng ép lao động, 85 triệu em trong số này phải làm việc trong các điều kiện nguy hiểm đến tính mạng.
2. Diễn đàn Biển ASEAN lần thứ tư và Diễn đàn Biển ASEAN mở rộng lần thứ hai
Trong các ngày 01 - 03-10 tại Cua-la Lăm-pơ (Ma-lai-xi-a) đã diễn ra Diễn đàn Biển ASEAN lần thứ tư (AMF4) và Diễn đàn Biển ASEAN mở rộng lần thứ hai (EAMF2). Tại các Diễn đàn này, các đại biểu đã tập trung trao đổi ý kiến về tình hình hợp tác trong lĩnh vực bảo đảm an ninh biển trong các cơ chế hợp tác của ASEAN, giữa ASEAN và các bên đối tác thông qua các khuôn khổ hiện có như Diễn đàn Khu vực ASEAN, Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+)…, thảo luận các định hướng và biện pháp tăng cường phối hợp, cũng như các trọng tâm ưu tiên về hợp tác biển trong thời gian tới. Tại các phiên thảo luận, các đại biểu cũng ủng hộ việc xem xét tăng cường hợp tác về nghiên cứu biển, ứng phó thiên tai, tăng cường kết nối an ninh trên biển ở khu vực, hợp tác về chống cướp biển, bảo vệ môi trường sinh thái biển, tìm kiếm cứu nạn, ngăn chặn và quản lý các sự cố hoặc khả năng khủng hoảng trên biển. Các đại biểu cũng nhấn mạnh duy trì đối thoại xây dựng bảo đảm an ninh, an toàn hàng hải, tự do hàng hải, giải quyết hòa bình các tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982). Các đại biểu đánh giá cao vai trò và đóng góp của AMF trong việc điều phối các hoạt động hợp tác biển trong khuôn khổ ASEAN.
3. Kinh tế Mỹ có thể rơi vào thảm họa vì Chính phủ đóng cửa
Bất đồng giữa Đảng Cộng hòa và Dân chủ tại Quốc hội Mỹ về ngân sách khẩn cấp và luật cải cách y tế đã khiến Chính phủ Mỹ phải đóng cửa. Điều này tác động không nhỏ tới nền kinh tế Mỹ. Tuy nhiên, những bất đồng hiện nay càng khiến nhiều người lo ngại hơn về việc hai đảng sẽ không nhất trí được về việc nâng mức trần nợ công của Mỹ, tránh cho nước này rơi vào tình trạng phải phá sản. Báo cáo của Bộ Tài chính cho biết, khả năng phá sản của Mỹ có thể làm đóng băng thị trường tín dụng, làm rớt giá đồng USD, đẩy lãi suất tăng cao và có khả năng gây ra một cuộc suy thoái mới. Theo ước tính, việc Chính phủ Mỹ phải đóng cửa có thể gây thiệt hại kinh tế lên tới 300 triệu USD mỗi ngày. Nó có thể để lại những hậu quả lâu dài. Các cuộc thăm dò cho thấy ngày càng nhiều người dân Mỹ đổ lỗi cho Đảng Cộng hòa về việc Chính phủ phải đóng cửa. Trong những ngày gần đây, điểm nóng tập trung vào một nhân vật, đó là lãnh đạo phe đa số tại Hạ viện Gi. Bô-ê-nơ (J. Boehner). Ông Gi. Bô-ê-nơ vẫn kiên quyết không thông qua dự luật ngân sách khẩn cấp nếu ông B. Ô-ba-ma không hoãn thực hiện luật cải cách y tế.
4. APEC nhất trí tiếp tục thúc đẩy liên kết và kết nối kinh tế khu vực
Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao và Kinh tế của Diễn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) đã diễn ra trong hai ngày 04 và 05-10 tại Ba-li, (In-đô-nê-xi-a), dưới sự đồng chủ tọa của Bộ trưởng Ngoại giao Ma-ti Na-ta-le-ga-oa (Marty Natalegawa) và Bộ trưởng Thương mại Ghi-ta Uy-gia-oan (Gita Wirjawan). Qua hai ngày làm việc khẩn trương, hội nghị đã thông qua nhiều định hướng quan trọng, nổi bật là tiếp tục thực hiện các mục tiêu Bogor, tăng cường kết nối khu vực, bao gồm kết nối kết cấu hạ tầng, kết nối thể chế và giữa người dân, thúc đẩy thương mại dịch vụ, tạo thuận lợi cho đầu tư, thực hiện các cam kết về cắt giảm thuế đối với hàng hóa môi trường, giải quyết các vấn đề thương mại và đầu tư “thế hệ mới”. Các Bộ trưởng cũng nhất trí đẩy mạnh sự bổ trợ giữa APEC với các cơ chế liên kết kinh tế trong khu vực, thực hiện mục tiêu xây dựng Khu vực thương mại tự do châu Á - Thái Bình Dương (FTAAP). Hội nghị cũng nhất trí tăng cường hợp tác về tăng trưởng bền vững gắn với công bằng, tiếp tục đẩy mạnh triển khai Chiến lược tăng trưởng được thông qua tại Y-cô-ha-ma (Nhật Bản) năm 2010, hợp tác ứng phó với các thách thức toàn cầu, phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ, nâng cao sự đóng góp của phụ nữ đối với phát triển kinh tế, bảo đảm y tế, an sinh xã hội và thu hẹp khoảng cách phát triển. Các Bộ trưởng thông qua Lộ trình an ninh lương thực APEC đến năm 2020. Hội nghị cũng nhất trí cho rằng APEC đóng vai trò động lực tăng trưởng quan trọng của nền kinh tế toàn cầu; APEC cũng nhận thức được trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế toàn cầu hiện nay, APEC cần phải vượt qua những thách thức truyền thống và phi truyền thống, khu vực và toàn cầu, như biến đổi khí hậu, an ninh lương thực và an ninh năng lượng, chủ nghĩa khủng bố quốc tế, các tệ nạn xã hội, nhất là tham nhũng...
5. Thế giới ca ngợi Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Dòng người vào viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ảnh: TL
Sau khi được tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ trần, ngày 05-10, nhiều nước Mỹ La-tinh cũng như nước bạn Lào anh em đã đồng loạt đăng tải thông tin ca ngợi cuộc đời và sự nghiệp của Đại tướng. Bộ Ngoại giao Vê-nê-xu-ê-la đã ra thông cáo về việc Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ trần, khẳng định việc Đại tướng ra đi cũng là một tổn thất đối với người dân quốc gia Nam Mỹ này. Thông cáo cho biết, Tổng thống Vê-nê-xu-ê-la Ni-cô-lát Ma-đu-rô (Nicolás Maduro) bày tỏ những lời chia buồn sâu sắc nhất trước “sự mất mát vô giá” của nhân dân Việt Nam anh em trước việc Người anh hùng dân tộc, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, từ trần. Thông cáo nhấn mạnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp là nhà chiến lược tầm cỡ thế giới, cống hiến cho các dân tộc bị áp bức một học thuyết quân sự được chứng minh bằng những chiến thắng lịch sử như chiến thắng Điện Biên Phủ và chiến thắng trong cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc và thống nhất đất nước.
Tại Thủ đô Viêng Chăn chiều 06-10, Đại tướng Xi-xa-vạt Kẹo-bun-phăn (Sisavath Keobounphan), nguyên Ủy viên Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, nguyên Thủ tướng Chính phủ, nguyên Chủ tịch Mặt trận Lào Xây dựng đất nước, đã bày tỏ xúc động khi được tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ trần. Đại tướng X. Kẹo-bun-phăn ca ngợi Đại tướng Võ Nguyên Giáp là nhà quân sự lỗi lạc của thế kỷ XX, đã cùng các nhà lãnh đạo Việt Nam tiến hành hai cuộc kháng chiến cứu quốc thắng lợi, thu non sông về một mối. Bên cạnh tài thao lược quân sự, Đại tướng có tấm lòng nhân hậu, luôn nghĩ đến lợi ích của nhân dân và có một tấm lòng quốc tế trong sáng cao cả. Với đất nước Lào, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một người bạn lớn, gần gũi, hết lòng giúp đỡ cách mạng Lào. Được Chủ tịch Hồ Chí Minh giao nhiệm vụ giúp Lào xây dựng lực lượng vũ trang, Đại tướng đã làm hết sức mình và cùng Chính phủ kháng chiến Lào trực tiếp chỉ huy chiến dịch Thượng Lào năm 1953, giải phóng Hủa Phăn, Sầm Nưa, xây dựng căn cứ địa cách mạng từng bước mở rộng vùng giải phóng, xây dựng lực lượng tiến lên giải phóng hoàn toàn nước Lào năm 1975… Đồng chí X. Kẹo-bun-phăn cho rằng Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ trần là nỗi buồn và niềm tiếc thương vô hạn không chỉ đối với nhân dân Việt Nam mà còn cả đối với nhân dân Lào.
Hàng loạt tờ báo lớn ở Mê-xi-cô và Trung Quốc đã có các bài viết bày tỏ sự trân trọng vị danh tướng rất được yêu mến, kính trọng ở Việt Nam cũng như trên thế giới. Dưới tiêu đề Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Nhà quân sự lớn của thế kỳ XX, Hãng thông tấn nhà nước Mê-xi-cô (NOTIMEX) chiều 04-10 đăng ảnh và đưa tin việc Đại tướng qua đời ở tuổi 103 tại Hà Nội. NOTIMEX nhấn mạnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một trong những hình tượng lớn nhất của thế kỷ XX. Trong bản tin chiều 04-10, tờ Thông tin 24 giờ (Las 24 horas) đã ca ngợi Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một “Thiên tài quân sự, đánh đuổi nhiều đạo quân nước ngoài đến xâm lược Việt Nam”, đồng thời trích dẫn những cột mốc chính trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Đại tướng. Tờ Người thông tin (El Informador) đã gọi Tướng Giáp là vị anh hùng của nền độc lập Việt Nam, là một nhà lãnh đạo được nhân dân quý mến nhất, sau Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Mạng Tân Hoa cũng liên tục đưa tin về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, ca ngợi Đại tướng là vị anh hùng, là một huyền thoại ở Việt Nam, là người sáng lập ra Quân đội nhân dân Việt Nam, đánh bại hai cường quốc quân sự trên thế giới. Mạng tin cũng đăng tải các ảnh tư liệu về Đại tướng - chân dung của Đại tướng, ảnh Đại tướng và Chủ tịch Hồ Chí Minh những lần chỉ huy tác chiến, ảnh trên trang bìa tạp chí Thời đại của Mỹ, ảnh tiếp Chủ tịch Cu-ba Phi-đen Ca-xtơ (Fidel Castro) và cố Tổng thống Vê-nê-xu-ê-la Hu-gô Cha-vết (Hugo Chavez) tại nhà riêng ở Hà Nội. Trang quân sự của mạng Hoàn Cầu nêu bốn điểm nổi bật về Đại tướng Võ Nguyên Giáp: ông là một trong những nhà sáng lập của quân đội Việt Nam; trực tiếp tham gia hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, chỉ huy hàng loạt chiến dịch chống Pháp, đặc biệt là chiến dịch Điện Biên Phủ, dư luận phương Tây mệnh danh ông là “Hùm Xám Điện Biên” và vào tháng 3-1972, Đại tướng Võ Nguyên Giáp phát động cuộc tấn công “lễ Phục sinh” với quy mô lớn, khiến Mỹ buộc phải "bỏ chạy" khỏi cuộc chiến tại Việt Nam; là người bạn tốt của người dân Trung Quốc, có công lớn trong việc bình thường hóa quan hệ Việt Nam - Trung Quốc; Tạp chí Thời đại của Mỹ từng 3 lần đăng ảnh ông trên trang bìa, ông là nhân vật được tôn kính chỉ sau Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Việt Nam./.
Ngày làm việc thứ chín Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương khóa XI  (08/10/2013)
Bế mạc Hội nghị cấp cao APEC lần thứ 21 ở Indonesia  (08/10/2013)
APEC cần xây dựng một tầm nhìn dài hạn về kết nối  (08/10/2013)
Thủ tướng dự Hội nghị Cấp cao ASEAN tại Brunei  (08/10/2013)
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam ngày càng bền vững, tiến bộ, bản sắc, tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Từ Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị trong tình hình mới
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay