Đôi điều về công tác tuyên truyền, giáo dục ý thức bảo vệ tài nguyên nước
Từ xa xưa, trong nhân dân ta đã có rất nhiều câu ca dao, tục ngữ, thành ngữ phản ánh vai trò quan trọng của nước đối với sản xuất và đời sống, ví dụ: “Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống”, “Phân gio không bằng no nước”, “Không nước, không phân, chuyên cần vô ích”…
Trong sản xuất, canh tác thì nước được đề cao như vậy, nhưng trong cuộc sống hàng ngày, và đặc biệt là trong ý thức, rất tiếc, nước lại thường bị mọi người coi là thứ nhiều vô tận, và chính vì vô tận mà nó là thứ rất rẻ mạt. Hình ảnh “nước sông”, “nước lã”, “nước trong nguồn” hay được dùng để ví von với cái gì đó sẵn có, trời cho, không bao giờ cạn, không mất tiền mua, ai muốn sử dụng cũng được và có thể sử dụng bao nhiêu tùy ý.
Trải qua hàng ngàn năm, cho tới ngày nay, mặc dù kinh tế xã hội nước ta đã có những bước phát triển căn bản, dẫn đến những thay đổi sâu sắc trong ý thức của người dân nhưng những quan niệm về nước như một thứ gì đó “vô biên”, “trời cho” vẫn đang “cắm rễ” khá chắc chắn trong cách nghĩ, cách làm của đa số mọi người. Có thể nói: Thái độ đối với nước của số đông người dân vẫn là chỉ lúc nào, nơi nào, việc nào thực sự cần đến nước thì mới quý; những lúc khác, ở nơi khác, trong những việc khác thì lại thờ ơ, lãng phí, coi rẻ.
Một trong số rất nhiều nguyên nhân dẫn đến thái độ chưa đúng đắn đó là mọi người chưa coi nước là tài nguyên quý giá, chưa nhận thức được rằng nước là có hạn, dễ bị cạn kiệt và ô nhiễm, cần phải được bảo vệ, được quản lý và được sử dụng một cách tiết kiệm, hiệu quả.
Nhận thức chưa đúng đắn, chưa đầy đủ này của số đông người dân là hệ quả tổng hợp của rất nhiều nguyên nhân, trong đó phải kể đến nguyên nhân khách quan, liên quan tới tính đặc thù của tài nguyên nước.
Trong quan niệm thông thường của đa số mọi người thì tài nguyên thiên nhiên hình như phải là những thứ hiếm hoi, khó tìm, mau hết và phải khai thác rất vất vả mới có được, chẳng hạn như dầu mỏ, vàng bạc, kim cương… Nước thì lại tạo cho mọi người cảm giác là luôn có sẵn, luôn hiển hiện ở khắp nơi, cứ vơi lại đầy, cứ chảy mãi ngàn năm, nắng hạn lắm thì sẽ mưa lũ nhiều, rất dễ khai thác, rất dễ sử dụng, vứt bao nhiêu rác thải vào nước cũng chẳng sao vì nước bẩn sẽ trôi đi, nước sạch lại chảy đến, chẳng tốn kém gì vẫn có thể dùng thoải mái…
Chính vì đặc điểm này của nước mà mặc dù vô cùng cần thiết cho cuộc sống, lại không có nguyên liệu nào khác thay thế được (ví dụ như dầu mỏ, than đá hay kim loại quý có thể được thay thế bằng những nguyên, nhiên liệu khác) nhưng nước vẫn bị coi rẻ, bị xem thường, bị làm cho ô nhiễm và dần cạn kiệt.
Bên cạnh nguyên nhân khách quan trên thì tình trạng nhận thức chưa đầy đủ và chưa đúng đắn của người dân về sự có hạn của tài nguyên nước còn có một số nguyên nhân chủ quan.
Thứ nhất, về công tác giáo dục, truyền thông
Trong những năm gần đây, nhiều bộ, ngành và các cơ quan chức năng đã có những nỗ lực đang kể trong việc tuyên truyền giáo dục nhằm nâng cao ý thức của cộng đồng trong việc sử dụng tiết kiệm, hợp lý và bảo vệ nguồn tài nguyên nước.
Về các hình thức tuyên truyền, phổ biến kiến thức: Nhiều lớp tập huấn đã được triển khai; nhiều cuộc thi tìm hiểu đã được phát động; nhiều tài liệu, sách báo, áp phích, tờ rơi… đã được in ấn và phân phát; nhiều chương trình phát thanh, truyền hình đã được lên sóng.
Về nội dung tuyên truyền giáo dục: Rất nhiều nội dung đã được phổ biến, từ vai trò của nước trong cuộc sống, trong sản xuất, trong nền kinh tế, rồi các văn bản pháp luật liên quan tới khai thác, sử dụng nước… cho đến những biện pháp tiết kiệm nước, chống ô nhiễm nguồn nước rồi sự cần thiết phải sử dụng nước sạch…
Tuy nhiên, nếu đặt mục tiêu làm sao để thay đổi nhận thức của mọi người (tức là làm sao để mọi người hiểu rằng nước không phải là vô tận, cứ vơi lại đầy, cứ hết lại có) thì công tác truyền thông, giáo dục hiện vẫn còn nhiều hạn chế. Công tác này chưa được cụ thể hóa bằng những nội dung chi tiết hơn, gần gũi hơn và sát thực hơn với người dân. Cũng chưa có những hình thức chuyển tải nội dung một cách hóm hỉnh, sinh động, dễ nhớ, dễ hiểu, ví dụ như tiểu phẩm, tranh truyện, hay các hình thức sân khấu khác… Ngoài ra, các lớp tập huấn, những bộ tài liệu, những tập sách báo… mới chỉ có tác động chủ yếu được tới đội ngũ cán bộ, tuyên truyền viên hay lực lượng học sinh, sinh viên… Trong cộng đồng dân cư, những hoạt động truyền thông này vẫn chưa thực sự có sức lan tỏa.
Thứ hai, về công tác quản lý
Hàng ngày, việc lãng phí nước (trong sinh hoạt, trong sản xuất nông nghiệp, công nghiệp,…) của người dân vẫn chưa được giám sát chặt chẽ, chưa được kiểm soát đúng mức và chưa được xử lý nghiêm. Tình trạng “cứ việc lãng phí thoải mái” này dễ khiến mọi người cảm thấy rằng hình như nước không phải là thứ có hạn, do đó không cần tiết kiệm và bảo vệ. Những hành vi trực tiếp và gián tiếp làm ô nhiễm nguồn nước mà mọi người thường làm hằng ngày như vứt rác xuống sông hồ, chặt phá rừng, đốt nương làm rẫy, dùng quá nhiều thuốc bảo vệ thực vật, sử dụng quá nhiều túi ni lông… cũng chưa bị kiểm tra, xử lý.
Một vài kiến nghị:
Làm sao để cộng đồng nhận thức được rằng nước không phải là vô hạn là một nội dung cần được coi trọng đặc biệt trong số rất nhiều nội dung của công tác tuyên truyền giáo dục về tài nguyên nước. Những nội dung cụ thể cần tuyên truyền (như tỷ lệ nước ngọt trên trái Đất là rất nhỏ, tỷ lệ nước ngọt dễ khai thác lại càng nhỏ hơn; Việt Nam không phải là quốc gia có tài nguyên nước dồi dào, lại phân bố không đều theo không gian (vùng mưa nhiều, vùng khô hạn) và thời gian (mùa mưa lũ, mùa khô); nguồn nước phụ thuộc nhiều vào lượng sông ngòi chảy từ ngoài lãnh thổ vào, do đó khó chủ động kiểm soát…) phải được sinh động hóa, nôm na, dễ hiểu, sao cho phù hợp với từng đối tượng trong cộng đồng dân cư (nông dân, công nhân, tiểu thương, trí thức, học sinh…). Những hành vi tưởng như không liên quan gì tới việc gây hại cho nguồn nước (như chặt phá rừng, đốt nương rẫy, dùng nhiều thuốc bảo vệ thực vật, dùng nhiều túi ni lông…) cần được đưa ra phân tích một cách hết sức dễ hiểu để mọi người có thể thấy rõ sự liên quan mật thiết của những việc làm này tới sự cạn kiệt và ô nhiễm nguồn nước. Nguyên nhân chính gây cạn kiệt và ô nhiễm nguồn nước (là do con người) cần được nhấn mạnh hơn để tất cả mọi người dễ nhận thấy trách nhiệm của chính bản thân mình…
Thay đổi nhận thức để thay đổi thái độ đối với tài nguyên nước và từ đó để thay đổi hành vi khi sử dụng nước là khâu then chốt trong việc giải quyết các vấn đề liên quan tới nước. Vai trò của truyền thông, tuyên truyền, giáo dục là hết sức quan trọng. Nếu nội dung và hình thức tuyên truyền được lựa chọn sao cho phù hợp với đặc điểm của từng đối tượng, từng thời điểm thì hiệu quả của công tác này sẽ được nâng cao hơn./.
Cao Bằng góp ý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992  (01/03/2013)
Cao Bằng góp ý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992  (01/03/2013)
Ấn Độ công bố kế hoạch ngân sách tài khóa  (01/03/2013)
Tổng thống Bulgaria tuyên bố sẽ bầu cử vào tháng 5  (01/03/2013)
Iran-Pakistan chủ trương thúc đẩy hợp tác toàn diện  (01/03/2013)
Sóc Trăng góp ý vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp  (01/03/2013)
- Kinh nghiệm quản lý thị trường vàng của một số quốc gia và hàm ý chính sách cho Việt Nam
- Thu hút trí thức người Việt Nam ở nước ngoài cho phát triển nguồn nhân lực khoa học - công nghệ
- Chiến lược triển khai quyền chỉ huy, kiểm soát biển của Mỹ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương và một số tác động
- Một số chính sách lớn nhằm nâng cao hiệu quả ứng phó, giải quyết các vấn đề an ninh phi truyền thống, an ninh mạng ở Việt Nam hiện nay
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên