Sắc lệnh về Chính sách đối ngoại của Nga trong nhiệm kỳ mới của Tân Tổng thống V.Putin
18:11, ngày 14-05-2012
TCCSĐT - Theo tin của Hãng thông tấn Nga ИТАР-ТАСС ngày 7-5-2012, ngay sau khi tuyên thệ nhậm chức, Tổng thống Nga V.Putin đã ký sắc lệnh "Về các biện pháp thực hiện chính sách đối ngoại của Liên bang Nga", trong đó Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được xác định là ưu tiên trong hoạt động đối ngoại của Nga ở châu Á - Thái Bình Dương. Tạp chí Cộng sản điện tử xin giới thiệu toàn văn Sắc lệnh quan trọng này.
Để kiên trì thực hiện Chính sách đối ngoại của Liên bang Nga nhằm bảo đảm các lợi ích quốc gia của Nga trên cơ sở các nguyên tắc thực dụng, cởi mở và đa phương trong điều kiện đang hình thành hệ thống quan hệ quốc tế mới đa trung tâm, quyết định:
Trụ sở Bộ Ngoại giao của Liên bang Nga ở Moscow |
1. Giao cho Bộ Ngoại giao Liên bang Nga phối hợp với các cơ quan quyền lực hành pháp khác của Liên bang Nga:
a. Phối hợp hành động để tạo điều kiện quốc tế thuận lợi cho sự phát triển dài hạn Liên bang Nga, cho quá trình hiện đại hóa nền kinh tế và củng cố vị thế của Nga như là một đối tác bình đẳng trên thị trường thế giới.
b. Nỗ lực hành động để khẳng định quyền tối cao của pháp luật trong các quan hệ quốc tế; đấu tranh bảo vệ vai trò trung tâm của Liên hợp quốc trong các công việc quốc tế, bảo vệ những nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc. Những nguyên tắc đó đòi hỏi phát triển các quan hệ hữu nghị giữa các quốc gia trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia, trong đó trách nhiệm chủ yếu thuộc về Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc trong việc duy trì hòa bình và an ninh quốc tế, mở rộng sự đóng góp của Liên bang Nga vào các hoạt động giữ gìn hòa bình của Liên hợp quốc.
c. Tích cực và chủ động áp dụng các hình thức ngoại giao đa phương khác nhau, bao gồm Diễn đàn Nhóm BRICS, Nhóm G20, Nhóm G8 và Tổ chức Hợp tác Thượng Hải.
d. Chủ động thực hiện các nỗ lực quốc tế tập thể để đối phó với các nguy cơ và thách thức toàn cầu, bao gồm nguy cơ phổ biến vũ khí sát thương hàng loạt và phương tiện mang các loại vũ khí đó; chủ nghĩa khủng bố quốc tế; buôn bán ma tuý bất hợp pháp; tội phạm có tổ chức; các xung đột khu vực.
đ. Trong các quan hệ với các quốc gia là thành viên thuộc Cộng đồng các quốc gia độc lập, cần phải:
- Coi sự phát triển hợp tác đa phương và các quá trình liên kết trong không gian Cộng đồng các quốc gia độc lập là hướng phát triển then chốt trong chính sách đối ngoại của Liên bang Nga; kiên trì thực hiện đường lối nhằm tiếp tục phát triển sự hợp tác bình đẳng giữa các quốc gia là thành viên của Cộng đồng các quốc gia độc lập trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội, nhân đạo, bảo vệ pháp luật và các lĩnh vực khác.
- Nỗ lực hành động để thực hiện có hiệu quả Hiệp ước về Khu vực tự do thương mại từ ngày 18-10-2011.
- Tiếp tục chủ động phát triển sự hợp tác với Cộng hòa Belarus trong khuôn khổ Nhà nước Liên bang.
- Tiếp tục thúc đẩy sự liên kết Á-Âu trong khuôn khổ Liên minh thuế quan và Cộng đồng kinh tế thống nhất giữa Liên bang Nga với Cộng hòa Belarus và Cộng hòa Kadastan; xây dựng Liên minh kinh tế Á-Âu vào ngày 01-01-2015 xuất phát từ tính mở của các quá trình này để kết nạp thêm các quốc gia khác, trước hết là các thành viên thuộc Cộng đồng kinh tế Á-Âu và các nước trong Cộng đồng các quốc gia độc lập, nỗ lực tạo vị thế quốc tế cho các cơ cấu liên kết mới.
- Củng cố Tổ chức Hiệp ước an ninh tập thể; củng cố các cơ chế phản ứng linh hoạt trước các thách thức và nguy cơ hiện đại và tăng cường tiềm năng gìn giữ hòa bình, hoàn thiện cơ chế phối hợp chính sách đối ngoại trong khuôn khổ tổ chức này.
- Tiếp tục tích cực tham gia quá trình tìm kiếm cách giải quyết vấn đề liên quan đến vùng tranh chấp Pridnestrovsk trên cơ sở tôn trọng chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và vị thế trung lập của Cộng hòa Moldova trong khi xác định quy chế đặc biệt của vùng này.
- Tiếp tục kiên trì hoạt động nhằm giải quyết cuộc xung đột ở Pridnestrovsk bằng cách phối hợp với các quốc gia khác tham dự đồng Chủ tịch nhóm Minsk của Tổ chức an ninh và hợp tác châu Âu trên cơ sở các nguyên tắc được trình bày trong các Tuyên bố chung của Tổng thống Liên bang Nga, Tổng thống Mỹ và Tổng thống Pháp trong những năm 2009-2011.
e. Nỗ lực hành động để giúp đỡ Cộng hòa Abkhazia và Cộng hòa Nam Ossetia phát triển như là những nhà nước dân chủ hiện đại, củng cố vị thế quốc tế của họ, bảo đảm an ninh tin cậy và khôi phục kinh tế-xã hội ở những nước cộng hòa đó.
f. Trong quan hệ với Liên minh châu Âu, cần phải:
- Ủng hộ việc đạt được mục tiêu chiến lược là xây dựng không gian kinh tế và con người thống nhất từ Đại Tây Dương đến Thái Bình Dương.
- Nỗ lực hành động để ký kết Hiệp định với Liên minh châu Âu về bãi bỏ chế độ thị thực nhập cảnh trong các chuyến đi ngắn hạn của công dân các nước.
- Bảo vệ các nguyên tắc bình đẳng và các bên cùng có lợi khi nghiên cứu xây dựng Hiệp ước cơ bản mới giữa Liên bang Nga và Liên minh châu Âu về đối tác chiến lược.
- Tạo điều kiện để thực hiện có hiệu quả chương trình "Đối tác để hiện đại hóa".
- Phát triển quan hệ đối tác năng lượng các bên cùng có lợi nhằm xây dựng tổ hợp năng lượng thống nhất ở châu Âu, đồng thời tuân thủ nghiêm túc các cam kết thỏa thuận song phương và đa phương.
g. Trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, cần phải:
- Đẩy mạnh sự tham gia các quá trình liên kết khu vực nhằm thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội tại các khu vực Đông Siberia và Viễn Đông của Liên bang Nga.
- Đề xuất các sáng kiến nhằm xây dựng ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương một cơ cấu an ninh và hợp tác mới dựa trên cơ sở nguyên tắc tập thể và không tham gia các khối liên minh, các tiêu chuẩn luật pháp quốc tế, nguyên tắc an ninh công bằng và không thể tách rời giữa các nước.
- Nghiên cứu soạn thảo các đề nghị bổ sung để đưa vào Chương trình nghị sự của các Diễn đàn Đông Á và Diễn đàn đối thoại đối tác Nga-ASEAN.
- Củng cố và làm sâu sắc thêm đối tác tin cậy công bằng và sự hợp tác chiến lược với Cộng hòa Dân nhân Trung Hoa, đối tác chiến lược với Cộng hòa Ấn Độ, với Cộng hòa Xã hội chú nghĩa Việt Nam; phát triển hợp tác hai bên cùng lợi với Nhật Bản, Cộng hòa Hàn Quốc, Australia, Tân Tây Lan và các quốc gia có vai trò then chốt khác ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
h. Trong quan hệ với Hoa Kỳ, cần phải:
- Thực hiện chủ trương duy trì sự hợp tác ổn định và có thể dự báo được trên cơ sở các nguyên tắc bình đẳng, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau và tôn trọng lợi ích của nhau nhằm đưa hợp tác giữa hai nước lên tầm cao chiến lược mới.
- Củng cố sự ưu tiên nhằm cải thiện chất lượng hợp tác kinh tế thương mại, mở rộng hoạt động của Ủy ban Nga-Hoa Kỳ trực thuộc tổng thống, bảo đảm chế độ thương mại song phương bình đẳng và không phân biệt đối xử trong thương mại song phương trên cơ sở thường xuyên và vô điều kiện.
- Tích cực hoạt động nhằm không cho phép Hoa Kỳ áp đặt các lệnh cấm vận đơn phương bên ngoài lãnh thổ chống lại các quan chức pháp lý cũng như các công dân Nga.
- Thúc đẩy các sáng kiến liên quan đến việc tiếp tục tự do hóa chế độ cấp thị thực xuất nhập cảnh.
- Bảo đảm kiên trì thực hiện Hiệp ước giữa Liên bang Nga và Hoa Kỳ về các biện pháp tiếp tục cắt giảm và hạn chế vũ khí tiến công chiến lược mà hai nước đã ký kết ngày 8-4-2010.
- Phải xuất phát từ tình hình các cuộc đàn phán về tiếp tục cắt giảm vũ khí tiến công chiến lược chỉ có thể thực hiện được trong điều kiện tính đến tất cả các yếu tố ảnh hưởng đến sự ổn định chiến lược toàn cầu.
- Kiên trì đấu tranh để bảo vệ quan điểm của Nga liên quan đến việc xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa toàn cầu của Hoa Kỳ, đồng thời bảo đảm xây dựng những cơ sở bền vững để bảo đảm rằng hệ thống này không nhằm chống lại các lực lượng răn đe hạt nhân của Nga.
i. Tại khu vực châu Âu - Đại Tây Dương, cần phải:
- Tiếp tục hành động để xây dựng hệ thống an ninh công bằng và không thể tách rời trong không gian châu Âu-Đại Tây Dương trên cơ sở luật pháp quốc tế.
- Phát triển các mối quan hệ với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương trong điều kiện liên minh này tính đến các lợi ích của Liên bang Nga trong lĩnh vực an ninh và ổn định chiến lược, tôn trọng những nguyên tắc cơ bản của pháp lý quốc tế.
- Đề xuất sáng kiến nhằm tái cấu trúc Tổ chức về an ninh và hợp tác ở châu Âu nhằm biến tổ chức này thành một cơ chế hiệu quả trong quá trình hợp tác tập thể vì lợi ích của tất cả các nước thành viên.
- Ủng hộ hoạt động của Hội đồng châu Âu nhằm củng cố không gian pháp lý thống nhất đối với tất cả các quốc gia ở châu Âu.
k. Tiếp tục làm sâu sắc thêm mối quan hệ với các nước Mỹ Latinh và vùng biển Caribe; phối hợp quan điểm về chương trình nghị sự của các diễn đàn quốc tế, bảo đảm thực hiện các biện pháp nhằm thực hiện tiềm năng của các thị trường đang nổi ở Mỹ Latinh để củng cố vị thế của các hãng và công ty của Nga trong các lĩnh vực đang phát triển năng động của công nghiệp, năng lượng, truyền thông và giao thông vận tải, cũng như phát triển hợp tác với các tổ chức đa phương ở khu vực này.
l. Phát triển các mối quan hệ hữu nghị truyền thống với các nước châu Phi nhằm tiếp tục thúc đẩy các lợi ích kinh tế và địa chính trị của Liên bang Nga trên cơ sở hợp tác đa diện và các bên cùng có lợi, mở rộng cuộc tiếp xúc với Liên minh châu Phi và các tổ chức liên khu vực trong việc giải quyết các vấn đề của châu Phi.
m. Trong điều kiện xảy ra các tình huống khủng hoảng, cần phải:
- Tiếp tục đấu tranh để thực hiện chủ trương giải quyết các cuộc xung đột khu vực bằng các biện pháp chính trị và ngoại giao trên cơ sở hành động tập thể của cộng đồng quốc tế thông qua việc thu hút tất cả các bên có liên quan vào các cuộc đàm phán.
- Thúc đẩy quá trình dàn xếp toàn diện cho cuộc xung đột giữa các nước Arab với Israel trên cơ sở pháp lý quốc tế đã được công nhận.
- Ủng hộ việc thành lập ở Trung Đông các khu vực không có vũ khí sát thương hàng loạt và phương tiện mang loại vũ khí đó.
- Chủ trương giải quyết các cuộc xung đột nội bộ của các quốc gia trong khu vực Trung Đông và Bắc Phi bằng cách chấm dứt bạo lực xuất phát từ bất cứ bên nào, tiến hành đối thoại ở cấp độ quốc gia mà không cần điều kiện tiên quyết, trên cơ sở tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia, không can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia.
- Trên cơ sở song phương và phối hợp với các đối tác trong Tổ chức Hiệp ước an ninh tập thể và Tổ chức Hợp tác Thượng Hải cũng như trong khuôn khổ các đề án theo hướng Hội đồng Nga-NATO để giúp đỡ Cộng hòa Hồi giáo Afghanistan trong việc xây dựng một nhà nước dân chủ, hòa bình, động lực, có khả năng tự mình giải quyết các vấn đề chống khủng bố, chống ma tuý và tội phạm có tổ chức.
- Nỗ lực giải quyết tình hình liên quan đến chương trình hạt nhân của Iran bằng các phương tiện chính trị và ngoại giao, thông qua đối thoại, trên cơ sở từng bước và có thể chấp nhận được đối với các bên.
- Thúc đẩy giải quyết hòa bình, vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên trong khuôn khổ tiến trình đàm phán 6 bên và tiếp tục hoạt động nhằm xây dựng cơ chế hòa bình và ổn định ở Đông Bắc Á.
n. Tiếp tục hoạt động có định hướng để khẳng định đường biên giới của Liên bang Nga theo luật pháp quốc tế, bao gồm cả biên giới bên ngoài thềm lục địa và phân định các vùng lãnh hải tiếp giáp nhằm bảo đảm vô điều kiện lợi ích quốc gia của Nga, trước hết trong lĩnh vực an ninh và kinh tế, xuất phát từ nhiệm vụ củng cố lòng tin và hợp tác với các quốc gia có liên quan.
o. Thực hiện đường lối mang tính xây dựng nhằm củng cố sự hợp tác đa diện ở Bắc Cực trong điều kiện tôn trọng chủ quyền và cơ sở pháp lý của các quốc gia ở Bắc Cực.
p. Tiếp tục hoạt động nhằm duy trì và mở rộng sự hiện diện của Liên bang Nga ở Nam Cực dựa trên cơ sở sử dụng có hiệu quả các cơ chế và biện pháp đề ra trong Hiệp định về Nam Cực.
q. Nỗ lực thúc đẩy và bảo vệ lợi ích của các doanh nghiệp Nga trên thị trường quốc tế, bảo đảm các hoạt động ngoại giao cho các đề án kinh doanh của Nga, chống lại sự phân biệt đối xử đối với các tổ chức hoạt động kinh tế đối ngoại của Nga ở nước ngoài.
r. Trong lĩnh vực quan hệ nhân đạo quốc tế, cần phải:
- Tích cực hoạt động nhằm bảo vệ quyền con người, chống lại các hoạt động sử dụng quan niệm nhân quyền làm công cụ gây áp lực chính trị và can thiệp vào công việc nội bộ của các nước.
- Bảo đảm bảo vệ toàn diện quyền, quyền tự do và lợi ích hợp pháp của các công dân Nga ở trong nước cũng như ở nước ngoài, áp dụng các biện pháp nhằm mở rộng các cơ quan tham tán của Liên bang Nga ở nước ngoài, tăng đầu tư ngân sách từ ngân sách Liên bang cho các đề án có liên quan của Ủy ban Chính phủ phụ trách về công dân Nga ở nước ngoài và tổ chức phi thương mại "Quỹ hỗ trợ và bảo vệ quyền của các công dân Nga ở nước ngoài".
- Nỗ lực hoạt động để xây dựng cơ sở pháp lý bền vững và cơ chế nhằm bảo vệ có hiệu quả quyền và lợi ích hợp pháp của các trẻ em Nga được nhận làm con nuôi ở nước ngoài, trong đó có việc ký kết các hiệp định liên chính phủ tương ứng và chuẩn bị đề xuất về những thay đổi cần thiết trong luật pháp của Liên bang Nga.
- Mở rộng sự hiện diện văn hóa của Nga ở nước ngoài, củng cố vị thế của tiếng Nga trên thế giới, phát triển mạng lưới các Trung tâm khoa học và văn hóa Nga.
s. Nhằm nâng cao hiệu quả chính sách đối ngoại của Liên bang Nga, cần sử dụng có hiệu quả hơn tiềm năng ngoại giao nhân dân, thu hút xã hội Nga vào các hoạt động đối ngoại, củng cố sự hợp tác với Ban xã hội của Liên bang Nga, Tổ chức phi thương mại "Quỹ Ủng hộ ngoại giao nhân dân mang tên A.M.Gorchacov", với các tổ chức phi chính phủ khác có định hướng hoạt động đối ngoại, hỗ trợ họ tham gia rộng rãi hơn vào hoạt động của các diễn đàn đối thoại chính trị ở cấp chuyên gia, trong sự hợp tác nhân đạo quốc tế.
t. Hoàn thiện môi trường thông tin cho hoạt động đối ngoại nhằm tạo dựng cảm nhận khách quan về Liên bang Nga trên trường quốc tế.
u. Bảo đảm bảo vệ quyền của Liên bang Nga đối với các bất động sản ngoại giao ở nước ngoài; thúc đẩy việc giải quyết các vấn đề liên quan đến việc bố trí các đại diện ngoại giao của các nước trên lãnh thổ Liên bang Nga.
2. Giao cho Chính phủ Liên bang Nga soạn thảo chiến lược củng cố tiềm năng cán bộ và các nguồn lực của hệ thống Bộ Ngoại giao Liên bang Nga, Bộ Phát triển kinh tế Liên bang Nga, Cơ quan của Liên bang Nga phụ trách về Cộng đồng các quốc gia độc lập, các công dân Nga đang sống ở nước ngoài và về sự hợp tác nhân đạo quốc tế.
3. Bộ Ngoại giao Liên bang Nga cần phải:
a. Trước tháng 12-2012 đệ trình Dự thảo phiên bản mới Chiến lược đối ngoại của Liên bang Nga.
b. Đảm bảo phối hợp các hoạt động liên quan đến việc thực hiện Sắc lệnh này.
4. Sắc lệnh này có hiệu lực kể từ ngày công bố chính thức (7-5-2012)./.
Gập ghềnh chặng cuối con đường điện khí hóa nông thôn  (14/05/2012)
Tiếp tục thực hiện chính sách xóa đói, giảm nghèo và an sinh xã hội vùng đặc biệt khó khăn  (14/05/2012)
Tối 17-5 trao giải cuộc thi viết học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh  (14/05/2012)
Tối 17-5 trao giải cuộc thi viết học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh  (14/05/2012)
Hưng Yên: Chuẩn bị xuất bản cuốn sách Phố Hiến  (13/05/2012)
"Chiến lược năng lượng ở Pháp, suy ngẫm với Việt Nam"  (13/05/2012)
- Kinh nghiệm quản lý thị trường vàng của một số quốc gia và hàm ý chính sách cho Việt Nam
- Thu hút trí thức người Việt Nam ở nước ngoài cho phát triển nguồn nhân lực khoa học - công nghệ
- Chiến lược triển khai quyền chỉ huy, kiểm soát biển của Mỹ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương và một số tác động
- Một số chính sách lớn nhằm nâng cao hiệu quả ứng phó, giải quyết các vấn đề an ninh phi truyền thống, an ninh mạng ở Việt Nam hiện nay
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên