TCCS - Khi tỷ lệ hộ gia đình có điện hiện nay của nước ta đạt 96%, nhiều người nghĩ rằng với số phần trăm ít ỏi còn lại, con đường đưa điện về nông thôn sẽ dễ dàng. Tuy nhiên thực tế, trước khi có thể cán đích, chặng cuối của con đường trên vẫn còn rất nhiều khó khăn phải vượt qua…
Điện khí hóa nông thôn - câu chuyện của một kỳ tích

Con đường đưa điện về nông thôn của Việt Nam là một kỳ tích đã được thế giới ghi nhận. Kỳ tích bởi nếu năm 1975, Việt Nam chỉ có số lượng ít ỏi là 2,5% số hộ gia đình (1,2 triệu dân) có điện, thì năm 1996 tỷ lệ trên đã tăng lên 50% (50 triệu dân) và năm 2010 đạt hơn 96% số hộ gia đình (82 triệu dân). Như vậy, chỉ trong vòng 15 năm gần đây, đã có thêm 30 triệu người được sử dụng điện! Một khối lượng công việc đồ sộ, nguồn tài chính và công sức khổng lồ, có cả hy sinh, mất mát, đã đầu tư cho sự nghiệp to lớn trên. Đây là điều không phải quốc gia nào điều kiện kinh tế còn thấp như Việt Nam, với thời gian như thế, cũng có thể làm được.

Riêng vùng nông thôn, hiện nay 99% số xã (khoảng 9.000 xã) đã kết nối với lưới điện. Ánh sáng của nguồn điện mang theo ánh sáng sự phát triển về mọi mặt trong đời sống người dân nông thôn, miền núi, góp phần thu hẹp khoảng cách chênh lệch về phát triển giữa các vùng, miền. Tuy nhiên, như Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã nhận định về chặng cuối sự nghiệp điện khí hóa nông thôn: “Sẽ là sai khi cho rằng đây là một tiến trình hoàn toàn suôn sẻ. Vẫn còn nhiều việc phải làm để mang điện đến cho khoảng 5 triệu người nữa”.

Khối lượng đồ sộ - tốc độ… “rùa bò”

Đó là đánh giá của ông Văn Tiến Hùng, Giám đốc dự án “Năng lượng nông thôn II” (RE2), của Ngân hàng Thế giới, đối với tiến độ triển khai chậm dự án trên. RE2 và phần tài trợ bổ sung của nó là dự án lớn mà Ngân hàng Thế giới cho Chính phủ Việt Nam vay với số tiền hơn 450 triệu USD, không chỉ tập trung gia tăng số lượng kết nối mới như dự án giai đoạn I (RE1), mà còn cải tạo hệ thống điện hiện có (cả trung và hạ áp) để nâng cao chất lượng cung cấp điện cho khoảng 1.500 xã.

Tuy nhiên, do năng lực hạn chế của nhiều ban quản lý dự án thuộc các tỉnh, thành phố (liên quan tới nhân lực, đấu thầu, giải phóng mặt bằng, thi công), nên hiện nay tiến độ dự án đã đi qua ba phần tư chặng đường, nhưng mới giải ngân được khoảng 247 triệu USD (54%). Với tiến độ như vậy, theo ông Hùng, khi hiệp định ký với Ngân hàng Thế giới đóng vào tháng 6-2014, thì có thể sẽ xảy ra rủi ro rất cao là tốc độ giải ngân của dự án trên không kịp, đồng nghĩa với khoảng 70 triệu USD là số tiền các địa phương không... tiêu hết, sẽ phải tự bỏ tiền của mình ra để trả! Theo ông Nguyễn Tấn Lộc, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), tình trạng trên là một sự lãng phí lớn, nhất là trong bối cảnh hiện nay chúng ta đang rất “khát vốn” cho điện nông thôn.

Tuy nhiên, những vướng mắc của RE2 chỉ là một trong rất nhiều khó khăn cần giải quyết của chặng cuối con đường đưa điện về nông thôn. Gần 5 triệu người dân (khoảng hơn 1 triệu hộ gia đình) chưa có điện đều ở những vùng nông thôn, miền núi, hải đảo xa nhất của đất nước. Không chỉ cách trở về địa lý, mà đời sống của đồng bào cũng đang hết sức khó khăn.

Chặng cuối, nhưng con đường lại... gập ghềnh khôn xiết!

Xử lý bất cập trong quản lý, kinh doanh điện nông thôn

Trước năm 2000, hệ thống lưới điện nông thôn - hệ thống hạ áp ở các xã trên cả nước do bốn nhóm mô hình kinh doanh quản lý và vận hành, gồm: chính quyền cơ sở trực tiếp quản lý (ban quản lý điện của xã, huyện), cai thầu và phòng điện trực thuộc tỉnh, công ty điện lực tỉnh trực tiếp quản lý hệ thống bán lẻ điện. Trong các mô hình trên, chiếm đa phần là các ban quản lý điện của cấp xã.

Những mô hình quản lý trên bộc lộ rất nhiều hạn chế, nhất là về năng lực kỹ thuật và tài chính, dẫn tới thiết kế và xây dựng mạng lưới hạ áp chất lượng kém, hao tổn và thất thoát điện năng rất lớn (có nơi lên đến 50%). Năng lực tài chính yếu do không có tư cách pháp lý để huy động và vay vốn, nên không có điều kiện duy tu, nâng cấp lưới hạ áp. Tài chính thiếu minh bạch do bán điện không có hóa đơn, chứng từ, không chịu bất kỳ trách nhiệm hoặc kiểm soát tài chính nào.

Tất cả gánh nặng do quản lý kém và mập mờ về tài chính trên được các ban quản lý điện của địa phương “đổ” hết vào giá điện và thế là người tiêu dùng ở nông thôn “gánh đủ”! Hệ lụy là xảy ra nghịch lý, người nông dân thu nhập thấp nhưng phải mua điện với giá cao ngất ngưởng, hơn nhiều lần so với người dùng điện ở thành thị. Theo thống kê của Ngân hàng Thế giới, năm 1998, chỉ có 47,5% số khách hàng thanh toán ở mức giá thấp hơn 700 đồng/kWh theo quy định (Chính phủ phê duyệt mức giá trần bán cho hộ gia đình sử dụng điện nông thôn vào năm 1998), còn lại đều phải trả cao hơn, có nơi cao gấp nhiều lần.   

Với những bất cập trên, hoạt động quản lý và kinh doanh điện đã được chấn chỉnh, theo đó, các ban quản lý điện cấp xã, huyện giảm xuống, đồng thời chuyển đổi thành các đơn vị phân phối địa phương có tư cách pháp lý. Quá trình sáp nhập các đơn vị phân phối nhỏ - chủ yếu là các hợp tác xã, công ty cổ phần có năng lực yếu - vào nhau và quá trình tiếp quản của công ty điện lực tỉnh đối với những đơn vị phân phối nhỏ trên đã diễn ra song hành. Đến năm 2010, các công ty điện lực tỉnh, thành phố đã nắm và cung cấp điện cho ba phần tư số hộ gia đình nông thôn. Các công ty điện lực sử dụng hình thức dịch vụ đại lý bằng cách đào tạo và thuê người dân trong xã đảm nhận những công việc như đọc công-tơ, phát hóa đơn, thu tiền điện, giám sát các hành lang tuyến và sửa chữa nhỏ hệ thống điện gia dụng. Cách làm trên vừa giảm chi phí hoạt động, vừa tạo thêm việc làm cho người dân địa phương.

Quá trình tiếp nhận lưới điện hạ áp về ngành điện sẽ bảo đảm những điều kiện về kỹ thuật, độ an toàn, ổn định về chất lượng điện phân phối đến tay người tiêu dùng. Song mạng lưới hạ áp này hiện nay hầu hết đều đã xuống cấp. Theo thông tin từ EVN, lưới điện hạ áp của khoảng 3.000 xã sẽ phải cải tạo, nâng cấp đạt tiêu chuẩn hiện hành của Việt Nam, kinh phí theo dự toán sơ bộ là 40.000 tỉ đến 60.000 tỉ đồng ! Chưa kể công sức phải bỏ ra, thì nguồn lực tài chính lớn trên cũng sẽ là một trở ngại nữa cho việc hoàn thiện hệ thống lưới điện nông thôn.

Vai trò chủ lực của ngành điện

Tham gia vào quá trình điện khí hóa nông thôn, EVN là lực lượng chủ lực trong thực hiện nhiệm vụ chính trị quan trọng trên. Nhận thức rõ nhu cầu rất cao về điện của người dân nông thôn, ngay khi mới được thành lập, EVN đã thí điểm làm điện nông thôn tại một số xã trên cả nước. Tuy nhiên, do khả năng không có lợi nhuận của lĩnh vực này và giới hạn về tài chính khi đó, nên những bước đi ban đầu trên đã phải dừng lại, cùng nỗi trăn trở phải giải được bài toán về tài chính để đi tiếp con đường đưa điện về nông thôn.

Sự ra đời của nhiều văn bản quan trọng của Chính phủ sau đó, nhất là Quyết định Số 22/1999/QĐ-TTg, phê duyệt “Đề án điện khí hóa nông thôn đến năm 2000” và Luật Điện lực năm 2004, là những bước ngoặt căn bản để EVN có cơ chế tạo nguồn lực tài chính bền vững (đầu tư sinh lời), tham gia chính thức và chủ lực vào quá trình điện khí hóa nông thôn.

Với kinh nghiệm của mình, việc tham gia của EVN là tác nhân chính giúp lưới điện nông thôn đáp ứng được các yêu cầu kỹ thuật, bảo đảm chất lượng điện và sự bền vững dài hạn cho hệ thống. Điều này càng có ý nghĩa khi hiện nay, điện khí hóa nông thôn đã đạt chỉ tiêu cơ bản về số lượng và chuyển trọng tâm đầu tư sang chất lượng phân phối.

Đối với việc đầu tư cho điện nông thôn, nơi có khả năng sinh lời ít, thì trách nhiệm của EVN vẫn là chủ lực, trong mối quan hệ và hỗ trợ chặt chẽ của chính quyền địa phương, cộng đồng dân cư, tránh tình trạng “vênh nhau” giữa các bên. Chẳng hạn hiện nay, do quản lý phần trung áp thuộc về ngành điện, hạ áp thuộc về chính quyền địa phương, nên trong nhiều dự án, sự phối hợp không đồng bộ về kỹ thuật và tiến độ thi công giữa hai bên khiến có nơi phần trung áp được thực hiện xong nhưng đành ngừng dang dở chưa rõ thời hạn việc đấu nối vì phần hạ áp chưa xong và ngược lại, gây nhiều lãng phí.

Xã hội hóa, chia sẻ chi phí, trách nhiệm, quyền lợi của các bên tham gia được cho là một bài học kinh nghiệm quý báu của quá trình điện khí hóa nông thôn. Ông Nguyễn Tấn Lộc, Phó Tổng Giám đốc EVN khẳng định, đối với điện khí hóa nông thôn, EVN nhận nhiệm vụ đi tuyến đầu, đứng mũi chịu sào, nhưng EVN rất cần sự chia sẻ, gánh vác chung của các bộ có liên quan, các cấp chính quyền địa phương và cộng đồng dân cư, để thực hiện hiệu quả việc đưa điện về cho nhân dân. Vai trò chủ lực và đóng góp của EVN trong sự nghiệp điện khí hóa nông thôn được minh chứng sống động bằng nỗ lực của các đơn vị thành viên trực thuộc Tập đoàn.

Tổng Công ty Điện lực miền Bắc (NPC) là đơn vị nòng cốt của EVN, đang đảm nhiệm phần việc nhiều nhất so với các tổng công ty khác của Tập đoàn. Chỉ riêng Dự án RE2 như đã nêu (cả dự án gốc và mở rộng đợt 1,2), NPC phải thực hiện đấu nối điện cho 1.607 xã, thuộc 322 huyện. Theo ông Thiều Kim Quỳnh, Phó Tổng Giám đốc NPC, khối lượng công việc đồ sộ như trên, cộng với địa bàn nhiều xã NPC quản lý hiện nay (khoảng 3.000 xã) ở những vùng heo hút, địa hình hiểm trở, đồng bào sống phân tán, nên việc đưa điện đến cho bà con càng khó khăn. “Chưa nói tới những việc lớn, thì riêng chuyện anh em đi lại để giám sát, thi công đã quay vòng như con thoi triền miên, ròng rã”, ông Quỳnh chia sẻ, “Nhưng xác định đây còn là một nhiệm vụ chính trị lớn, nên NPC quyết tâm làm bằng được, dù khó khăn đến mấy”, NPC vẫn triệt để tận dụng những nguồn vốn vay ưu đãi như RE2 để đầu tư, tiết kiệm chi phí, dù áp lực giải ngân là rất lớn, hạn chế thấp nhất những nguồn vốn vay thương mại.

Theo khảo sát và tính toán của Ngân hàng Thế giới, chi phí đầu tư trung bình cho mỗi hộ gia đình trong việc mở rộng mạng lưới điện tại các vùng nông thôn xa nhất là 340 USD (năm 2008 - hiện nay đã cao hơn). Đó là nguồn kinh phí khá lớn, nhưng cũng nên thấy rằng, những lợi ích phúc lợi (tăng thu nhập, giáo dục, văn hóa…) từ việc có điện mang lại cho mỗi người dân lớn gấp nhiều lần con số trên. Thực tiễn đã chứng minh, điện khí hóa nông thôn là một chiến lược đúng đắn, mang tầm nhìn dài hạn và đạt những thành công to lớn của Chính phủ Việt Nam. Vì những lẽ đó, kỳ vọng những người có trách nhiệm và có tâm với sự nghiệp trên sẽ vững vàng tiếp bước đi tới chặng cuối để hoàn thành sứ mệnh vẻ vang này./.