Mỹ rút khỏi Thỏa thuận hạt nhân Iran đặt ra nhiều thách thức
TCCSĐT - Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tuyên bố rút Mỹ khỏi Thỏa thuận hạt nhân Iran được ký kết giữa Iran và nhóm P5+1 (gồm Anh, Pháp, Mỹ, Trung Quốc, Nga và Đức) hồi năm 2015, hay còn được gọi là Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA). Dư luận quốc tế đã bày tỏ sự quan ngại sâu sắc trước quyết định này của nhà lãnh đạo Mỹ.
Trong bài phát biểu chiều 08-5-2018 (rạng sáng 09-5 theo giờ Hà Nội), Tổng thống Mỹ D. Trump đã tuyên bố rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran. Tổng thống Mỹ Trump đã ủng hộ những lập luận gần đây của Israel về Iran khi đưa ra quyết định trên. Ông cho biết ông sẽ bắt đầu triển khai “mức cao nhất” của các biện pháp trừng phạt kinh tế nhằm vào Iran.
Tổng thống Mỹ D. Trump nhấn mạnh: “Tôi sẽ ký một bản ghi nhớ của tổng thống để bắt đầu khôi phục các biện pháp trừng phạt của Mỹ liên quan tới vấn đề hạt nhân nhằm vào chính quyền Iran. Chúng tôi sẽ bắt đầu áp đặt mức cao nhất của các biện pháp trừng phạt”. Theo ông D. Trump, thỏa thuận trên bị khiếm khuyết ngay từ bên trong. Ông đe dọa Iran sẽ gặp phải “những vấn đề lớn hơn” nếu tiếp tục theo đuổi chương trình phát triển hạt nhân. Ông khẳng định đây sẽ không phải là những đe dọa “sáo rỗng”.
Quan ngại sâu sắc
Ngay sau tuyên bố của Tổng thống D. Trump, phát biểu trên truyền hình nhà nước Iran, Tổng thống Iran H. Rouhani bày tỏ mong muốn thảo luận về quyết định của ông D. Trump với các bên ở châu Âu, Nga và Trung Quốc. Bên cạnh đó, ông khẳng định Iran sẽ vẫn nỗ lực thực hiện thỏa thuận hạt nhân đa phương này sau quyết định của Mỹ. Tuy nhiên, ông H. Rouhani cũng tuyên bố, nếu các lợi ích quốc gia của Iran không được đáp ứng, Tehran sẽ nối lại hoạt động làm giàu urani công nghiệp ở tốc độ thông thường. Nhà lãnh đạo Iran cho biết, ông đã ra lệnh cho Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Iran (AEOI) tiến hành các bước chuẩn bị cần thiết để đẩy nhanh các hoạt động làm giàu urani nếu JCPOA chỉ còn trên giấy.
Ông phát biểu: “Nếu chúng tôi đạt được các mục tiêu trong thỏa thuận khi phối hợp với các bên còn lại, thỏa thuận này sẽ vẫn có hiệu lực... Bằng cách rút khỏi thỏa thuận, Mỹ đã chính thức hủy hoại cam kết của mình đối với một thỏa thuận quốc tế”. Theo ông H. Rouhani, Tehran luôn tuân thủ những cam kết đối với thỏa thuận hạt nhân, trong khi Washington không bao giờ thực hiện những trách nhiệm của họ. Trong khi đó, truyền hình nhà nước Iran cũng bình luận rằng, quyết định nói trên của Tổng thống D. Trump là hành động “bất hợp pháp, không chính đáng và hủy hoại các thỏa thuận quốc tế”.
Phó Tổng thống Iran E. Jahangiri tuyên bố Tehran sẵn sàng đối phó với bất kỳ kịch bản nào. Hãng thông tấn Tasnim dẫn phát biểu của Phó Tổng thống Jahangiri nêu rõ: “Chúng tôi sẵn sàng đối phó với bất kỳ kịch bản nào có thể xảy ra… Nếu Mỹ đã vi phạm thỏa thuận, sẽ là ngây thơ khi đàm phán lại với nước này”. Tổng tham mưu trưởng Các lực lượng vũ trang Iran, Thiếu tướng M. Bagheri tuyên bố, năng lực quân sự của Iran có thể ngăn chặn bất kỳ mối đe dọa nào nhằm vào nước Cộng hòa Hồi giáo này. Thư ký Hội đồng An ninh Quốc gia Tối cao Iran Ali Shamkhani khẳng định, việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân ký năm 2015 sẽ không có lợi cho Washington vì Tehran sẽ không đưa ra bất kỳ nhượng bộ mới nào.
Tổng Thư ký Liên hợp quốc A. Guterres đã bày tỏ quan ngại sâu sắc trước quyết định rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran của Mỹ. Ông A. Guterres nhấn mạnh rằng, thỏa thuận hạt nhân Iran là thành tựu lớn về mặt ngoại giao và không phổ biến hạt nhân, góp phần bảo đảm an ninh, hòa bình khu vực và quốc tế. Tổng Thư ký Liên hợp quốc cũng đồng thời kêu gọi các bên tham gia ký kết thỏa thuận hạt nhân Iran tiếp tục tuân thủ đầy đủ các cam kết của mình và các quốc gia thành viên Liên hợp quốc ủng hộ thỏa thuận này.
Đại diện cấp cao của Liên minh châu Âu (EU) về chính sách an ninh và đối ngoại F. Mogherini tuyên bố EU xác định bảo toàn thỏa thuận hạt nhân Iran, bất chấp việc Tổng thống D. Trump đã tuyên bố rút nước Mỹ khỏi thỏa thuận này.
Bà F. Mogherini nhấn mạnh thỏa thuận năm 2015 đã đạt được mục đích là bảo đảm Iran không phát triển vũ khí hạt nhân, đồng thời kêu gọi nhân dân Iran và các lãnh đạo nước này tôn trọng thỏa thuận sau quyết định của Tổng thống Mỹ. Đại diện cấp cao EU cũng bày tỏ đặc biệt lo ngại trước thông báo của Tổng thống D. Trump về những lệnh trừng phạt mới đối với Iran và khẳng định EU sẽ hành động để bảo vệ những lợi ích kinh tế của mình. Bà F. Mogherini đánh giá miễn là Iran tiếp tục thực hiện các cam kết liên quan đến chương trình hạt nhân như họ đã và đang làm, EU sẽ tiếp tục thực hiện một cách đầy đủ và hiệu quả các nội dung của thỏa thuận hạt nhân với nước này. Bà cũng nhấn mạnh, EU hoàn toàn tin tưởng vào công việc, thẩm quyền và sự độc lập của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) khi cơ quan này đã công bố 10 báo cáo xác nhận rằng, Iran đã hoàn toàn tuân thủ các cam kết của mình.
Các đồng minh của Mỹ tại châu Âu cũng bày tỏ sự thất vọng trước quyết định của Tổng thống Mỹ. Thủ tướng Anh T. May bày tỏ rất lấy làm tiếc về quyết định của Tổng thống D. Trump rút khỏi thỏa thuận hạt nhân ký với Iran năm 2015. Bà T. May cũng khẳng định Anh sẽ vẫn tiếp tục duy trì thỏa thuận, cho rằng thỏa thuận này giúp cho thế giới “an toàn hơn”.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Đức H. Maas tuyên bố Đức sẽ nỗ lực duy trì thỏa thuận hạt nhân Iran “quan trọng” bất chấp quyết định của Tổng thống D. Trump, khi mà theo ông, thỏa thuận này “ bảo đảm cho Trung Đông và toàn bộ thế giới an toàn hơn”.
Viết trên tài khoản Twitter, Tổng thống Pháp E. Macron cho biết: “Pháp, Đức và Anh lấy làm tiếc về quyết định của Mỹ rời khỏi JCPOA. Cơ chế không phổ biến vũ khí hạt nhân này đang bị đe dọa. Chúng tôi sẽ cùng phối hợp trong một khuôn khổ rộng hơn, bao gồm cả hoạt động hạt nhân, giai đoạn hậu 2025, hoạt động đạn đạo và sự ổn định ở Trung Đông, đặc biệt là Syria, Yemen và Iraq”.
Từ Moscow, Bộ Ngoại giao Nga ra tuyên bố bày tỏ thất vọng sâu sắc trước quyết định của Tổng thống D. Trump đơn phương từ bỏ thỏa thuận hạt nhân Iran. Bộ Ngoại giao Nga khẳng định, đây là một thỏa thuận mang tính đa phương, đã được Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thông qua bằng Nghị quyết 2231 năm 2015. Kế hoạch hành động theo thỏa thuận không chỉ phụ thuộc vào Mỹ mà còn là thành tựu của toàn bộ cộng đồng quốc tế giúp tăng cường an ninh, hòa bình khu vực và quốc tế, cũng như chế độ không phổ biến hạt nhân. Bộ Ngoại giao Nga cho rằng, với tuyên bố rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, Washington một lần nữa hành động ngược lại với quan điểm của phần lớn các nước trên thế giới, vì những lợi ích “cơ hội và hẹp hòi” của mình và vi phạm các tiêu chuẩn của luật pháp quốc tế. Bộ Ngoại giao Nga khẳng định Moscow để ngỏ việc phối hợp với các bên tham gia thỏa thuận hạt nhân Iran và sẽ tiếp tục tích cực phát triển quan hệ song phương và đối thoại chính trị với Iran.
Người phát ngôn của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, ông I. Kalin nhận định, việc Mỹ đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran sẽ gây ra tình trạng bất ổn và xung đột mới. Ông I. Kalin cho biết, thỏa thuận hạt nhân Iran sẽ vẫn tiếp tục có hiệu lực với các quốc gia còn lại, đồng thời nhấn mạnh Thổ Nhĩ Kỳ luôn phản đối vũ khí hạt nhân dưới bất cứ hình thức nào.
Các nước Trung Đông đã lên tiếng bày tỏ quan điểm sau khi Tổng thống D. Trump tuyên bố quyết định rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, trong đó có những ý kiến trái chiều. Bộ Ngoại giao Syria trong một tuyên bố cho biết nước này kịch liệt lên án quyết định của Tổng thống D. Trump rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, cho rằng động thái mới nhất của nhà lãnh đạo Mỹ sẽ làm gia tăng căng thẳng trên thế giới. Trong khi đó, Saudi Arabia đã hoan nghênh quyết định của Tổng thống D. Trump. Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Saudi Arabia nêu rõ: “Iran đã sử dụng các thành quả kinh tế có được từ việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt để tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động gây bất ổn trong khu vực, đặc biệt bằng cách phát triển các tên lửa đạn đạo và hỗ trợ các nhóm khủng bố trong khu vực”. Thủ tướng Israel B. Netanyahu cũng tuyên bố hoàn toàn ủng hộ quyết định của Tổng thống D. Trump, coi đây là quyết định “lịch sử”. Ông B. Netanyahu tái khẳng định Israel phản đối JCPOA ngay từ đầu với lập luận rằng, thỏa thuận này thay vì ngăn cản lại mở đường cho Iran tiến tới sở hữu một kho vũ khí hạt nhân chỉ trong vòng vài năm tới.
Nhiều thách thức đặt ra
Lâu nay, sự nghi kỵ vẫn luôn là trở ngại trong quan hệ song phương giữa Mỹ và Iran. Washington cho rằng, khoảng thời gian 10 năm từ (2015-2025) - thời điểm JCPOA hết hạn, là quá ngắn ngủi. Thay vì giúp hạn chế, theo Nhà Trắng, JCPOA có thể giúp Iran “câu giờ” để hoàn thiện chương trình phát triển hạt nhân vốn bị phương Tây nghi ngờ nhằm mục đích chế tạo bom nguyên tử. Đó là chưa kể làm sao có thể kiểm soát được chương trình hạt nhân của nước này giai đoạn hậu 2025.
Chính vì vậy, việc Tổng thống D. Trump rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran là một quyết định không gây bất ngờ. Cũng sẽ là hợp lý khi cho rằng, quyết định rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran của Tổng thống D. Trump nhằm gây sức ép buộc Iran phải thay đổi chính sách tại Trung Đông. Trên thực tế, Washington không hề giấu giếm thái độ không hài lòng trước việc Tehran gia tăng ảnh hưởng tại Syria, Yemen và Liban thông qua các lực lượng ủy nhiệm bởi điều này đang khiến Israel và Saudi Arabia đứng ngồi không yên. Tel Aviv và Riyadh xem “sự hiện diện” của Iran tại Syria, Yemen hay Liban là “mối đe dọa” trực tiếp tới an ninh của họ. Vì vậy, việc Nhà Trắng muốn gây sức ép buộc Iran phải thay đổi chính sách tại Trung Đông là để trấn an các đồng minh thân cận trong khu vực.
Có thể thấy, hơn 2 năm trước, thế giới đã hân hoan đón chào JCPOA - kết quả của gần 12 năm đàm phán đầy gian truân giữa Nhóm P5+1 và Iran, được đánh giá là một thỏa thuận mang tầm lịch sử “cùng thắng” cho tất cả các bên liên quan. Đối với Iran, việc “chiếc vòng kim cô” trừng phạt của quốc tế vốn “siết chặt” nước Cộng hòa Hồi giáo trong nhiều năm, được dỡ bỏ giúp Tehran thoát khỏi tình trạng bị cô lập, mở ra giai đoạn mới cho quan hệ giữa nước này với khu vực và thế giới. Trong khi đó, JCPOA cũng đem lại những lợi ích to lớn về kinh tế cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư Mỹ và phương Tây vốn bị loại khỏi thị trường Iran vài thập niên qua. Không chỉ có thế, việc ký kết JCPOA còn là minh chứng cho thấy căng thẳng và đối đầu có thể được hóa giải bằng con đường ngoại giao, đồng thời là một khởi đầu tốt đẹp cho những nỗ lực chống phổ biến vũ khí hạt nhân trên toàn thế giới.
Việc Mỹ rút khỏi JCPOA sẽ kéo theo những hệ lụy tất yếu khi không chỉ khiến căng thẳng giữa Mỹ và Iran bị đẩy lên một nấc thang mới mà sẽ gây trở ngại cho quan hệ giữa Washington với các đồng minh châu Âu Anh, Pháp và Đức, vốn luôn nỗ lực duy trì thỏa thuận này. Cùng với đó là nguy cơ gia tăng căng thẳng giữa Mỹ với Nga và Trung Quốc, hai quốc gia thành viên Nhóm P5+1 vốn ủng hộ JCPOA.
Không những thế, việc Mỹ rút khỏi JCPOA có thể đẩy tương lai của chương trình hạt nhân Iran vào tình trạng lấp lửng, đồng thời sẽ là một đòn mạnh giáng vào uy tín của chính Washington nói riêng và nỗ lực ngăn chặn phổ biến vũ khí hạt nhân trên thế giới nói chung. Kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ hai, Mỹ nổi lên như một cường quốc không thể thiếu được trên vũ đài quốc tế một phần nhờ vai trò lãnh đạo của nước này trong hệ thống các hiệp ước và liên minh dựa trên các quy tắc toàn cầu. Tuy nhiên, việc Mỹ rút khỏi JCPOA đã tạo nên tiền lệ khiến dư luận khó có thể tin tưởng bất kỳ cam kết quốc tế nào do chính Mỹ khởi xướng, vì lo ngại nó có thể dễ dàng bị đảo ngược.
Về kinh tế, việc Mỹ rút khỏi JCPOA cũng gây rủi ro đối với các nhà đầu tư Mỹ và phương Tây liên quan tới những hợp đồng trị giá hàng chục tỷ USD đã ký với Iran sau khi JCPOA có hiệu lực. Đồng thời, việc Mỹ tuyên bố tái áp đặt các biện pháp trừng phạt Iran sẽ tác động lớn tới thị trường dầu mỏ bởi Iran là một trong những quốc gia xuất khẩu dầu mỏ hàng đầu thế giới. Cụ thể, ngay sau khi Mỹ tuyên bố rút khỏi JCPOA, cũng như áp đặt trở lại các biện pháp trừng phạt nhằm vào Iran, thị trường “vàng đen” của thế giới đã biến động mạnh trong phiên giao dịch ngày 09-5. Cụ thể, giá dầu Brent tại thị trường London tăng lên mức 77,2 USD/thùng, mức cao nhất kể từ tháng 11-2014. Trong khi đó, giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ tăng 2,8%, đứng ở mức 70,96 USD/thùng, gần tới mức cao nhất của cuối năm 2014.
Còn đối với Iran, với một danh sách dự kiến đầy đủ các biện pháp trừng phạt, bao gồm trừng phạt hoạt động nhập khẩu dầu thô từ Iran, tình hình kinh tế của Iran sẽ trở nên khó khăn.
Trước những nguy cơ trên, các chuyên gia phân tích cho rằng, việc Mỹ quyết định rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran sẽ đặt khu vực Trung Đông cũng như thế giới trước những thách thức nghiêm trọng./.
Hội nghị Trung ương 7: Cải cách đáp ứng nguyện vọng của người lao động  (10/05/2018)
Hội nghị Trung ương 7 khóa XII: Cải cách chính sách bảo hiểm xã hội  (10/05/2018)
Người bí thư chi bộ thôn tâm huyết với xây dựng nông thôn mới  (10/05/2018)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Quan điểm và ứng xử của Trung Quốc trước tình hình thế giới mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên