TCCS - Trong mỗi giai đoạn lịch sử, chính sách dân tộc của Việt Nam luôn được bổ sung, sửa đổi, hoàn thiện nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn và sự phát triển của đất nước. Đặc biệt, trong thời kỳ đổi mới, các nguyên tắc, quan điểm cơ bản về vấn đề dân tộc tiếp tục được khẳng định và bổ sung nhằm phát huy mọi nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Nhận thức mới, tư duy mới về vấn đề dân tộc của Đảng
Vấn đề dân tộc, chính sách dân tộc có vai trò và vị trí đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta. Có thể khẳng định, chính sách dân tộc của Đảng ta luôn được quán triệt và triển khai thực hiện nhất quán trong suốt hơn 90 năm qua theo nguyên tắc: bình đẳng, đoàn kết, tương trợ trên tinh thần tôn trọng, giúp đỡ lẫn nhau, hướng tới mục tiêu xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Tìm hiểu chính sách dân tộc của Việt Nam trong hơn 90 năm qua, đặc biệt là trong thời kỳ đổi mới, có thể thấy một số nội dung cơ bản sau:
Thứ nhất, giải quyết đúng đắn vấn đề dân tộc là một trong những nhiệm vụ có tính chất chiến lược của cách mạng Việt Nam. Trong tất cả các văn kiện Đại hội Đảng thời kỳ đổi mới đều xác định, vấn đề dân tộc “có vị trí chiến lược lớn’’, “luôn luôn có vị trí chiến lược’’, “có vị trí chiến lược lâu dài trong sự nghiệp cách mạng nước ta"... Việc xác định vị trí chiến lược lâu dài của công tác dân tộc chính là xuất phát từ đặc điểm của cộng đồng dân tộc ở nước ta. Bởi vì, vấn đề dân tộc vừa là vấn đề giai cấp, vừa là vấn đề quốc phòng - an ninh và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ trong điều kiện của một quốc gia đa tộc người, đa dạng về văn hóa như ở Việt Nam. Đó là một đặc điểm lớn, là đặc trưng, diện mạo lịch sử, văn hóa của Việt Nam. Nếu các văn kiện Đại hội Đảng từ lần thứ II đến lần thứ V đều nhấn mạnh nguyên tắc “Đoàn kết, bình đẳng giữa các dân tộc’’, thì từ lần thứ VI đến lần thứ XI, nguyên tắc này tiếp tục được khẳng định và bổ sung là: “Đoàn kết, bình đẳng, giúp đỡ lẫn nhau’’ (Đại hội VI, VII), “Bình đẳng, đoàn kết, tương trợ’’ (Đại hội VIII), “Bình đẳng, đoàn kết, tương trợ, giúp nhau cùng phát triển’’ (Đại hội IX), “Bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp đỡ nhau cùng tiến bộ’’ (Đại hội X), “Bình đẳng, đoàn kết, giúp đỡ nhau cùng tiến bộ” (Đại hội XI), “Bình đẳng, đoàn kết, giải quyết hài hòa quan hệ giữa các dân tộc, giúp nhau cùng phát triển” (Đại hội XII). Đến Đại hội XIII, Đảng ta tiếp tục khẳng định vị trí chiến lược của chính sách đoàn kết các dân tộc trên cơ sở “bảo đảm các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp nhau cùng phát triển”.
Đảng ta luôn quan tâm xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, coi đó là nhân tố quan trọng, có ý nghĩa then chốt đối với sự phát triển đất nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhấn mạnh: “Chính sách dân tộc của chúng ta là nhằm thực hiện sự bình đẳng, giúp nhau giữa các dân tộc để cùng nhau tiến lên chủ nghĩa xã hội”(1). Chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc của Đảng ta không chỉ hướng tới mục tiêu xây dựng đất nước Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, mà còn phát huy các giá trị truyền thống quý báu của từng dân tộc, của mỗi thành viên trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam, tạo thành sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc. Đó là cơ sở để thực hiện thắng lợi đường lối, chính sách dân tộc của Đảng, là động lực mạnh mẽ của tiến trình phát triển đất nước hiện nay.
Thứ hai, bình đẳng giữa các dân tộc là quyền ngang nhau của các dân tộc, không phân biệt dân tộc đó là đa số hay thiểu số, trình độ văn hóa, dân trí cao hay thấp, là bình đẳng trên mọi lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội và được bảo đảm bằng pháp luật. Theo đó, bình đẳng giữa các dân tộc thể hiện trước hết ở sự bảo đảm và tạo mọi điều kiện để các dân tộc có cơ hội phát triển ngang nhau. Điều này được Đảng ta khẳng định nhất quán trong các văn kiện Đại hội Đảng thời kỳ đổi mới. Do đó, Đảng và Nhà nước ban hành nhiều đường lối, chính sách phát triển kinh tế - xã hội chung cho cả nước, đồng thời cũng ban hành những đường lối, chính sách phát triển kinh tế - xã hội đặc thù cho các dân tộc thiểu số, vùng dân tộc thiểu số.
Theo quan điểm của Đảng, thực hiện chính sách bình đẳng giữa các dân tộc là cơ sở để bảo đảm công bằng xã hội giữa các dân tộc. Thực hiện chính sách bình đẳng giữa các dân tộc phải trải qua một quá trình lâu dài, còn thực hiện công bằng xã hội giữa các dân tộc có thể đạt được trong một thời gian nhất định, bởi tiêu chí công bằng xã hội luôn gắn với từng giai đoạn lịch sử. Công bằng xã hội không có nghĩa là cào bằng, dàn đều, mà thể hiện ở khâu phân phối tư liệu sản xuất và phân phối kết quả sản xuất, ở việc tạo điều kiện cho mọi người, mọi cộng đồng, dân tộc có cơ hội phát triển và sử dụng tốt năng lực, tiềm năng, thế mạnh của mình.
Thứ ba, tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau giữa các dân tộc là quan điểm xuyên suốt của Đảng trong thời kỳ đổi mới. Đại hội VI của Đảng khẳng định: “Trong việc phát triển kinh tế, xã hội ở những nơi có đông đồng bào các dân tộc thiểu số, cần thể hiện đầy đủ chính sách dân tộc, phát triển mối quan hệ tốt đẹp gắn bó giữa các dân tộc trên tinh thần đoàn kết, bình đẳng, giúp đỡ nhau cùng làm chủ tập thể”(2). Với góc nhìn và tư duy mới, vấn đề dân tộc được đặt trong xây dựng quan hệ giữa các dân tộc và con đường phát triển của các dân tộc; chính sách dân tộc được gắn với đường lối chính trị, với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đất nước, với các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm cũng như hằng năm. Để xây dựng quan hệ dân tộc theo những mục tiêu trên, đòi hỏi phải thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vì vậy, Đảng ta chủ trương: “Đầu tư thêm và tập trung sự cố gắng của các ngành, các cấp, kết hợp với động viên tinh thần tự lực, tự cường của nhân dân các dân tộc để khai thác, bảo vệ và phát triển thế mạnh về kinh tế ở các vùng có đồng bào các dân tộc thiểu số cư trú. Đẩy mạnh công tác định canh, định cư, ổn định sản xuất và đời sống của đồng bào, trước hết ở các vùng cao, biên giới, các vùng căn cứ cũ của cách mạng và kháng chiến”(3). Điều này thể hiện rõ mục tiêu trong chính sách dân tộc của Đảng ta là không ngừng nâng cao đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội, chính trị của từng dân tộc; làm cho mỗi dân tộc được phát triển một cách toàn diện và bền vững; đồng thời, qua đó, củng cố và tăng cường khối đại đoàn kết giữa các dân tộc.
Thứ tư, chú trọng tính đặc thù của từng vùng, từng dân tộc. Tại Đại hội VII (tháng 6-1991), Đảng ta quan tâm cụ thể hơn vấn đề dân tộc, nhấn mạnh, sự phát triển kinh tế - xã hội của vùng đồng bào dân tộc thiểu số phải gắn với đặc điểm riêng của từng dân tộc và điều kiện, đặc điểm của từng vùng: “Có chính sách phát triển kinh tế hàng hóa ở các vùng dân tộc thiểu số phù hợp với điều kiện và đặc điểm của từng vùng, từng dân tộc, bảo đảm cho đồng bào các dân tộc thiểu số khai thác được thế mạnh của địa phương để làm giàu cho mình và đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước.”(4). Cũng tại Đại hội VII, xuất phát từ tình hình thực tế của đồng bào người Hoa và đồng bào người Khmer, Đảng ta đã có quan điểm cụ thể về vấn đề này: “Bảo đảm cho người Hoa quyền và nghĩa vụ công dân, tôn trọng văn hoá, chữ viết, tạo điều kiện để bà con người Hoa yên tâm làm ăn, góp phần xây dựng đất nước Việt Nam và vun đắp quan hệ hữu nghị giữa nhân dân hai nước Việt - Trung. Tôn trọng văn hoá, tôn giáo của đồng bào dân tộc Khmer, có chính sách giúp đỡ bà con người Khmer về đời sống, nhất là ở những vùng đồng bào có nhiều khó khăn”(5).
Tại Đại hội IX, Đảng ta tiếp tục khẳng định nhất quán về chính sách dân tộc, đồng thời chỉ ra phương hướng, mục tiêu, động lực của sự phát triển kinh tế - xã hội ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Cụ thể hóa chủ trương này của Đại hội, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2001 - 2010 đề ra quan điểm phát triển kinh tế - xã hội cũng như phát triển kinh tế hàng hóa ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số phải căn cứ điều kiện và đặc điểm của từng vùng.
Nhằm cụ thể hóa chính sách dân tộc của Đại hội IX, tại Hội nghị Trung ương 7 khóa IX, Đảng ta đã ban hành Nghị quyết số 24-NQ/TW, ngày 12-3-2003, “Về công tác dân tộc”. Đây là nghị quyết chuyên đề đầu tiên của Đảng ta về công tác dân tộc trong thời kỳ đổi mới, thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Trên cơ sở đánh giá toàn diện về vấn đề dân tộc, công tác dân tộc và xuất phát từ yêu cầu của tình hình mới, Nghị quyết khẳng định: “Vấn đề dân tộc và đoàn kết dân tộc là vấn đề chiến lược cơ bản, lâu dài, đồng thời cũng là vấn đề cấp bách hiện nay của cách mạng Việt Nam”. Đây là luận điểm rất quan trọng, thể hiện tầm nhìn chiến lược và tư duy đổi mới của Đảng trong bối cảnh, tình hình trong nước và quốc tế có nhiều chuyển biến, thay đổi.
Từ thực tế vấn đề dân tộc và quan hệ dân tộc ở nước ta, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) khẳng định: “Tạo mọi điều kiện để các dân tộc cùng phát triển”(6). Đại hội XIII, trên cơ sở đánh giá những kết quả đạt được, cũng như những hạn chế trong thực hiện chính sách về dân tộc, Đảng ta đề ra chủ trương: “Huy động, phân bổ, sử dụng, quản lý hiệu quả các nguồn lực để đầu tư phát triển, tạo chuyển biến căn bản về kinh tế, văn hóa, xã hội ở vùng có đồng bào dân tộc thiểu số. Chú trọng tính đặc thù của từng vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong hoạch định và tổ chức thực hiện chính sách dân tộc. Có cơ chế thúc đẩy tính tích cực, ý chí tự lực, tự cường của đồng bào các dân tộc thiểu số phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện giảm nghèo đa chiều, bền vững”(7). Việc áp dụng các chính sách cụ thể cho từng vùng đồng bào dân tộc thiểu số là một bước tiến quan trọng, thể hiện sự đổi mới trong nhận thức của Đảng về sự công bằng trong phát triển giữa các dân tộc và các vùng, miền nói chung. Từ các tiêu chí phân chia vùng, miền (khu vực bước đầu phát triển, khu vực ổn định và khu vực khó khăn), Nhà nước đã có những chính sách đầu tư thích hợp cho mỗi nhóm đối tượng, theo đó, những khu vực khó khăn hơn sẽ nhận được những ưu đãi đặc biệt về quy mô đầu tư, để giúp cho những khu vực này nhanh chóng theo kịp trình độ phát triển chung của cả nước.
Chính sách phát triển vùng dân tộc thiểu số và miền núi
Từ chủ trương của Đảng về vấn đề dân tộc, xác định rõ phát triển vùng dân tộc thiểu số và miền núi phải gắn với những vấn đề đổi mới cơ cấu kinh tế và tổ chức sản xuất theo hướng chuyển sang sản xuất hàng hóa phù hợp với đặc điểm kinh tế của từng vùng, tiểu vùng, dân tộc; gắn phát triển kinh tế - xã hội với giải quyết vấn đề dân tộc và quốc phòng - an ninh. Với mục tiêu thu hẹp khoảng cách về phát triển giữa các nhóm đồng bào dân tộc thiểu số, phần lớn các chương trình của Nhà nước tập trung vào hỗ trợ sinh kế và tạo cơ hội xóa đói, giảm nghèo, như: Chương trình 143 (Chương trình xóa đói, giảm nghèo và tạo việc làm giai đoạn 2001 - 2005, được phê duyệt theo Quyết định số 143/2001/QĐ-TTg, ngày 27-9-2001, của Thủ tướng Chính phủ); Chương trình 135 (Chương trình phát triển kinh tế - xã hội tại các xã đặc biệt khó khăn miền núi và vùng sâu, vùng xa, được phê duyệt theo Quyết định số 135/1998/QĐ-TTg, ngày 31-7-1998, của Thủ tướng Chính phủ); Chương trình 134 (một số chính sách hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn, theo Quyết định số 134/2004/QĐ-TTg, ngày 20-7-2004, của Thủ tướng Chính phủ); Chương trình phân bổ đất rừng và trồng rừng; các chính sách về giáo dục, y tế,... Trong giai đoạn 2011 - 2018, có 205 chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi được ban hành. Tính riêng giai đoạn 2016 - 2018, theo Báo cáo số 426/BC-CP, ngày 4-10-2018, của Chính phủ, “Đánh giá 3 năm thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi”, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành 41 chương trình, chính sách, trong đó có 15 chính sách trực tiếp cho đồng bào dân tộc thiểu số, vùng dân tộc thiểu số và 36 chính sách chung có ưu tiên cho đồng bào các dân tộc thiểu số. Nội dung các chính sách giai đoạn 2016 - 2018 tập trung chủ yếu vào lĩnh vực giảm nghèo; phát triển sản xuất trong nông, lâm nghiệp, thủy sản; phát triển giáo dục - đào tạo, văn hóa, như: Chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, phát triển sản xuất và ổn định đời sống cho người dân tộc thiểu số nghèo, hộ nghèo vùng đặc biệt khó khăn; ổn định cuộc sống cho người dân tộc thiểu số di cư tự phát; phát triển kinh tế - xã hội cho các dân tộc thiểu số rất ít người; phát triển nguồn nhân lực các dân tộc thiểu số, người có uy tín trong đồng bào các dân tộc thiểu số; tuyên truyền và phổ biến, giáo dục pháp luật trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số…
Tính đến tháng 10-2020, có 118 chính sách đang có hiệu lực triển khai thực hiện ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, trong đó có 54 chính sách trực tiếp cho các đồng bào dân tộc thiểu số, vùng dân tộc thiểu số và miền núi, 64 chính sách chung có ưu tiên cho đồng bào các dân tộc thiểu số. Ngoài những chính sách tác động trực tiếp đến vùng dân tộc thiểu số và miền núi, hiện nay còn 21 chương trình mục tiêu có nội dung gián tiếp tác động đến vùng này.
Có thể nói, cho đến nay, hệ thống chính sách dân tộc được ban hành khá đầy đủ, bao phủ toàn diện các lĩnh vực, nhằm hỗ trợ đồng bào các dân tộc thiểu số phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững; phát triển giáo dục - đào tạo, y tế, văn hóa; phát triển nguồn nhân lực và xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh. Các chương trình đã đem lại những hiệu quả tích cực về đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc thiểu số nước ta. Từ năm 2003 đến năm 2020, Nhà nước đã tập trung bố trí đầu tư, hỗ trợ kinh phí nhằm phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, với tổng kinh phí: giai đoạn 2003 - 2008 là khoảng 250.000 tỷ đồng, giai đoạn 2011 - 2015 là 690.000 tỷ đồng, giai đoạn 2016 - 2020 là 998.000 tỷ đồng. Nguồn lực đầu tư đó được tập trung vào xây dựng hàng vạn công trình kết cấu hạ tầng (đường giao thông, công trình thủy lợi, hệ thống điện, công trình nước sạch, trường học, lớp học, trạm y tế, nhà văn hóa, trung tâm cụm xã...); hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội cho dân tộc thiểu số rất ít người; hỗ trợ nhà ở, đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, hỗ trợ vay vốn phát triển sản xuất... cho hàng trăm nghìn hộ đồng bào các dân tộc thiểu số.
Nhờ vậy, vùng đồng bào các dân tộc thiểu số đã có sự phát triển mạnh mẽ hơn, phong phú và đa dạng hơn, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được cải thiện rõ rệt so với trước thời kỳ đổi mới, trên tất cả các phương diện: ăn, ở, mặc, đi lại, học hành, chăm sóc sức khỏe, nghe, nhìn. Tỷ lệ hộ nghèo ở các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn giảm trung bình 3,5%/năm.
Tuy nhiên, so với sự phát triển của đất nước nói chung, vùng đồng bào dân tộc thiếu số vẫn là vùng chậm phát triển nhất. Điều đó cho thấy, việc hoạch định và thực hiện chính sách dân tộc ở nước ta vẫn còn những khó khăn, bất cập. Các nguyên nhân khách quan và chủ quan là: Một số chính sách thiếu tính cụ thể, khả thi, chưa phù hợp với thực tiễn. Bộ máy tổ chức thực hiện còn thiếu đồng bộ, đội ngũ cán bộ còn thiếu và yếu. Thực tế cho thấy, trình độ phát triển kinh tế - xã hội giữa các dân tộc không đồng đều nhau. Ở một số vùng đồng bào dân tộc thiểu số, có nhiều khó khăn trong việc tiếp nhận và ứng dụng những thành tựu khoa học - công nghệ nên đã bỏ lỡ nhiều cơ hội để vươn lên, chưa sử dụng hiệu quả vốn đầu tư. Chính sách dân tộc hiện nay vẫn chủ yếu là các chính sách hỗ trợ trực tiếp, chưa có nhiều chính sách đầu tư, hỗ trợ có điều kiện, với mục đích cung cấp kỹ năng, tự tạo sinh kế bền vững cho đồng bào các dân tộc thiểu số. Bởi vậy, trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhiều người vẫn còn mang tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước, không muốn vươn lên để thoát nghèo.
Một số giải pháp nâng cao hiệu quả xây dựng và thực thi chính sách dân tộc trong thời gian tới
Từ nhu cầu thực tiễn của công tác dân tộc, đòi hỏi Đảng và Nhà nước ta tiếp tục xây dựng và hoàn thiện chủ trương, đường lối, chính sách về vấn đề dân tộc, công tác dân tộc trong tình hình hiện nay. Để làm tốt nhiệm vụ này, cần tập trung thực hiện một số giải pháp cơ bản sau:
Một là, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về vấn đề dân tộc, công tác dân tộc, nhất là Nghị quyết số 24-NQ/TW, ngày 12-3-2003, của Hội nghị Trung ương 7 khóa IX, “Về công tác dân tộc”; Kết luận số 65-KL/TW, ngày 30-10-2019, của Bộ Chính trị, về “Tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác dân tộc trong tình hình mới” và Nghị định số 05/2011/NĐ-CP, ngày 14-1-2011, của Chính phủ, “Về công tác dân tộc”. Bồi dưỡng, nâng cao nhận thức cho đồng bào các dân tộc thiểu số tích cực thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về vấn đề dân tộc, công tác dân tộc. Đặc biệt động viên, khuyến khích đồng bào phát hiện những điểm chưa hợp lý, chưa phù hợp trong các chính sách dân tộc để kiến nghị với các cấp xây dựng và hoàn thiện các chính sách dân tộc.
Hai là, hoàn thiện các văn bản pháp luật về vấn đề dân tộc, công tác dân tộc, trong đó sớm xây dựng và ban hành Luật Dân tộc. Tiếp tục đổi mới, kiện toàn tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ của cơ quan quản lý nhà nước về công tác dân tộc từ Trung ương đến địa phương; đào tạo, bố trí, sử dụng hợp lý đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác dân tộc ở các cấp.
Ba là, xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện các chính sách dân tộc phải phù hợp với trình độ phát triển kinh tế - xã hội, đặc trưng văn hóa của từng vùng, miền, đặc điểm của từng dân tộc, từng địa phương. Trong tổ chức thực hiện các chính sách dân tộc cần có sự phân loại cụ thể để thực hiện có trọng điểm, hiệu quả, dứt điểm, nhất là đối với những chính sách quan trọng, cấp bách, phù hợp với khả năng tiếp nhận và sự chuẩn bị ở mỗi dân tộc, mỗi địa phương, đồng thời đáp ứng yêu cầu phát triển của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.
Bốn là, nâng cao hiệu quả thực hiện các chính sách dân tộc là công việc quan trọng, cơ bản, thường xuyên, lâu dài, đòi hỏi phải được tiến hành có lộ trình, kiên trì, nhất quán và không ngừng đổi mới, hoàn thiện. Các chính sách dân tộc được xây dựng và ban hành phải là động lực trực tiếp thúc đẩy bình đẳng, đoàn kết giữa các dân tộc và phát huy vai trò, tiềm năng thật sự của mỗi dân tộc./.
------------------------
(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.12, tr. 372
(2) Văn kiện Đại hội Đảng thời kỳ đổi mới và hội nhập (Đại hội VI, VIII, VIIII, IX, X, XI), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2013, tr. 76
(3) Văn kiện đại hội Đảng thời kỳ đổi mới và hội nhập, sđd, tr.75
(4) Văn kiện Đại hội Đảng thời kỳ đổi mới và hội nhập, Sđd, tr. 204
(5) Văn kiện Đại hội Đảng thời kỳ đổi mới và hội nhập, Sđd, tr. 204 - 205
(6) Văn kiện Đại hội Đảng thời kỳ đổi mới và hội nhập, Sđd, tr. 741
(7) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia sự thật, Hà Nội, 2021, t.1, tr. 170
Tỉnh Kon Tum chú trọng hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội các dân tộc thiểu số rất ít người  (27/02/2021)
Phát triển kinh tế - xã hội bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu số  (04/11/2020)
Tăng cường hiệu lực pháp luật, kết hợp với phát huy vai trò của luật tục trong quản lý phát triển xã hội ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Sơn La  (25/10/2020)
Phát huy vai trò đồng bào dân tộc thiểu số trong xây dựng nông thôn mới ở đồng bằng sông Cửu Long  (08/10/2020)
- Nhận diện những thuận lợi, thời cơ và khó khăn, thách thức chủ yếu của Việt Nam trong kỷ nguyên phát triển mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc
- Hội nghị Trung ương 3 khóa XX Đảng Cộng sản Trung Quốc: Chú trọng duy trì ổn định và phát triển chất lượng cao
- Tư duy lý luận của Đảng về xây dựng mô hình chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam từ năm 1991 đến nay
- Nhận diện một số tiêu chí cơ bản của xã hội văn minh ở Việt Nam qua gần 40 năm đổi mới
- Vai trò của Hội Xuất bản Việt Nam trong việc phát triển ngành xuất bản và nguồn nhân lực ngành xuất bản
-
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm