TCCS - Ngày 29-2-2020, sau nhiều lần trì hoãn, Mỹ và Taliban đã ký thỏa thuận tại Thủ đô Doha (Qatar), mở ra hy vọng kết thúc cuộc chiến của Mỹ ở Afghanistan kéo dài 18 năm qua. Với thỏa thuận này, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã thực hiện cam kết của mình trong chiến dịch tranh cử nhiệm kỳ 1 vào năm 2016 và nhờ đó đã ghi điểm trước cuộc bầu cử nhiệm kỳ 2 vào cuối năm 2020. Tuy nhiên, đối với người dân Afghanistan, liệu thỏa thuận này có phải là cơ hội mang lại hòa bình thực sự hay không?
Ai là bên thắng cuộc trong cuộc chiến ở Afghanistan?
Bản thỏa thuận Mỹ - Taliban vừa được ký kết bao gồm các cam kết từ cả hai phía. Về phía Taliban, nhóm này cam kết cắt đứt quan hệ với mạng lưới khủng bố quốc tế al-Qaeda và các tổ chức khủng bố quốc tế khác; không để Afghanistan trở thành nơi trú ẩn của các phần tử khủng bố và sẽ hợp tác với Mỹ trong cuộc chiến chống khủng bố; ngừng các cuộc tấn công nhằm vào lực lượng Mỹ và lực lượng an ninh của Chính phủ Afghanistan. Từ ngày 10-3-2020, Taliban sẽ cùng với chính quyền Afghanistan và các lực lượng khác tiến hành đối thoại để thảo luận về phương thức, cũng như thời gian ngừng bắn lâu dài và về tiến trình chính trị để hóa giải cuộc xung đột ở Afghanistan, theo đó chính quyền Afghanistan sẽ thả 5.000 tù nhân của Taliban, còn Taliban sẽ phóng thích 1.000 tù nhân của chính quyền Kabul.
Từ phía Mỹ, Mỹ sẽ giảm số lượng binh sĩ hiện diện ở Afghanistan từ 12.000 - 13.000 xuống còn 8.600 người trong vòng 135 ngày; đóng cửa 5 căn cứ quân sự ở Afghanistan; đề nghị Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc dỡ bỏ lệnh trừng phạt đối với các thành viên Taliban trước tháng 5-2020; duy trì một lực lượng nhất định ở Afghanistan để tiến hành hoạt động tình báo; tiếp tục viện trợ và huấn luyện lực lượng an ninh của Afghanistan(1). Sau khi thỏa thuận hòa bình được ký kết, Tổng thống D. Trump tuyên bố: “Sau nhiều nỗ lực, cuối cùng chúng ta cũng kết thúc cuộc chiến tranh dài nhất trong lịch sử nước Mỹ”. Ông D. Trump còn cho biết kế hoạch sắp tới của Mỹ sẽ gặp các nhà lãnh đạo Taliban và kêu gọi họ nắm bắt cơ hội hòa bình này(2).
Cuộc chiến ở Afghanistan nhằm đạt được mục tiêu chính trị nhất định và là sự kế tục của chính trị bằng phương thức bạo lực vũ trang. Do đó, trước hết cần xác định mục tiêu chính trị của Mỹ trong cuộc chiến này. Theo nhận định của Alan Greenspan, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (1987 - 2006); John McCain, Thượng nghị sĩ Mỹ (1987 - 2018) và là Chủ tịch Ủy ban Quân lực Thượng viện Mỹ (2015 - 2018) cùng nhiều quan chức cấp cao ở Washington, các cuộc chiến ở Afghanistan và Iraq đều liên quan tới dầu mỏ và khí đốt. Còn theo Geoffrey Kemp - Giám đốc Trung tâm các chương trình chiến lược khu vực thuộc Trung tâm An ninh quốc gia Mỹ - và Giáo sư Khoa học chính trị Đại học quốc gia Pennsylvania - Robert E. Harkavy - cuộc chiến do Mỹ phát động ở Afghanistan năm 2001 là bước khởi đầu của quá trình Washington thực hiện chiến lược giành quyền kiểm soát vành đai địa - chính trị rộng lớn, được gọi là Đại Trung Đông, kéo dài từ Trung Á (tâm điểm là Afghanistan), Nam Á, tới Bắc Kavkaz, Balkan và Bắc Phi - Trung Đông(3), (4).
Chỉ trong một thời gian ngắn, liên quân do Mỹ chỉ huy đã nhanh chóng đập tan bộ máy chính trị của chính quyền Taliban và dựng lên ở Thủ đô Kabul một chính quyền mới do Hamid Karzai, một chính khách Afghanistan có tư tưởng thân phương Tây, làm tổng thống. Tuy nhiên, để bảo vệ chính quyền mới ở Kabul và giành quyền kiểm soát hoàn toàn Afghanistan, mở đầu tiến trình kiểm soát khu vực Trung Á và Nam Á, tiến tới thực hiện chiến lược Đại Trung Đông, Mỹ đã phải mất 18 năm mà vẫn chưa hoàn thành. Trong khi đó, Taliban đã giành lại quyền kiểm soát 60% lãnh thổ Afghanistan, thậm chí nắm được cả quyền kiểm soát chính quyền ở nhiều tỉnh bên ngoài Thủ đô Kabul(5). Điều đáng chú ý là kể từ khi Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Dương (NATO) hiện diện ở Afghanistan, lực lượng khủng bố không những không bị đánh bại mà còn trỗi dậy mạnh mẽ và lan tỏa ra nhiều nơi trên thế giới. Thí dụ điển hình là al-Qaeda trở thành lực lượng xung kích trong cuộc “chiến tranh ủy nhiệm” ở Syria trong gần 10 năm qua, chống lại chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad. Lo ngại trước tình hình này, trong bài phát biểu tại diễn đàn Câu lạc bộ chính trị - an ninh quốc tế Valdai ở Sochi (Nga) năm 2017, nguyên Tổng thống Hamid Karzai cho biết, sự hiện diện của Mỹ ở Afghanistan dẫn tới sự trỗi dậy của chủ nghĩa khủng bố và chủ nghĩa cực đoan. Do đó, ông H. Karzai cho rằng, đã đến lúc Mỹ nên chấp nhận thất bại của họ trong “cuộc chiến chống khủng bố” ở Afghanistan và rút quân khỏi quốc gia này. Đồng thời, ông kêu gọi Nga giúp Afghanistan loại bỏ nguy cơ khủng bố như họ đã từng đánh bại Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Syria(6). Như vậy, trong suốt 18 năm cùng với NATO sử dụng bộ máy quân sự mạnh nhất thế giới, Mỹ đã thất bại trong nỗ lực loại bỏ các tổ chức khủng bố Taliban và buộc phải chấp nhận đàm phán để ký kết thỏa thuận hòa bình nhằm chấm dứt chiến tranh. Mỹ cũng thất bại trong nỗ lực giành quyền kiểm soát Afghanistan để thực thi chiến lược Đại Trung Đông.
Nhật báo NewYork Times số ra ngày 29-2-2020 đăng bài viết với tựa đề “Cái gọi là hòa bình ở Afghanistan hay là một lối thoát?”, trong đó đưa ra nhận định, Mỹ muốn giành chiến thắng trong cuộc chiến Afghanistan nhưng kết cục đã bị thất bại. Quả thật, cuộc chiến ở Afghanistan đã trở thành gánh nặng quá lớn đối với nước Mỹ với chi phí gần 1 nghìn tỷ USD(7). Theo nhận định của chuyên gia nghiên cứu chính trị - quân sự Nga A. Khrolenko, cuộc chiến chống khủng bố ở Afghanistan đã đặt dấu chấm hết cho ảnh hưởng địa - chính trị của Mỹ ở quốc gia Trung Á này. Ông cho biết, năm 1842, quân đội Anh gồm 16.000 binh sĩ cũng đã bị chôn vùi ở Afghanistan. Hiện tại, ở Afghanistan đã hình thành mặt trận thống nhất chống Mỹ gồm Taliban. Không phải ngẫu nhiên mà Afghanistan được coi là “mồ chôn các đế chế”(8). Tuy nhiên, từ phía Mỹ, người giành phần thắng duy nhất là Tổng thống D. Trump bởi ông đã thực hiện cam kết của mình đưa ra trong chiến dịch tranh cử năm 2016 là chấm dứt sự tham gia của Mỹ trong các cuộc chiến ở nước ngoài và giành được nhiều lợi thế trong chiến dịch tranh cử nhiệm kỳ 2 vào cuối năm 2020(9).
Trưởng Ban Chính trị phụ trách đàm phán của Taliban, ông Sher Mohammad Abbas Stanekzai, tuyên bố rằng họ đã chiến thắng và ngày 29-2-2020 là “Ngày Chiến thắng” của Taliban(10). Điều này được thể hiện trên nhiều khía cạnh: Một là, theo nhận định của Đại diện của Tổng thống Nga phụ trách về Afghanistan Z. Kabulov, từ chỗ bị Liên hợp quốc xếp vào danh sách các tổ chức “khủng bố”, hiện nay, Taliban được đứng bình đẳng để ký kết thỏa thuận hòa bình với Mỹ với vị thế là một thể chế chính trị hợp pháp ở Afghanistan (11). Hai là, Taliban được Mỹ trao cho vị thế bình đẳng để đàm phán với Chính phủ Afghanistan nhằm kết thúc cuộc chiến. Ba là, các thành viên Taliban sẽ được Chính phủ Afghanistan đề nghị Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc loại khỏi danh sách trừng phạt vào ngày 29-5-2020. Bốn là, Mỹ cũng sẽ xem xét để loại Taliban ra khỏi danh sách trừng phạt vào ngày 27-8-2020.
Tương lai hòa bình cho Afghanistan?
Thỏa thuận giữa Mỹ và Taliban có đem lại hòa bình cho Afghanistan hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Về yếu tố bên ngoài, Mỹ sẽ tìm cách duy trì sự hiện diện lâu dài ở Afghanistan bởi quốc gia này có vị thế địa - chính trị, địa - chiến lược quan trọng, là cửa ngõ xâm nhập vào khu vực Trung Á và các nước Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, Iran, là tâm điểm cạnh tranh của các cường quốc, trước hết là Mỹ, Trung Quốc và Nga (12).
Trong số các yếu tố bên ngoài, không thể không tính đến yếu tố Nga. Phát biểu tại cuộc họp của lãnh đạo các nước thành viên Tổ chức hợp tác Thượng Hải ở Astana (Kazakhstan) năm 2017, Tổng thống Nga V. Putin cho biết, IS đang chuẩn bị kế hoạch gây bất ổn tình hình ở khu vực miền Nam nước Nga(13). Giám đốc Cục An ninh Liên bang Nga A. Bortnikov nhận định, IS hiện đang xây dựng căn cứ hoạt động mới ở Afghanistan để từ đó xâm nhập các nước Trung Á, Iran, Trung Quốc, Ấn Độ và sử dụng căn cứ này làm địa bàn xuất phát để chuẩn bị tiến hành các cuộc tấn công khủng bố nhằm vào Nga(14). Vì thế, Nga hoan nghênh thỏa thuận Mỹ - Taliban, đồng thời sẵn sàng đóng vai trò trung gian cho các cuộc đàm phán giữa Taliban với chính quyền Kabul. Theo đề xuất của ông Zamir Kabulov - Đại diện đặc biệt của Tổng thống Nga về Afghanistan, nguyên Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Liên bang Nga ở Afghanistan (2004 - 2009) và là cố vấn của Liên hợp quốc về vấn đề Afghanistan - Nga có thể đưa quân vào Afghanistan để chống khủng bố một khi nhận được đề nghị chính thức của chính quyền mới ở Kabul, tương tự như Nga đã hỗ trợ Syria chống khủng bố theo yêu cầu của Tổng thống Bashar al-Assad vào năm 2015. Hơn bất cứ quốc gia nào, Nga nỗ lực thúc đẩy hỗ trợ để xây dựng một chính quyền mới hòa hợp dân tộc ở Afghanistan nhằm đưa quốc gia này đi vào con đường phát triển ổn định trong hòa bình(15),(16).
Xét các yếu tố bên trong, thỏa thuận Mỹ - Taliban khó mang lại hòa bình cho Afghanistan. Thứ nhất, trong cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 9-2019, nội bộ chính giới ở Afghanistan xảy ra bất đồng sâu sắc. Ứng cử viên là đương kim Tổng thống Ashraf Ghani đại diện cho cộng đồng sắc tộc Pashtun, còn ứng cử viên đối lập Abdul Abdullah đại diện cho Liên minh phương Bắc và các sắc tộc thiểu số đều tuyên bố rằng, họ đã giành thắng lợi trong cuộc bầu cử này. Do đó, sau cuộc bầu cử, ông Abdul Abdullah tuyên bố tự thành lập một chính phủ khác. Theo giới quan sát, nếu Mỹ rút quân khỏi Afghanistan sau khi ký kết thỏa thuận với Taliban, ông Abdul Abdullah sẽ gia tăng ảnh hưởng ở Afghanistan và phủ định tính hợp pháp của chính quyền Kabul. Như vậy, ông Abdul Abdullah sẽ là yếu tố cản trở các cuộc đàm phán sắp tới giữa Taliban với chính quyền Kabul(17).
Thứ hai, chính thể hiện tại do Mỹ hậu thuẫn ở Afghanistan nhưng lại không được tham gia các cuộc đàm phán ở Doha nên họ khó chấp nhận ngồi vào bàn đàm phán với Taliban. Ngay sau khi biết về thỏa thuận giữa Mỹ và Taliban, Tổng thống Ashraf Ghani tuyên bố, việc Chính quyền Kabul thực hiện cam kết phóng thích 5.000 tù nhân Taliban để đổi lấy 1.000 tù nhân của chính phủ phải là kết quả đàm phán nội bộ Afghanistan nên Mỹ không thể ép buộc chính quyền Kabul hành động trái với luật pháp của quốc gia(18).
Thứ ba, các lực lượng Hồi giáo cực đoan trong thành phần Taliban sẽ không chấp hành thỏa thuận duy trì lệnh ngừng bắn theo thỏa thuận với Mỹ. Trong trường hợp đó, Mỹ sẽ không thể thực hiện được cam kết về tiến trình rút quân về nước. Còn Tổng thống D. Trump tuyên bố, nếu Taliban không thực hiện các cam kết như trong thỏa thuận thì Mỹ sẽ đáp trả bằng sức mạnh còn khủng khiếp hơn.
Thứ tư, Taliban từng tuyên bố không chấp nhận hệ thống chính trị theo đuổi các giá trị thế tục hiện nay ở Kabul và chủ trương xây dựng Tiểu vương quốc Hồi giáo Afghanistan. Vì thế, Taliban yêu cầu giành được một số, thậm chí hầu hết bộ máy chính quyền ở Kabul trước khi thảo luận các vấn đề khác. Chính quyền Kabul sẽ không thể chấp nhận điều đó.
Thứ năm, trong khi Tổng thống D. Trump và Bộ trưởng Quốc phòng M. Esper công khai xác nhận, Mỹ sẽ vẫn giữ lại một lực lượng quân sự nhất định làm nhiệm vụ chống khủng bố lâu dài tại Afghanistan, thì Taliban kiên quyết phản đối và muốn Mỹ phải rút toàn bộ lực lượng ra khỏi quốc gia này.
Như vậy, xét các yếu tố bên ngoài, Afghanistan chỉ có thể có hòa bình một khi các cường quốc đạt được sự thỏa hiệp nào đó có thể đáp ứng được lợi ích của các bên. Điều này còn phụ thuộc vào sự cạnh tranh chiến lược của họ trên các khu vực địa - chính trị khác như Trung Đông, Mỹ Latin, châu Âu, khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương,... Còn xét yếu tố bên trong, sẽ khó đạt được thỏa thuận giữa Taliban và chính quyền hiện tại ở Kabul. Do đó, nền hòa bình ở Afghanistan vẫn còn là một tương lai bất định./.
----------------------------------
(1) США заключили мир с Талибаном, https://vz.ru/news/2020/2/29/1026422.html
(2) Tрамп объяснил зачем США заключили мир с Талибано», https://vz.ru/news/2020/2/29/1026434.html
(3) Переформат Большого Ближнего Востока, http://www.rodon.org/polit-110302113358
(4) Primer On the REAL Global Geopolitical Battle, http://www.zerohedge.com/contributed/2012-10-08/primer-real-global-geopolitical-battle
(5) Война НАТО в Афганистане (2001-2014): причины, итоги и последствия, https://fb.ru/article/245024/voyna-nato-v-afganistane---prichinyi-itogi-i-posledstviya
(6), (8) Афганистан закат американского геополитического влияния, https://ru.sputnik.md/columnists/20190207/24572483/afganistan-zakat-amerikanskogo-geopoliticheskogo-vliyaniya.html
(7) After 18 Years, Is This Afghan Peace, or Just a Way Out? https://www.nytimes.com/2020/02/29/world/asia/trump-taliban.html
(9) Trump and the Taliban have one goal in common: getting U.S. troops out of Afghanistan, https://www.latimes.com/politics/story/2020-02-23/column-trump-and-the-taliban-have-one-thing-in-common-getting-u-s-troops-out-of-afghanistan
(10) США капитулировали в Афганистане. Украине приготовиться, http://rodon.org/polit-200302155843
(11) “Талибан” как предчувствие: станут ли террористы союзниками России, https://nation-news.ru/189734-taliby-kak-predchuvstvie-stanet-li-taliban-soyuznikom-rossii
(12), (15), (16) Будет ли конец войне в Афганистане - вечно тлеющему конфликту в сердце Азии, https://ru.sputnik.md/afghan/20190207/24563324/Budet-konec-vojna-Afganista
(13) Путин заявил что ИГ готовит план по дестабилизации Центральной Азии, https://ria.ru/20170609/1496180327.html?in=t
(14) Террористы хотят использовать Афганистан для атак на Россию, https://vz.ru/news/2017/10/4/889614.html
(17) Россия может ввести воинский контингент в Афганистан, https://maxpark.com/community/13/content/7056886
(18) Президент Афганистана отказался освобождать пленных талибов, https://ukraina.ru/news/20200301/1026875317.html