Vai trò của trật tự thế giới đối với an ninh, hợp tác và phát triển giữa các quốc gia, dân tộc
TCCS - Theo nhiều nghiên cứu, trật tự thế giới được xem là sản phẩm của cuộc tranh đua và dàn xếp quyền lực giữa các nước, trước hết là các nước lớn, nhằm tạo ra một “luật chơi”(1) có lợi cho mình, nhưng cũng mang đến cơ hội cho các nước khác, nhất là các nước đang phát triển, tham gia hệ thống thể chế kinh tế và chính trị toàn cầu. Tuy nhiên, các nước lớn, trung tâm quyền lực luôn tìm cách duy trì vị thế thống trị, đã và đang làm cho trật tự thế giới trở nên biến động, mang đến cả tác động thuận và không thuận đối với an ninh, hợp tác và phát triển của cộng đồng quốc tế.
Tổng thống Mỹ Donald Trump hội đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin bên lề hội nghị G20 ở Đức năm 2017 _Nguồn: EPA/TTXVN
Trật tự thế giới - chủ thể tạo lập, quy tắc điều tiết
Trật tự hay trật tự quyền lực là mô thức hoạt động, khuôn mẫu, quy tắc sắp xếp, điều chỉnh hành vi trong quan hệ quốc tế, một trạng thái tương đối ổn định và cân bằng mối quan hệ giữa các chủ thể tham gia trong hệ thống khu vực và toàn cầu. Trật tự hay trật tự quyền lực được tạo ra bởi một nước hay nhiều nước có ưu thế vượt trội về quân sự và kinh tế. Đơn cử như, trong thời kỳ cổ đại, đế quốc La Mã đã thiết lập “trật tự La Mã” hay nền “hòa bình La Mã” (Pax Romana)(2) trong khoảng 200 năm (từ năm 27 TCN đến những năm 80 của thế kỷ II CN). Đây là thời kỳ đế quốc La Mã đạt đỉnh cao về biên giới lãnh thổ, có bộ máy cai trị chuyên chế chủ nô mang tính quân sự cao, nhưng được kiểm soát theo quy tắc, luật lệ.
Sức mạnh quân sự, sự thịnh vượng về kinh tế và cai trị dựa trên luật pháp cũng như khuyến khích phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật, sử dụng tiền tệ với tư cách là phương tiện thanh toán trong trao đổi hàng hóa, tôn trọng các giá trị văn hóa khác nhau và khoan dung sắc tộc đã tạo nên tư duy về “hàng hóa công cộng”(3) và sự ổn định tương đối về chính trị, cả trong nội bộ chính quyền cũng như các vùng lãnh thổ khác nhau của đế chế La Mã(4). Những giá trị trên đã thúc đẩy giao lưu, tiếp biến văn hóa, truyền bá văn minh giữa các dân tộc trên một phạm vi rộng lớn, làm lan tỏa những giá trị phổ quát về nhà nước, pháp quyền, quyền công dân...
Từ thời kỳ Phục hưng, mô hình tổ chức và quản lý nhà nước, hệ thống luật pháp và tính tương đối công bằng, nhân văn của đế quốc La Mã trong quan hệ với dân di cư đã trở thành hình mẫu cho sự ra đời và phát triển của hệ thống cai trị nhà nước tư sản. Cùng với đó, các cường quốc phương Tây, như Anh (thế kỷ XIX), Mỹ (từ thế kỷ XX) cũng tham khảo nhiều kinh nghiệm của nền “Hòa bình La Mã” để thiết lập nền “Hòa bình Anh quốc” (Pax Britannica) hay nền “Hòa bình Mỹ” (Pax America)(5).
Dưới thời kỳ trung đại, đế quốc Mông Cổ đã thiết lập “trật tự Mông Cổ” (Pax Mongolica), trong đó quyền lực của đế chế Mông Cổ tập trung và tương đối thống nhất giữa các vương quốc thông qua hệ thống sắc lệnh (Yasa) chung, được bảo đảm sự thực thi bằng sức mạnh quân sự, khoan dung tôn giáo, khuyến khích giao lưu thương mại và văn hóa, đề cao sở hữu tư nhân, tôn trọng nhân tài, cũng như trừng phạt nghiêm khắc đối với những người có tội, nhất là các thủ lĩnh. Cùng với đó, việc áp dụng phương thức cai trị từ xa, duy trì hệ thống thuế hay cống nộp thông qua các Hãn quốc(6) và đại diện của họ ở địa phương, cũng như tôn trọng phong tục, tập quán, lối sống của người dân tại các nước, khu vực đã bị chinh phục cũng góp phần tạo nên một hệ thống luật lệ, quy tắc ứng xử chung giống như một loại “hàng hóa công cộng” để mỗi người dân, thực thể trong đế chế Mông Cổ có thể sử dụng mà không bị loại trừ hay cưỡng bức, áp đặt. Điều này góp phần quan trọng xây dựng nên một đế chế hùng mạnh, một “trật tự Mông Cổ” hay một nền “Hòa bình Mông Cổ” trên vùng lãnh thổ rộng lớn, trải khắp lục địa Á - Âu trong thế kỷ XIII, nửa đầu thế kỷ XIV(7).
Sự hình thành, phát triển của chủ nghĩa tư bản với vai trò một hệ thống thế giới cùng sự nổi lên của các cường quốc ở phương Tây, trước tiên là Tây Ban Nha (thế kỷ XVI - XVII), tiếp đến là Anh, Pháp, Đức (thế kỷ XVIII - XIX) và Mỹ (thế kỷ XX), dường như đã tạo nên một mẫu hình quan hệ quốc tế chủ yếu dựa trên luật lệ, trong đó các nước lớn với sức mạnh vượt trội thường chủ động đề xuất, hỗ trợ hay áp đặt “luật chơi”, đóng vai trò dẫn dắt các dòng chảy thương mại - đầu tư cũng như duy trì an ninh thế giới, góp phần xây dựng một trật tự, một “nền hòa bình” cho sự lan tỏa và phát triển của chủ nghĩa tư bản trên quy mô toàn cầu. Trường hợp Tây Ban Nha trong thế kỷ XVI, đầu thế kỷ XVII vươn lên trở thành một đế chế mạnh nhất thế giới thời điểm đó nhờ có hệ thống thuộc địa trải rộng khắp từ Ca-li-phoóc-ni-a (Mỹ) tới Pa-ta-gô-ni-a (phía Nam Ác-hen-ti-na) cùng một phần đất ở Tây Thái Bình Dương (nay thuộc Phi-líp-pin) với diện tích gần 14 triệu km2, là một trong những ví dụ điển hình.
Hệ thống thuộc địa rộng lớn cùng sức mạnh hải quân hùng mạnh đã giúp Tây Ban Nha xây dựng thành công “trật tự Tây Ban Nha” với mô hình tổ chức bộ máy nhà nước, lối sống văn hóa và đức tin Thiên chúa giáo được áp dụng rộng rãi trên các lãnh thổ của đế chế Tây Ban Nha. Trong khi đó, “trật tự Anh Quốc” được thiết lập trong thế kỷ XIX có sức mạnh vượt trội không chỉ về quy mô lãnh thổ của đế chế, mà còn cả mô hình phát triển của chủ nghĩa tư bản. Sự khuyến khích tự do thương mại, phát triển công nghệ và thúc đẩy công nghiệp hóa, xây dựng lực lượng hải quân mạnh, nhất là phát triển mạng lưới thương mại quốc tế, đã tạo dựng một loại “hàng hóa công cộng” cho sự lan tỏa và thúc đẩy kinh doanh tư bản chủ nghĩa trên quy mô toàn cầu, giúp nước Anh vượt qua nhiều đế quốc khác ở châu Âu, trở thành đế chế “Mặt Trời không bao giờ lặn”, “công xưởng thế giới”, chi phối các dòng thương mại và luật pháp kinh doanh quốc tế, duy trì trạng thái cân bằng quyền lực giữa các đế quốc châu Âu trong khoảng 100 năm (1815 - 1914).
Tuy nhiên, sự hình thành trật tự thế giới được hiểu như khuôn mẫu, quy tắc hay “luật chơi” chung điều chỉnh hành vi giữa các chủ thể, trước hết là giữa các quốc gia trong quan hệ quốc tế, được tạo ra và áp dụng rộng rãi gắn liền với sự sắp xếp quyền lực của các nhà nước tư sản ở châu Âu bằng Hòa ước Oét-pha-li-a năm 1648. Văn bản này lần đầu tiên xác định quốc gia - dân tộc là một chủ thể chính trong quan hệ quốc tế, đồng thời đặt nền móng cho sự hình thành một “trật tự thế giới dựa trên luật lệ” với các nguyên tắc cơ bản, như tôn trọng độc lập dân tộc, chủ quyền, lợi ích quốc gia, quyền tự quyết và không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau. Tuy nhiên, Hòa ước Oét-pha-li-a năm 1648 luôn bị thách thức sau đó bởi sự thay đổi tương quan sức mạnh và tham vọng địa - chính trị của các nước ở châu Âu, trước hết là Pháp. Năm 1815, khi Đại hội Viên ra đời, những giá trị của Hòa ước Oét-pha-li-a được khôi phục và phát triển. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, trên quy mô một châu lục có đại diện của hầu hết quốc gia tham dự hội nghị để đi đến một quyết nghị thay vì chủ yếu dựa vào thư tín từ các nước. Đại hội Viên đã hình thành khuôn khổ trật tự chính trị châu Âu mà đặc trưng tiêu biểu của khuôn khổ này là chống phi tập trung hóa quyền lực, đề cao sự bình đẳng về chủ quyền.
Có thể thấy, Hòa ước Oét-pha-li-a năm 1648 và Đại hội Viên năm 1815 đã cung cấp một loại “hàng hóa công cộng” cho sự hình thành, định hình trật tự thế giới dựa trên luật lệ, góp phần quan trọng vào duy trì môi trường hòa bình và an ninh ở châu Âu đến khi cuộc Chiến tranh thế giới thứ nhất nổ ra vào năm 1914. Từ thời điểm này đến khi cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc, các nguyên tắc cơ bản của Hệ thống Oét-pha-li-a - Viên bị vi phạm một cách nghiêm trọng trước sự gây chiến của các nước đế quốc mới nổi, trước hết là Đức và Nhật Bản, cũng như tham vọng địa - chính trị của Mỹ muốn kiểm soát châu Âu, vươn lên lãnh đạo thế giới. Bên cạnh đó, sự ra đời của nước Nga Xô-viết, sau đó là Liên Xô, với vai trò một chủ thể lớn, một trung tâm quyền lực mới thách thức hệ thống tư bản chủ nghĩa, trong đó có trật tự Véc-xai - Oa-sinh-tơn do phương Tây thành lập sau cuộc Chiến tranh thế giới thứ nhất, cũng tạo áp lực mới cho sự điều chỉnh, thay đổi một trật tự thế giới phù hợp hơn.
Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc với chiến thắng thuộc về Liên Xô và các nước đồng minh trước trục phát xít Đức - I-ta-li-a - Nhật Bản đã làm thay đổi căn bản tương quan sức mạnh giữa các nước, trung tâm quyền lực trong quan hệ quốc tế, đưa đến hình thành trật tự hai cực Y-an-ta dựa trên sức mạnh, phân chia khu vực ảnh hưởng giữa hai siêu cường Mỹ và Liên Xô đối nghịch nhau về ý thức hệ chính trị - tư tưởng, kinh tế và quân sự.
Khác với các trật tự được thiết lập trước đó, trật tự thế giới hai cực Y-an-ta ra đời và tồn tại gần nửa thế kỷ (1945 - 1991) chủ yếu dựa trên thế cân bằng quyền lực, trước hết là quân sự và chính trị - ngoại giao, giữa hai siêu cường là Liên Xô và Mỹ, vượt ra ngoài khuôn khổ của khu vực, hướng tới một trật tự toàn cầu. Hai cực quyền lực này thiết lập nên các thể chế kinh tế, quân sự và sử dụng yếu tố ý thức hệ tư tưởng để tập hợp lực lượng, tranh đua, xác lập tầm ảnh hưởng trên thế giới. Sự tương đối cân bằng về quyền lực, sự khác nhau giữa hai mô hình tư bản chủ nghĩa và xã hội chủ nghĩa cũng như sự hình thành các thiết chế về quân sự, kinh tế (Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương - NATO và Kế hoạch Mác-san do Mỹ lãnh đạo; Hiệp ước Vác-sa-va và Hội đồng Tương trợ kinh tế - SEV do Liên Xô chi phối) khiến các bên liên quan có thể hạn chế được sự đối đầu trực tiếp về quân sự, tập trung hơn vào phát triển kinh tế - xã hội. Điều này góp phần đáng kể vào việc duy trì trạng thái tương đối hòa bình, trước hết ở châu Âu, trong nửa sau thế kỷ XX.
Tuy nhiên, sau khi Liên Xô - nhà nước xã hội chủ nghĩa đầu tiên trên thế giới - sụp đổ vào năm 1991, trật tự thế giới hai cực Y-an-ta cũng chấm dứt. Cùng với đó, thế giới hình thành các định chế mang tính bao trùm toàn cầu, vượt ra ngoài các thiết chế mang tính “phe”, “trục”, thường được gọi là trật tự thế giới dựa trên luật lệ, đó là Liên hợp quốc và hệ thống Brét-tơn Út. Nếu Liên hợp quốc là một mô hình, thiết chế về hợp tác chính trị nhằm tạo ra quy tắc, “luật chơi” chung để củng cố độc lập, chủ quyền của các quốc gia, thúc đẩy hợp tác đa dân tộc vì an ninh và phát triển chung, thì hệ thống Brét-tơn Út là hệ thống cơ chế hợp tác kinh tế - tài chính được thiết lập nhằm tạo ra “luật chơi” chung, công cụ điều tiết các mối quan hệ tài chính và thương mại trên quy mô toàn cầu. Sự không ngừng phát triển của hai hệ thống này với việc tham gia của hầu hết các nước trên thế giới và sự hoàn thiện về thể chế bên trong của từng hệ thống đã và đang thúc đẩy sự hợp tác toàn cầu trong một thế giới đầy sự phân chia và cạnh tranh, nhất là hạn chế về hành vi bá quyền, lạm dụng sức mạnh vượt trội của một nước, thực thể nào đó để giành lợi thế cho mình.
Như vậy, trong lịch sử quan hệ quốc tế, ít nhất khoảng 300 năm qua, kể từ khi Hòa ước Oét-pha-li-a tồn tại, đã xuất hiện nhiều loại hình trật tự thế giới với số lượng “cực” khác nhau, như trật tự đa cực (1648 - 1945), trật tự hai cực (1945 - 1991), trật tự đơn cực (từ năm 1991 đến thập niên thứ hai của thế kỷ XXI). Sự phân cực và thăng trầm của “cực” phản ánh quá trình tranh đua quyền lực và tính cạnh tranh trong quan hệ giữa các nước lớn. Những “hàng hóa công cộng” mà Liên hợp quốc và hệ thống Brét-tơn Út tạo ra đã và đang thúc đẩy hợp tác, phát triển trên quy mô toàn cầu. Các nước tham gia những hệ thống này, nhất là các nước vừa và nhỏ, có nhiều cơ hội để củng cố chủ quyền quốc gia, hợp tác và hội nhập hiệu quả hơn vào nền kinh tế thị trường toàn cầu, cả trên mặt trận đối ngoại song phương và đa phương.
Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại cuộc gặp bên lề Hội nghị thượng đỉnh BRICS ở thành phố Kazan (Nga), ngày 22-10-2024 _Ảnh: THX/TTXVN
Trật tự thế giới - sự phân chia, dàn xếp quyền lực dựa trên sức mạnh
Trong lịch sử, các quốc gia có nguồn lực lớn, sức mạnh tổng hợp quốc gia nổi trội hơn quốc gia khác thường tạo ra “luật chơi”, thiết lập trung tâm quyền lực và luôn tìm cách duy trì vị thế thống trị trên thế giới. Ngược lại, các quốc gia có nguồn lực, sức mạnh tổng hợp quốc gia hạn chế hơn cũng có thể tham gia hay chống lại “luật chơi” nhằm cải thiện, thay đổi vị thế trong quan hệ quốc tế. Từ đó, thế giới hình thành một trật tự quyền lực kiểu trung tâm thống trị - ngoại vi phụ thuộc. Kiểu quan hệ này được cho là đã xác định diện mạo của hệ thống, trật tự thế giới.
Thực tiễn lịch sử cho thấy, nền “hòa bình La Mã” hay “trật tự La Mã” dần suy yếu và sụp đổ vào thế kỷ IV của công nguyên, không chỉ do khủng hoảng nội bộ, mà còn bởi sự nổi lên của các khu vực khác thuộc ngoại vi hay cận ngoại vi, như khu vực Trung Âu, Tây Bắc Âu, Trung Cận Đông... Chính sách bóc lột các khu vực ngoại vi không chỉ mang lại sự giàu có cho đế chế La Mã, mà còn thúc đẩy các nước ngoại vi quyết tâm thiết lập trật tự quyền lực mới, tranh đua hay lật đổ sự cai trị của đế chế La Mã.
Trong khi đó, “trật tự Anh quốc” đã cung cấp cho thế giới một loại “hàng hóa công cộng” giúp lan tỏa và thúc đẩy hoạt động kinh doanh tư bản chủ nghĩa trên quy mô toàn cầu, nhưng cũng khiến các khu vực ngoại vi hay bán ngoại vi vươn lên cạnh tranh quyền lực với Anh, trong đó có Đức, Nhật Bản, tiếp đến là Mỹ và Nga/Liên Xô. Chính tham vọng địa - chính trị, muốn phân chia lại quyền lực trên thế giới giữa các nước đế quốc, trung tâm quyền lực vốn có và mới nổi đã châm ngòi cho những cuộc chiến tranh đế quốc cũng như sự nổi lên của phong trào đấu tranh chống thuộc địa, chống áp bức, bóc lột trên quy mô toàn cầu. Theo giới chuyên gia, đây là bài học kinh nghiệm quý báu đối với không chỉ nước Anh, mà còn đối với bất kỳ cường quốc nào muốn áp đặt “luật chơi” có lợi cho mình, nhưng không hài hòa với lợi ích của nước khác.
Điển hình là trường hợp trật tự thế giới hai cực Y-an-ta. Chính sự tương đối cân bằng về quyền lực giữa hệ thống chủ nghĩa xã hội do Liên Xô đứng đầu và hệ thống tư bản chủ nghĩa do Mỹ chi phối được thiết lập sau cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai đã mang lại môi trường tương đối hòa bình ở châu Âu. Tuy nhiên, cạnh tranh “ai thắng ai” trở thành động cơ, phương hướng chính trong tư duy và hành động chiến lược từ hai phía, khiến mỗi bên chạy đua vũ trang, tranh đua tập hợp lực lượng, can dự vào hầu hết vấn đề quốc tế, nhất là liên quan đến chiến tranh, xung đột quân sự, đảo chính thay đổi chế độ cầm quyền ở nước ngoài. Sự tích hợp giữa nhu cầu khẳng định mình trong bức tranh quyền lực toàn cầu và chủ nghĩa lý tưởng đã thổi bùng Chiến tranh lạnh, đưa đến sự đối đầu ý thức hệ tư tưởng chính trị, quân sự và mô hình phát triển giữa hai cực Liên Xô và Mỹ trên quy mô toàn cầu. Đồng thời, tư duy theo “phe”, “cực” đã làm phân mảng thêm hệ thống thế giới, trong đó xuất hiện một “thế giới thứ ba” với Trung Quốc là trung tâm. Cũng từ sự phân mảng này đã tạo nên quan hệ “tam giác chiến lược Mỹ - Trung Quốc - Liên Xô”, trong đó Trung Quốc khẳng định mình như một trung tâm quyền lực mới của thế giới. Điều này làm giảm đi tính lưỡng cực, góp phần phá vỡ thế cân bằng giữa Liên Xô và Mỹ, khiến những “hàng hóa công cộng” mà hai chủ thể này tạo ra cho mình nói riêng và thế giới nói chung trở nên kém hiệu quả.
Đến năm 1991, Liên Xô giải thể, trật tự hai cực Y-an-ta chấm dứt, “khoảnh khắc đơn cực” của Mỹ được thiết lập. Mỹ ráo riết tập hợp lực lượng các nền “dân chủ” chống các chế độ mà Mỹ coi là “độc tài”, “chuyên chế”, như Nga và Trung Quốc, nhằm thiết lập lại “một trật tự thế giới mới” do Mỹ lãnh đạo. Trong khi đó, Trung Quốc, Nga và một số nước khác nỗ lực chống tham vọng địa - chính trị của Mỹ, khẳng định mình như một trung tâm quyền lực trong quan hệ quốc tế. Chính sự gia tăng cạnh tranh, xung đột lợi ích địa - chính trị giữa các nước lớn, nhất là cặp quan hệ Mỹ - Trung Quốc, Mỹ - Nga, đã và đang làm gia tăng xu hướng phân mảnh hệ thống thế giới theo “phe”, “trục”, tạo thêm những bất ổn, căng thẳng mới trong quan hệ quốc tế.
Bên cạnh đó, trật tự quốc tế dựa trên luật lệ, điển hình là Liên hợp quốc và hệ thống Brét-tơn Út được hình thành và phát triển kể từ năm 1945 đến nay, cũng đang đứng trước những thách thức lớn. Thực tiễn lịch sử cho thấy, nhiều vấn đề, sự kiện, nhất là liên quan đến ngăn ngừa và giải quyết xung đột, vẫn chưa thực sự được xử lý hiệu quả. Nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia, không dùng vũ lực và đe dọa dùng vũ lực vẫn bị vi phạm. Các cuộc chiến tranh xâm lược, can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia có chủ quyền núp dưới chiêu bài “dân chủ, nhân quyền” và các công cụ kinh tế, trong đó có cấm vận thương mại, tài chính, vẫn có chiều hướng gia tăng. Các nước lớn vẫn sử dụng sức mạnh, tầm ảnh hưởng của mình để chi phối, chia rẽ thế giới theo “cực”. Trong bối cảnh gia tăng cạnh tranh, xung đột giữa các nước lớn, sự nổi lên của vấn đề an ninh truyền thống và an ninh phi truyền thống, nhu cầu đổi mới, cải tổ Liên hợp quốc càng trở nên cấp bách để tổ chức này không chỉ là trung tâm điều hòa các nỗ lực quốc tế vì hòa bình và thịnh vượng chung, mà còn phải là trung tâm ngăn ngừa, giải quyết xung đột giữa các quốc gia, dân tộc.
Hệ thống Brét-tơn Út, trước hết là các định chế, như Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), cũng đang bị thách thức bởi nhu cầu khẳng định mình của các nước lớn và lợi ích quốc gia - dân tộc chi phối. Hiện nay, các cơ chế, nhất là WB và IMF, về cơ bản do Mỹ cùng nhiều nước ở Tây Âu và Nhật Bản nắm quyền chủ đạo. Trong khi đó, WTO là một tổ chức có tính rõ ràng, minh bạch hơn; mỗi thành viên đều có vai trò như nhau, hiện nay cũng đứng trước không ít thách thức trước các biện pháp trừng phạt kinh tế, thương mại, đầu tư của các nước lớn. Các biện pháp trừng phạt kinh tế, thương mại, đầu tư đã và đang khiến hệ thống thương mại thế giới trở nên phân mảng nhiều hơn theo phe, nhóm chính trị. Những chính sách cấm vận hay hạn chế về thương mại và đầu tư cũng kéo theo sự phân mảng về khoa học - công nghệ, nhất là kỹ thuật số. Để hạn chế tác động tiêu cực trước sự cấm vận từ Mỹ và phương Tây, Trung Quốc và Nga trong những năm gần đây từng bước nội địa hóa hệ thống in-tơ-nét để tự chủ về an ninh mạng... Cùng với đó, nhiều nước, nhất là Mỹ và các nước Liên minh châu Âu (EU), cũng thường sử dụng hàng rào kỹ thuật để bảo vệ hàng nội địa và hạn chế sức cạnh tranh của các đối thủ. Tất cả điều này đã và đang làm xói mòn tiến trình toàn cầu hóa, tạo ra những thách thức mới đối với các thể chế hợp tác kinh tế đa phương dựa trên luật lệ, trước hết là WTO.
Một số nhận xét
Từ phân tích trên, có thể đưa ra một số nhận xét sau:
Thứ nhất, trật tự nói chung, trật tự thế giới nói riêng là các mẫu hình hoạt động, quy tắc sắp xếp, điều chỉnh hành vi trong quan hệ giữa các nước, do một nước hay nhóm nước có sức mạnh vượt trội về quân sự, kinh tế tạo ra và được áp dụng, lan tỏa khá rộng rãi trong một không gian địa lý xác định, ở cả cấp độ khu vực và toàn cầu. Trên thực tế, từ mẫu hình trật tự do một đế chế (đế quốc) tạo ra, như trật tự La Mã, trật tự Mông Cổ, trật tự Tây Ban Nha, trật tự Anh quốc cho đến trật tự do nhiều nước (chủ yếu là các nước lớn) thiết lập nên, như trật tự Oét-pha-li-a, trật tự Véc-xai - Oa-sinh-tơn, trật tự Y-an-ta, trật tự Liên hợp quốc, trật tự Brét-tơn Út đều là kết quả của tranh đua quyền lực nhằm tạo ra một “luật chơi” có lợi cho mình, nhưng cũng mang đến cơ hội cho các quốc gia khác, nhất là các quốc gia kém phát triển, tham gia hệ thống kinh tế và chính trị toàn cầu. Cùng với sức mạnh vượt trội, trước hết là quân sự và kinh tế, những giá trị, tiến bộ của thể chế, mô hình phát triển và đột phá về công nghệ của các nước lớn, trung tâm quyền lực đã thúc đẩy giao lưu, tiếp biến văn hóa, phát triển kinh tế, nhất là thương mại, trên quy mô rộng lớn, giúp các nước thuộc khu vực ngoại vi có thể vươn lên khẳng định vai trò.
Thứ hai, do nỗ lực khẳng định mình là trung tâm quyền lực trong quan hệ quốc tế và bị thuyết phục bởi chủ nghĩa lý tưởng, các nước lớn có sức mạnh vượt trội luôn tìm cách duy trì vị thế thống trị bằng nhiều công cụ khác nhau. Trong khi đó, các quốc gia, nhóm nước khác yếu thế hơn luôn có xu hướng muốn thoát khỏi sự chi phối hay phụ thuộc từ các nước lớn, nỗ lực vươn lên để cạnh tranh bình đẳng hơn trong quan hệ quốc tế. Điều này khiến trật tự khu vực và toàn cầu, cả theo “cực” và luật lệ, luôn thay đổi, phá vỡ thế cân bằng về cấu trúc trong quan hệ quốc tế, tạo ra sự xáo trộn về môi trường an ninh, hợp tác phát triển trên quy mô toàn cầu
Thứ ba, hiện nay, trật tự thế giới đang ở trạng thái giằng co giữa “đơn cực” và “đa cực”. Mỹ đang nỗ lực duy trì “khoảnh khắc đơn cực”, trong khi đó Trung Quốc, Nga và nhiều nước khác quyết tâm vươn lên khẳng định vai trò như một “cực quyền lực”. Hơn nữa, do tư duy và hành động theo sức mạnh, sắp đặt trật tự thế giới theo “cực” còn khá phổ biến trong giới hoạch định và thực thi chính sách quốc gia của các nước lớn, nên vai trò của hệ thống Liên hợp quốc và hệ thống Brét-tơn Út với tư cách là người cung cấp “hàng hóa công cộng” đối với an ninh và phát triển đang bị thách thức nghiêm trọng. Chính vì vậy, các quốc gia - dân tộc - chủ thể chính trong quan hệ quốc tế cần nỗ lực hơn để cải tổ, đổi mới hay xây dựng lại một trật tự quốc tế dựa trên luật lệ công bằng hơn ./…
---------------------
* Bài viết là kết quả nghiên cứu đề tài nghiên cứu cấp bộ “Cục diện thế giới đến năm 2030, tầm nhìn đến giữa thế kỷ XXI và đối sách của Việt Nam”
(1) V.I. Lê-nin thường sử dụng cụm từ “nguyên tắc chung”, “pháp quyền quốc tế” và “pháp quyền giữa các xã hội” thay cho cụm từ “luật chơi chung”. Xem: V. I. Lê-nin: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, t. 29, tr. 271
(2) Pax trong tiếng La-tinh có nghĩa là “hòa bình”, cũng có khi hiểu là “hiệp ước” hoặc “hòa thuận”
(3) “Hàng hóa công cộng” là một khái niệm, phạm trù khoa học được ngành kinh tế học đưa ra và áp dụng, theo đó các thực thể hay thể chế (thông thường là nhà nước) tạo ra các sản phẩm xã hội (ví dụ, các dịch vụ công cộng, như y tế, giáo dục, đường sá)... mà mọi thành viên trong xã hội có thể dùng chung, nhưng không loại trừ hay cản trở các giá trị, hàng hóa công cộng khác mà họ theo đuổi hay hưởng thụ. Mọi thực thể trong xã hội trả phí khi sử dụng “hàng hóa công cộng”, không phải bằng cách mua hàng hóa trong thị trường. Từ khái niệm này, các nhà nghiên cứu chính trị và quan hệ quốc tế thường liên hệ nó với các khuôn mẫu, quy tắc, luật lệ mà các định chế khu vực và quốc tế tạo ra trong lịch sử để định hình trạng thái, sự thay đổi trật tự quyền lực và đánh giá vai trò của nó đối với an ninh và phát triển của một quốc gia, nhóm nước hay cả cộng đồng quốc tế
(4) Người dân La Mã khi được cấp quyền công dân về cơ bản được hưởng bình đẳng về quyền lợi và nghĩa vụ như nhau, không phân biệt sắc tộc, tôn giáo hay ngôn ngữ. Hơn nữa, hệ thống luật pháp của đế chế La Mã khá đồng bộ và chi tiết, từ luật dân sự, luật hôn nhân và gia đình, luật hình sự, luật về quyền và nghĩa vụ công dân, quyền sở hữu cá nhân về tài sản... Cùng với đó, mô hình tổ chức, quản lý nhà nước theo cấp ngành, lĩnh vực hoạt động và theo phân cấp giữa Trung ương và địa phương cũng như cách ứng xử tương đối nhân văn đối với những vùng lãnh thổ mới xâm chiếm và sáp nhập, góp phần làm cho đế chế La Mã trở nên thái bình, thu hút được nhân tâm của người dân cả trong và ngoài đế chế
(5) Xem: Nguyễn Văn Nam: “Luật La Mã trong sự hình thành và phát triển của hệ thống luật châu Âu”, Tạp chí Nhà nước và Pháp luật, số 3-2006; Nguyễn Đình Nhơn: Những câu chuyện bí mật về một đế chế vĩ đại trong thế giới cổ xưa, Nxb. Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2004, tr. 11 - 12; Edwar Mc Nall Burn: Văn minh phương Tây, Nxb. Từ điển Bách khoa, Hà Nội, 2008, tr. 233 - 234
(6) Đây là một thực thể chính trị ở vùng Trung Á do Quân vương với tước hiệu Hãn (Khan) cai trị. Những tiểu quốc này tập trung ở miền bình nguyên Âu - Á, trải rộng đến Ba Tư và miền núi Cáp-ca-dơ (Kavkaz)
(7) Xem: Michael Prawdin: The Mongol Empire: It's rise and legacy (Tạm dịch: Đế quốc Mông Cổ: Sự trỗi dậy và di sản), New Brunswick: Transation, 2006, tr. 347 - 348