Vai trò của ASEAN trong bối cảnh hiện nay

PGS, TS LÊ ĐÌNH TĨNH - TS HÀ VIỆT ANH
Bộ Ngoại giao
17:03, ngày 07-06-2025

TCCS - Trong bối cảnh tình hình quốc tế và khu vực đầy biến động, việc các nước lớn và tổ chức quốc tế, khu vực đưa ra và triển khai nhiều sáng kiến đối với khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tác động đa chiều đến lợi ích của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), tạo ra cả cơ hội và thách thức đối với ASEAN. Việc nghiên cứu, phân tích, đánh giá về vai trò của ASEAN trong bối cảnh đó sẽ giúp các quốc gia liên quan tham gia tích cực, chủ động hoạt động của khu vực; đồng thời, cân bằng, điều hòa lợi ích với các nước.

Sự phát triển bền vững, bền bỉ của ASEAN

Được thành lập từ năm 1967, qua gần sáu thập niên, ASEAN đã vận hành phát triển cùng sự vận động của khu vực, ngày càng trở thành một tổ chức đa phương đoàn kết, uy tín, có tiếng nói và ảnh hưởng tại khu vực, cũng như trên trường quốc tế. ASEAN khẳng định vị thế ngày càng quan trọng trong cấu trúc kinh tế và an ninh của khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương(1). Theo một số nghiên cứu quốc tế, ASEAN được dự báo trở thành nền kinh tế lớn thứ ba thế giới với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) vượt 10.000 tỷ USD vào năm 2030.

Sự phát triển của ASEAN trong gần sáu mươi năm qua có thể phân kỳ thành năm giai đoạn: Giai đoạn thứ nhất (1967 - 1975), ASEAN được hình thành, thiết lập mục tiêu phát triển với 5 quốc gia sáng lập ban đầu (bao gồm In-đô-nê-xi-a, Ma-lai-xi-a, Phi-líp-pin, Xin-ga-po, Thái Lan). Giai đoạn thứ hai (1976 - 1984), ASEAN được mở rộng và củng cố thông qua việc ký kết Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác Đông Nam Á (TAC, năm 1976). Giai đoạn thứ ba (1985 - 1999), ASEAN tăng cường hợp tác toàn diện với việc tham gia đầy đủ của 10 quốc gia Đông Nam Á. Sự mở rộng đã phản ánh thành công của ASEAN trong việc duy trì ổn định khu vực và phát triển Hiệp hội với thị trường rộng lớn, nền văn hóa và lịch sử đa dạng. Giai đoạn thứ tư (2000 - 2015), ASEAN ghi nhận bước phát triển mới với việc thông qua Hiến chương ASEAN (năm 2008) và đạt mục tiêu xây dựng Cộng đồng ASEAN (năm 2015) - nền tảng hợp tác nội khối, mở rộng mối quan hệ với các đối tác chiến lược trên toàn cầu. Giai đoạn thứ năm (từ năm 2015 đến nay), ASEAN đang nỗ lực vượt qua nhiều thử thách mới, hướng tới tương lai.

Trải qua gần sáu thập niên hình thành và phát triển, có thể thấy ASEAN đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật.

Một là, ASEAN có sự tham gia của tất cả các nước Đông Nam Á, tạo được “tinh thần đoàn kết ASEAN”, là cốt lõi cho sức mạnh của Hiệp hội vượt qua những khó khăn, thử thách. ASEAN đã gìn giữ được một khu vực Đông Nam Á hòa bình, ổn định kể từ khi Chiến tranh lạnh kết thúc đến nay, tạo nên sự khác biệt so với nhiều khu vực khác trên thế giới. Đây cũng là cơ sở để các nước ASEAN có thể tập trung cho mục tiêu phát triển chung của Hiệp hội và sự phát triển của từng quốc gia thành viên.

Hai là, thành lập Cộng đồng ASEAN (AC) với ba trụ cột chính(2), trở thành một cộng đồng có mức độ hợp tác, liên kết ngày càng sâu rộng; là một trong những khu vực phát triển năng động nhất thế giới(3) với GDP đạt khoảng 3.800 tỷ USD (năm 2023), là nền kinh tế lớn thứ năm thế giới(4)

Ba là, trở thành tổ chức có vị thế và uy tín quốc tế ngày càng cao, có quan hệ đối ngoại rộng mở, nỗ lực đóng vai trò trung tâm trong khu vực, được các đối tác, bao gồm tất cả nước lớn, coi trọng, tăng cường hợp tác(5), trở thành tâm điểm của nhiều sáng kiến, tiến trình khu vực. Nhiều cơ chế hợp tác do ASEAN dẫn dắt đã quy tụ sự tham gia của không ít quốc gia, đối tác lớn trên thế giới.

Bên cạnh những thành tựu, ASEAN cũng đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức đến từ cả bên trong và bên ngoài. Ở bên ngoài, đó là căng thẳng địa - chính trị, xung đột, bất ổn bùng phát ở nhiều nơi; nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất; vấn đề giữ cân bằng quan hệ với các nước lớn(6); sự rủi ro thường trực về kinh tế, cùng nhiều thách thức khác nổi lên ngày càng gay gắt, như biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh, an ninh mạng(7). Bên cạnh đó, sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ mới tiềm ẩn nguy cơ tụt hậu đối với các nước đang phát triển và các nước kém phát triển. Ở bên trong, đó là sự chênh lệch trình độ phát triển giữa các quốc gia; hợp tác, liên kết nội khối chưa thực sự bền chặt. Vì vậy, việc duy trì sự đồng thuận và hợp tác hiệu quả trong một tổ chức đa dạng về chính trị, kinh tế, văn hóa luôn là bài toán khó, đòi hỏi sự linh hoạt và sáng tạo trong các cơ chế phối hợp.

Lễ thượng cờ ASEAN nhân kỷ niệm 57 năm ngày thành lập ASEAN và 29 năm ngày Việt Nam là thành viên chính thức của ASEAN _Nguồn: baoquocte.vn

Tác động của các sáng kiến, chiến lược nước lớn đến cấu trúc an ninh khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và vai trò của ASEAN

ASEAN là khu vực kết nối giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. Chính vì vậy, các sáng kiến, chiến lược khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của các quốc gia được đánh giá ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình chính trị, an ninh, kinh tế của ASEAN, trong đó có vai trò ngày càng tăng lên của ASEAN trong cấu trúc an ninh khu vực. Tác động của các sáng kiến, chiến lược nước lớn đến cấu trúc an ninh khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và vai trò của ASEAN có thể được nhìn nhận như sau:

Các sáng kiến của Trung Quốc, như “Cộng đồng chung vận mệnh nhân loại”, Sáng kiến “Vành đai, Con đường” (BRI), Sáng kiến Phát triển toàn cầu (GDI), Sáng kiến An ninh toàn cầu (GSI), Sáng kiến Văn minh toàn cầu (GCI), từng bước hình thành một hệ thống lý luận về thế giới quan của Trung Quốc trong tất cả lĩnh vực; đồng thời, giúp Trung Quốc hiện thực hóa “giấc mơ Trung Hoa”, khẳng định vai trò ngày càng quan trọng trong hệ thống quốc tế. Các sáng kiến này được Trung Quốc triển khai với quyết tâm chính trị cao, nguồn lực đầu tư lớn, nội dung bao trùm toàn diện, từ chính trị, an ninh, kinh tế, đến phát triển, văn hóa, văn minh... Đơn cử như, BRI có mục đích kết nối Trung Quốc với thị trường và nguồn tài nguyên toàn cầu. GDI hướng tới các mục tiêu phát triển, GSI tập trung vào mục tiêu về an ninh còn và GCI hướng trọng tâm về phương diện văn hóa, văn minh.

Đối với Mỹ, Chiến lược “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở” (IPS) được Mỹ xem là khuôn khổ bao trùm ở khu vực. Chính vì vậy, nhiều sáng kiến, như Nhóm “Bộ tứ kim cương” (QUAD), Thỏa thuận hợp tác an ninh ba bên giữa Ô-xtrây-li-a, Anh và Mỹ (AUKUS), Sáng kiến Đối tác hạ tầng và Đầu tư toàn cầu (PGII),... được Mỹ thiết lập để cụ thể hóa IPS, tạo thành hệ thống liên minh, đối tác đa dạng, đa tầng nấc, phục vụ lợi ích của Mỹ; đem lại lợi thế cạnh tranh, cũng như giúp đồng minh, đối tác của Mỹ tự tin hơn trong ứng phó với thách thức đa dạng. Các nước đồng minh và đối tác của Mỹ cũng đưa ra sáng kiến, chiến lược riêng đối với khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Nếu cách tiếp cận của Ấn Độ, Nhật Bản, Ô-xtrây-li-a đối với khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương mang tính khá tổng thể song vẫn có phần nghiêng về phương diện chính trị - an ninh, thì các sáng kiến khu vực của Anh, Pháp, Đức, Liên minh châu Âu (EU) hướng tới đối tác kinh tế và kết nối. Hiện nay, mặc dù IPS của Mỹ đã trải qua ba thời kỳ chính quyền Tổng thống Mỹ(8), song vẫn đặt trọng tâm vào chính trị, an ninh, quân sự; trong khi, nội dung kinh tế, thương mại còn khá hạn chế. Trên thực tế, Mỹ đã chú trọng hơn đến vấn đề kinh tế, tuy nhiên do nhiều yếu tố, việc triển khai chưa được rõ nét...

Nhìn tổng thể, an ninh khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương mang đặc điểm liên chính phủ, không có cấu trúc siêu quốc gia; đang định hình, chưa có ranh giới, phạm vi địa lý và lĩnh vực cụ thể; đa tầng nấc; có sự phân mảnh lớn với ba tập hợp lực lượng chính trong khu vực do Trung Quốc, Mỹ và ASEAN cùng nhiều quốc gia có ảnh hưởng trên thế giới. Nói cách khác, ASEAN không phải là “chủ thể” duy nhất tại khu vực; do đó, vai trò trung tâm của ASEAN sẽ chịu tác động và bị cạnh tranh nhất định bởi sáng kiến, chiến lược. Mặt khác, sáng kiến, chiến lược tác động đến vai trò trung tâm của ASEAN liên quan mật thiết đến cạnh tranh Mỹ - Trung Quốc và đặc thù của khu vực. Cạnh tranh Mỹ - Trung Quốc là cạnh tranh về vai trò - hệ giá trị - trật tự, cần tranh thủ các nước, tổ chức khu vực. Do vậy, các thiết chế quốc tế, khu vực như ASEAN vẫn đóng vai trò quan trọng. Hợp tác với ASEAN sẽ tạo được thế chính danh khi các nước lớn muốn triển khai sáng kiến ở khu vực. Các nước lớn đều công nhận vai trò của ASEAN và ASEAN có cơ chế kết nối được với tất cả nước lớn, kể cả Mỹ và Trung Quốc. Đối với cạnh tranh Mỹ - Trung Quốc, tại khu vực sẽ có một hình thái đan xen, giao thoa và chồng lấn ảnh hưởng của cả hai nước này; cơ hội sẽ đi kèm thách thức, nhưng nếu ASEAN biết tận dụng, cơ hội vẫn nhiều hơn thách thức.

Là khu vực kết nối hai đại dương Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, Đông Nam Á với lợi thế về vị trí địa - chính trị và địa - kinh tế luôn là tâm điểm của cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, nhất là Mỹ - Trung Quốc. Mặc dù các nước lớn cạnh tranh ảnh hưởng tại khu vực, nhưng điểm chung là công khai ủng hộ một ASEAN đoàn kết, vững mạnh. Vấn đề cốt lõi là ASEAN cần xác lập trạng thái cân bằng quyền lực, luôn năng động, có cách tiếp cận mới để thích ứng với diễn biến mới ở khu vực. Có thể tổng hợp một số tác động thuận và tác động không thuận đến từ sáng kiến, chiến lược của các nước lớn đối với vai trò của ASEAN như sau: Về tác động thuận: 1- Sự ra đời của các sáng kiến, chiến lược khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đã giúp nâng cao vị thế của ASEAN; 2- ASEAN có thể phát huy tối đa ảnh hưởng trong bối cảnh các cấu trúc an ninh, kinh tế mới chưa hoàn thiện; 3- Sự cạnh tranh giữa các nước lớn khiến giá trị chiến lược và vai trò của ASEAN gia tăng. Về tác động không thuận: 1- Cạnh tranh nước lớn có thể dẫn đến tình huống các nước phải chọn phe, khiến ASEAN phân tách; 2- Các sáng kiến, chiến lược khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tác động đến việc phát huy ảnh hưởng của ASEAN; 3- Sự ra đời của nhiều sáng kiến, chiến lược khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương có thể làm suy giảm “không gian chiến lược” của ASEAN.

Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và lãnh đạo các nước ASEAN, Timor-Leste tham dự Phiên toàn thể Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 46 _Ảnh: TTXVN

Vai trò của ASEAN trong thời gian qua và triển vọng thời gian tới

Từ thành quả đạt được, có thể cụ thể hóa vai trò của ASEAN trong thời gian qua trên ba khía cạnh chính.

Vai trò kết nối của ASEAN tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Với vị thế ngày càng gia tăng trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, ASEAN trở thành điểm giao thoa, kết nối quan trọng của các tuyến hàng hải, trao đổi thương mại, giao lưu văn hóa, giao lưu nhân dân. Với nền kinh tế phát triển năng động, quy mô lớn trên thế giới, ASEAN là một đối tác đáng kể của các nền kinh tế ở cả trong và ngoài khu vực(9). Đặc biệt, ASEAN cung cấp diễn đàn trao đổi các vấn đề chiến lược, chính trị - an ninh với mức độ bao trùm và cấp cao nhất trong so sánh với các tổ chức khu vực khác. Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS) là diễn đàn bao gồm sự tham dự của tất cả nước lớn trong khu vực. Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) là diễn đàn đa phương duy nhất tại khu vực có sự tham gia của Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên... Theo đó, ASEAN không chỉ có năng lực tập hợp, mà còn hội tụ khả năng xây dựng và dẫn dắt các chương trình nghị sự hợp tác.

Vai trò ngày càng tăng lên của ASEAN được các nước công nhận. Mỹ và phương Tây luôn đề cao vai trò của ASEAN trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Trung Quốc và Nga cũng hết sức coi trọng vai trò ngày càng tăng lên của ASEAN. Về chủ trương, trong tuyên bố của lãnh đạo cấp cao và trong những văn kiện chính thức, các nước lớn thường xuyên nhấn mạnh việc tôn trọng, đề cao, cam kết ủng hộ vai trò của ASEAN trong cấu trúc khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Về hành động trên thực tế, việc các nước lớn đề cao vai trò của ASEAN được thể hiện rõ nét qua nhiều biện pháp cụ thể:

Thứ nhất, trong những năm gần đây, các nước lớn đều tích cực thúc đẩy nâng cấp quan hệ với ASEAN. Hiện nay, ASEAN có 11 quan hệ đối thoại, trong đó có 6 đối tác chiến lược và đối tác chiến lược toàn diện, như Trung Quốc (năm 2021), Ô-xtrây-li-a (năm 2021), Mỹ (năm 2022), Ấn Độ (năm 2023), Nhật Bản (năm 2023), Hàn Quốc (năm 2024). Việc nâng cấp quan hệ đã giúp ASEAN bước đầu vượt qua thế “kẹt” từ sự gia tăng cạnh tranh, có xu hướng đối đầu giữa các nước lớn, nhất là Mỹ - Trung Quốc, góp phần duy trì vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực đang định hình. Ngoài ra, ASEAN có quan hệ kinh tế chặt chẽ với nhiều nước, đối tác lớn, các quốc gia có ảnh hưởng trên thế giới. ASEAN đã ký kết hiệp định thương mại tự do (FTA) với các đối tác quan trọng ngoài khu vực, như Trung Quốc (năm 2002), Hàn Quốc (năm 2005), Nhật Bản (năm 2008), Ấn Độ (năm 2003), Ô-xtrây-li-a và Niu Di-lân (năm 2009); ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP, năm 2020), tạo ra một khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới.

Trên cơ sở các khuôn khổ kinh tế được thiết lập, ASEAN ngày càng trở thành đối tác quan trọng của các nước. Trong đó, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của ASEAN, với kim ngạch thương mại hai chiều đạt 696,71 tỷ USD vào năm 2023, tiếp đến là Mỹ: 395,9 tỷ USD, EU: 279,8 tỷ USD, Nhật Bản: 239,47 tỷ USD, Hàn Quốc: 196,64 tỷ USD, Ấn Độ: 101,9 tỷ USD và Ô-xtrây-li-a: 94,4 tỷ USD. Ở chiều ngược lại, ASEAN là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc kể từ năm 2020(10), lớn thứ hai của Hàn Quốc(11) và Ô-xtrây-li-a(12), lớn thứ ba của EU(13) và Nhật Bản(14), lớn thứ tư của Mỹ(15) và Ấn Độ(16). Về đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), năm 2023, ASEAN thu hút được nguồn vốn FDI đạt kỷ lục, với 230 tỷ USD, trong bối cảnh dòng vốn FDI toàn cầu đang có sự sụt giảm(17). Mỹ vẫn là nhà đầu tư FDI lớn nhất vào ASEAN, với 74,4 tỷ USD; Trung Quốc xếp vị trí thứ ba, với 17,3 tỷ USD; Nhật Bản xếp vị trí thứ năm, với 14,5 tỷ USD; Hàn Quốc xếp thứ sáu, với 10,9 tỷ USD; Ấn Độ xếp vị trí thứ chín, với 5,6 tỷ USD(18).

Thứ hai, lãnh đạo cấp cao nhiều nước đã đến tham dự hoạt động cấp cao của ASEAN. Đơn cử như, gần đây nhất, tại các hội nghị cấp cao liên quan của ASEAN diễn ra trong tháng 10-2024, ngoài sự tham gia của lãnh đạo quốc gia thành viên ASEAN, Tổng Thư ký ASEAN, còn có sự tham dự của Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường, Thủ tướng Ấn Độ Na-ren-đra Mô-đi, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Sác-lơ Mi-xen, Thủ tướng Nhật Bản I-si-ba Si-giê-ru, Thủ tướng Ô-xtrây-li-a An-tô-ni An-ba-ni, Ngoại trưởng Mỹ An-tô-ni Blin-kin, Ngoại trưởng Nga Xéc-gây La-vơ-rốp,…

Thứ ba, hiện nay đã có 96 quốc gia cử đại sứ tại ASEAN(19), bao gồm tất cả nước lớn và nhiều quốc gia có ảnh hưởng trên thế giới (Trung Quốc, Mỹ, Nga, Ấn Độ, Anh, Pháp, Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ô-xtrây-li-a, EU...).

Vai trò của ASEAN thông qua nỗ lực khẳng định của Hiệp hội. Với vị thế là một thực thể chính trị - kinh tế gắn kết cùng tầm quan trọng về địa - chính trị và địa - kinh tế, ASEAN đã chứng tỏ là đối tác quan trọng trong chính sách khu vực của các đối tác, các nước lớn.

Một là, vai trò của ASEAN đã được đề cập trong các văn kiện quan trọng của ASEAN, như Hiến chương ASEAN năm 2008, đó là: “duy trì vai trò trung tâm và chủ động của ASEAN như là động lực chủ chốt trong quan hệ và hợp tác với các đối tác bên ngoài trong một cấu trúc khu vực mở, minh bạch và thu nạp”(20).

Hai là, ASEAN đã thông qua “Bản kế hoạch làm việc sửa đổi về duy trì và tăng cường tính trung tâm của ASEAN”(21) tại Hội nghị không chính thức Bộ trưởng Ngoại giao các nước ASEAN năm 2015 (IAMM), với ba phương hướng nhằm định vị vai trò của ASEAN. Cụ thể là: 1- Trở thành lực lượng trung tâm và tiến bộ để thúc đẩy, duy trì một Đông Nam Á hòa bình, hiệu quả, thịnh vượng, bao trùm; 2- Trở thành bên tham gia hàng đầu định hình cấu trúc lấy ASEAN làm trung tâm và định hướng tương lai của châu Á - Thái Bình Dương; 3- Trở thành đối tác được tôn trọng trong cộng đồng toàn cầu, thúc đẩy lợi ích của Đông Nam Á trên trường quốc tế. 

Ba là, tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 34 diễn ra ở Thái Lan vào năm 2019, các nhà lãnh đạo ASEAN đã thông qua Tài liệu quan điểm ASEAN về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (AOIP)(22), trong đó nhấn mạnh quan điểm riêng của ASEAN về khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương với mong muốn duy trì một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đối thoại và hợp tác thay vì đối đầu; tất cả đối tác và bạn bè, nhất là các nước lớn cùng tham gia hợp tác, cạnh tranh lành mạnh và “vai trò trung tâm” của ASEAN là nguyên tắc nền tảng để thúc đẩy hợp tác trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, đồng thời ASEAN tập trung củng cố và tối ưu hóa các cơ chế do ASEAN dẫn dắt, trong đó có EAS, ASEAN+1, ARF, Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+) cùng nhiều cơ chế khác. Cách tiếp cận này giúp ASEAN giữ được sự cân bằng trong cạnh tranh địa - chính trị giữa các nước lớn để thu hút nguồn lực bên ngoài, duy trì an ninh, hợp tác và phát triển, cũng như thể hiện tính độc lập, tự chủ, trung lập cùng mong muốn duy trì môi trường hòa bình và ổn định ở khu vực Đông Nam Á. Nhìn chung, AOIP từng bước được cập nhật, nâng cấp dần qua các hội nghị cấp cao ASEAN. Hiện nay, 7/11 đối tác đối thoại đầy đủ của ASEAN đã cùng ASEAN ra tuyên bố chung về hợp tác triển khai AOIP, bao gồm Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Ô-xtrây-li-a và Niu Di-lân.

Bằng cách tham gia tích cực, chủ động vào việc định hình “sân chơi” và “luật chơi” trong khu vực; thúc đẩy liên kết khu vực; cân bằng, điều hòa lợi ích với các nước; xây dựng lòng tin, quản lý và ngăn ngừa xung đột, tạo cơ hội cho các nước lớn tương tác tại các diễn đàn; thiết lập chuẩn mực và nguyên tắc cho sự tương tác tại khu vực giữa các quốc gia ngoài khu vực, ASEAN ngày càng đóng vai trò quan trọng trong các tiến trình ở khu vực Đông Nam Á và châu Á - Thái Bình Dương - Ấn Độ Dương.

Trong thời gian tới, bên cạnh nhân tố thuận, có nhân tố không thuận được dự báo sẽ tác động đến vai trò của ASEAN. Với lợi thế về địa - chính trị và địa - kinh tế, các nước ASEAN đã tạo dựng được khả năng duy trì cân bằng linh hoạt trong quan hệ giữa ASEAN với các cường quốc. Thực tiễn cho thấy, lực kéo của môi trường bên ngoài có thể trở thành lực đẩy khiến ASEAN thêm đoàn kết và có vai trò quan trọng hơn. “Phương cách ASEAN” và nguyên tắc đồng thuận đã giúp ASEAN không chỉ xây dựng được hình ảnh và uy tín là một tổ chức khu vực thành công, mà còn tạo dựng được thông lệ đề cao việc đối thoại, tham vấn và xây dựng lòng tin giữa các nước trong khu vực, cũng như với các đối tác bên ngoài khu vực; tham gia một cách tích cực và chủ động vào việc giải quyết vấn đề của thế giới và khu vực. Đồng thời, đẩy mạnh hợp tác, hội nhập kinh tế, văn hóa - xã hội ở khu vực Đông Á và rộng hơn là châu Á - Thái Bình Dương - Ấn Độ Dương.

Tuy nhiên, thách thức do cạnh tranh nước lớn đang và sẽ đặt ra đối với vai trò của ASEAN là không nhỏ, đòi hỏi các quốc gia thành viên củng cố nhận thức về tầm quan trọng của ASEAN, cũng như đồng thuận trong việc tìm kiếm và thực thi giải pháp nhằm ứng phó với thách thức. Sự thiếu đồng bộ trong phối hợp chính sách giữa các quốc gia thành viên dường như có nguy cơ làm suy yếu vai trò của ASEAN. Bên cạnh đó, sự thay đổi trong chính sách ngoại giao của các nước thành viên cũng ảnh hưởng đến vai trò của ASEAN. Là một tổ chức đưa ra nguyên tắc không đứng về bên nào trong cạnh tranh quyền lực giữa các nước lớn, song xu hướng hiện tại của một số quốc gia ASEAN trong việc xích lại gần một số cường quốc là một phép thử khác đối với ảnh hưởng của ASEAN. Không chỉ vậy, ảnh hưởng của ASEAN còn phụ thuộc vào năng lực lãnh đạo ASEAN của từng quốc gia. Theo cơ chế luân phiên, mỗi năm, vai trò chủ tịch ASEAN được một nước thành viên đảm nhận, do đó ASEAN có sự vận hành theo mong muốn khác nhau của nước chủ tịch trong việc thúc đẩy, thực hiện vai trò của ASEAN. Ngoài ra, sự ra đời của nhiều sáng kiến, chiến lược cũng có thể làm suy giảm ảnh hưởng của ASEAN…

Từ việc phân tích nhân tố có thể ảnh hưởng đến vai trò của ASEAN, giới chuyên gia đã đưa ra một số kịch bản về vai trò của ASEAN trong thời gian tới. Kịch bản thứ nhất, hầu hết hoặc toàn bộ chương trình nghị sự của khu vực sẽ do Mỹ, Trung Quốc và các nước/tổ chức khu vực lớn dẫn dắt. Kịch bản thứ hai, ASEAN đóng vai trò chủ động trong định hình cấu trúc an ninh và kinh tế của khu vực. Các nước lớn đều tôn trọng vai trò của ASEAN. Kịch bản thứ ba, trải qua gần 60 năm, ASEAN có đủ điều kiện, thể chế, năng lực và khuôn khổ để xử lý thách thức, sẽ tiếp tục vững bước, phát triển và ngày càng hội nhập sâu rộng vào thế giới. ASEAN vẫn tìm ra được phương thức phù hợp để duy trì ảnh hưởng một cách tương đối trong bối cảnh thế giới và khu vực luôn buộc ASEAN điều chỉnh để thích nghi, bởi bản chất của ASEAN là tiệm tiến từng bước, tham vấn và đồng thuận. Bên cạnh đó, cả Mỹ và Trung Quốc đều có điểm mạnh và điểm giới hạn, cần tranh thủ sự ủng hộ của các nước, do vậy các thiết chế quốc tế và khu vực như ASEAN có thể khiến các cường quốc “có thể chấp nhận” thể chế do ASEAN điều phối như một “diễn đàn thảo luận” để gắn kết lẫn nhau trong việc xây dựng lòng tin và tạo ra sự hiểu biết chung về vấn đề an ninh khu vực(23).

Một số hàm ý từ phương diện chính sách

ASEAN là diễn đàn đa phương quan trọng hàng đầu, có ý nghĩa chiến lược đối với an ninh, phát triển của khu vực. Bối cảnh tình hình thế giới và khu vực mới đem đến nhiều cơ hội, song cũng tạo ra không ít khó khăn, thách thức đối với ASEAN nói chung và quốc gia thành viên nói riêng. Điều này đòi hỏi ASEAN khẳng định một cách vững chắc, toàn diện hơn vai trò trung tâm của mình và cũng đặt ra yêu cầu tiếp tục tham gia với tinh thần chủ động, tích cực, hiệu quả hơn để đóng góp nhiều hơn vào công việc chung của Cộng đồng, cũng như phục vụ tốt hơn lợi ích quốc gia - dân tộc theo tư duy mới và trong bối cảnh mới.

Theo đó, để tiếp tục tham gia chủ động, hiệu quả vào việc định hình cấu trúc an ninh và kinh tế của khu vực, theo nhiều chuyên gia, ASEAN cần bảo đảm các yếu tố: 1- Đoàn kết nội khối; 2- Xử lý hiệu quả mối quan hệ giữa lợi ích của các quốc gia với lợi ích của khu vực; 3- Xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với tất cả nước lớn dựa trên nguyên tắc ASEAN; 4- Tạo lợi ích và kết nối lợi ích của Cộng đồng với lợi ích của các nước, xây dựng chương trình nghị sự được các nước chấp thuận… Vai trò của ASEAN trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, cơ hội, thách thức và tác động đa chiều đến lợi ích của ASEAN đặt ra một số vấn đề sau:

Một là, tiếp tục củng cố sức mạnh nội bộ, sự thống nhất trong đa dạng, sự đồng thuận trong ASEAN và tạo lập thế cân bằng trong ASEAN; thúc đẩy cách tiếp cận mới của ASEAN đối với các diễn biến mới ở khu vực.

Hai là, kết hợp hài hòa giữa tư duy quốc gia - dân tộc và tư duy Cộng đồng ASEAN, giữa lợi ích quốc gia - dân tộc và lợi ích chung của Cộng đồng ASEAN.

Ba là, thúc đẩy ASEAN có một quan điểm chủ động hơn, xác định rõ một số cơ hội và thách thức chủ yếu mà Hiệp hội phải đối mặt trong một vài thập niên tới, bảo đảm ASEAN được trang bị đầy đủ, chủ động đối mặt với thách thức. Về lâu dài, để thích ứng tốt hơn trước biến động của thế giới và khu vực, ASEAN có thể xem xét, điều chỉnh lại cách tiếp cận, cơ chế, cấu trúc, phương thức hoạt động của ASEAN.

Bốn là, thúc đẩy ASEAN bảo đảm liên kết kinh tế chặt chẽ hơn, đồng thời hướng tới tự cường, bền vững và bao trùm hơn; thúc đẩy thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các quốc gia, tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực mới, như trí tuệ nhân tạo, vi mạch bán dẫn, lượng tử,…

Năm là, các quốc gia ASEAN cần phát huy hơn nữa trách nhiệm thành viên, tận dụng tối đa vai trò là cầu nối của ASEAN với các đối tác bên ngoài, cũng như sự hợp tác giữa ASEAN với các tổ chức toàn cầu.

Nhìn chung, trên nền tảng hợp tác mà ASEAN đã xây dựng qua gần sáu thập niên qua với sự đoàn kết nội bộ, khả năng xử lý khéo léo các mối quan hệ nội khối, quan hệ quốc tế và tầm nhìn chiến lược dài hạn, ASEAN đã trở thành một mô hình hợp tác đa phương hiệu quả, có ảnh hưởng và vị thế ngày càng cao trong cộng đồng quốc tế. Không chỉ vậy, ASEAN còn là cầu nối vững chắc, thúc đẩy hòa bình, ổn định và thịnh vượng chung cho tất cả quốc gia thành viên, cho khu vực và thế giới. Trong bối cảnh khu vực và thế giới đang thay đổi mạnh mẽ, với nhiều sáng kiến và chiến lược mới, cùng sự cạnh tranh gay gắt giữa các nước lớn, ASEAN vẫn khẳng định vai trò không thể thay thế trong cấu trúc an ninh và kinh tế của khu vực. Do đó, trong thời gian tới, ASEAN cần tiếp tục phát huy sức mạnh đoàn kết, sáng tạo và chủ động trong việc giải quyết thách thức toàn cầu, đồng thời nâng cao khả năng thích ứng trước một thế giới đa cực, đa trung tâm, đa tầng nấc./.

----------------

*Bài viết là kết quả nghiên cứu của Đề tài khoa học cấp bộ “Quan điểm của ASEAN về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và sự tham gia của Việt Nam” năm 2025

(1) Xem: Kiều Anh: “Khai mạc Diễn đàn Tương lai ASEAN 2025”, Báo điện tử Tiếng nói Việt Nam (VOV), ngày 7-9-2023, https://vov.vn/chinh-tri/khai-mac-dien-dan-tuong-lai-asean-2025-post1157221.vov
(2) Cộng đồng Chính trị - An ninh, Cộng đồng Kinh tế và Cộng đồng Văn hóa - Xã hội
(3) “Thứ trưởng Hà Kim Ngọc: ASEAN đã có những bước tiến vượt bậc”, Vietnam+ (Thông tấn xã Việt Nam), ngày 8-8-2022, https://www.vietnamplus.vn/thu-truong-ha-kim-ngoc-asean-da-co-nhung-buoc-tien-vuot-bac-post809960.vnp
(4) “ASEAN Key Figures 2024” (Tạm dịch: Các con số chủ yếu của ASEAN năm 2024), ASEANstats, tháng 12-2024, https://www.aseanstats.org/wp-content/uploads/2024/12/AKF2024.v1.pdf, tr.3
(5) “Thứ trưởng Hà Kim Ngọc: ASEAN đã có những bước tiến vượt bậc”, Tlđd
(6) Xem: V.Đ: “AFF 2025: ASEAN đang đứng trước ngưỡng cửa của sự đổi mới và chuyển mình”, Vietnam+ (Thông tấn xã Việt Nam), ngày 26-2-2025, https://www.vietnamplus.vn/aff-2025-asean-dang-dung-truoc-nguong-cua-cua-su-doi-moi-va-chuyen-minh-post1014445.vnp
(7) Xem: “Hội nghị Cấp cao ASEAN: Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu vấn đề Biển Đông và giải pháp cho Myanmar”, Cổng thông tin điện tử Quốc hội Việt Nam, ngày 9-10-2024, https://quochoi.vn/tintuc/pages/su-kien-noi-bat.aspx?ItemID=89935
(8) Thời kỳ chính quyền Tổng thống Mỹ Đô-nan Trăm nhiệm kỳ 2017 - 2021, thời kỳ chính quyền Tổng thống Mỹ Giô Bai-đơn (2021 - 2025), thời kỳ chính quyền Tổng thống Mỹ Đô-nan Trăm nhiệm kỳ 2025-2029
(9) “ASEAN Annual Report 2024 - ASEAN: Enhancing Connectivity and Resilience” (Tạm dịch: Báo cáo thường niên ASEAN 2024 - ASEAN: Tăng cường kết nối và khả năng phục hồi), https://asean.org/wp-content/uploads/2024/12/ASEAN-AR-2024_e-pub_web.pdf, tr.2
(10) Xem: “ASEAN Secretariat Information Paper” (Tạm dịch: Tài liệu thông tin của Ban Thư ký ASEAN), ASEAN Secretariat, 2024, https://asean.org/our-communities/asean-political-security-community/outward-looking-community/external-relations/
(11) “Overview | ROK - ASEAN Relations” (Tạm dịch: Tổng quan | Quan hệ Hàn Quốc - ASEAN), Ministry of Foreign Affairs Republic of Korea (Bộ Ngoại giao Hàn Quốc), 2024, https://www.mofa.go.kr/eng/wpge/m_5466/contents.do
(12) “Quan hệ thương mại ASEAN - Australia”, Thông tấn xã Việt Nam, ngày 4-3-2024, https://infographics.vn/interactive-quan-he-thuong-mai-asean-australia/210489.vna
(13) “EU Trade Relations with the Association of South East Asian Nations. Facts, figures and latest developments” (Tạm dịch: Quan hệ thương mại giữa EU và ASEAN: Sự kiện, số liệu và diễn biến mới nhất), European Commission, 2024, https://policy.trade.ec.europa.eu/eu-trade-relationships-country-and-region/countries-and-regions/association-south-east-asian-nations-asean_en
(14) “Quan hệ thương mại song phương ASEAN và Nhật Bản”, Vietnam+ (Thông tấn xã Việt Nam), ngày 15-12-2023, https://www.vietnamplus.vn/quan-he-thuong-mai-song-phuong-asean-va-nhat-ban-post915814.vnp
(15) Shay Wester: “U.S.-ASEAN Relations & Trade” (Tạm dịch: Về quan hệ và thương mại Hoa Kỳ - ASEAN), Asia Society Policy Institute, 2024, https://asiasociety.org/policy-institute/us-asean-relations-trade#:~:text=Comprising%2010%20Southeast%20Asian%20nations,tech%20electronics%20and%20manufactured%20goods
(16) “Hợp tác kinh tế, thương mại ASEAN - Ấn Độ: Dư địa phát triển trên cơ sở quan hệ tốt đẹp”, Cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương Việt Nam, ngày 26-11-2024, https://vntr.moit.gov.vn/vi/news/hop-tac-kinh-te-thuong-mai-asean-an-do-du-dia-phat-trien-tren-co-so-quan-he-tot-dep
(17) “ASEAN Investment Report 2024: ASEAN Economic Community 2025 and Foreign Direct Investment”,  (Tạm dịch: Báo cáo Đầu tư ASEAN năm 2024: Cộng đồng Kinh tế ASEAN năm 2025 và đầu tư trực tiếp nước ngoài), United Nations, 2024, https://asean.org/wp-content/uploads/2024/10/AIR2024-3.pdf, tr.43
(18) “ASEAN Investment Report 2024: ASEAN Economic Community 2025 and Foreign Direct Investment”,  (Tạm dịch: Báo cáo Đầu tư ASEAN năm 2024: Cộng đồng Kinh tế ASEAN năm 2025 và đầu tư trực tiếp nước ngoài), Tlđd, tr.10
(19) “Non-ASEAN Member States Ambassadors to ASEAN (NAAAs)” (Tạm dịch: Các Đại sứ của các quốc gia không phải thành viên ASEAN tại ASEAN), The ASEAN Secretariat , ngày 4-3-2025, https://asean.org/our-communities/asean-political-security-community/outward-looking-community/external-relations/non-asean-member-states-ambassadors-to-asean-naaas/
(20) Điều 1, Chương I “Các mục tiêu và nguyên tắc”, Hiến chương ASEAN (năm 2008)
(21) “Chairman’s Statement of the 27th ASEAN Summit” (Tạm dịch: Tuyên bố của Chủ tịch Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 27), ASEAN Secretary, ngày 21-11-2015, https://www.asean.org/wp-content/uploads/2015/12/Final-Chairmans-Statement-of-27th-ASEAN-Summit-25-November-2015.pdf
(22) “ASEAN Outlook on the Indo-Pacific” (Tạm dịch: Quan điểm ASEAN về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương), ngày 23-6-2019,  https://asean.org/wp-content/uploads/2021/01/ASEAN-Outlook-on-the-Indo-Pacific_FINAL_22062019.pdf
(23) Amitav Acharya: “The Myth of ASEAN Centrality?” (Tạm dịch: Câu chuyện về vai trò trung tâm của ASEAN), Contemporary Southeast Asia, 2017, t. 39, tr. 275 - 276