TCCS - Đại hội XX của Đảng Cộng sản Trung Quốc đang diễn ra là dấu mốc mới cho sự phát triển của Trung Quốc. Trước bối cảnh thế giới đầy biến động, trong khi Trung Quốc vẫn triển khai nghiêm ngặt chính sách Zero-COVID, tình hình tăng trưởng kinh tế có thể không đạt mục tiêu 5,5% như kỳ họp Lưỡng hội (tháng 3-2022) đặt ra, Đại hội lần này cần tạo đột phá, trong đó nổi lên một số vấn đề lý luận và thực tiễn cần được thảo luận nhằm đưa Trung Quốc phát triển trong giai đoạn mới.

Toàn cảnh phiên họp đầu tiên của Đoàn Chủ tịch Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XX Đảng Cộng sản Trung Quốc, tại Bắc Kinh, ngày 15-10-2022 THX/TTXVN

Tiếp tục kiên trì “chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc”, lấy thành quả mới nhất của Trung Quốc hóa chủ nghĩa Mác làm chỉ đạo Đại hội XX của Đảng Cộng sản Trung Quốc

Trong đường lối chính trị, Trung Quốc tiếp tục giương cao ngọn cờ “chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc”. Thành công lớn nhất về lý luận là đã xây dựng “tư tưởng Tập Cận Bình về chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc thời đại mới”, hay còn gọi là “tư tưởng Tập Cận Bình”, mà nhiều học giả cho rằng đó là Trung Quốc hóa chủ nghĩa Mác. Nội hàm cốt lõi của tư tưởng Tập Cận Bình về “chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc thời đại mới” gồm những mục tiêu, chiến lược phát triển Trung Quốc cả bên trong lẫn bên ngoài, đưa nước này phát triển giàu mạnh, hiện đại; tới giữa thế kỷ XXI, hiện thực hóa “giấc mơ Trung Hoa” thông qua thực hiện “8 điều rõ ràng” và “14 điều kiên trì”, cụ thể là:

“8 điều rõ ràng” bao gồm: Một là, kiên trì phát triển “chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc”, nhiệm vụ tổng thể là thực hiện hiện đại hóa xã hội chủ nghĩa và phục hưng vĩ đại dân tộc Trung Hoa. Trên nền tảng xây dựng toàn diện xã hội khá giả, chia làm hai bước xây dựng cường quốc xã hội chủ nghĩa giàu mạnh, dân chủ, văn minh và hài hòa tươi đẹp vào giữa thế kỷ XXI; hai là, mâu thuẫn chủ yếu trong thời đại mới của Trung Quốc là mâu thuẫn giữa nhu cầu về cuộc sống tốt đẹp ngày càng tăng của nhân dân và sự phát triển không cân bằng, không đầy đủ. Do vậy, cần kiên trì tư tưởng phát triển lấy nhân dân làm trung tâm, thúc đẩy phát triển toàn diện và toàn dân cùng giàu có; ba là, bố cục tổng thể và bố cục chiến lược của sự nghiệp chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc là “5 trong 1”(1) và “4 toàn diện”(2); nhấn mạnh về kiên định tự tin đường lối, tự tin lý luận, tự tin chế độ và tự tin văn hóa; bốn là, mục tiêu tổng thể của đi sâu cải cách toàn diện là hoàn thiện và phát triển chế độ chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc, thúc đẩy hiện đại hóa hệ thống và năng lực quản trị quốc gia; năm là, mục tiêu tổng thể trong thúc đẩy toàn diện quản trị Nhà nước bằng pháp luật là xây dựng Nhà nước pháp trị và hệ thống pháp trị xã hội chủ nghĩa đặc sắc Trung Quốc; sáu là, xây dựng quân đội Trung Quốc trong thời đại mới dưới sự lãnh đạo của Đảng, trở thành quân đội hàng đầu thế giới; bảy là, ngoại giao nước lớn đặc sắc Trung Quốc cần thúc đẩy xây dựng quan hệ quốc tế kiểu mới, thúc đẩy xây dựng cộng đồng chung vận mệnh nhân loại; tám là, bản chất đặc trưng nhất và ưu thế lớn nhất của chế độ xã hội chủ nghĩa đặc sắc Trung Quốc là sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Đảng là lực lượng lãnh đạo chính trị cao nhất, đề ra yêu cầu tổng thể về xây dựng Đảng trong thời đại mới; xây dựng chính trị luôn giữ vị trí quan trọng trong xây dựng Đảng (3).

“14 điều kiên trì” là: Kiên trì sự lãnh đạo của Đảng trên tất cả các mặt; kiên trì lấy nhân dân làm trung tâm; kiên trì đi sâu cải cách toàn diện; kiên trì quan điểm phát triển mới; kiên trì lấy nhân dân làm chủ; kiên trì toàn diện quản trị đất nước bằng pháp luật; kiên trì hệ thống giá trị cốt lõi của chủ nghĩa xã hội; kiên trì bảo đảm và cải thiện dân sinh trong phát triển; kiên trì chung sống hài hòa giữa con người và thiên nhiên; kiên trì quan điểm an ninh quốc gia tổng thể; kiên trì sự lãnh đạo tuyệt đối của Đảng đối với quân đội; kiên trì “một nước, hai chế độ” và thúc đẩy thống nhất Tổ quốc; kiên trì thúc đẩy xây dựng cộng đồng chung vận mệnh nhân loại; và kiên trì quản lý Đảng nghiêm minh toàn diện (4).

Như vậy, hệ thống tư tưởng Tập Cận Bình về chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc thời đại mới được xây dựng và củng cố trong hai nhiệm kỳ qua sẽ tiếp tục là “kim chỉ nam” chỉ đạo bao trùm, xuyên suốt toàn bộ quá trình xây dựng Đảng và phát triển đất nước của Trung Quốc trong thời gian tới.

Tự lực cánh sinh “làm tốt công việc của mình” để ứng phó những rủi ro, thách thức chưa từng có từ môi trường bên ngoài

Cạnh tranh giữa Trung Quốc, Mỹ diễn ra trên mọi lĩnh vực, cuộc xung đột Nga - Ukraine chưa có dấu hiệu hạ nhiệt… Cục diện thế giới và khu vực đang chứng kiến sự thay đổi căn bản do tính toán cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn mang lại. Mặc dù hiện nay, Trung Quốc và Mỹ vẫn kiểm soát sự cạnh tranh chưa đến mức bùng phát thành xung đột quân sự, nhưng xu hướng tập hợp lực lượng của hai nước đang được thúc đẩy mạnh mẽ, gia tăng áp lực “chọn bên” cho các nước trong khu vực. Trong bối cảnh đó, về đối ngoại, Trung Quốc tiếp tục đấu tranh để bảo vệ các lợi ích của nước này; đồng thời về đối nội, củng cố nội lực và hiện thực hóa những mục tiêu phát triển và mục tiêu chiến lược đã đề ra, Trung Quốc lựa chọn tự lực cánh sinh “làm tốt công việc của mình”.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình cho rằng, trong bối cảnh thế giới nhiều biến động lớn trong 100 năm qua, “Trung Quốc phải ứng phó với những rủi ro, thách thức, phải giải quyết những mâu thuẫn phức tạp hơn so với trước đây. Yêu cầu toàn Đảng tiếp tục tăng cường ý thức vượt qua hoạn nạn, khó khăn, tư duy giới hạn, cần kiên định ý chí, bản lĩnh đấu tranh để ứng phó với cục diện thay đổi…, mà căn bản nhất là làm tốt công việc của mình”(5). Coi đó là then chốt trong ứng phó những rủi ro, thách thức mà Trung Quốc đang gặp phải.

Về cơ bản, “làm tốt công việc của mình” tập trung vào thực hiện bố cục tổng thể “5 trong 1” và bố cục chiến lược “4 toàn diện”. Hai bố cục này là trọng tâm để bảo đảm mọi mặt của Đảng và đất nước Trung Quốc được ổn định, như cải cách và phát triển, đối nội, đối ngoại, quốc phòng, an ninh, quản trị đất nước… theo đúng đường lối đã đề ra. Đặc biệt, kinh tế và khoa học - công nghệ vẫn là trọng tâm ưu tiên và là nền tảng để Trung Quốc hiện thực hóa nhiều mục tiêu chiến lược quan trọng khác. Theo đó, sau hơn 30 năm cải cách, mở cửa, Trung Quốc đã vượt Nhật Bản trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, sau Mỹ (năm 2010); hoàn thành mục tiêu “100 năm thứ nhất”, xây dựng toàn diện xã hội khá giả (nhân dịp kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc, năm 2021), đạt thành công to lớn trong xóa đói, giảm nghèo, đưa gần 100 triệu người dân nông thôn thoát nghèo; tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tăng gấp đôi, từ 50 nghìn tỷ nhân dân tệ lên 114 nghìn tỷ nhân dân tệ (tương đương gần 18 nghìn tỷ USD), chiếm từ 11,3% lên hơn 18% nền kinh tế thế giới; thu nhập bình quân đầu người từ 6.300 USD tăng lên hơn 12.000 USD và hình thành cộng đồng khoảng 400 triệu người ở tầng lớp trung lưu.

Trong khi đó, việc đặt ra yêu cầu về phát triển kinh tế chất lượng cao trong nhiệm kỳ qua, một mặt, phù hợp với quy luật chuyển hóa giai đoạn phát triển “tăng trưởng nóng” của kinh tế Trung Quốc, hướng tới nền kinh tế xanh, sạch hơn; song mặt khác cũng đòi hỏi phải quy tụ một số yếu tố nền tảng khác để thực hiện chuyển đổi phát triển. Trong đó, khoa học - công nghệ là một trong những nền tảng then chốt để Trung Quốc chuyển đổi thành công sang phát triển chất lượng cao như kỳ vọng. Mục tiêu chiến lược đặt ra là đến năm 2030, đưa Trung Quốc vào hàng ngũ các quốc gia đổi mới sáng tạo; đến năm 2049, đưa Trung Quốc trở thành cường quốc khoa học - công nghệ trên thế giới.

Trung Quốc tiếp tục đầu tư nguồn lực mạnh mẽ cho đổi mới sáng tạo về khoa học - công nghệ để giải quyết vấn đề “nút thắt” trong phát triển công nghệ cốt lõi. Đầu tư cho nghiên cứu phát triển khoa học - công nghệ của Trung Quốc trong năm 2020 đã đạt 2,4% GDP của nước này (khoảng 353,5 tỷ USD), tăng 10,2% so với năm 2019, đứng thứ hai sau Mỹ, chiếm gần 1/4 của toàn thế giới (24,5%), đứng thứ 14 về chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII). Trung Quốc cũng là nước đăng ký bằng sáng chế nhiều nhất thế giới, chiếm 31,7%, vượt Mỹ, Nhật Bản, Liên minh châu Âu (EU) lần lượt là 21,7%, 20% và 13,9%. Tuy nhiên, trong bối cảnh cạnh tranh với các “thành trì” về khoa học - công nghệ như Mỹ, phương Tây hiện nay, có những mặt tác động không thuận đối với Trung Quốc trong phát triển công nghệ cốt lõi, từ đó có thể ảnh hưởng chung tới tiến độ chuyển đổi sang giai đoạn phát triển kinh tế chất lượng cao.

Kiên trì thúc đẩy và khắc phục hạn chế trong các vấn đề phát triển

Từ Đại hội XIX (năm 2017), Đảng Cộng sản Trung Quốc đặt ra “hai bước” trong thực hiện xây dựng Trung Quốc trở thành cường quốc xã hội chủ nghĩa hiện đại vào giữa thế kỷ XXI để hiện thực hóa mục tiêu “100 năm thứ hai” (nhân dịp kỷ niệm 100 năm thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa): “Bước thứ nhất” là giai đoạn từ 2020 - 2035, cơ bản thực hiện hiện đại hóa xã hội chủ nghĩa; “Bước thứ hai” từ năm 2035 đến giữa thế kỷ XXI trở thành cường quốc xã hội chủ nghĩa hiện đại (6). Theo Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình, 5 năm tới của Đại hội XX sẽ là 5 năm khởi đầu quan trọng trong xây dựng hiện đại hóa xã hội chủ nghĩa, có thể mang tính quyết định đối với thực hiện mục tiêu “100 năm thứ hai”.

Toàn cảnh Hội nghị trù bị Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XX của Đảng Cộng sản Trung Quốc, tại Bắc Kinh, ngày 15-10-2022 _ Nguồn: THX/TTXVN

Nhìn lại những năm đầu của thế kỷ XXI, bối cảnh quốc tế có nhiều thuận lợi, ổn định, thế và lực của Trung Quốc đang đi lên, cơ hội chiến lược dễ phán đoán, nắm bắt. Song hiện nay cùng với tác động sâu rộng của đại dịch COVID-19, tình hình thế giới khó đoán định, dẫn tới khó có thể nắm bắt cơ hội chiến lược. Trong bối cảnh đó, thời kỳ cơ hội chiến lược quan trọng của Trung Quốc có thể đã thay đổi, phát sinh cả cơ hội lẫn thách thức mới. Khái niệm về “thời kỳ cơ hội chiến lược” gần đây ít được Trung Quốc đề cập đến, mà chỉ nhấn mạnh vấn đề nước này phải đấu tranh để bảo vệ những lợi ích của mình trong một cục diện thế giới phức tạp. Điều này phần nào phản ánh những tác động sâu sắc từ môi trường bên ngoài, nhất là từ cạnh tranh chiến lược giữa Trung Quốc với Mỹ và phương Tây, khiến cơ hội chiến lược trong những năm tới của Trung Quốc khó phán đoán hơn.

Sau Đại hội XX, trong phát triển kinh tế - xã hội, Trung Quốc tiếp tục kiên trì “quan điểm phát triển mới”, đó là: Sáng tạo, hài hòa, xanh, mở cửa, chia sẻ. Quan điểm này mang tính chiến lược trong xây dựng “cục diện phát triển mới” của Trung Quốc trong thời gian tới. Theo đó, xây dựng cục diện phát triển mới tập trung trọng tâm: Một là, đẩy nhanh xây dựng hệ thống đáp ứng nhu cầu trong nước hoàn chỉnh dựa trên nền tảng là vòng tuần hoàn trong nước; hai là, tự lực, tự cường về khoa học - công nghệ; ba là, thúc đẩy nâng cấp chuỗi ngành, nghề, chuỗi cung ứng; bốn là, thúc đẩy hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn; năm là, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

Tuy nhiên, hiện nay, nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, Trung Quốc đang phải đối mặt với các vấn đề trong phát triển: 1- Năng lực sáng tạo chưa thích ứng được với yêu cầu phát triển chất lượng cao; 2- Nền tảng nông nghiệp chưa vững chắc; 3- Khoảng cách phát triển giữa thành thị - nông thôn và phân phối thu nhập còn rất lớn; 4- Nhiệm vụ, trách nhiệm bảo vệ môi trường sinh thái còn nặng nề; 5- Bảo đảm dân sinh còn tồn tại nhiều hạn chế; 6- Quản trị xã hội còn nhiều điểm yếu. Trung Quốc phải tập trung giải quyết những vấn đề phát triển mất cân bằng, không đầy đủ, bù lấp những điểm hạn chế mang tính hệ thống, củng cố vững chắc nền tảng phát triển. Trong đó, phát triển mất cân bằng, không đầy đủ có thể hiểu là còn tồn tại mất cân bằng giữa các khu vực, lĩnh vực và phương diện, từ đó kiềm chế nâng cao mức độ phát triển tổng thể của nước này. Đây cũng là những thay đổi trong mâu thuẫn chủ yếu của xã hội.

Việc củng cố vững chắc nền tảng phát triển có quan hệ biện chứng với giải quyết vấn đề phát triển mất cân bằng, không đầy đủ, có lợi cho hoạch định tổng thể về phát triển và an ninh của Trung Quốc. Theo đó, Trung Quốc sẽ tập trung củng cố bốn nền tảng phát triển, gồm: Sáng tạo khoa học - công nghệ; an ninh phát triển; môi trường kinh doanh; bảo đảm dân sinh.

Trong sáng tạo khoa học - công nghệ, một mặt, Trung Quốc tăng cường cải cách cơ chế đánh giá nghiên cứu cơ bản, lựa chọn đề tài và chế độ khuyến khích nhằm tạo môi trường nghiên cứu khoa học, tăng cường nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng; mặt khác, thúc đẩy đột phá công nghệ cốt lõi và tự chủ sáng tạo. Đối với an ninh - phát triển, đây là hai nhân tố phải gắn liền với nhau, trong phát triển tính đến các yếu tố an ninh và an ninh là tiền đề cho phát triển. Trung Quốc sẽ chú trọng các vấn đề an ninh lương thực, năng lượng, chuỗi ngành, nghề, chuỗi cung ứng và an ninh nguồn nước, tài chính, mạng, môi trường sinh thái… Về môi trường kinh doanh, việc ổn định các chủ thể thị trường đóng vai trò quan trọng trong tích lũy nền tảng phát triển kinh tế, có môi trường kinh doanh tốt thì các chủ thể thị trường và doanh nghiệp mới tồn tại và phát triển. Biện pháp cơ bản về mặt chính sách là tiếp tục cải cách vấn đề trao quyền, phân quyền, hạ thấp rào cản, thủ tục hành chính nhằm tối ưu hóa môi trường kinh doanh để bảo vệ và gia tăng chủ thể thị trường, từ đó tăng kỳ vọng thị trường. Trong bảo đảm dân sinh, phát triển kinh tế liên quan trực tiếp cải thiện dân sinh, gắn phát triển với bảo đảm ấm no, hạnh phúc cho người dân.

Trong các biện pháp cụ thể, Trung Quốc tiếp tục thực hiện “Quy hoạch 5 năm lần thứ 14”, cụ thể là (7): Điều chỉnh tăng trưởng kinh tế trong mức độ phù hợp; nhấn mạnh “vòng tuần hoàn kép”; tập trung sáng tạo là trọng tâm trong chiến lược phát triển quốc gia, làm chủ các công nghệ lõi: thông tin lượng tử, năng lượng photon, công nghệ nano, trí tuệ nhân tạo (AI), vi mạnh, dược phẩm sinh học, khoa học thần kinh, nông nghiệp (nghiên cứu và nuôi dưỡng giống mới), khoa học vũ trụ, khoa học hải dương…, phát triển các ngành khoa học - công nghệ và khoa học mới nổi; phát triển xanh, năng lượng mới; ổn định thị trường nhà ở, việc làm, tài chính; nâng cao vị thế đồng nhân dân tệ, nghiên cứu đồng tiền số; tiếp tục thúc đẩy các hiệp định hợp tác phục vụ phát triển trong nước; xây dựng văn hóa văn minh Trung Quốc.

Như vậy, sau Đại hội XX của Đảng Cộng sản Trung Quốc, các chuyên gia nhận định, Trung Quốc sẽ tiếp tục kế thừa và triển khai các đường lối, chính sách phát triển chủ yếu đã được xác định trong hai kỳ đại hội trước đó dưới thời kỳ Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình. Sự khác biệt chỉ có thể về mặt chiến thuật, chứ không phải là sự thay đổi của một hệ thống tư tưởng, lý luận. Điều làm nên sự khác biệt hoặc thay đổi đó có thể đến từ tác động bên ngoài đối với việc điều chỉnh chính sách của Trung Quốc nhiều hơn là từ bên trong. Trung Quốc tiếp tục hướng tới hiện thực hóa “giấc mơ Trung Hoa”, đưa Trung Quốc trở thành cường quốc hàng đầu thế giới./.

-----------------------

(1) Bố cục tổng thể “5 trong 1” bao gồm: Thúc đẩy toàn diện xây dựng kinh tế, xây dựng chính trị, xây dựng văn hóa, xây dựng xã hội, và xây dựng văn minh sinh thái
(2) Bố cục chiến lược “4 toàn diện” là: Xây dựng nước xã hội chủ nghĩa hiện đại hóa toàn diện, đi sâu cải cách toàn diện, thúc đẩy quản trị đất nước theo pháp luật toàn diện, lãnh đạo Đảng nghiêm minh toàn diện.
(3), (4) Báo cáo chính trị do Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình trình bày tại Đại hội XIX của Đảng Cộng sản Trung Quốc, ngày 18-10-2017, http://cpc.people.com.cn/n1/2017/1028/c64094-29613660-4.html
(5) Phát biểu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình tại lớp nghiên cứu chuyên đề về “Học tập tinh thần phát biểu quan trọng của Tổng Bí thư Tập Cận Bình, chào đón Đại hội XX” của các cán bộ lãnh đạo chủ chốt cấp tỉnh, cấp bộ, ngày 26 và 27-7-2022, http://www.gov.cn/xinwen/ 2022-07/27/content_5703131.htm
(6) Báo cáo chính trị trong Văn kiện Đại hội XIX của Đảng Cộng sản Trung Quốc, tháng 10-2021, http://www.xinhuanet.com/politics/19cpcnc/2017-10/27/c_1121867529.htm
(7) Toàn văn “Đề cương Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm lần thứ 14 và tầm nhìn đến năm 2035 của Trung Quốc”, ngày 12-3-2021, http://www.xinhuanet.com/2021-03/13/c_1127205564_3.htm