Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực: Ý nghĩa và kỳ vọng
TCCS - Sau tám năm kể từ khi Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) bắt đầu khởi xướng đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), ngày 15-11-2020, 10 quốc gia ASEAN và 5 nước đối tác (Australia, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và New Zealand) chính thức ký kết RCEP. Sự kiện này mang nhiều ý nghĩa tích cực, sẽ tạo ra một khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới, đồng thời gửi tới toàn thế giới thông điệp tích cực về sự ủng hộ hệ thống thương mại đa phương. Đặc biệt, việc ký kết và thực thi Hiệp định RCEP được kỳ vọng sẽ góp phần quan trọng trong việc hỗ trợ quá trình phục hồi nền kinh tế khu vực sau đại dịch COVID-19.
Ký kết RCEP - sự kiện nhiều ý nghĩa
Trải qua thời gian tám năm, 31 vòng đàm phán, 15 cuộc họp của Ủy ban đàm phán thương mại và 19 vòng đàm phán cấp bộ trưởng(1), cuối cùng các nước đã đạt được thỏa thuận RCEP. Đây không chỉ là một thỏa thuận thương mại tự do đơn thuần mà còn thực sự là một thỏa thuận toàn diện. RCEP dựa trên “kiềng ba chân” gồm thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ và thương mại điện tử, được cụ thể hóa bằng một văn kiện dài hơn 14.000 trang với 20 chương(2), cùng với các phụ lục và lịch trình. Các bên ký kết bao gồm các nền kinh tế phát triển như Singapore, Nhật Bản và Australia, Hàn Quốc…; các nền kinh tế có thu nhập trung bình cao như Malaysia và Thái Lan…; các nước kém phát triển hơn như Việt Nam, Lào và Campuchia...
RCEP sẽ tiến tới loại bỏ ít nhất 92% dòng thuế nhập khẩu giữa các quốc gia ký kết trong vòng 20 năm(3), sẽ thiết lập các quy tắc chung cho thương mại điện tử, thương mại và quyền sở hữu trí tuệ. RCEP được thiết kế nhằm cắt giảm chi phí và thời gian cho các thương nhân khi cho phép họ xuất khẩu hàng hóa sang bất kỳ quốc gia ký kết thỏa thuận nào mà không cần đáp ứng các yêu cầu riêng biệt của từng quốc gia. RCEP dự kiến sẽ có hiệu lực trước cuối năm 2021.
Trong suốt quá trình, các cuộc đàm phán kéo dài gặp không ít thách thức. Một số nước tham gia có sự thay đổi về chính phủ với việc các nhà lãnh đạo mới thường nhấn mạnh các ưu tiên khác nhau. Tháng 11-2019, Ấn Độ tuyên bố rút khỏi các cuộc đàm phán. Không lâu sau đó, thế giới phải đối mặt với đại dịch COVID-19, làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu và sự tăng trưởng của các nền kinh tế. Tuy nhiên, tháng 11-2020, tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 37 được tổ chức trực tuyến với vai trò Chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam, RCEP chính thức được ký kết, mang nhiều ý nghĩa quan trọng.
Về kinh tế, RCEP được ký kết và có hiệu lực sẽ giúp tối ưu hóa việc phân bổ nguồn lực trong khu vực, thúc đẩy việc tạo thuận lợi cho thương mại và tự do hóa đầu tư, nâng cao trình độ hội nhập kinh tế. RCEP còn thúc đẩy việc khôi phục kinh tế, cũng như sự thịnh vượng lâu dài của khu vực. RCEP sẽ tạo nên một thị trường lớn với quy mô người tiêu dùng chiếm khoảng 30% dân số thế giới, mang lại thêm 209 tỷ USD hằng năm trong doanh thu toàn cầu và 500 tỷ USD cho thương mại thế giới vào năm 2030(4). Ước tính, RCEP và Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) sẽ bù đắp tổn thất kinh tế toàn cầu do cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc gây ra. Hai hiệp định này cũng sẽ giúp các nền kinh tế của Đông Bắc Á và Đông Nam Á hoạt động hiệu quả hơn, kết nối các thế mạnh về công nghệ, sản xuất, nông nghiệp và tài nguyên thiên nhiên.
Về địa - chính trị, mặc dù các phương tiện truyền thông phương Tây đều cho rằng, RCEP là “do Trung Quốc lãnh đạo” nhưng nếu không có “vai trò trung tâm của ASEAN”, RCEP khó trở thành hiện thực. RCEP sẽ giúp Trung Quốc tăng cường quan hệ với các nước láng giềng; RCEP cũng sẽ thúc đẩy hội nhập kinh tế Đông Bắc Á. Các cuộc đàm phán về hiệp định thương mại tự do ba bên Trung Quốc - Hàn Quốc - Nhật Bản, vốn đã bế tắc trong nhiều năm qua, sẽ trở nên có động lực ngay sau khi RCEP được ký kết. RCEP cũng là ví dụ minh chứng cho thương mại dựa trên quy tắc. Nếu RCEP thúc đẩy sự tăng trưởng cùng có lợi, các thành viên của RCEP, bao gồm cả Trung Quốc, sẽ giành được ảnh hưởng trên toàn thế giới. Ở khía cạnh khác, thỏa thuận RCEP cho thấy khá rõ ràng rằng, chiến lược của chính quyền của Tổng thống Mỹ D. Trump nhằm cô lập Trung Quốc và tách Trung Quốc khỏi chuỗi giá trị toàn cầu đã không thành công. Australia, New Zealand, Hàn Quốc và Nhật Bản là những đồng minh của Mỹ, đã quan ngại sâu sắc về ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Trung Quốc trong khu vực. Tuy nhiên, bằng việc tham gia RCEP, những nước này phát đi tín hiệu cho thấy họ cần liên kết các mối quan hệ kinh tế với Trung Quốc, thậm chí quan hệ kinh tế - thương mại giữa các nước này đang phát triển mạnh mẽ hơn.
Ngoài ra, RCEP được ký kết còn mang ý nghĩa biểu tượng lớn, đó là biểu hiện của sự đoàn kết nội bộ ASEAN, thể hiện quyết tâm và lòng tin của các nước Đông Á trong việc kiên trì thương mại tự do và chủ nghĩa đa phương, minh chứng rằng, hợp tác khu vực đã có bước đột phá mới. Từ thời điểm bắt đầu tiến trình toàn cầu hóa kinh tế đến nay, đa số các nước trên thế giới ủng hộ thương mại đa phương; tuy nhiên, nước Mỹ lại có quan điểm khác. Từ khi Tổng thống D. Trump lên cầm quyền đến nay, nước Mỹ đã rút khỏi phần lớn các thỏa thuận quốc tế, không ủng hộ đàm phán đa phương. Một số thỏa thuận hợp tác thương mại khu vực và xuyên khu vực gặp trở ngại. Việc đàm phán gặp nhiều khó khăn, song cuối cùng, RCEP vẫn được ký kết, cho thấy hợp tác khu vực đã có nhiều nỗ lực. Bất chấp những khó khăn do tình hình dịch bệnh COVID-19 và hệ lụy từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc gây ra, việc hoàn tất ký kết thể hiện xu hướng tiến bộ và hợp tác quốc tế là khó có thể đảo ngược.
Đông Á trở thành trung tâm kinh tế thế giới
Trong 15 nền kinh tế châu Á - Thái Bình Dương là thành viên RCEP, tổng GDP thực tế của những nước này khoảng 25.000 tỷ USD, chiếm gần 30% GDP thế giới(5). Mặc dù trong thập niên qua, quá trình tự do hóa thuế quan đã đạt được tiến bộ đáng kể đối với 15 thành viên RCEP, thông qua một mạng lưới các hiệp định thương mại tự do (FTA) rộng khắp, nhưng RCEP vẫn sẽ tiếp tục giảm bớt các hàng rào thuế quan. Phạm vi của RCEP bao gồm giảm thuế quan đối với thương mại hàng hóa, cũng như thiết lập các quy tắc chất lượng cao hơn cho thương mại dịch vụ, bao gồm các điều khoản tiếp cận thị trường cho các nhà cung cấp lĩnh vực dịch vụ từ các nước RCEP khác. Hiệp định RCEP cũng sẽ giảm bớt các hàng rào phi thuế quan đối với thương mại giữa các quốc gia thành viên, chẳng hạn như thủ tục hải quan và kiểm dịch cũng như các tiêu chuẩn kỹ thuật. Viện Kinh tế quốc tế Peterson (Mỹ) ước tính, khi RCEP chính thức có hiệu lực, điều này có thể làm tăng thu nhập toàn cầu lên 186 tỷ USD mỗi năm, đến năm 2030 và thêm 0,2% vào nền kinh tế của các quốc gia thành viên. RCEP có thể cải thiện khả năng tiếp cận các quỹ thuộc Sáng kiến “Vành đai, Con đường” (BRI) của Trung Quốc, nâng cao lợi nhuận từ việc tiếp cận thị trường bằng cách tăng cường các liên kết vận tải, năng lượng và thông tin liên lạc. Các quy tắc xuất xứ thuận lợi của RCEP cũng sẽ giúp các nước thu hút đầu tư nước ngoài.
Thỏa thuận này được đánh giá là mang lại lợi ích cho Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc nhiều hơn các quốc gia thành viên khác, nhưng các nước Đông Nam Á cũng được hưởng lợi đáng kể, khoảng 19 tỷ USD mỗi năm, đến năm 2030(6). ASEAN sẽ giành được thêm quyền tiếp cận thương mại hàng hóa từ các nền kinh tế khổng lồ như Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc, vượt xa những gì mà các thỏa thuận thương mại trong khuôn khổ ASEAN + 1 đã đạt được. Tiềm năng hưởng lợi của ASEAN còn rất lớn, nhất là liên quan đến lĩnh vực thương mại điện tử. Theo một báo cáo mới đây của Google, Temasek và Bain & Co, tổng giá trị hàng hóa (GMV) của nền kinh tế Internet khu vực Đông Nam Á năm 2020 có thể đạt 100 tỷ USD, với thương mại điện tử ghi nhận mức tăng trưởng 63%, trong khi phân khúc du lịch trực tuyến sụt giảm ở mức tương đương. GMV của nền kinh tế Internet ASEAN vẫn đang trên đà vượt mốc 300 tỷ USD vào năm 2025(7). Điều đáng nói, trong văn kiện của RCEP vẫn dành riêng một chương cho thương mại điện tử. Đây sẽ là điểm khởi đầu cho các cuộc đàm phán trong tương lai về thương mại điện tử, nhất là tại thời điểm năm năm sau, RCEP sẽ được đưa ra đánh giá lại. Ở khía cạnh khác, RCEP được ký kết, với khu vực thương mại tự do có 2,2 tỷ dân và chiếm gần 30% sản lượng kinh tế toàn cầu(8), sẽ đem đến nhiều thành công hơn trong việc ràng buộc Trung Quốc vào “cuộc chơi chung”.
RCEP hoàn tất, khẳng định vai trò, vị thế của Việt Nam
RCEP hoàn tất đánh dấu nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN năm 2020 thành công của Việt Nam, tạo đà cho kinh tế Việt Nam hội nhập sâu rộng hơn vào nền kinh tế thế giới, khu vực. Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 37 và thỏa thuận RCEP đang kết nối các chuỗi cung ứng khu vực và tạo ra những cơ hội tăng trưởng mới cho các thị trường kém phát triển hơn. Thời điểm ký kết của thỏa thuận này được đánh giá là kịp thời trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19, củng cố mong muốn hội nhập quốc tế của các quốc gia vào một khu vực châu Á - Thái Bình Dương rộng mở và bình đẳng hơn. Hãng thông tấn Reuters (Anh) cho rằng, RCEP là một trong những kết quả mong chờ nhất tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 37 và cũng đánh giá nhiệm kỳ thành công của Việt Nam. Năm Chủ tịch ASEAN Việt Nam 2020 đã kết thúc bằng một kết quả tích cực với việc ký kết thỏa thuận thương mại lớn nhất thế giới - RCEP. Hãng tin Inter Press Service có trụ sở tại Rome (Italy) nhận định, Việt Nam đi đầu trong hội nhập kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Sự tích cực của Việt Nam đối với RCEP đánh dấu sự chuyển mình để trở thành một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất và có trách nhiệm gắn kết nhất trong khu vực. RCEP sẽ đưa Việt Nam và các đối tác Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương vào vị trí thuận lợi để giải quyết các vấn đề kinh tế khu vực, đặc biệt là hậu quả do đại dịch COVID-19, vốn ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng đến kinh tế Đông Nam Á.
Khi RCEP chính thức có hiệu lực, điều này sẽ mở thêm cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu, tham gia các chuỗi giá trị mới trong khu vực, tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài. Thậm chí, với hiệp định này, Việt Nam và các nước ASEAN hoàn toàn có cơ hội để trở thành trung tâm thu hút đầu tư nước ngoài. Hiện tại, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và kể cả Singapore, Thái Lan, Malaysia đều đang tăng tốc đầu tư ra nước ngoài để mở rộng chuỗi sản xuất và cung ứng. Trong khi đó, Việt Nam được đánh giá là một điểm đến an toàn và hấp dẫn. Cơ hội tăng tốc thu hút đầu tư từ các nước thành viên RCEP sẽ lớn hơn, nhất là khi Việt Nam đang nỗ lực xây dựng nhiều cơ chế, chính sách vượt trội để đón đầu dòng vốn đầu tư đang dịch chuyển. Ngoài ra, việc thực thi RCEP cũng tạo nên khuôn khổ pháp lý ràng buộc trong khu vực về chính sách thương mại, đầu tư, sở hữu trí tuệ, thương mại điện tử..., tạo ra sân chơi công bằng trong khu vực. Nhờ vào việc hài hòa quy tắc xuất xứ nội khối RCEP, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam có thể tăng khả năng đáp ứng điều kiện để hưởng ưu đãi thuế quan, từ đó gia tăng xuất khẩu trong khu vực, đặc biệt là ở các thị trường như Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, New Zealand... Tuy nhiên, bên cạnh những mặt thuận lợi, RCEP có thể mang tới những sức ép cạnh tranh đối với hàng hóa, dịch vụ của Việt Nam, nhất là trong bối cảnh các doanh nghiệp Việt Nam còn phụ thuộc nhiều vào nguồn nguyên phụ liệu nhập khẩu từ bên ngoài. Cam kết trong RCEP cũng sẽ làm giảm thuế quan của nhiều nước trong khối đối với hàng hóa Trung Quốc. Các doanh nghiệp Việt Nam sẽ buộc phải cạnh tranh trong nước với một loạt hàng hóa mới có giá thành thấp hơn từ Trung Quốc. Một số ngành sẽ bị ảnh hưởng bởi việc giảm thuế quan này. Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động để thích ứng, nỗ lực chinh phục, biến thách thức thành cơ hội.
Vượt qua khác biệt, tranh thủ thời cơ
Giới phân tích cho rằng, Trung Quốc là bên hưởng lợi lớn nhất trong RCEP, nhưng cũng thừa nhận, tất cả các quốc gia tham gia RCEP đều hưởng lợi, tuy mức độ có khác nhau. Thực tế là, RCEP đã và đang kết nối kinh tế khu vực và xét trong bối cảnh chính trị hiện nay, điều này sẽ đem đến những thành quả rất đáng kể. Thỏa thuận mới cũng sẽ tăng tính hiệu quả cho các nền kinh tế Đông Bắc Á và Đông Nam Á, kết nối và phối hợp chặt chẽ hơn trong các lĩnh vực như công nghệ, sản xuất, nông nghiệp và tài nguyên. Việc Mỹ không tham gia khối thương mại này trong bối cảnh ảnh hưởng của Mỹ tại khu vực có chiều hướng suy giảm, có thể buộc chính quyền Mỹ mới trong tương lai sẽ phải cân nhắc kỹ về việc can dự của Mỹ với các nước trong khu vực.
Phạm vi ảnh hưởng và tác động của RCEP là khá rộng lớn. Thỏa thuận này khác với CPTPP, RCEP không thiết lập tiêu chuẩn lao động và môi trường thống nhất, cũng không cam kết các nước mở cửa ngành dịch vụ và lĩnh vực khác vốn được đánh giá là còn yếu, chỉ thông qua cắt giảm hàng rào thuế quan và phi thuế quan để xây dựng một thỏa thuận thương mại tự do của thị trường thống nhất gồm 15 nước. Cũng có ý kiến cho rằng, luật lao động và môi trường không được quan tâm đúng mức trong RCEP, nhưng đây rõ ràng là một hiệp định thương mại mới, ưu tiên tự do hóa thương mại hơn là chiến tranh thương mại. Xem xét đầy đủ tình hình phát triển kinh tế - thương mại của các thành viên trong RCEP, mục tiêu thỏa thuận này hướng tới là cùng có lợi, cùng thắng và tất cả các nước ký kết văn bản này đều được hưởng lợi. Mười lăm nước thành viên tích cực thúc đẩy việc ký kết RCEP chứng tỏ thỏa thuận này được đông đảo các nước chào đón và ủng hộ, các bên đều nhìn thấy cơ hội và không gian mở rộng lớn. RCEP đã trở thành một khuôn khổ tổng thể cho phép ASEAN thúc đẩy hội nhập chuỗi giá trị khu vực. Cho dù còn có những khác biệt cần phải nỗ lực vượt qua, như khác biệt về mức độ hội nhập kinh tế của các nền kinh tế thành viên; sự cạnh tranh trong thu hút đầu tư có thể sẽ gây tranh cãi, nhưng về tổng thể, RCEP vẫn là một chiến thắng vững chắc đối với ASEAN. Việc đơn giản hóa và hợp nhất các quy tắc từ nhiều FTA khác nhau, vốn là đặc trưng của RCEP, có lợi cho các công ty các nước ASEAN, vì họ có thể lựa chọn yêu cầu quyền tiếp cận thị trường theo RCEP hay tiếp tục sử dụng các FTA độc lập hiện có giữa nước chủ nhà với các đối tác. RCEP còn được kỳ vọng sẽ giúp các quốc gia ASEAN phục hồi kinh tế vào năm 2021. Các dự báo cho thấy, khối ASEAN dự kiến sẽ trở thành nền kinh tế lớn thứ tư thế giới vào năm 2030, mức tiêu thụ nội địa tăng gấp đôi lên 4.000 tỷ USD(9).
Đặc biệt, RCEP cũng là thỏa thuận thương mại tự do đầu tiên giữa Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc, cả ba nước này đều là các cường quốc về sản xuất và công nghệ. Từ năm 2012, ba quốc gia Đông Bắc Á này đã tiến hành đàm phán một thỏa thuận thương mại tự do ba bên nhưng hầu như không đạt được tiến triển trong những năm gần đây do cạnh tranh địa - chính trị ngày càng gia tăng. RCEP tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy thiết lập Khu vực thương mại tự do Trung Quốc - Nhật Bản - Hàn Quốc. Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc theo thứ tự là các nền kinh tế lớn thứ hai, thứ ba và thứ mười một trên thế giới; tổng GDP kết hợp của ba quốc gia này chiếm hơn 70% GDP của châu Á và khoảng 20% tổng GDP của thế giới, nhiều hơn cả Liên minh châu Âu (EU)(10). Như vậy, có thể thấy, RCEP là do ASEAN khởi xướng, nhưng muốn tối đa hóa lợi ích, không thể thiếu sự hợp tác của Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc.
Theo ước tính, việc dỡ bỏ các hàng rào thuế quan và phi thuế quan trong khuôn khổ RCEP sẽ làm tăng GDP của khu vực châu Á - Thái Bình Dương thêm 2,1% và GDP thế giới lên 1,4%(11). Thỏa thuận ước tính sẽ thúc đẩy tăng trưởng GDP của Trung Quốc khoảng 0,55% và Nhật Bản 0,1%(12). Viện nghiên cứu chính sách kinh tế quốc tế Hàn Quốc dự báo RCEP sẽ thúc đẩy GDP của Hàn Quốc thêm 0,41% - 0,62% và mang lại lợi ích cho người tiêu dùng địa phương từ 4,2 - 6,8 tỷ USD sau khi thuế quan được cắt giảm(13). Theo Kyodo News, RCEP cho phép Nhật Bản hủy bỏ thuế quan đối với 56% nông sản nhập khẩu từ Trung Quốc, 49% từ Hàn Quốc và 61% mặt hàng từ các thành viên ASEAN, Australia và New Zealand(14).
Cuối cùng, Hiệp định RCEP không chỉ trở thành một điểm tựa mới cho nền kinh tế thế giới mà còn đại diện cho sự cởi mở và bao dung. RCEP quy tụ các quốc gia có dân số lớn trên thế giới, cơ cấu thành viên đa dạng và có sự khác biệt lớn về trình độ phát triển kinh tế. Các thành viên RCEP luôn khẳng định tầm quan trọng của việc Ấn Độ tham gia RCEP và nhấn mạnh rằng RCEP luôn rộng mở đối với sự tham gia trở lại của Ấn Độ./.
-------------------------
(1), (2), (7) Ravi Velloor: “East Asia takes big leap of faith with RCEP”, The Straits Times, ngày 16 -11-2020
(3) Charmaine Ng: “Singapore among 15 nations to sign world's largest trade pact”, The Straits Times, ngày 16 -11- 2020
(4) Xem: “RCEP to bring significant benefits to members, say experts”, http://www.xinhuanet.com/
(5) Tom Lee: “The Details of the RCEP Trade Deal”, https://www. americanactionforum.org/
(6) Peter A. Petri, Michael Plummer: “RCEP: A new trade agreement that will shape global economics and politics”, https://www.brookings.edu/;
(7) Finbarr Bermingham, Frank Tang: “China’s marginal RCEP gains will not offset trade war impact on economy, studies show”, https://www.scmp.com/
(8) Xem: “Mega RCEP trade deal signing “milestone” for Philippines, ASEAN: official”, http://www.xinhuanet.com/
(9) Ayman Falak Medina: “Planning Your 2021 Investment Budgets: Opportunities in ASEAN”, https://www.aseanbriefing.com/
(10) Feng Difan, Gao Ya: “World’s Biggest Free Trade Pact to Bring China, Japan, South Korea Closer to Trilateral Deal, Experts Say”, https://www.yicaiglobal.com/
(11), (12), (13), (14) Zhang Dan: “RCEP poised to be signed at weekend”, https://www.globaltimes.cn/