TCCS - Ấn Độ và khu vực Đông Nam Á có mối liên hệ, gắn kết lâu đời về lịch sử, văn hóa từ hàng nghìn năm trước. Ngày nay, Ấn Độ vẫn tiếp tục xem trọng vị trí và vai trò ngày càng gia tăng của khu vực Đông Nam Á, coi Đông Nam Á là trọng tâm trong chính sách “Hành động hướng Đông” của mình, trên cơ sở thúc đẩy một cách toàn diện quan hệ với Đông Nam Á thông qua “sức mạnh cứng” lẫn “sức mạnh mềm”.
Mục tiêu của Ấn Độ ở khu vực Đông Nam Á
Đông Nam Á nằm ở trung tâm của khu vực Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, là nút giao thông quan trọng từ khu vực châu Á sang châu Âu, Trung Đông và châu Phi, là tuyến hàng hải huyết mạch chạy qua Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, có ý nghĩa địa lý quan trọng. Về mặt dân số, Đông Nam Á hiện có 700 triệu dân, cung cấp cho khu vực đủ lực lượng lao động và thị trường tiêu dùng khổng lồ. Đông Nam Á đã trở thành khu vực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn cầu, thu hút đầu tư quốc tế và thương mại xuất - nhập khẩu. Đồng thời, cùng với sự tăng trưởng kinh tế và gia tăng sức mạnh quốc gia của các nước Đông Nam Á, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã từng bước nâng cao vị thế, vai trò trên thế giới, trở thành nhân tố quan trọng tham gia quản trị toàn cầu. Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) chính thức được ký kết vào ngày 15-11-2020 cũng do 10 nước ASEAN khởi xướng, đã khởi động thành công việc xây dựng khu thương mại tự do Đông Nam Á với dân số đông nhất, cơ cấu thành viên đa dạng nhất và tiềm năng phát triển lớn nhất thế giới.
Theo giới chuyên gia, sự hiện diện của Ấn Độ ở khu vực Đông Nam Á trước hết tập trung vào các lợi ích chiến lược của nước này. Về địa - chính trị, Ấn Độ tăng cường hợp tác với các nước Đông Nam Á nhằm nâng cao lòng tin chính trị và làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác chiến lược với các nước này. Tháng 1-2018, Ấn Độ đã mời các nhà lãnh đạo của 10 nước ASEAN đến Thủ đô New Delhi (Ấn Độ) tham dự Hội nghị cấp cao Ấn Độ - ASEAN. Đánh giá cao mối quan hệ giữa Ấn Độ và ASEAN, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi nhấn mạnh: “Tương lai của Đông Á và khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương gắn liền với vận mệnh chung của Ấn Độ - ASEAN. Trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, quan hệ đối tác Ấn Độ - ASEAN sẽ đóng vai trò mang tính quyết định”. Việc Ấn Độ thông qua hợp tác với các quốc gia Đông Nam Á, tăng cường tầm ảnh hưởng ở các nước này là đường lối thực tế để Ấn Độ xây dựng môi trường địa - chính trị thuận lợi, tham gia quản trị khu vực, xây dựng hình ảnh nước lớn có trách nhiệm và hiện thực hóa mục tiêu trở thành cường quốc toàn cầu.
Về hợp tác kinh tế - thương mại, chính sách “hành động hướng Đông” của Ấn Độ đã cải thiện đáng kể quan hệ kinh tế - thương mại giữa Ấn Độ và ASEAN. Kim ngạch thương mại song phương giữa Ấn Độ và ASEAN đã tăng từ 13 tỷ USD (giai đoạn 2003 - 2004) lên 142 tỷ USD (giai đoạn 2018 - 2019) và được dự báo sẽ tăng lên 300 tỷ USD vào năm 2025, thúc đẩy mạnh mẽ tăng trưởng của nền kinh tế Ấn Độ và cải thiện cơ cấu công nghiệp của nước này. Năm 2009, hai bên ký kết Hiệp định Thương mại hàng hóa, kết nối thành một thị trường toàn diện với 1,8 tỷ dân, tổng GDP là 4.600 tỷ USD, hơn 90% sản phẩm được tự do hóa thương mại và 4.000 sản phẩm sẽ được miễn thuế. Năm 2015, hai bên ký kết Hiệp định Thương mại tự do đầu tư và dịch vụ, tiếp tục mở rộng hợp tác kinh tế - thương mại, làm sâu sắc hơn nữa quan hệ kinh tế - thương mại giữa Ấn Độ và Đông Nam Á.
Về hợp tác quốc phòng - an ninh, Ấn Độ hiện tích cực triển khai hợp tác với nhiều nước Đông Nam Á. Ấn Độ coi Việt Nam là đối tác hợp tác quan trọng. Trong chuyến thăm Việt Nam vào tháng 9-2016, Thủ tướng Ấn Độ N. Modi đã tuyên bố cung cấp cho Việt Nam khoản vay tín dụng 500 triệu USD để nâng cấp trang thiết bị quân sự và chi mua sắm quốc phòng khác. Ngoài ra, Ấn Độ thường xuyên tiến hành các cuộc diễn tập hải quân với Singapore cũng như thực hiện các chuyến thăm các cảng thuộc Malaysia, Indonesia, Singapore và Việt Nam trong thời gian qua với tần suất ngày càng lớn. Ấn Độ cũng tích cực tham gia cơ chế Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng (ADMM+), đánh giá đây là cơ chế hữu hiệu trong việc duy trì những vấn đề then chốt mà các nước Đông Nam Á đều quan tâm, như an ninh khu vực, tự do hàng hải; đồng thời, đáp ứng lợi ích tổng thể của Ấn Độ.
Có thể thấy, việc thúc đẩy quan hệ với các nước Đông Nam Á trên nhiều phương diện đã giúp Ấn Độ thu được những thành tựu kinh tế, chính trị đáng kể, đặt nền tảng cho việc làm sâu sắc hơn quan hệ giữa hai bên trong tương lai. Mặt khác, việc Trung Quốc đẩy mạnh Sáng kiến “Vành đai, Con đường” ở khu vực Đông Nam Á đang tạo áp lực ngày càng lớn đối với Ấn Độ trong việc cạnh tranh ở các thị trường mới nổi, cũng là một trong những yếu tố thúc đẩy Ấn Độ tích cực đẩy mạnh hợp tác với Đông Nam Á để duy trì lợi ích địa - chính trị của mình.
Bên cạnh đó, Ấn Độ thông qua việc mở rộng tầm ảnh hưởng ở khu vực Đông Nam Á để tăng cường tương tác với chiến lược “quay trở lại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương” do Mỹ thúc đẩy. Chiến lược Đông Nam Á của Ấn Độ và Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở (IPS) của Mỹ có nhiều điểm chung, đều có thể đạt được nhiều lợi ích địa - chính trị thông qua việc kiềm chế ảnh hưởng của Trung Quốc. Ấn Độ thông qua việc phối hợp trong IPS của Mỹ để tham gia sâu các vấn đề của khu vực châu Á - Thái Bình Dương, từng bước tăng cường quan hệ song phương với Nhật Bản, Hàn Quốc và Australia, qua đó nâng cao sức mạnh và tầm ảnh hưởng quốc tế của mình, tạo động lực cho việc hiện thực hóa “giấc mộng cường quốc”. Chính quyền mới của Mỹ có nhiều khả năng sẽ duy trì định hướng chính sách trước đây với khu vực Đông Nam Á và Ấn Độ có thể sẽ phát huy vai trò lớn hơn với tư cách là một nhân tố quan trọng trong IPS của Mỹ.
Sự điều chỉnh từ chính sách “Hướng Đông” sang chính sách “Hành động hướng Đông” của Ấn Độ tại khu vực Đông Nam Á
Ấn Độ là cường quốc khu vực có số dân đông nhất, kinh tế phát triển nhất và thực lực lớn mạnh nhất ở tiểu lục địa Ấn Độ, nằm trong khu vực Nam Á có vị trí chiến lược trên thế giới. Do vậy, sự phát triển của Ấn Độ có ảnh hưởng lớn đến địa - chính trị và sự phát triển của khu vực. Trong những năm gần đây, cùng với một loạt biện pháp cải cách của Thủ tướng Ấn Độ N. Modi, thực lực của Ấn Độ ngày càng vững mạnh, cho phép nước này có thêm điều kiện thuận lợi và nguồn lực để triển khai mạnh mẽ chính sách đối với các đối tác bên ngoài khu vực Nam Á.
Ấn Độ hiện là một trong những đối tác chiến lược của các nước Đông Nam Á. Với tổng dân số 1,8 tỷ người và tổng GDP là 4,6 nghìn tỷ USD, Ấn Độ và ASEAN tạo thành một không gian kinh tế quan trọng trên thế giới. Bên cạnh quan hệ đối tác kinh tế, Ấn Độ tăng cường ảnh hưởng địa - chính trị với các nước trong khu vực. Để cải thiện vị thế ở khu vực Đông Á, Ấn Độ đã điều chỉnh chính sách “Hướng Đông” thành chính sách “Hành động hướng Đông”.
Sự khởi đầu của chính sách “Hướng Đông” của Ấn Độ có thể được đánh dấu vào đầu những năm 90 của thế kỷ XX. Sau khi Chiến tranh lạnh kết thúc, sự lớn mạnh của chủ nghĩa khu vực đã chia kinh tế thế giới thành các khối thương mại nhỏ ở từng khu vực, cùng với đó là sự nổi lên của xu thế tự do hóa kinh tế. Trong bối cảnh đó, khu vực Đông Nam Á - nơi có nhiều nền kinh tế đang bùng nổ, được cho là đáp ứng lợi ích của Ấn Độ - một quốc gia khi đó cũng đang bắt đầu cải cách kinh tế và cần mở rộng hợp tác kinh tế với các khu vực bên ngoài. Thông qua các nước Đông Nam Á, Ấn Độ muốn giành được nhiều lợi ích từ hội nhập kinh tế cũng như lợi ích an ninh khu vực, trong đó có việc mở rộng kết nối với Đông Á/Đông Nam Á thông qua hành lang Myanmar (là nước Đông Nam Á có 1.600km đường biên giới chung với Ấn Độ). Trong những năm qua, việc các nước lớn mở rộng ảnh hưởng tại khu vực Đông Nam Á, cũng thúc đẩy Ấn Độ tích cực hơn trong việc triển khai chính sách “Hướng Đông” kết hợp với chính sách đối ngoại then chốt khác, như chính sách “Láng giềng trước tiên”.
Chính sách “Hướng Đông” đã trải qua hai giai đoạn phát triển kể từ năm 1991. Giai đoạn thứ nhất kéo dài từ năm 1991 đến năm 2002, khi lực đẩy chính là đổi mới quan hệ kinh tế và chính trị với các nước ASEAN. Ấn Độ trở thành đối tác đối thoại ngành của ASEAN vào năm 1992 và đối tác đối thoại đầy đủ vào năm 1996. Cũng trong năm 1996, Ấn Độ tham gia Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF). Trong giai đoạn thứ hai, từ năm 2003 đến năm 2012, phạm vi của chính sách “Hướng Đông” được mở rộng, bao gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand. Năm 2012, Ấn Độ và ASEAN kỷ niệm 20 năm thiết lập quan hệ đối tác đối thoại; đồng thời, nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược, như một tiến trình tự nhiên trong mối quan hệ hợp tác chặt chẽ của hai bên.
Tháng 7-2011, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton thăm Ấn Độ và ủng hộ Ấn Độ đóng một vai trò mạnh mẽ hơn ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Ngoại trưởng Mỹ chính là người đưa ra thuật ngữ “hành động về phía Đông” thay vì chỉ “nhìn về phía Đông”, hay còn gọi là chính sách “Hướng Đông” 3.0. Ý tưởng này được Chính phủ của Thủ tướng N. Modi ủng hộ sau khi Ngoại trưởng Ấn Độ Sushma Swaraj xác nhận vào năm 2014 rằng, Ấn Độ hiện sẵn sàng cho chính sách “Hành động về phía Đông” trên cơ sở chính sách “Hướng Đông" 3.0, theo đó, Ấn Độ không chỉ hy vọng tăng cường các cam kết kinh tế với khu vực mà còn mong muốn trở thành một nhân tố tiềm năng giúp cân bằng khu vực Đông Nam Á.
Mục đích trước tiên của chính sách “Hướng Đông” là tăng cường trao đổi kinh tế - thương mại với các nước Đông Nam Á. Sau khi lên nắm quyền vào năm 2014, Thủ tướng N. Modi tuyên bố nâng cấp chính sách “Hướng Đông” thành chính sách “Hành động hướng Đông”, nhằm làm sâu sắc hơn nữa hợp tác trên các phương diện chính trị, kinh tế và quân sự giữa Ấn Độ với ASEAN, cũng như các nước Đông Nam Á. Đối với Ấn Độ, lợi ích của nước này ở khu vực Đông Nam Á liên quan đến chiến lược phát triển khu vực và là một phần không thể thiếu trong việc hiện thực hóa mục tiêu đưa Ấn Độ trở thành cường quốc toàn cầu.
Có thể thấy hiệu ứng của sự thay đổi chính sách này với việc Ấn Độ ký kết một loạt thỏa thuận chiến lược với Malaysia và Singapore cũng như đặt nền móng cho các sáng kiến mang định hướng kinh tế hơn, bao gồm cả việc thúc đẩy tiến độ dự án đường cao tốc ba bên (Ấn Độ - Myanmar - Thái Lan) và Hành lang kinh tế Mekong - Ấn Độ (MIEC), nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho thương mại và đầu tư.
Ấn Độ cũng sẵn sàng hạ thấp hàng rào thuế quan dù từ chối tham gia RCEP. Trong những năm qua, Ấn Độ đã nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Việt Nam, Singapore và Malaysia, cũng như hợp tác với Indonesia một cách chủ động hơn thông qua những cuộc gặp song phương giữa Thủ tướng N. Modi và Tổng thống Indonesia Joko Widodo bên lề các diễn đàn quốc tế quan trọng.
Để theo đuổi các mục tiêu trong chính sách “Hành động hướng Đông” và hợp tác với các nước Đông Nam Á, Ấn Độ đã nỗ lực tăng cường sức mạnh quân sự tại Vùng lãnh thổ Andaman và Nicobar ở cực Đông Ấn Độ (gần Thái Lan) và bổ nhiệm cựu Tham mưu trưởng Hải quân, Đô đốc D. K. Joshi làm Phó Thống đốc vùng lãnh thổ này. Rõ ràng, những động thái này của Ấn Độ nhằm phát huy tối đa tính hữu dụng của quần đảo Andaman và Nicobar như một tiền đồn, cũng như để hỗ trợ sự tham gia đầy đủ về mặt quân sự với các nước Thái Lan, Malaysia, Singapore và Indonesia nằm dọc sườn phía Tây khu vực Đông Nam Á.
Ấn Độ đã nỗ lực chứng tỏ khả năng đóng một vai trò năng động trong khu vực Đông Nam Á và cũng gửi một tín hiệu mạnh mẽ tới Trung Quốc bằng cách đề cập đến tầm quan trọng của việc duy trì tự do hàng hải ở Biển Đông trong tuyên bố chung do Tổng thống Mỹ Barack Obama và Thủ tướng N. Modi đưa ra nhân chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng N. Modi vào năm 2014. Ý tưởng về các cuộc tuần tra chung giữa Mỹ và Ấn Độ ở Biển Đông cũng được đưa ra ngay sau chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Manohar Parikkar tới Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ ở bang Hawaii (Mỹ) vào cuối năm 2015. Tự do hàng hải ở Biển Đông là điều cần thiết đối với Ấn Độ để bảo đảm thương mại trên biển của nước này tiếp tục không bị gián đoạn.
Thách thức trong quan hệ Ấn Độ - Đông Nam Á
Tuy nhiên, kể từ khi Cộng đồng ASEAN (AC) chính thức được thành lập vào cuối năm 2015, đã có một số nhận định dè dặt về những lợi ích tiềm năng của Ấn Độ có được từ AC, cũng như những lợi thế của Hiệp định thương mại tự do (FTA) Ấn Độ - ASEAN vẫn chưa rõ ràng theo quan điểm của Ấn Độ. Một thách thức khác đối với Ấn Độ là Chính phủ Ấn Độ khó có thể bảo đảm lợi ích thực tế cho khu vực Đông Bắc của nước này thông qua các dự án kết nối hạ tầng giữa khu vực Nam Á và Đông Á. Hơn nữa, sự chậm trễ trong việc hoàn thành đường cao tốc ba bên Ấn Độ - Myanmar - Thái Lan (dự kiến hoàn tất từ năm 2020), Dự án giao thông và vận tải đa phương thức Kaladan và dịch vụ xe buýt Moreh - Mandalay, đã dẫn đến không ít đánh giá tiêu cực trong khu vực về quyết tâm chính trị của Ấn Độ. Do đó, các chuyên gia cho rằng, để có thể tự tạo cho mình một vai trò lớn hơn ngoài khu vực Nam Á, Ấn Độ cần cẩn trọng hơn trong việc cân bằng giữa các lợi ích trong nước và lợi ích đối với khu vực.
Trong hợp tác kinh tế với khu vực Đông Nam Á, việc Ấn Độ lấy xây dựng kết cấu hạ tầng làm chất xúc tác để thúc đẩy sự phát triển và hội nhập của vùng Đông Bắc nước này được xem là hoàn toàn hợp lý. Thế nhưng, về lâu dài, Ấn Độ có tạo được sự bứt phá trong hoạt động xuất khẩu sang các thị trường Đông Nam Á hay không còn phụ thuộc vào kết quả đàm phán hiệp định thương mại. Trong thập niên qua, kim ngạch nhập khẩu của Ấn Độ luôn cao hơn kim ngạch xuất khẩu sang các nước ASEAN, khiến thâm hụt thương mại của Ấn Độ với ASEAN tăng gấp 4 lần, từ 5 tỷ USD giai đoạn 2010 - 2011 lên tới gần 22 tỷ USD giai đoạn 2018 - 2019. Nguyên nhân là do những hạn chế của FTA Ấn Độ - ASEAN. Những hạn chế này có thể được khắc phục nếu Ấn Độ tham gia RCEP, tạo ra khu vực tự do hóa thương mại lớn nhất thế giới giữa Ấn Độ với 10 nước ASEAN và 5 đối tác thương mại là Trung Quốc, Nhật Bản, Australia, Hàn Quốc và New Zealand.
Mặc dù có nhiều lợi ích tiềm năng khi tham gia RCEP, song Ấn Độ lại từ chối tham gia hiệp định này. Các chuyên gia cho rằng, nguyên nhân chính là bởi Ấn Độ quan ngại việc hàng hóa của Trung Quốc tràn vào Ấn Độ sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường việc làm trong nước. Trước sức ép này của dư luận trong nước, tháng 11-2019, Thủ tướng N. Modi đã từ chối phê chuẩn RCEP, một động thái được cho là cản trở những nỗ lực thúc đẩy xuất khẩu và tăng trưởng kinh tế của Ấn Độ.
Như vậy, trong bối cảnh địa - chính trị Đông Nam Á đầy biến động như hiện nay, việc Ấn Độ tích cực đẩy mạnh chính sách “Hành động hướng Đông” cho thấy nước này mong muốn trở thành một trong những cường quốc kinh tế, quân sự ở châu Á thông qua kết nối với sức mạnh và vị thế tăng lên của các quốc gia mới nổi ở Đông Nam Á. Bên cạnh đó, tham vọng của Ấn Độ muốn cân bằng với sức mạnh và ảnh hưởng gia tăng của Trung Quốc ở châu Á sẽ khiến Ấn Độ tiếp tục theo đuổi chính sách này./.