Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ: Chương mới trong quan hệ hai nước

TS PHAN THỊ THU DUNG
Viện Chiến lược Công an, Bộ Công an
14:48, ngày 03-05-2024

TCCS - Tháng 9-2023, trong chuyến thăm chính thức cấp Nhà nước tới Việt Nam của Tổng thống Hoa Kỳ Giô Bai-đơn theo lời mời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Việt Nam và Hoa Kỳ đã ra Tuyên bố chung về nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững. Việc xác lập khuôn khổ quan hệ mới đã chứng minh rõ nét tính đúng đắn về quyết sách, tầm nhìn dài hạn, quyết tâm chính trị cao của lãnh đạo hai nước, mở ra một giai đoạn lịch sử mới của hợp tác song phương Việt Nam - Hoa Kỳ.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đón Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden thăm cấp nhà nước tới Việt Nam, tháng 9-2023 _Ảnh: Tư liệu

Nhìn lại những kết quả đạt được trong gần 30 năm quan hệ hợp tác

Về tổng thể, gần 30 năm bình thường hóa quan hệ và nhất là 11 năm thiết lập quan hệ Đối tác toàn diện với chín trụ cột hợp tác bao quát quan hệ song phương cùng các vấn đề đa phương khu vực và quốc tế là một giai đoạn tiếp nối quan trọng, nằm trong tiến trình phát triển xuyên suốt kể từ khi hai nước chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1995 đến nay, đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho cả hai bên so với những năm trước trên hầu hết lĩnh vực. Nổi bật là:

Hợp tác chính trị - ngoại giao Việt Nam - Hoa Kỳ được đẩy mạnh với tần suất dày hơn, phạm vi mở rộng hơn và nội dung thực chất, cụ thể hơn, đặc biệt là có sự thay đổi quan trọng trong cách tiếp cận của Hoa Kỳ đối với mô hình, hệ thống chính trị của Việt Nam. Trao đổi đoàn các cấp, nhất là cấp cao được đẩy mạnh(1), qua đó củng cố, làm sâu sắc hơn tầm nhìn, mục tiêu, phương châm, nguyên tắc và định hướng hợp tác; xử lý cân bằng, hài hòa, hiệu quả hầu hết vấn đề đặt ra. Hai bên tích cực triển khai các cơ chế đối thoại, tham vấn
trước đó(2), từng bước đi vào các nội dung cụ thể hơn và thiết lập một số cơ chế đối thoại, tham vấn mới(3). Quan hệ kênh Đảng, kênh Quốc hội được củng cố; hoạt động tiếp xúc, trao đổi đoàn các cấp từng bước được mở rộng. Hợp tác trên các vấn đề quốc tế, khu vực có nhiều bước tiến nổi bật. Hai bên tích cực phối hợp tổ chức các sự kiện, hoạt động quốc tế, khu vực quan trọng; triển khai hiệu quả các sáng kiến, cơ chế trong khuôn khổ Liên hợp quốc và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Hoa Kỳ ủng hộ lập trường của Việt Nam và đẩy mạnh triển khai nhiều động thái, chính sách cơ bản phù hợp với lợi ích của Việt Nam liên quan đến vấn đề Biển Đông, Tiểu vùng sông Mê Công, ứng phó với biến đổi khí hậu; coi trọng phối hợp với Việt Nam trong nhiều vấn đề khu vực quan trọng khác...

Hợp tác kinh tế - thương mại - đầu tư được coi trọng hơn, trở thành lĩnh vực có mức độ phát triển hiệu quả, thực chất cả về quy mô, phạm vi, chất lượng và là lĩnh vực Việt Nam đạt được nhiều lợi ích hơn cả. Về kinh tế - thương mại, Việt Nam giữ ổn định và từng bước mở rộng thị trường xuất khẩu tại Hoa Kỳ với đa dạng về chủng loại, tăng mạnh về khối lượng; trong đó, tính “bổ trợ” giữa hai thị trường ngày càng gia tăng(4). Trong giai đoạn 2013 - 2023, kim ngạch thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ tăng trưởng bình quân trên 15%/năm; quy mô thương mại hai chiều và thặng dư thương mại của Việt Nam với Hoa Kỳ đều tăng hơn 5 lần(5); xuất khẩu sang Hoa Kỳ chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong tổng xuất khẩu của Việt Nam (khoảng 29,5% vào năm 2022). Ngoài ra, Hoa Kỳ ngày càng coi trọng, tăng cường vận động Việt Nam tham gia các cơ chế, khuôn khổ hợp tác về kinh tế, thương mại ở khu vực và toàn cầu. Về đầu tư, hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Hoa Kỳ vào Việt Nam tăng cả về khối lượng và chất lượng, mở rộng về quy mô(6). Một số doanh nghiệp Việt Nam đã đầu tư sang Hoa Kỳ với số lượng vốn lên đến hàng tỷ USD, góp phần tạo hàng nghìn việc làm cho người lao động Hoa Kỳ. Hợp tác đầu tư giữa hai nước được triển khai trên nhiều lĩnh vực mới, như kết cấu hạ tầng chất lượng cao, năng lượng tái tạo, kinh tế số, chuỗi cung ứng,... Đáng chú ý, hợp tác năng lượng gắn với ứng phó biến đổi khí hậu nổi lên là lĩnh vực cả hai bên cùng quan tâm, ưu tiên.

Hợp tác quốc phòng - an ninh phát triển tiệm tiến và có triển vọng mở rộng. Hợp tác quốc phòng song phương có một số bước tiến quan trọng, như việc Hoa Kỳ gỡ bỏ hoàn toàn cấm vận vũ khí sát thương đối với Việt Nam (tháng 5-2016); cung cấp trang thiết bị hỗ trợ Việt Nam nâng cao năng lực phòng thủ, nhất là trên biển; phát triển công nghiệp quốc phòng; ký kết và triển khai một số thỏa thuận hợp tác mới về quốc phòng. Hợp tác an ninh, chống tội phạm được mở rộng; trong đó, hai bên tiếp xúc duy trì, trao đổi các cấp về những vấn đề an ninh chiến lược và chuyên ngành, đồng thời thúc đẩy các khuôn khổ hợp tác mới(7).

Vấn đề dân chủ, nhân quyền, tự do tôn giáo, hằng năm, hai bên trao đổi về những vấn đề này thông qua các cơ chế đối thoại thẳng thắn, trên tinh thần xây dựng, như Đối thoại Nhân quyền, Đối thoại Lao động Việt Nam - Hoa Kỳ, qua đó góp phần tăng cường hiểu biết lẫn nhau và giảm thiểu khác biệt; tăng cường hợp tác nhằm bảo đảm tất cả người dân được hưởng đầy đủ quyền con người.

Hợp tác khoa học - công nghệ, giáo dục - đào tạo, y tế, văn hóa, du lịch ngày càng mở rộng, thực chất hơn trên những lĩnh vực mà Hoa Kỳ có thế mạnh, Việt Nam có nhu cầu. Hoa Kỳ xác định hợp tác khắc phục hậu quả chiến tranh là cơ sở để củng cố lòng tin và thúc đẩy hợp tác song phương. Về khoa học - công nghệ, hai bên mở rộng các lĩnh vực hợp tác thông qua những khuôn khổ, cơ chế mới, trong đó có một số lĩnh vực mang tính chiến lược, như hạt nhân, vũ trụ. Về văn hóa, giáo dục - đào tạo, số lượng sinh viên Việt Nam học tập tại Hoa Kỳ tiếp tục tăng nhanh, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam. Số lượng khách du lịch Hoa Kỳ vào Việt Nam liên tục tăng mạnh từ năm 2012 đến nay (không kể thời điểm đại dịch COVID-19 bùng phát) và có nhiều tiềm năng phát triển sau đại dịch COVID-19. Về y tế, hai bên đẩy mạnh hợp tác y tế công cộng và một số lĩnh vực mới, tích cực phối hợp triển khai chương trình an ninh y tế toàn cầu...

Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thăm, làm việc với tập đoàn công nghệ Nvidia tại thung lũng Silicon, California (Hoa Kỳ) _Ảnh: TTXVN

Chuyến thăm lịch sử và khuôn khổ quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ

Về khuôn khổ quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện

Trên thế giới, khái niệm cũng như nội hàm của mô hình quan hệ đối tác chiến lược toàn diện phụ thuộc vào tư duy, cách tiếp cận của từng nước về đối ngoại. Căn cứ vào lý luận, thực tiễn triển khai một số mô hình điển hình trên thế giới, có thể nhìn nhận đối tác chiến lược toàn diện là mối quan hệ mang tính then chốt và có giá trị lâu dài, bền vững nhằm xây dựng cơ chế, kế hoạch, công cụ để đẩy mạnh hợp tác trên các lĩnh vực, vấn đề mà các bên ưu tiên; trong đó, hàm chứa những nội dung cơ bản, như không tấn công lẫn nhau, không liên minh hoặc liên kết với nước này để chống nước khác, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, có lòng tin vững chắc với nhau; bình đẳng, tôn trọng thể chế chính trị, hệ tư tưởng và giá trị xã hội của nhau; thống nhất nhận thức về cách tiếp cận và nguyên tắc xây dựng đối tác chiến lược và đối tác chiến lược toàn diện cũng như cơ sở pháp lý, nội dung, khuôn khổ, cơ chế bảo đảm triển khai hiệu quả; chia sẻ tầm nhìn về các lĩnh vực hợp tác, nhất là các lĩnh vực có ý nghĩa chiến lược, những vấn đề chính trị khu vực và toàn cầu; không hạn chế về lĩnh vực hợp tác và không nhất thiết phải mang nội dung ràng buộc về an ninh - quân sự. Những nội hàm, nguyên tắc này có thể điều chỉnh linh hoạt, tùy theo bối cảnh quốc tế cũng như tình hình của mỗi nước, quyết tâm, ý chí chính trị và lợi ích cụ thể mà mỗi quốc gia đặt ra (có thể theo từng giai đoạn) trong quá trình xem xét thiết lập quan hệ đối tác chiến lược/đối tác chiến lược toàn diện với một nước khác.

Theo các văn bản chính thức của Hoa Kỳ, hình thức quan hệ đối tác chiến lược toàn diện thể hiện mối quan hệ chặt chẽ về quân sự giữa Hoa Kỳ với nước đối tác, song không bao hàm ý nghĩa về phòng thủ chung như “đồng minh” và các khía cạnh hợp tác khác có thể ở mức độ vừa phải hơn đồng minh và thường thể hiện sự coi trọng của Hoa Kỳ về chiến lược với nước đối tác.

Về thực tiễn, nhìn chung việc Hoa Kỳ thúc đẩy khung đối tác chiến lược toàn diện với các nước thể hiện vị trí, vai trò của nước đối tác trong tính toán, triển khai chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ. Các lĩnh vực hợp tác tập trung vào chính trị - chiến lược và quốc phòng - an ninh (chủ yếu là an ninh phi truyền thống) và lĩnh vực bổ trợ khác (kinh tế - thương mại, khoa học - công nghệ, giáo dục - đào tạo...). Trong khi đó, Việt Nam thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với các nước khi đã hội tụ đủ một số tiêu chí chủ yếu, như mức độ quan hệ giữa Việt Nam và đối tác đã có sự phát triển sâu sắc, đan xen, gắn kết lợi ích toàn diện, sâu rộng, đa tầng nấc, đa lĩnh vực; đối tác nằm trong ưu tiên đối ngoại của Việt Nam, như các nước láng giềng và nước lớn; nước đối tác có vai trò và ý nghĩa, giá trị trong quan hệ quốc tế. Khuôn khổ đối tác chiến lược toàn diện thể hiện mức độ quan hệ sâu sắc giữa Việt Nam với các đối tác, với nội hàm hợp tác rộng, bao gồm nhiều lĩnh vực và hợp tác trong một số lĩnh vực ưu tiên ở mức độ cao. Đến nay, Việt Nam đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với bảy nước (Trung Quốc, Ấn Độ, Nga, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản và Ô-xtrây-li-a)#, trong đó thực tiễn triển khai quan hệ với các nước này đã và đang đạt được nhiều thành tựu trên tất cả lĩnh vực, đóng góp quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Mặc dù được thiết lập trong khuôn khổ song phương, nhưng đối tác chiến lược toàn diện bao gồm cả những nội hàm đa phương quan trọng, tạo điều kiện thuận lợi cho Việt Nam và đối tác phối hợp chặt chẽ trên các diễn đàn đa phương khu vực và quốc tế, góp phần giải quyết những vấn đề toàn cầu và đóng góp vào duy trì hòa bình, an ninh quốc tế, thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững. Khuôn khổ đối tác chiến lược toàn diện góp phần tạo điều kiện thuận lợi để Việt Nam và đối tác tăng cường hiểu biết lẫn nhau, thống nhất quan điểm, phối hợp lập trường tại các tổ chức và diễn đàn đa phương từ cấp độ khu vực đến liên khu vực và toàn cầu.

Chương mới trong quan hệ song phương Việt Nam - Hoa Kỳ

Chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam của Tổng thống Hoa Kỳ G. Bai-đơn mang ý nghĩa đặc biệt và được hai bên đánh giá là “lịch sử” khi được thực hiện đúng vào thời điểm hai nước kỷ niệm 10 năm thiết lập quan hệ Đối tác toàn diện (2013 - 2023). Nửa thế kỷ đã trôi qua, từ cựu thù, giờ đây Việt Nam và Hoa Kỳ đã trở thành Đối tác chiến lược toàn diện - một thành tựu quan trọng mà ít ai có thể hình dung được vào thời điểm 50 năm trước đây. Xa hơn nữa, cách đây gần 80 năm, với tầm nhìn xa trông rộng, ngay những ngày đầu mới thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (ngày 2-9-1945), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặc biệt quan tâm đến xây dựng và phát triển quan hệ hợp tác toàn diện với Hoa Kỳ. Theo hồ sơ của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ được giải mật vào năm 2011, từ tháng 9-1945 đến tháng 2-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần viết thư gửi Tổng thống Hoa Kỳ Ha-ri Tru-man và Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Giêm Bơn (James Byrnes), bày tỏ mong muốn hai nước Việt Nam - Hoa Kỳ là bạn và phát triển quan hệ “hợp tác đầy đủ”. Năm 2023, việc Chính phủ Hoa Kỳ chủ động đặt vấn đề nâng cấp quan hệ với Việt Nam lên Đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững, đã cho thấy Hoa Kỳ ngày càng coi trọng chính sách đối nội và đối ngoại của Việt Nam cũng như vai trò chủ động, tích cực và có trách nhiệm của Việt Nam ở cả tầm khu vực và trên thế giới; đồng thời, thể hiện quyết tâm của Hoa Kỳ trong việc đưa quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ lên tầm cao mới. Phát biểu trước báo chí sau cuộc hội đàm với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhân chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam, Tổng thống Hoa Kỳ G. Bai-đơn đã khẳng định “Việt Nam là quốc gia quan trọng trên thế giới và trong khu vực”(8).

Việc xác lập khuôn khổ quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện với Hoa Kỳ còn có những ý nghĩa vượt lên khuôn khổ quan hệ song phương, là một dấu mốc quan trọng trong tổng thể đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, là bạn, đối tác tin cậy, thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế của Việt Nam. Lần đầu tiên, Việt Nam có quan hệ từ cấp Đối tác chiến lược trở lên với toàn bộ 5 nước Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (Trung Quốc, Nga, Hoa Kỳ, Anh và Pháp). Việt Nam cũng là nước duy nhất xác lập và duy trì quan hệ đối tác chiến lược toàn diện cùng lúc với cả ba cường quốc hàng đầu trên thế giới (Trung Quốc, Nga và Hoa Kỳ), qua đó tiếp tục tạo khuôn khổ quan hệ ổn định, lâu dài với các đối tác quan trọng, góp phần củng cố thế đối ngoại vững chắc cho đất nước.

Trước sự biến động nhanh, hết sức phức tạp của tình hình thế giới, khu vực cùng với sự thay đổi về sức mạnh tổng hợp quốc gia, vị thế quốc tế, nhu cầu, ưu tiên chiến lược của cả Việt Nam và Hoa Kỳ, khuôn khổ quan hệ song phương mới hiện nay là yêu cầu khách quan nhằm tạo bước chuyển về chất, định hình cho sự phát triển ổn định hơn, sâu sắc hơn, tin cậy hơn, toàn diện hơn của quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ trong nhiều thập niên tới, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển bền vững tại khu vực và trên thế giới.

Nội hàm khuôn khổ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ

Mô tả về mối quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ sau khi hai nước chính thức tuyên bố nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện vào ngày 10-9-2023, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh phương châm đặc thù cho sự phát triển quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ với 16 chữ “gác lại quá khứ, vượt qua khác biệt, phát huy tương đồng, hướng tới tương lai”(9). Đây được coi là nguyên tắc nền tảng quan trọng định hướng quan hệ hai nước. Trong khi đó, Tổng thống Hoa Kỳ G. Bai-đơn khẳng định, nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện “là một bước đi vô cùng quan trọng cho cả hai quốc gia”(10), “mở ra kỷ nguyên mới” trong quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ(11).

Tuyên bố chung về nâng cấp quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ lên Đối tác chiến lược toàn diện một lần nữa tái khẳng định các nguyên tắc cơ bản đã được hai bên thống nhất khi xác lập quan hệ Đối tác toàn diện từ năm 2013, đó là tôn trọng Hiến chương Liên hợp quốc, luật pháp quốc tế, tôn trọng thể chế chính trị, độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau. Chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam của Tổng thống Hoa Kỳ G. Bai-đơn theo lời mời của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng một lần nữa khẳng định Hoa Kỳ luôn tuân thủ cam kết, tôn trọng thể chế chính trị của Việt Nam và tôn trọng lãnh đạo Việt Nam - tiền đề quan trọng để hai nước củng cố lòng tin, tăng cường hợp tác ở tầm vóc mới trong khi tiếp tục xử lý những khác biệt trên tinh thần tôn trọng và hiểu biết lẫn nhau.

Việc nâng cấp quan hệ sẽ tác động tích cực, làm tăng sự đồng thuận ở mỗi nước; tạo điều kiện huy động và tập trung nguồn lực cho các chương trình, kế hoạch hợp tác quan trọng mà hai bên cùng có lợi. Việt Nam có cơ hội và điều kiện thuận lợi để đưa quan hệ với Hoa Kỳ - một đối tác có tầm quan trọng chiến lược, đi vào chiều sâu, hiệu quả, thực chất hơn, phục vụ thiết thực cho mục tiêu phát triển, duy trì môi trường quốc tế hòa bình ổn định và nâng cao vị thế đất nước theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Đối với Hoa Kỳ, đây là điều kiện thuận lợi để tăng cường quan hệ với Việt Nam - một đối tác ngày càng quan trọng trong khu vực, qua đó tăng cường quan hệ với ASEAN, tận dụng những cơ hội mới để phát huy vai trò và vị thế của Hoa Kỳ ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Những nội hàm của khuôn khổ hợp tác mới cũng là sự kế thừa và nâng tầm từ các trụ cột hợp tác mà hai nước đã và đang thiết lập. Chín lĩnh vực hợp tác được thiết lập từ khuôn khổ Đối tác toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ đều được bổ sung những khía cạnh mới với những động lực mới, góp phần làm sâu sắc quan hệ song phương. Nổi bật là: 1- Tích cực trao đổi các đoàn cấp cao, các chuyến thăm lẫn nhau, các cuộc tiếp xúc bên lề các hội nghị khu vực và quốc tế, phát huy tối đa các kênh quan hệ, từ kênh Đảng, Nhà nước, Nghị viện, cho đến giao lưu nhân dân, quan hệ giữa các địa phương; 2- Thúc đẩy hợp tác kinh tế - thương mại - đầu tư theo hướng đổi mới sáng tạo là nền tảng, trọng tâm và động lực của quan hệ hai nước; 3- Tăng cường hợp tác khoa học - công nghệ là đột phá mới; 4- Hướng đến giải quyết những vấn đề ảnh hưởng trực tiếp đến phát triển của Việt Nam, như biến đổi khí hậu, đẩy mạnh hợp tác cụ thể tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long và đồng bằng sông Hồng; 5- Bổ sung khía cạnh hợp tác mới về các vấn đề khu vực và quốc tế, nhấn mạnh vai trò quan trọng thiết yếu của Tiểu vùng sông Mê Công trong việc duy trì ổn định, hòa bình, thịnh vượng, hợp tác, phát triển bền vững của khu vực. Ngoài ra còn nhiều lĩnh vực quan trọng khác tiếp tục được hai bên coi trọng, bao gồm hợp tác khắc phục hậu quả chiến tranh, giáo dục - đào tạo, giao lưu nhân dân, hợp tác xử lý vấn đề mang tính toàn cầu, như tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, ứng phó với biến đổi khí hậu, an ninh năng lượng, y tế, nguồn nước, chống khủng bố...

Có thể nói, nâng tầm quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện với Hoa Kỳ trong khi tiếp tục làm sâu sắc hơn nữa quan hệ với các đối tác quan trọng khác nhằm tận dụng mọi nguồn lực cả bên trong và bên ngoài, chính là sự triển khai hiệu quả đường lối đối ngoại đã được Đại hội XIII của Đảng đề ra, đó là: “Đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác song phương với các đối tác, đặc biệt là các đối tác chiến lược, đối tác toàn diện và các đối tác quan trọng khác, tạo thế đan xen lợi ích và tăng độ tin cậy”(12). Trong thời gian tới, quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững được kỳ vọng sẽ tiếp tục có những đột phá mới, ngày càng phát triển sâu rộng, thực chất và hiệu quả, vì lợi ích của nhân dân hai nước; vì hòa bình, hợp tác, phát triển bền vững của khu vực và thế giới.

Tuy nhiên, cũng cần thẳng thắn nhìn nhận, quan hệ giữa hai nước vẫn còn một số khác biệt. Lập trường và cách đề cập liên quan đến vấn đề dân chủ, nhân quyền giữa hai bên còn khác nhau do xuất phát từ sự khác biệt về hệ thống chính trị - xã hội, trình độ phát triển, văn hóa, lịch sử, truyền thống tập quán. Lòng tin chiến lược giữa hai bên đã được tăng cường song chưa cao. “Hội chứng chiến tranh” vẫn còn hiện hữu trong đời sống chính trị ở Hoa Kỳ, một bộ phận nhỏ người Mỹ gốc Việt vẫn còn lưu giữ những tư tưởng gây chia rẽ, đối đầu(13). Mặc dù có những bước tiến quan trọng, song hợp tác kinh tế - thương mại - đầu tư giữa Việt Nam và Hoa Kỳ vẫn thiếu khuôn khổ để phát triển ổn định, bền vững. Thêm nữa, môi trường quốc tế, khu vực diễn biến hết sức nhanh chóng, phức tạp và khó lường, tác động không nhỏ đến quan hệ giữa hai nước...

Dây chuyền sản xuất tại nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô Ford Việt Nam ở tỉnh Hải Dương _Nguồn: baohaiduong.vn

Hướng tới lợi ích cùng tầm nhìn chung trong dài hạn

Trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực mà theo nhận định của Đảng ta trong Văn kiện Đại hội XIII là: “... tiếp tục có nhiều thay đổi rất nhanh, phức tạp, khó lường”(14), để đưa quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ ngày càng đi vào chiều sâu, bền vững hơn, hiệu quả hơn và tạo ra nhiều bước phát triển đột phá mang tính chiến lược hơn; đồng thời, bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc Việt Nam, trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi cần tập trung vào một số trọng tâm sau:

Về nhận thức: Nhận diện đầy đủ, chính xác vấn đề lợi ích quốc gia - dân tộc. Với sự phát triển của đất nước và sự vận động khách quan của môi trường khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, các vấn đề trong quan hệ với Hoa Kỳ nhất là giữa mặt hợp tác - đấu tranh, lợi ích quốc gia - dân tộc của Việt Nam không ngừng được mở rộng cả về nội hàm và phạm vi. Trong từng giai đoạn, xác định rõ lợi ích trước mắt, lợi ích lâu dài, lợi ích thiết yếu, lợi ích quan trọng,... để có cách ứng xử phù hợp trong quan hệ với các đối tác lớn, nhất là trong phương hướng phát triển quan hệ giữa Việt Nam với Hoa Kỳ theo tầm nhìn chung mới được xác lập về khuôn khổ quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện. Bên cạnh đó, tiếp tục tăng cường, phát triển thực chất quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ, tăng cường hợp tác trên các vấn đề cùng có lợi ích, phù hợp với lợi ích và đường lối đối ngoại của Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, vì hòa bình, hợp tác, phát triển của khu vực và trên thế giới.

Về chủ trương: hai bên nhấn mạnh các nguyên tắc nền tảng định hướng quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ, bao gồm tôn trọng Hiến chương Liên hợp quốc, luật pháp quốc tế và tôn trọng thể chế chính trị, độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau. Việt Nam và Hoa Kỳ sẽ tiếp tục làm sâu sắc hơn nữa hợp tác trên các lĩnh vực nhằm bảo đảm lợi ích của nhân dân hai nước, đóng góp cho hòa bình, ổn định, hợp tác và thịnh vượng ở khu vực và trên thế giới(15).

Về thực tiễn triển khai: Tiếp tục phát triển quan hệ song phương trên cơ sở tăng cường hợp tác, thúc đẩy triển khai hiệu quả các lĩnh vực hợp tác đã được nêu rõ trong Tuyên bố chung Việt Nam - Hoa Kỳ về nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện. Theo đó, hai nước sẽ hiện thực hóa nguyện vọng của người dân về một tương lai tươi sáng và năng động, góp phần duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực quan trọng này cũng như trên toàn thế giới./.

----------------------

(1) Trong giai đoạn 2013 - 2023, Hoa Kỳ tổ chức bốn chuyến thăm cấp cao đến Việt Nam, bao gồm Tổng thống Hoa Kỳ Ba-rắc Ô-ba-ma (tháng 5-2016), Tổng thống Hoa Kỳ Đô-nan Trăm (tháng 11-2017, tháng 2-2019), Phó Tổng thống Hoa Kỳ Ca-ma-la Ha-rít (tháng 8-2021), Tổng thống Hoa Kỳ G. Bai-đơn (tháng 9-2023). Việt Nam tổ chức năm chuyến thăm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước đến Hoa Kỳ, bao gồm Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (tháng 7-2015), Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng (tháng 9-2015), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc (tháng 5-2017), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính (tháng 5-2022, tháng 9-2023)
(2) Đối thoại Việt Nam - Hoa Kỳ về châu Á - Thái Bình Dương, Đối thoại Chính sách quốc phòng Việt Nam - Hoa Kỳ, Đối thoại Chính trị - An ninh - Quốc phòng Việt Nam - Hoa Kỳ, Đối thoại Nhân quyền Việt Nam - Hoa Kỳ, Đối thoại về chất độc da cam/đi-ô-xin,...
(3) Ý định thư thành lập Nhóm Công tác về sáng kiến dự trữ thiết bị y tế và nhân đạo (CHAMSI, năm 2016), Đối thoại về An ninh năng lượng (năm 2018), Đối thoại về hợp tác vũ trụ dân sự (năm 2021),...
(4) Hoa Kỳ tăng xuất khẩu sang Việt Nam các thiết bị y tế, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện...; trong khi, các mặt hàng Hoa Kỳ nhập khẩu chủ yếu của Việt Nam là hàng hóa bổ trợ cho nhu cầu sản xuất và tiêu dùng của Hoa Kỳ. Trong 15 nhóm mặt hàng Hoa Kỳ nhập khẩu lớn nhất, Việt Nam có bảy nhóm mặt hàng, bao gồm các loại máy móc và máy tính, máy ngành điện, đồ nội thất và bảng hiệu, hàng dệt may, giày dép, đồ chơi, thủy sản
(5) Hoa Kỳ luôn giữ vị trí là một trong những thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Việt Nam trở thành đối tác thương mại lớn thứ bảy của Hoa Kỳ và xếp thứ ba trong số các nước có thặng dư thương mại lớn nhất với Hoa Kỳ. Năm 2022, tổng kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam - Hoa Kỳ là 123,7 tỷ USD (tăng hơn 5 lần so với mức 24,49 tỷ USD năm 2012); xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ đạt 109,4 tỷ USD (tăng 5,5 lần so với mức 19,66 tỷ USD năm 2012)
(6) Tính đến năm 2022, FDI của Hoa Kỳ tại Việt Nam đạt 11,4 tỷ USD, với gần 1.150 dự án đang hoạt động, chưa bao gồm các dự án đầu tư thông qua chi nhánh của doanh nghiệp Hoa Kỳ từ các nước thứ ba
(7) Ký kết Bản Ghi nhớ về phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia (tháng 7-2019), Thỏa thuận chuyển giao công nghệ phần mềm giám định ADN (tháng 3-2020)...
(8) Xem: “Phát biểu của Tổng thống Giô Bai-đơn với báo chí sau hội đàm với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng”, Báo Nhân Dân điện tử, ngày 11-9-2023, https://nhandan.vn/phat-bieu-cua-tong-thong-biden-voi-bao-chi-sau-hoi-dam-voi-tong-bi-thu-nguyen-phu-trong-post771831.html
(9) “Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hội đàm với Tổng thống Hoa Kỳ Giô Bai-đơn”, Báo điện tử Đài Truyền hình Việt Nam, ngày 10-9-2023, https://vtv.vn/chinh-tri/tong-bi-thu-nguyen-phu-trong-hoi-dam-voi-tong-thong-hoa-ky-joe-biden-20230910194128433.htm
(10) Xem: “Phát biểu của Tổng thống Giô Bai-đơn với báo chí sau hội đàm với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng”, Tlđd
(11) Dương Ngọc: “Thứ trưởng Hà Kim Ngọc: Những nỗ lực chưa có tiền lệ để Tổng thống Giô Bai-đơn thăm Việt Nam”, Báo Người lao động điện tử, ngày 14-9-2023, https://nld.com.vn/chinh-tri/thu-truong-ha-kim-ngoc-nhung-no-luc-chua-co-tien-le-de-tong-thong-joe-biden-tham-viet-nam-20230914174203218.htm
(12) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 163
(13) Xem: “Tầm nhìn mới cho quan hệ Việt Nam- Hoa Kỳ”, Tạp chí Cộng sản điện tử, tháng 7-2015, https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/nhung-chang-duong-phat-trien/-/2018/35134/tam-nhin-moi-cho-quan-he-viet-nam---hoa-ky.aspx
(14) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, t. I, tr. 30

(15) Cổng thông tin điện tử Chính phú: Toàn văn Tuyên bố chung Việt Nam - Hoa Kỳ về nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện, https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/toan-van-tuyen-bo-chung-ve-nang-cap-quan-he-viet-nam-hoa-ky-len-doi-tac-chien-luoc-toan-dien-119230911120518326.htm