Phục hồi và phát triển ngành hàng không Việt Nam trong bối cảnh mới
TCCS – Ngày 24-5-2022, tại Hà Nội, Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản, Bộ Giao thông Vận tải phối hợp tổ chức Hội thảo quốc tế: “Phục hồi và phát triển ngành hàng không Việt Nam trong bối cảnh mới” nhằm phân tích những thuận lợi, khó khăn, cùng những thời cơ, thách thức, từ đó đề xuất, kiến nghị những cơ chế, chính sách phục hồi và phát triển ngành hàng không Việt Nam trong thời gian tới.
Các đồng chí: PGS, TS. Đoàn Minh Huấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản; Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Anh Tuấn; TS. Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ đồng chủ trì hội thảo. Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến, với hơn 100 đại biểu là các chuyên gia, nhà khoa học, lãnh đạo, quản lý ở các ban, bộ, ngành trong nước và quốc tế.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận Tải Lê Anh Tuấn nhấn mạnh, hàng không là một ngành có tầm quan trọng đặc biệt, bởi cùng với giao thông vận tải nói chung, vận tải hàng không đóng vai trò trọng yếu, là huyết mạch của mỗi quốc gia. Không chỉ trong phát triển kinh tế, mà hàng không còn giữ vai trò quan trọng đối với các vấn đề an ninh, quốc phòng và chủ quyền quốc gia. Ngành hàng không phát triển sẽ kéo theo hàng loạt các ngành khác phát triển. Theo tính toán của các chuyên gia quốc tế cho thấy, hàng không tăng trưởng 2,5% sẽ góp phần kích thích tăng trưởng GDP quốc gia 1%.
Cùng với sự ra đời của các hãng hàng không tư nhân Việt Nam, nền kinh tế hội nhanh, sâu rộng với nền kinh tế thế giới, ngành hàng không Việt Nam đã có bước tiến vượt bậc. Chỉ tính riêng năm 2019, trong 116 triệu lượt khách hàng không ở Việt Nam, có tới 42 triệu khách quốc tế. Ước tính có khoảng một nửa trong số này đến Việt Nam để đầu tư, tìm kiếm cơ hội hợp tác làm ăn, kinh doanh. Sản lượng vận tải hàng hóa qua hàng không năm 2019 đạt 1,5 triệu tấn, thấp so với loại hình vận tải khác nhưng lại là loại hình vận tải giá trị cao, chiếm tới 25% giá trị hàng hóa xuất khẩu.
Với tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2010 - 2019 đạt trên 15%/năm, thị trường hàng không Việt Nam được đánh giá là thị trường phát triển nhanh thứ 5 thế giới và nhanh nhất trong khu vực Đông Nam Á.
Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 là cú sốc lớn nhất với ngành hàng không kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai. Ở Việt Nam, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, hoạt động của ngành hàng không bị ảnh hưởng nặng nề trong các năm 2020 và 2021, do thị trường quốc tế đóng cửa, các hãng hàng không trong nước gần như phải dừng hoàn toàn các hoạt động khai thác quốc tế (vốn chiếm trung bình khoảng 60% năng lực khai thác), trong khi đó, thị trường nội địa cũng bị suy giảm nghiêm trọng.
Năm 2022, nhờ vào chương trình tiêm chủng được triển khai rộng rãi trên toàn quốc cùng với các quy định phòng, chống dịch COVID-19 được thực hiện nghiêm ngặt, trong bối cảnh nền kinh tế nước ta chuyển sang thích ứng an toàn và hiệu quả với đại dịch, ngành hàng không bắt đầu ghi nhận những dấu hiệu phục hồi. Tuy nhiên, việc phục hồi và phát triển ngành hàng không đan xen cả những cơ hội và nhiều thách thức.
Với 2 phiên làm việc, Hội thảo "Phục hồi và phát triển hàng không Việt Nam trong bối cảnh mới" tập trung phân tích, làm rõ một số vấn đề liên quan đến phục hồi và phát triển ngành hàng không, phục hồi nền kinh tế sau đại dịch.
Phiên 1 “Ngành hàng không trong bối cảnh mới: Thách thức, cơ hội và xu thế”, hội thảo nghe nhiều ý kiến phát biểu của các chuyên gia, các nhà khoa học trong và ngoài nước, các nhà quản lý, lãnh đạo về các vấn đề, như: Triển vọng phát triển của hàng không châu Á và Việt Nam; dự báo xu hướng phát triển của ngành hàng không trong 5 đến 10 năm tới; thách thức, cơ hội của ngành hàng không Việt Nam sau đại dịch COVID-19 và giải pháp thích ứng, phục hồi và phát triển ngành hàng không trong bối cảnh sau đại dịch COVID-19; ngành hàng không Việt Nam sau đại dịch COVID-19: Những vấn đề đặt ra và giải pháp…
Phiên 2 “Cơ chế, chính sách và nguồn lực phục hồi, phát triển ngành hàng không Việt Nam”, các đại biểu tập trung thảo luận, đưa ra những đóng góp thiết thực giúp ngành hàng không sớm phục hồi và phát triển mạnh mẽ trong bối cảnh mới, như: Khôi phục nhanh nền kinh tế hướng tới mục tiêu năm 2030: Từ góc nhìn ngành hàng không; phục hồi của ngành hàng không: Tận dụng cơ hội, vượt qua thách thức; vai trò của Chính phủ trong việc kiến tạo thị trường và hành lang phát triển cho ngành hàng không; vai trò của ngành hàng không trong việc nâng cao vị thế, sức cạnh tranh quốc gia - cơ hội cho Việt Nam; hỗ trợ tài chính cho phục hồi và phát triển hàng không…
Đa phần các đại biểu đều nhận định, để vượt qua những khó khăn và thách thức phải đối mặt trong thời gian tới, Chính phủ phải xây dựng một đề án tổng thể cơ cấu lại ngành hàng không (gồm cả các hãng bay và tổng công ty cảng hàng không).
Thứ nhất, cần tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ giúp các doanh nghiệp hàng không có thể nhanh chóng khắc phục hậu quả do COVID-19 để lại, sớm phục hồi và phát triển.
Thứ hai, Nhà nước cần tăng cường hỗ trợ các doanh nghiệp ngành hàng không, du lịch và trực tiếp tổ chức các hoạt động quảng bá về Việt Nam để giúp ngành hàng không, du lịch thu hút thêm khách quốc tế, đồng thời thu hút thêm các nhà đầu tư quốc tế đầu tư phất triển kinh tế nói chung, phát triển ngành hàng không Việt Nam nói riêng, đặc biệt là trong việc mở rộng chuỗi cung ứng của ngành.
Thứ ba, tiếp tục đầu tư xây dựng, mở rộng, đồng bộ hóa hệ thống kết cấu hạ tầng của ngành hàng không và hệ thống kết cấu hạ tầng có liên quan tới hoạt động của ngành hàng không Việt Nam.
Thứ tư, tiếp tục chuẩn bị và sớm triển khai đàm phán với những quốc gia là thị trường có tiềm năng lớn cho ngành hàng không mà hiện Việt Nam chưa khai thác được nhiều để các hãng hàng không Việt Nam có điều kiện thuận lợi trong thâm nhập và khai thác thị trường này.
Thứ năm, tăng cường việc ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến trong công tác quản lý nhà nước về hàng không. Xây dựng và điều phối thực hiện chiến lược đào tạo, phát triển đội ngũ nhân lực cho ngành hàng không.
Phát biểu kết luận hội thảo, PGS, TS. Đoàn Minh Huấn, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản cho rằng, hội thảo đã đạt các mục tiêu đặt ra, với 20 bài tham luận và 12 ý kiến phát biểu trực tiếp tại hội trường, trong đó tập trung vào một số vấn đề quan trọng:
Một là, khẳng định vai trò, vị trí quan trọng của ngành hàng không trong phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong và sau đại dịch. Ngành hàng không không chỉ có vai trò trong vận tải, giao thương, kết nối, hội nhập kinh tế toàn cầu, bảo đảm lợi thế cạnh tranh quốc gia, mà còn là sứ giả thương hiệu, hình ảnh quốc gia, thể hiện "sức mạnh mềm" của đất nước. Ngành hàng không có lợi thế so sánh tuyệt đối mà các phương thức vận chuyển khác không thể có được, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm chuỗi cung ứng hàng hóa, bảo đảm công bằng về cơ hội phát triển giữa các vùng… Việc phân tích lượng hành khách đến với một quốc gia qua đường hàng không có thể phản ảnh thông tin, tín hiệu về sức khoẻ của một nền kinh tế, từ đó nắm bắt và dự báo được việc dịch chuyển và sử dụng nguồn lực…
Hai là, về cơ hội và xu hướng phát triển mới của ngành hàng không. Sau thời gian dồn nén, việc mở cửa và trạng thái bình thường mới được thiết lập tạo nên nhiều cơ hội phát triển cho ngành hàng không, nhất là việc mở cửa thị trường du lịch, việc làm, dịch chuyển nguồn cung ứng..., đặt ra yêu cầu cần tận dụng những cơ hội này để không lỡ nhịp với đà phục hồi của ngành hàng không quốc tế. Đặc biệt, ý kiến phát biểu của các chuyên gia quốc tế cho thấy nhiều xu hướng phát triển của ngành hàng không trong tương lai, như áp dụng công nghệ cao (công nghệ hàng không không tiếp xúc, giảm các thủ tục hành chính, chuyển đổi số, gắn chíp điện tử hàng hóa...), sử dụng nguồn nhiên liệu sạch thân thiện với môi trường, nâng cao năng lực quản trị...
Đặc biệt, kinh nghiệm quốc tế cho thấy, chính phủ các quốc gia trên thế giới có sự hỗ trợ tài chính rất lớn để duy trì hoạt động của các hãng hàng không trong bối cảnh khó khăn do dịch COVID-19.
Ba là, những thách thức, rào cản đối với ngành hàng không, như nhiều nước chưa mở cửa dẫn tới khó khăn trong phát triển thị trường hàng không quốc tế, giá nhiên liệu tăng cao, xung đột Nga - Ucraine, hạn chế trong tăng giá vé...
Bốn là, đề xuất nhóm các giải pháp phát triển thị trường hàng không trong thời gian tới, như: Thống nhất nhận thức về vai trò, vị trí quan trọng của ngành hàng không, từ đó cần có những chính sách đặc thù phát triển; xây dựng hệ sinh thái ngành hàng không tương tác và cộng sinh với nhau để đi đường trường, với sự gắn kết các mối quan hệ: khu vực công - tư, kết nối hàng không với các ngành khác, nhất là du lịch, logistics..., đồng bộ giữa bộ phận bay và hạ tầng bay...; nâng cao năng lực quản trị; thể chế hóa những quy định phát triển ngành hàng không, nhất là tháo gỡ những nút thắt, điểm nghẽn...
Từ những đánh giá, phân tích sâu sắc, dựa trên nhiều khía cạnh của các chuyên gia, nhà nghiên cứu, quản lý, ban tổ chức hội thảo sẽ xây dựng báo cáo cùng những đề xuất, kiến nghị cụ thể gửi đến các cơ quan chức năng có liên quan để xây dựng kế hoạch cơ cấu lại, hỗ trợ ngành hàng không Việt Nam sớm phục hồi và phát triển trong và sau đại dịch./.
Liên minh châu Âu với sáng kiến “Cửa ngõ toàn cầu” (20/04/2022)
Công nghiệp hỗ trợ Thủ đô vượt khó để phát triển (09/11/2021)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
- Tổng quan về chuyển đổi số ở Việt Nam
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên