Liên minh châu Âu với sáng kiến “Cửa ngõ toàn cầu”

TS. Hoàng Đình Nhàn - TS. Nguyễn Thu Phương
Học viện Khoa học quân sự - Tạp chí Cộng sản
14:50, ngày 20-04-2022

TCCS - Cuối năm 2021, Liên minh châu Âu (EU) chính thức công bố Sáng kiến ​​Cửa ngõ toàn cầu” (Global Gateway), nhằm thúc đẩy các liên kết thông minh, an toàn trong lĩnh vực kỹ thuật số, năng lượng, giao thông, y tế, giáo dục trên toàn thế giới. Đây cũng là một bước đi quan trọng của EU giúp tăng cường kết nối, củng cố chuỗi cung ứng toàn cầu, nhanh chóng phục hồi sau đại dịch COVID-19, hỗ trợ các đối tác cùng phát triển bền vững.

Sáng kiến “Cửa ngõ toàn cầu”: Bước tiến hướng tới một châu Âu mạnh mẽ hơn trên thế giới

Năm 2018, Đại diện cấp cao phụ trách an ninh và đối ngoại EU Federica Mogherini thông báo, EU đang phát triển một kế hoạch thay thế cho việc xây dựng kết cấu hạ tầng ở châu Âu và châu Á. Tham gia tài trợ cho các dự án kết cấu hạ tầng sẽ có nhiều cơ quan chính phủ và tổ chức tài chính tư nhân, bao gồm cả các quỹ đầu tư có chủ quyền. Tuy nhiên, chi tiết của kế hoạch này không được tiết lộ. Tháng 6-2021, tại Hội nghị Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7), vấn đề này tiếp tục được đề cập. Khi đó, các nhà lãnh đạo G7 tuyên bố, châu Âu cần phải có một sáng kiến thúc đẩy các khái niệm về phát triển bền vững, chuyển đổi năng lượng xanh ở các nước đang phát triển và thúc đẩy các giá trị chung của châu Âu. Tiếp đó, trong một cuộc họp tại Thủ đô Brussels (Bỉ) ngày 12-7-2021, các Bộ trưởng Ngoại giao EU đã thảo luận và nhất trí thông qua Sáng kiến “Một châu Âu kết nối toàn cầu”. Tháng 9-2021, bà Ursula von der Leyen, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) nhấn mạnh, EU sẽ thiết kế một chiến lược để tạo ra các kết nối bên ngoài châu Âu với tên gọi Sáng kiến “Cửa ngõ toàn cầu”.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen họp báo công bố kế hoạch Global Gateway, ngày 1-12-2021 tại Bỉ_ Nguồn: Getty Image

Ngày 1-12-2021, châu Âu chính thức công bố Sáng kiến “Cửa ngõ toàn cầu”. Chương trình này dự kiến huy động khoảng 300 tỷ euro đến năm 2027 để đầu tư vào các lĩnh vực then chốt như công nghệ số, y tế, giao thông, khí hậu, năng lượng, giáo dục. Số tiền dự kiến được tập hợp từ các nguồn lực của EU, như: 135 tỷ euro từ Quỹ phát triển bền vững châu Âu (EFSD +); 20 tỷ euro từ Ngân hàng Đầu tư châu Âu (BEI); 145 tỷ euro huy động từ ngân hàng của các quốc gia thành viên, thể chế tài chính và các ngân hàng phát triển đa phương (1). “Cửa ngõ toàn cầu” sẽ vận hành dựa trên 6 nguyên tắc: 1- Giá trị dân chủ và tiêu chuẩn cao; 2- Quản trị tốt và minh bạch; 3- Quan hệ đối tác bình đẳng; 4- Xanh và sạch; 5- An ninh được chú trọng; 6- Thúc đẩy đầu tư ở khu vực tư nhân. Theo Chủ tịch EC Ursula von der Leyen, EU muốn biến Global Gateway thành một thương hiệu uy tín nhờ chất lượng cao, tiêu chuẩn đáng tin cậy và có độ minh bạch cao cũng như quản lý tốt.

“Cửa ngõ toàn cầu” sẽ tập hợp các quốc gia thành viên EU với các tổ chức tài chính và phát triển của châu Âu, bao gồm Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB), Ngân hàng Tái thiết và phát triển châu Âu (EBRD); đồng thời, tìm cách huy động vốn đầu tư từ khu vực tư nhân cho dự án. Các phái đoàn EU trên toàn thế giới làm việc với Chương trình hỗ trợ EU và các quốc gia thành viên (Team Europe) trên thực địa, đóng vai trò quan trọng trong việc xác định và điều phối các dự án “Cửa ngõ toàn cầu” ở các nước đối tác. “Cửa ngõ toàn cầu” cũng sẽ dựa trên các công cụ tài chính mới trong khuôn khổ tài chính của EU giai đoạn 2021 - 2027. Tất cả các công cụ như Công cụ Hợp tác quốc tế, phát triển và khu vực lân cận châu Âu toàn cầu (NDICI), Công cụ Hỗ trợ trước khi gia nhập (IPA) III, Chương trình nhằm khuyến khích hợp tác giữa các khu vực trong và ngoài EU (Interreg), Chương trình đầu tư EU (InvestEU) cùng Chương trình nghiên cứu và đổi mới EU (Horizon Europe)…, sẽ giúp EU tận dụng nguồn vốn công và tư trong các lĩnh vực ưu tiên, bao gồm cả kết nối. EU cũng dự kiến sẽ thành lập Quỹ tín dụng xuất khẩu châu Âu để bổ sung cho các thỏa thuận tín dụng xuất khẩu hiện có ở cấp quốc gia thành viên và tăng cường sức mạnh tổng thể của EU trong lĩnh vực này. Đây cũng là cơ sở giúp EU bảo đảm một sân chơi bình đẳng hơn cho các doanh nghiệp EU tại thị trường các nước thứ ba.

Các lĩnh vực quan hệ đối tác của “Cửa ngõ toàn cầu” bao gồm: 1- Kỹ thuật số. Thông qua “Cửa ngõ toàn cầu”, EU tăng cường kết nối giữa châu Âu và thế giới, đồng thời giúp các nước đối tác giải quyết khoảng cách kỹ thuật số và hội nhập sâu hơn vào hệ sinh thái kỹ thuật số toàn cầu; 2- Khí hậu và năng lượng. “Cửa ngõ toàn cầu” sẽ hỗ trợ quá trình chuyển đổi xanh nhằm đạt được các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) và Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, thúc đẩy trao đổi công nghệ xanh, đầu tư vào năng lượng sạch và củng cố an ninh năng lượng; 3- Chuyên chở. “Cửa ngõ toàn cầu” thúc đẩy đầu tư vào kết cấu hạ tầng bên ngoài EU nhằm tạo ra các mạng lưới chuyên chở bền vững, thông minh, có khả năng phục hồi, đồng đều và an toàn trong tất cả các phương thức vận tải; hỗ trợ mở rộng các mạng lưới đã có như mạng lưới giao thông xuyên châu Âu; 4- Sức khỏe. “Cửa ngõ toàn cầu” ưu tiên bảo đảm an ninh cho chuỗi cung ứng và phát triển năng lực sản xuất địa phương. EU sẽ làm việc với các nước đối tác để đa dạng hóa chuỗi cung ứng dược phẩm, góp phần giải quyết các nút thắt trong chuỗi cung ứng quốc tế; 5- Nghiên cứu và giáo dục. EU đầu tư vào giáo dục chất lượng, bao gồm giáo dục kỹ thuật số, đặc biệt chú ý đến trẻ em gái, phụ nữ và các nhóm dễ bị tổn thương. “Cửa ngõ toàn cầu” sẽ hỗ trợ các quốc gia đối tác chuyển đổi hệ thống giáo dục và tạo điều kiện thuận lợi cho việc di chuyển của sinh viên, nhân viên, giáo viên và học viên. EU cũng làm việc với các nước đối tác nhằm tăng cường hợp tác về nghiên cứu và đổi mới.

Kết nối châu Âu với thế giới

Chủ tịch EC Ursula von der Leyen cho biết, Sáng kiến “Cửa ngõ toàn cầu” là một mẫu hình để châu Âu có thể xây dựng các kết nối bền vững hơn với thế giới”(2). Theo ước tính của Nhóm các nền kinh tế mới nổi và phát triển (G20), thế giới cần đến 13.000 tỷ euro đầu tư vào kết cấu hạ tầng từ nay đến năm 2040. Để thu hẹp khoảng cách kết cấu hạ tầng của thế giới và đạt được SDGs liên quan đến kết cấu hạ tầng ở các nước đối tác, đồng thời, hạn chế các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu và suy thoái môi trường, mỗi năm, thế giới sẽ cần một khoản đầu tư ước tính khoảng 1.300 tỷ euro(3). Chính vì vậy, Sáng kiến “Cửa ngõ toàn cầu” sẽ ưu tiên đầu tư vào kỹ thuật số, y tế, khí hậu, năng lượng, giao thông và giáo dục, duy trì vị thế hàng đầu của EU về tiêu chuẩn công nghiệp và khuếch trương kết cấu hạ tầng xanh. Mặc dù trong sáng kiến này, EU không đề cập đến Trung Quốc, nhưng các khoản đầu tư của “Cửa ngõ toàn cầu” chủ yếu lại được “rót” vào các nước đang phát triển - những nước đã tiếp nhận các khoản đầu tư kết cấu hạ tầng từ Sáng kiến ​​“Vành đai, Con đường” (BRI) của Trung Quốc. Điều đó cho thấy, một trong những mục tiêu quan trọng của “Cửa ngõ toàn cầu” là cạnh tranh với BRI của Trung Quốc. Kết hợp với các chiến lược đầu tư và kết nối khác của các bên cùng chí hướng, như Quan hệ Đối tác mở rộng về kết cấu hạ tầng chất lượng (EPQI) của Nhật Bản, Kế hoạch Tổng thể về kết nối ASEAN (MPAC) 2025, Chính sách “Hành động hướng Đông” (AEP) của Ấn Độ và Kế hoạch “Xây dựng thế giới tốt đẹp hơn” (B3W) của G7, “Cửa ngõ toàn cầu” của EU được kỳ vọng có thể đạt hiệu quả cao. Những sáng kiến này có các mục tiêu tương tự, bổ trợ lẫn nhau để tăng cường kết nối thông qua xây dựng hạ tầng kỹ thuật số, đồng thời có thể mang lại hiệu quả cao trong cạnh tranh với BRI.

Đối với Đông Nam Á, EU hy vọng “Cửa ngõ toàn cầu” sẽ tạo động lực cho các sáng kiến khác ở Đông Nam Á. Igor Driesmans, Đại sứ EU tại Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) cho biết, “Cửa ngõ toàn cầu” có tầm quan trọng đặc biệt ở Đông Nam Á, nơi EU là đối tác mạnh mẽ của khu vực. “Cửa ngõ toàn cầu” sẽ xây dựng chiến lược hợp tác với các nước trong khu vực, bao gồm cả Chiến lược Kết nối Á - Âu năm 2018. Theo đó, EU và các nước ASEAN sẽ tăng cường hợp tác về biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, tăng cường hợp tác kết cấu hạ tầng bền vững, tài chính xanh, nâng cao khả năng cạnh tranh, chuyển đổi kỹ thuật số, linh hoạt trong chuỗi cung ứng và thúc đẩy giao lưu nhân dân.

Trong khi vai trò trung tâm vào ASEAN ngày càng trở nên quan trọng đối với tầm nhìn và tham vọng khu vực của EU, “Cửa ngõ toàn cầu” cũng có thể mang lại lợi ích đáng kể cho các quốc gia có thu nhập trung bình và thấp trong khu vực. Sáng kiến này có thể mang lại lợi ích vật chất bằng cách hỗ trợ phát triển kết cấu hạ tầng bền vững, tài chính xanh, chuyển đổi kỹ thuật số và kết nối, cũng như tăng cường năng lực cạnh tranh thương mại, chuỗi giá trị linh hoạt, thúc đẩy hợp tác môi trường và khí hậu giữa châu Âu và châu Á. Bên cạnh đó, “Cửa ngõ toàn cầu” có thể cung cấp cho ASEAN các giải pháp tài chính thay thế cho BRI, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế và bảo vệ các nước đóng vai trò bên vay. Điều này có thể giúp giảm bớt ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Trung Quốc trong khu vực và trao cho các nước thành viên ASEAN quyền tự chủ chiến lược lớn hơn. “Cửa ngõ toàn cầu” cũng đề cập rõ rằng, EU có ý định theo đuổi quan hệ đối tác kết nối với ASEAN tương tự các quan hệ đối tác hiện có với Nhật Bản và Ấn Độ.

Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel, Thủ tướng Ấn Độ Minsiter Narendra Modi và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen tại Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Rome (Ý), ngày 29-10-2021_Nguồn: neweurope.eu

Đối với Ấn Độ, là một cường quốc mới nổi có ảnh hưởng và là đối tác quan trọng của EU ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, Ấn Độ tỏ ra thận trọng với các dự án nằm trong khuôn khổ BRI của Trung Quốc. Do vậy, Ấn Độ và EU sẽ có nhiều điểm tương đồng trong việc hợp tác cùng thực hiện “Cửa ngõ toàn cầu”. Trên thực tế, Ấn Độ và EU từ lâu đã tìm cách tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực nghiên cứu, công nghệ và chuyển đổi kỹ thuật số, được thúc đẩy bởi các ý tưởng về tính bền vững, dân chủ và trật tự dựa trên luật lệ, đặt trọng tâm đặc biệt vào sự ổn định kinh tế, xã hội, tài khóa, khí hậu và môi trường. Năm 2016, Chương trình hành động Ấn Độ - EU năm 2020 được thông qua như một lộ trình chung để định hướng và tăng cường quan hệ đối tác chiến lược giữa hai bên. Năm 2018, mối quan hệ đối tác được thúc đẩy hơn nữa sau khi EC thông qua Tuyên bố chung về “Các yếu tố cho một chiến lược của EU về Ấn Độ”. Năm 2020, hai bên chứng kiến sự ra đời của “Quan hệ đối tác chiến lược EU - Ấn Độ: Lộ trình đến năm 2025”, tập trung vào hiện đại hóa bền vững, chính sách đối ngoại và an ninh, số hóa, nghiên cứu và đổi mới sáng tạo. Quan hệ Đối tác kết nối EU - Ấn Độ được hoàn tất vào tháng 5-2021, hỗ trợ các mạng lưới kỹ thuật số, vận tải và năng lượng bền vững, cũng như lưu thông hàng hóa, dịch vụ, dữ liệu, con người và nguồn vốn công bằng, toàn diện… Ấn Độ đã đóng một vai trò quan trọng trong việc thực hiện hiệu quả chiến lược kết nối đầy tham vọng của EU thông qua Quan hệ Đối tác kết nối Ấn Độ - EU. Những ý tưởng tương tự đã được nêu ra trong Sáng kiến “Cửa ngõ toàn cầu” và khuôn khổ kết nối EU - Ấn Độ với trọng tâm là hỗ trợ chung cho kết nối bền vững ở các khu vực và các nước thứ ba, đồng thời xúc tiến tài trợ cho khu vực tư nhân. Khi Ấn Độ tham gia khuôn khổ phát triển kết cấu hạ tầng “Cửa ngõ toàn cầu”, điều này sẽ có lợi cho châu Âu, từ việc đa dạng hóa các chuỗi cung ứng và tham gia chuyển đổi kỹ thuật số sang các chuyển đổi xanh (Ấn Độ và Pháp đã khởi xướng Liên minh năng lượng mặt trời quốc tế) và các nỗ lực phát triển toàn diện. Với tư cách là những nước ủng hộ các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình trong các sáng kiến phát triển đa phương, Ấn Độ có thể chứng tỏ vai trò quan trọng của mình đối với nỗ lực của EU trong việc tạo ra một khuôn khổ dân chủ và liên kết toàn diện.

Trong lĩnh vực chuỗi cung ứng, “Sáng kiến phục hồi chuỗi cung ứng” (SCRI) do Ấn Độ, Australia và Nhật Bản dẫn dắt có vai trò quan trọng đối với sáng kiến “Cửa ngõ toàn cầu”, vì cả hai sáng kiến này đều tập trung vào việc củng cố khả năng phục hồi và đa dạng hóa chuỗi cung ứng toàn cầu, giảm phụ thuộc vào các tuyến cung cấp lấy Trung Quốc làm trung tâm. Bên cạnh đó, khi Sáng kiến “Cửa ngõ toàn cầu” mở rộng phạm vi địa lý ra ngoài khu vực lân cận châu Âu, có thể kết hợp với chính sách “Hành động hướng Đông” của Ấn Độ, nền tảng Hợp tác kinh doanh Ấn Độ - Nhật Bản ở châu Á - châu Phi, chính sách Kết nối Trung Á và “Chính sách hướng Tây của Ấn Độ”. Sự hợp tác như vậy có thể được xây dựng dựa trên mối quan hệ bền chặt mà Ấn Độ đã có với EU và với các quốc gia thành viên EU, cụ thể như Pháp và Đức. Đáng chú ý, xét trên khía cạnh quốc phòng và an ninh, “Cửa ngõ toàn cầu” có thể giúp điều phối và hội nhập ngành công nghiệp châu Âu để khai thác các cơ hội đôi bên cùng có lợi. Hiện tại, Ấn Độ đã có quan hệ quốc phòng chặt chẽ với một số nước châu Âu. Sáng kiến này cũng có thể được sử dụng để thúc đẩy sự phát triển của một nền kinh tế xanh bền vững, như được vạch ra trong Lộ trình EU - Ấn Độ đến năm 2025 và hỗ trợ cho quá trình chuyển đổi xanh trên toàn thế giới. Ngoài ra, việc nối lại các cuộc đàm phán EU - Ấn Độ về hiệp định thương mại tự do song phương (FTA) bị đình trệ từ lâu có thể tác động đến phạm vi hợp tác giữa Ấn Độ và EU trong khuôn khổ Sáng kiến “Cửa ngõ toàn cầu”.

Đối với Nhật Bản, đây là nhà đầu tư lâu đời trong lĩnh vực phát triển kết cấu hạ tầng ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương; các hoạt động đầu tư của Nhật Bản được triển khai thông qua Ngân hàng Phát triển châu Á và các khoản tài trợ chung (song phương và đa phương) cùng với Mỹ. Để cạnh tranh với BRI của Trung Quốc, năm 2015, Nhật Bản khởi xướng “Quan hệ đối tác về kết cấu hạ tầng chất lượng” tập trung vào châu Á. Sau đó, sáng kiến này được cập nhật với tên gọi “Đối tác mở rộng về kết cấu hạ tầng chất lượng” (EPQI), cùng với một quỹ trị giá 200 tỷ USD để tài trợ cho các dự án kết cấu hạ tầng trên toàn thế giới trong giai đoạn 2017 - 2021. Đầu tư của Nhật Bản thậm chí còn vượt qua các khoản đầu tư kết cấu hạ tầng của Trung Quốc ở Đông Nam Á, với tổng số vốn lên đến 259 tỷ USD trong các dự án chưa được hoàn thành, trong khi con số này của Trung Quốc là 157 tỷ USD (4). Do đó, khi EU thông qua Sáng kiến “Cửa ngõ toàn cầu”, Nhật Bản đóng một vai trò quan trọng như một chủ thể có uy tín và ổn định trong hoạt động kết nối và phát triển kết cấu hạ tầng tại khu vực. Năm 2019, EU và Nhật Bản ký kết quan hệ đối tác về kết cấu hạ tầng chất lượng và kết nối bền vững EU - Nhật Bản, đánh dấu quan hệ đối tác đầu tiên trong lĩnh vực phát triển kết nối của EU với một nước thứ ba. Quan hệ đối tác này hoàn toàn trùng khớp với các mục tiêu sáng kiến kết nối toàn cầu của EU, với mục đích tăng cường “tất cả các khía cạnh của kết nối, thông qua quan hệ song phương và đa phương, bao gồm kỹ thuật số, giao thông vận tải, năng lượng và giao lưu nhân dân…, đặc biệt là ở các khu vực Tây Balkan, Đông Âu, Trung Á, Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, châu Phi. Tháng 10-2021, Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB) và Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC) tiếp tục ký kết bản ghi nhớ mở rộng về việc tăng cường các cơ hội đồng tài trợ trong các lĩnh vực, như trung hòa khí carbon, kết cấu hạ tầng và đổi mới nhằm đạt được các SDGs. Do vậy, trong Sáng kiến “Cửa ngõ toàn cầu”, trọng tâm đầu tư vào kết cấu hạ tầng chú trọng tới giá trị của Nhật Bản đang là một khía cạnh kết nối hết sức quan trọng của EU.

Đối với châu Phi, những năm gần đây, EU quan tâm thúc đẩy các thỏa thuận mới về kinh tế và tài chính với châu Phi, hỗ trợ châu lục này trong các chính sách phục hồi sau đại dịch COVID-19. Tại cuộc gặp thượng đỉnh EU - châu Phi ở Brussels (Bỉ) tháng 2-2022, lãnh đạo các nước EU và Liên minh châu Phi (AU) đã nhất trí về việc tăng cường và làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác hai bên. Hội nghị đã thông qua một tuyên bố chung, đề ra các ưu tiên hợp tác trong tương lai giữa EU và AU. Để hỗ trợ việc thực hiện các mục tiêu, một gói đầu tư trị giá 150 tỷ euro trong Sáng kiến “Cửa ngõ toàn cầu” đã được công bố, bao gồm các lĩnh vực đầu tư, chăm sóc sức khỏe và giáo dục. Khoản đầu tư này có thể được giải ngân 20 tỷ euro mỗi năm, trong đó 6 tỷ euro đến từ các quỹ của EU và phần còn lại từ các quốc gia thành viên EU và các nhà đầu tư tư nhân (5). Thông qua sáng kiến “Cửa ngõ toàn cầu”, EU đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ huy động được các khoản quỹ đầu tư cho châu Phi. Các khoản đầu tư sẽ được giải ngân cho các dự án năng lượng tái tạo, giảm nguy cơ từ các thảm họa thiên nhiên, mở rộng mạng lưới internet, các tuyến đường vận tải, sản xuất vaccine và giáo dục tại châu Phi. Căn cứ vào nhu cầu của châu Phi, châu Âu sẽ tăng đáng kể đầu tư vào kết cấu hạ tầng, đặc biệt trong lĩnh vực giao thông, chuyển đổi năng lượng, chuyển đổi kỹ thuật số và phát triển sản xuất lương thực. EU sẽ bảo đảm các cộng đồng địa phương ở các nước nghèo hơn, đặc biệt là ở châu Phi, được hưởng lợi từ các dự án kết cấu hạ tầng trong khuôn khổ sáng kiến.

Như vậy, việc công bố “Cửa ngõ toàn cầu” cho thấy, EU đang phát triển một cơ sở chiến lược với cách tiếp cận tổng thể và tích hợp về cách hoạt động ngoại giao kinh tế của mình trong thời đại cạnh tranh toàn cầu. Trọng tâm của “Cửa ngõ toàn cầu” là đầu tư vào số hóa và công nghệ, những lĩnh vực đặc biệt quan trọng trong bối cảnh hiện nay. Tuy nhiên, trong thời gian tới, việc hiện thực hóa sáng kiến này có thể sẽ phải đối mặt với một số khó khăn, thách thức.

Thứ nhất, về quy mô ngân sách. Sáng kiến “Cửa ngõ toàn cầu” cam kết huy động các khoản đầu tư lên tới 300 tỷ euro (phần lớn là được giới hạn trong các khoản vốn đã cam kết giai đoạn 2021 - 2027), thấp hơn so với vốn tài trợ tối thiểu hằng năm theo BRI của Trung Quốc, khoảng 100 tỷ USD/năm (6). Bên cạnh đó, chương trình đầu tư của EU được dựa trên nhiều giá trị, tức là EU đặt điều kiện để cấp vốn, đề cao tính minh bạch và tôn trọng dân chủ, dẫn đến khả năng lớn là một số nước đang phát triển sẽ từ chối các điều kiện đi kèm cấp vốn của EU, khiến Sáng kiến “Cửa ngõ toàn cầu” khó thành công hơn hoặc tiến độ triển khai chậm.

Thứ hai, về quyền tự chủ chiến lược. “Cửa ngõ toàn cầu” sẽ liên kết các dự án hạ tầng kỹ thuật số trên toàn thế giới với các doanh nghiệp châu Âu thuộc Sáng kiến “Cửa ngõ toàn cầu”. EU cũng có thể “hiệp lực” với dự án của một số nước châu Á như Nhật Bản, Ấn Độ và đặc biệt là kế hoạch 3BW của Mỹ để triển khai có hiệu quả sáng kiến này. Trên thực tế, những năm gần đây, một số doanh nghiệp các quốc gia thành viên EU đã bắt đầu hợp tác với các doanh nghiệp ngoài EU để củng cố chuỗi cung ứng của họ. Chẳng hạn như, Công ty Intel Corp của Mỹ đã đầu tư lên tới 80 tỷ euro vào châu Âu để tăng chip công suất tại các nhà máy ở Ireland và Đức(7). Song xét ở khía cạnh khác, điều này cũng đặt ra những thách thức mới. Một trong những thách thức đối với “Cửa ngõ toàn cầu” đó là xác định phạm vi hợp tác giữa doanh nghiệp bản địa và doanh nghiệp nước ngoài để triển khai các dự án này ở các nước thứ ba, đặc biệt là ở các nước phía nam bán cầu. Nếu tiền vốn, lợi nhuận của các doanh nghiệp châu Âu cuối cùng rơi vào túi của các doanh nghiệp Mỹ hay Trung Quốc, quyền tự chủ chiến lược của EU sẽ bị ảnh hưởng.

Nhà máy sản xuất chip của hãng Intel Corp tại Ireland_Nguồn: ft.com

Thứ ba, về cơ chế quản trị. Sáng kiến “Cửa ngõ toàn cầu” là một cơ hội chiến lược đối với EU trong bối cảnh cạnh tranh mới. EU bắt đầu triển khai thực hiện sáng kiến này và nếu thành công, sẽ cho phép EU mở rộng quan hệ đối tác trên phạm vi toàn cầu. Đây không chỉ đơn thuần thể hiện sức mạnh thị trường, “Cửa ngõ toàn cầu” còn là vấn đề an ninh và các giá trị. Thách thức đối với “Cửa ngõ toàn cầu” hiện nay là làm thế nào để EU có thể trang bị đầy đủ các cơ chế quản trị cho mình, tránh trùng lặp với các cơ chế hoặc sáng kiến ​​đã có trước đó, đưa châu Âu trở thành một “cỗ máy” hoạt động hiệu quả, các dự án trong khuôn khổ sáng kiến này sẽ được phát triển theo đúng định hướng chính sách ban đầu, phù hợp với mục tiêu kinh tế và chính trị của EU.

“Cửa ngõ toàn cầu” là một sáng kiến quan trọng của EU nhằm tăng cường kết nối, thúc đẩy sự tiến bộ, hỗ trợ xóa đói, giảm nghèo trên toàn thế giới. Trong tương lai, EU sẽ nỗ lực hiện thực hóa sáng kiến này, tìm kiếm sự hội tụ và cân bằng quyền lực, tăng quyền tự chủ chiến lược và kết nối thế giới./.

---------------------------

(1), (3) European Commission: “Questions and Answers on Global Gateway” (Tạm dịch:  “Câu hỏi và giải đáp về Sáng kiến “Cửa ngõ toàn cầu”), https://ec.europa.eu/commission/presscorner/detail/en/qanda_21_6434, ngày 1-12-2021.
(2) Wesley Rahn: “Can the EU’s global investment scheme rival China’s Belt and Road?” (Tạm dịch: “Liệu kế hoạch đầu tư toàn cầu của EU có thể sánh ngang với Sáng kiến “Vành đai, Con đường” của Trung Quốc?”), https://www.dw.com/en/can-the-eus-global-investment-scheme-rival-chinas-belt-and-road/a-60068654, ngày 9-12-2021.
(4) Jagannath Panda: “Japan is vital to Europe’s Global Gateway” (Tạm dịch: “Nhật Bản đóng vai trò quan trọng đối với Sáng kiến “Cửa ngõ toàn cầu” của châu Âu”, https://nationalinterest.org/feature/japan-vital-europe%E2%80%99s-global-gateway-199551, ngày 20-1-2022.
(5) Trung Hưng: “EU cam kết đầu tư 150 tỷ euro vào châu Phi”, Trang điện tử Báo Nhân dân điện tử, https://nhandan.vn/tin-tuc-the-gioi/eu-cam-ket-dau-tu-150-ty-euro-vao-chau-phi-685383, ngày 11-2-2022.
(6), (7) Jaquel Jorge Ricard, Miguel Otero Iglesias: “The Global Gateway: it’s not the money, it’s the strategy” (Tạm dịch: “Sáng kiến “Cửa ngõ toàn cầu”: Không phải là tiền, đó là chiến lược”), https://www.realinstitutoelcano.org/en/commentaries/the-global-gateway-its-not-the-money-its-the-strategy/,  ngày 9-2-2022.