TCCS - Ngày 28-3-2022, tại thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, Hội đồng Lý luận Trung ương, Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản và Tỉnh ủy Quảng Ninh phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học cấp quốc gia: “Nguồn lực và động lực cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong điều kiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19 - Tầm nhìn quốc gia và hành động địa phương”.

Các đồng chí: GS, TS. Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; PGS, TS. Đoàn Minh Huấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản; Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Ninh; GS, TS. Tạ Ngọc Tấn, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương chủ trì hội thảo. Dự hội thảo có 250 đại biểu là các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, lãnh đạo các bộ, ban, ngành trung ương, các tỉnh ủy, thành ủy trong cả nước, các chuyên gia, nhà khoa học.

Hội thảo bàn thảo vấn đề hết sức quan trọng và mang tính thời sự, cấp thiết đối với sự phát triển của đất nước và mỗi địa phương, nhất là khi cả nước đang quyết liệt triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ, theo chủ trương của Hội nghị Trung ương 4 khoá XIII, Kết luận số 24-KL/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội và Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ.

Phát biểu đề dẫn hội thảo, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng gợi mở cách tiếp cận mới trong việc huy động, khai thác và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, xác lập động lực mới cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, xuất phát từ: Xu hướng toàn cầu - tầm nhìn quốc gia - hành động địa phương.

GS, TS. Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương phát biểu _ Ảnh: Lưu Tiến

Về xu hướng toàn cầu, đại dịch COVID-19, xung đột vũ trang và chiến tranh thương mại đã kích hoạt chủ nghĩa dân túy, chủ nghĩa dân tộc kinh tế và phong trào phản kháng toàn cầu hóa trở nên mạnh mẽ hơn; cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nhất là bước chuyển nhanh sang nền kinh tế số đưa đến những nhận thức phát triển mới: nguồn lực phát triển quan trọng nhất là tài nguyên số và trí tuệ con người, động lực tăng trưởng nhanh nhất là những ngành thích ứng với chuyển đổi số, đặc biệt là kinh tế số; sự cạn kiệt, thiếu hụt tài nguyên khiến các xu hướng nổi bật như tăng trưởng xanh, phát triển kinh tế sinh thái, kinh tế tuần hoàn mang đến cho thế giới những động lực mới để phát triển nhanh và bền vững…

Về tầm nhìn quốc gia, tăng năng suất là phương thức quan trọng nhất để Việt Nam đạt được các mục tiêu phát triển của mình. Có ba cách tăng năng suất, gắn liền với việc khởi tạo ba động lực chính của tăng trưởng: (1) Thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, di chuyển nguồn lực từ các ngành có năng suất thấp sang các ngành có năng suất cao hơn để sử dụng có hiệu quả nhất nguồn lực; (2) Tạo hiệu ứng kinh tế quy mô (cả nội tại và ngoại vi), khai thác lợi thế nhờ quy mô để tăng năng suất trong từng ngành, từng doanh nghiệp; (3) Tạo thuận lợi cho quá trình nhập cuộc - rút lui của các doanh nghiệp để mở rộng sân chơi và nguồn lực cho những chủ thể kinh tế hiệu quả nhất trên thị trường.

Tăng năng suất cần được thực hiện theo lộ trình phù hợp với điều kiện thực tiễn của các địa phương. Mỗi địa phương căn cứ vào điều kiện thực tiễn của mình để lựa chọn cách làm sáng tạo trong khai thác tốt các nguồn lực, cũng như tạo dựng các động lực phát triển. Các địa phương cần nỗ lực tìm kiếm, khơi thông, khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh,các nguồn lực đa dạng tại chỗ, nhất là các nguồn lực trong nhân dân, để hiện thực hóa các sáng kiến phát triển của mình, bứt phá, vươn lên.

Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh, hội thảo là diễn đàn để các địa phương cùng chia sẻ, thảo luận những mô hình hay, những cách làm sáng tạo, góp phần phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, nhất là từ thực tiễn huy động, phân bổ và quản lý các nguồn lực tại chỗ của địa phương kết hợp với nguồn lực của cả nước và bên ngoài.

PGS, TS. Đoàn Minh Huấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản phát biểu _ Ảnh: Lưu Tiến

Phát biểu tại hội thảo, PGS, TS. Đoàn Minh Huấn cho rằng, nguồn lực là toàn bộ tài sản, tài nguyên, sức mạnh vốn có của một chủ thể nhất định để phục vụ cho quản lý và phát triển. Đối với một quốc gia, một địa phương hoặc một doanh nghiệp, nguồn lực được hiểu là toàn bộ tài nguyên thiên nhiên, tài sản quốc gia, vị trí địa lý, quy mô thị trường, vốn, trình độ khoa học - công nghệ, sức mạnh văn hóa, con người, thể chế chính trị… tạo lợi thế, sức cạnh tranh của quốc gia, của địa phương, của doanh nghiệp trong quản lý và phát triển. Trong khi động lực là động cơ thúc đẩy, dẫn dắt một cá nhân hay một tổ chức theo một mục tiêu nào đó, có ý nghĩa kích thích nhu cầu, hướng dẫn hành vi một cách tích cực nhất, nhờ đó mà con người được giải phóng các năng lực thể chất và năng lượng tinh thần để tạo nên các đột biến năng suất lao động và đổi mới sáng tạo. Để góp thêm một cách nhìn về nguồn lực và động lực cho thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong điều kiện thích ứng an toàn, PGS, TS. Đoàn Minh Huấn cho rằng, trong điều kiện đại dịch COVID-19, các nguồn lực liên quan đến lợi thế phát triển của từng địa phương cần phải có cơ chế đặc thù thúc đẩy phục hồi nhanh chóng, hiệu quả.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Đỗ Trọng Hưng cho biết, địa phương nào cũng có những tiềm năng, lợi thế, nguồn lực riêng, nhưng nếu không biết cách khai thác thì nguồn lực mãi chỉ ở dạng tiềm năng. Do đó, cần khai thác tối đa các nguồn lực để có thể biến thành động lực cho sự phát triển của nền kinh tế, nhất là sau đại dịch COVID-19. Tỉnh Thanh Hóa đã áp dụng chủ trương thực hiện đột phá trong công tác giải phóng mặt bằng để triển khai các dự án. Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa cho rằng, giải phóng mặt bằng càng nhanh thì việc triển khai các dự án càng sôi động và mạnh mẽ, góp phần thúc đẩy các chuỗi việc làm sau đó.

Chia sẻ từ những kinh nghiệm của Quảng Ninh, đồng chí Nguyễn Xuân Ký cho biết, trong 10 năm qua, tỉnh Quảng Ninh đã thể hiện rõ tinh thần kế thừa, đổi mới và phát triển, đoàn kết nhất trí, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá để chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh”, đi tiên phong trong đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng bộ, tinh gọn tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị; tích cực cải cách hành chính để phát huy mọi tiềm năng, lợi thế cho phát triển; đẩy nhanh xây dựng, hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, hiện đại gắn với tổ chức lại không gian phát triển, kiến tạo các hành lang phát triển mới; gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường, bảo đảm an sinh xã hội, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân. 

Đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Ninh phát biểu _ Ảnh: Lưu Tiến

Với quy mô cấp quốc gia, hội thảo nhận được sự quan tâm và tham dự của đông đảo các nhà lãnh đạo, quản lý, nhà khoa học, với 76 bài tham luận, trong đó có 21 tham luận của các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương Đảng; tham luận của các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo các bộ, ban, ngành trung ương và địa phương, của các nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành… Các bài viết đầu tư công phu, có chất lượng tốt, giàu hàm lượng khoa học, kinh nghiệm thực tiễn phong phú, đã kiến giải sâu sắc nhiều chiều cạnh khác nhau các nội dung của hội thảo. Với 21 ý kiến phát biểu trực tại hội thảo, đều là những ý kiến phát biểu tâm huyết, chất lượng, gợi mở nhiều vấn đề mới, đang bức thiết đặt ra, nhất là tập trung bàn sâu từ phương diện quản trị địa phương về vai trò, vị trí, phương pháp, cách làm sáng tạo, hiệu quả, thành công đột phá, bài học hay, kinh nghiệm quý, kể cả những tồn tại, bất cập, vướng mắc, điểm nghẽn, từ đó đề xuất những giải pháp, kiến nghị có giá trị trong huy động, phân bổ, sử dụng tối ưu nhất nguồn lực và tạo động lực thúc đẩy sự phát triển bền vững của đất nước và các địa phương.

Từ gợi mở của cách tiếp cận mới là xu hướng toàn cầu - tầm nhìn quốc gia - hành động địa phương trong việc huy động, khai thác và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, xác lập động lực mới cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, hội thảo đã tập trung bàn thảo sâu sắc 4 nội dung chủ yếu:

Thứ nhất, nhận thức chung về bối cảnh và nguồn lực, động lực cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong điều kiện thích ứng an toàn. Các đại biểu tập trung nêu bật những vấn đề lý luận chung về nguồn lực và động lực cho phát triển; tác động của tình hình thế giới hiện nay và một số mô hình nổi bật của các nước, địa phương trên thế giới trong phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh đại dịch COVID-19 và gợi mở những bài học kinh nghiệm cho Việt Nam; những chỉ đạo chung, định hướng lớn trong phục hồi, phát triển kinh tế khi đất nước chuyển sang trạng thái bình thường mới.

Thứ hai, khơi thông, giải phóng các nguồn lực, tạo động lực mới cho phát triển kinh tế - xã hội trong điều kiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19. Các ý kiến tại hội thảo tập trung bàn thảo và đi đến thống nhất một số quan điểm: (1) Những biến cố, khủng hoảng là điều không mong muốn, nhưng ở góc độ khác, đây cũng là một cơ hội để nhận ra những bất cập, điểm yếu mà ở trạng thái bình thường chưa lộ rõ, để từ đó điều chỉnh một cách có hệ thống việc khai thác, sử dụng các nguồn lực có hiệu quả hơn, tạo được động lực phát triển mạnh mẽ, bền vững hơn. (2) Phát huy đa dạng các nguồn lực, cả nguồn lực hữu hình - vô hình, nguồn lực vật chất - tinh thần, nguồn lực truyền thống - mới…, trong đó mỗi nguồn lực có những đặc điểm riêng, cần cách thức khơi dậy, khai thác, sử dụng và phát huy riêng để chuyển hóa thành các động lực phát triển, chú trọng những thế mạnh riêng có của địa phương. (3) Coi trọng quản trị địa phương trên cả ba trụ cột chính là thể chế - bộ máy - con người, nhất là gia tăng năng lực quản trị, năng lực dự báo và ra quyết định, nhạy bén với biến chuyển tình hình, gắn với thúc đẩy hợp tác, liên kết vùng, tổ chức lãnh thổ…

Từ quan điểm chung trên, các tham luận đi sâu phân tích việc khơi thông, giải phóng các nguồn lực cụ thể, như nguồn lực tài chính công; nguồn lực đất đai; nguồn nhân lực; thể chế phát triển khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo; chính sách tài khóa; nguồn lực xã hội; bảo đảm an sinh xã hội; nguồn tài nguyên vă hóa; năng lực hấp thu công nghệ và tăng cường mối liên kết giữa các thành phần kinh tế; phát triển kinh tế biển xanh; phục hồi ngành du lịch; nâng cao hiệu quả quản trị địa phương; phát huy nguồn lực, sức mạnh của khu vực ngoài nhà nước; cải tiến chỉ số cải cách thủ tục hành chính…

Thứ ba, khơi thông, giải phóng nguồn lực và tạo động lực mới cho phát triển kinh tế - xã hội trong điều kiện thích ứng an toàn - nhìn từ phương diện quản trị địa phương của Quảng Ninh. Quảng Ninh là một địa phương có truyền thống năng động và có nhiều mô hình đổi mới sáng tạo, đi trước so với cả nước. Thời gian qua, đây cũng là một điểm sáng trong thực hiện “mục tiêu kép”, một điển hình trong cách thức khơi dậy, huy động, phát huy, tối ưu hóa nguồn lực và động lực cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong điều kiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19. Tham luận của các tác giả trong tỉnh nêu bật những mô hình, cách làm sáng tạo, phong phú của Quảng Ninh; đồng thời các tác giả ở các bộ, ban, ngành, các địa phương bạn, các nhà khoa học cũng có những gợi mở, đề xuất có giá trị với tỉnh trong khơi thông, giải phóng nguồn lực và tạo động lực mới cho phát triển kinh tế - xã hội… Những cách làm sáng tạo, hiệu quả của Quảng Ninh có giá trị tham khảo quý với các địa phương khác.

Thứ tư, hành động của địa phương và doanh nghiệp trong huy động, phân bổ, quản lý, sử dụng nguồn lực và tạo động lực cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện thích ứng an toàn. Các tham luận nêu bật kinh nghiệm đa dạng, phong phú của các địa phương trong cả nước trong khai thác, phát huy và tối ưu hóa hiệu quả sử dụng nguồn lực vì sự phát triển bền vững, từ kinh nghiệm phát huy, kết nối các nguồn lực. Từ kinh nghiệm cụ thể trên, bước đầu có thể tìm được những mẫu số chung của quản trị địa phương trong khơi thông, giải phóng nguồn lực và tạo động lực mới cho phát triển, đó là vai trò quan trọng của liên kết vùng và tư duy cục bộ, chủ nghĩa địa phương, cát cứ sẽ luôn là một cản lực rất lớn đòi hỏi các địa phương phải vượt qua; cần xác định nguồn lực bên trong là quyết định, chiến lược, cơ bản lâu dài, đồng thời tranh thủ các nguồn ngoại lực, coi nguồn lực bên ngoài là quan trọng, đột phá; việc chuẩn bị các nguồn lực đa dạng tại chỗ có vai trò rất quan trọng, nhất là trong bối cảnh xảy ra những khủng hoảng lớn, trên diện rộng; sự tham gia của đông đảo các chủ thể giúp huy động các nguồn lực thuận lợi, “lực lượng của dân rất đông, trí tuệ của dân là vô tận”, dựa vào dân, biết huy động sức mạnh trong nhân dân không chỉ giúp hóa giải bộn bề khó khăn, mà còn có thể mở ra những không gian phát triển mới, dư địa phát triển mới ngay trong những biến cố, thách thức...

Toàn cảnh hội thảo _ Ảnh: Lưu Tiến

Kết luận hội thảo, GS, TS. Nguyễn Xuân Thắng đánh giá cao những kết quả hội thảo đạt được. Sau một ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc, đầy trách nhiệm và hiệu quả, Hội thảo khoa học cấp quốc gia: “Nguồn lực và động lực cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong điều kiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19 - Tầm nhìn quốc gia và hành động địa phương” đã thành công, đạt được những mục tiêu đặt ra. Các ý kiến phát biểu trực tại hội thảo đều tâm huyết, trách nhiệm, chất lượng, phản ánh nhiều góc nhìn từ những người hoạch định chính sách, quản lý nhà nước, của địa phương và thể hiện sự tiếp cận toàn diện của các nhà nghiên cứu, các nhà khoa học, các nhà quản lý.

Nguồn lực phong phú và rất có giá trị, nhưng chúng ta vẫn chưa đánh thức, khơi gợi, huy động và sử dụng thực sự có hiệu quả, nhất là chuyển hóa từ nguồn lực thành động lực phát triển. Cục diện tình hình thế giới hiện nay cũng có những biến chuyển hết sức nhanh chóng, phức tạp, là những thách thức lớn đòi hỏi chúng ta phải có tư duy và cách làm mới, phân tích, đánh giá sâu để từ đó tiếp tục suy nghĩ về việc ưu tiên lựa chọn các nguồn lực mới. Chúng ta cũng đã chuyển đổi trạng thái phòng, chống dịch sang thích ứng an toàn, nhưng không được chủ quan, lơ là, khi các biến chủng mới còn tiếp tục xuất hiện. Công tác phòng, chống dịch bảo đảm an toàn, tạo điều kiện cho sản xuất không bị đứt gãy trong thời gian tới vẫn cần được quan tâm. Để phục hồi kinh tế cần phải phát triển và ngược lại phát triển để bảo đảm phục hồi vững chắc; phục hồi không chỉ là vấn đề trước mắt, mà còn tạo ra nền tảng cho phát triển cả trung và dài hạn. Từ tầm nhìn quốc gia, các địa phương cần định vị mình ở đâu, có tiềm năng, thế mạnh gì, từ đó xác định tập trung vào nguồn lực nào để bứt phá phát triển... 

Sau hội thảo, Ban Tổ chức sẽ lĩnh hội, tiếp thu và báo cáo các nội dung có liên quan về việc khai thác, phân bổ, tối ưu hóa sử dụng nguồn lực và tạo động lực cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội tới Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các cơ quan chức năng có liên quan. Hệ thống bài viết của hội thảo có chất lượng cao sẽ được biên tập xuất bản thành sách; chọn lọc đăng tải trên các cơ quan báo chí để lan tỏa tinh thần và những nội dung của hội thảo đến đông đảo độc giả, góp phần tạo nên những phong trào thi đua, hành động cách mạng thiết thực, hiệu quả thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội./.