Kinh nghiệm duy trì, ổn định nền kinh tế của Singapore trong đại dịch COVID-19
TCCS - Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19, nhất là biến thể Delta, Omicron vẫn đang lây lan trên toàn cầu nói chung và ở Singapore nói riêng, quốc gia này đang nỗ lực kiểm soát tình hình nhằm duy trì sự ổn định của nền kinh tế. Để thực hiện điều đó, thời gian qua, Singapore đã triển khai một loạt biện pháp toàn diện, từ chiến lược “sống chung với dịch bệnh COVID-19” cho đến ưu tiên bảo đảm an ninh lương thực và duy trì hoạt động vận tải biển, qua đó bước đầu đạt một số kết quả tích cực.
Chiến lược “sống chung với dịch bệnh COVID-19”
Singapore xác định khống chế dịch bệnh COVID-19 là điều kiện tiên quyết để phục hồi nền kinh tế; đồng thời nhận định, dịch bệnh COVID-19 nhiều khả năng không bao giờ biến mất nhưng con người vẫn có thể chung sống bình thường với dịch bệnh COVID-19 trong bối cảnh virus SARS-CoV-2 có thể liên tục biến đổi và tồn tại trong cộng đồng. Theo đó, từ đầu tháng 7-2021, Singapore chủ trương xây dựng “trạng thái bình thường mới” nhằm “sống chung với dịch bệnh COVID-19”, trên cơ sở một số đặc điểm chính:
Thứ nhất, người mắc dịch bệnh COVID-19 có thể tự chữa trị và phục hồi sức khỏe tại nhà, bởi vì nếu họ đã được tiêm đầy đủ vaccine phòng dịch bệnh COVID-19 thì các triệu chứng sẽ tương đối nhẹ. Kết hợp với việc những người xung quanh cũng đã được tiêm vaccine phòng dịch bệnh COVID-19, biện pháp này giúp nguy cơ lây nhiễm cũng thấp hơn, qua đó giảm gánh nặng lên hệ thống y tế.
Thứ hai, có thể không cần truy vết các trường hợp nghi nhiễm COVID-19 và cách ly những người tiếp xúc với ca bệnh. Người dân có thể tự xét nghiệm thường xuyên bằng bộ dụng cụ xét nghiệm nhanh. Nếu có kết quả dương tính, họ có thể xác nhận lại bằng xét nghiệm PCR (hay còn gọi là xét nghiệm sinh học phân tử) (1) ở các bệnh viện và sau đó tự cách ly tại nhà.
Thứ ba, thay vì theo dõi số lượng ca mắc COVID-19 mỗi ngày, Singapore tập trung vào kết quả thống kê số lượng ca bệnh nặng, ca bệnh phải chăm sóc y tế đặc biệt… Điều này tương tự phương thức mà Singapore thực hiện trong giám sát bệnh cúm hiện nay.
Thứ tư, có thể dần nới lỏng các quy định quản lý an toàn, cho phép tổ chức các cuộc tụ tập đông người và những sự kiện công cộng lớn, như lễ diễu hành kỷ niệm ngày Quốc khánh hoặc chào mừng năm mới; qua đó, giúp các doanh nghiệp không còn phải lo ngại về nguy cơ gián đoạn các hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Thứ năm, khôi phục việc đi lại giữa các quốc gia nếu các quốc gia đã kiểm soát được dịch bệnh COVID-19 và đưa dịch bệnh này trở thành một căn bệnh thông thường. Singapore và các nước sẽ công nhận giấy chứng nhận tiêm chủng vaccine phòng dịch bệnh COVID-19 của nhau.
Tuy nhiên, song song với việc triển khai chiến lược này, Singapore vẫn áp dụng chiến lược khoanh vùng, truy vết nguồn lây dịch bệnh COVID-19 và cách ly nghiêm ngặt để giảm thiểu tối đa nguy cơ hình thành các ổ dịch lớn. Theo đó, Singapore đẩy mạnh việc xét nghiệm ở các khu vực biên giới để ngăn chặn các ca nhiễm COVID-19 mang virus vào đất nước, nhất là các biến thể đáng lo ngại.
Sau giai đoạn đầu triển khai, hiện nay, tình hình dịch bệnh COVID-19 tại Singapore đã đạt những kết quả tích cực ban đầu. Tính đến đầu tháng 4-2022, 95% dân số Singapore đã được tiêm đủ cả hai mũi vaccine và 71% đã tiêm mũi vaccine tăng cường. Singapore bắt đầu bước vào giai đoạn mới sống chung với COVID-19.
Bảo đảm an ninh lương thực
Theo ước tính của Liên hợp quốc, có đến hơn 350 triệu người dân châu Á đang bị thiếu dinh dưỡng, trong khi đó có khoảng 1 tỷ người phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực ở mức vừa hoặc nghiêm trọng, khi họ phải đối mặt với sự không chắc chắn hoặc thực sự không có lương thực trong nhiều ngày, trong năm 2019. Thách thức trở nên cấp bách hơn kể từ khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát tại khu vực này, làm trầm trọng thêm tình trạng mất an ninh lương thực, song cũng khiến các chính phủ nhận ra những ảnh hưởng đáng báo động về một cuộc khủng hoảng nguồn cung thực phẩm. Singapore là một trong những quốc gia tiên phong ở châu Á tham gia cuộc chiến bảo vệ an ninh lương thực, bởi vì Singapore là đất nước không có nguồn tài nguyên nông nghiệp và hầu như không có khả năng tự cung, tự cấp, nguyên liệu đều phải nhập khẩu từ bên ngoài.
Trong bối cảnh đó, Singapore đã tiếp cận phương thức đa dạng hóa nguồn cung. Hiện Singapore nhập khẩu thực phẩm từ hơn 170 quốc gia và khu vực, nhiều hơn khoảng 30 quốc gia so với năm 2004. Singapore cũng đang phấn đấu tự chủ hơn về vấn đề sản xuất lương thực. Tháng 3-2019, Singapore đã công bố chiến lược “30-30”, trong đó đặt mục tiêu đến năm 2030 có thể tự sản xuất được 30% nhu cầu dinh dưỡng trong nước, tăng từ mức chỉ 10% hiện nay. Điều này cho thấy, Singapore đang thực hiện một bước đi đầy tham vọng nhưng tinh tế và thận trọng, cho dù quốc đảo này đứng thứ 19 trên bảng xếp hạng an ninh lương thực toàn cầu năm 2020 của The Economist Intelligence Unit.
Việc tăng sản lượng lương thực theo chiến lược mới “30-30” sẽ giúp Singapore tạo ra một bước đệm nhằm làm giảm tác động của sự gián đoạn từ bên ngoài. Tuy nhiên, tạo ra lương thực không phải là điều dễ thực hiện tại Singapore - một quốc gia có diện tích nhỏ nhưng mật độ dân số lại đứng thứ ba trên thế giới và chỉ có 1% diện tích đất dành cho sản xuất nông nghiệp. Do đó, để hiện thực hóa chiến lược “30-30”, Singapore chủ trương tận dụng tối đa nền tảng khoa học - công nghệ để phát triển các giải pháp sáng tạo, nhằm giải quyết những hạn chế về không gian và nguồn lực.
Theo Cơ quan Phát triển doanh nghiệp Singapore, Chính phủ Singapore đang ưu tiên hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Đơn cử như, tháng 12-2020, Cơ quan Thực phẩm Singapore đã chính thức phê duyệt sản phẩm thịt gà được nuôi cấy từ tế bào của Công ty Eat Just, đưa Singapore trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới cho phép bán thịt động vật được tạo ra từ phòng thí nghiệm. Quyết định của Chính phủ Singapore sẽ mở ra nhiều cơ hội phát triển cho Eat Just - công ty chuyên nghiên cứu thực phẩm thay thế, như trứng được tạo ra từ thực vật, gà nuôi cấy trong phòng thí nghiệm…; đồng thời, cũng thu hút thêm nhiều đơn vị hợp tác với Singapore và thúc đẩy các quốc gia khác cùng triển khai. Tương tự Công ty Eat Just, Công ty Next Gen Singapore đã giới thiệu sản phẩm đùi gà được làm từ đậu nành vào tháng 3-2021, với mong muốn không chỉ đưa Singapore trở thành một hệ sinh thái hoàn chỉnh trong một hòn đảo nhỏ với mật độ dân số cao, mà còn trở thành “thung lũng Silicon” của ngành công nghệ thực phẩm thế giới.
Sự đột phá của Singapore trong việc chấp nhận sử dụng thịt nuôi cấy từ phòng thí nghiệm và các loại protein thay thế thịt tự nhiên khác (thực vật, côn trùng, tảo, nấm) cũng là một phần trong nỗ lực tổng thể nhằm tăng cường khả năng cung cấp thực phẩm của nước này. Bên cạnh đó, với mong muốn thúc đẩy ngành công nghệ thực phẩm, Chính phủ Singapore đã phân bổ khoảng 107 triệu USD cho các chương trình nghiên cứu và phát triển (R&D) liên quan đến thực phẩm tới năm 2025. Cơ quan Phát triển doanh nghiệp Singapore cũng hợp tác với một số công ty thực phẩm trên toàn cầu để phát triển một số loại protein thay thế thịt tự nhiên.
Một trụ cột khác trong chiến lược “30-30” của Singapore là nông nghiệp đô thị nhà kính công nghệ cao (tận dụng không gian đô thị để xây dựng nông trại). Hiện nay, tại Singapore, có 31 nông trại nhà kính công nghệ cao, gồm 28 trang trại trồng rau và 3 trang trại nuôi cá, có khả năng chống chịu trước những tác động của biến đổi khí hậu và đem lại năng suất cao từ 10 - 15 lần/ha đất so với các nông trại trồng rau và cá truyền thống. Nông trại Commonwealth Greens là một trong những minh chứng điển hình với mức thu hoạch lên tới 100 tấn rau/năm, tương đương 1% tổng số lượng rau xanh được trồng tại Singapore. Để quản lý các nông trại nhà kính công nghệ cao này, chủ các nông trại đã ứng dụng mạnh mẽ các thiết bị cảm biến kết nối internet (Internet vạn vật - IoT), công nghệ đèn LED, các thiết bị bay không người lái, robot nông nghiệp và quản trị tài chính trang trại thông minh… để thu thập các dữ liệu quan trọng, từ đó phân tích khuyến nghị trên sơ sở dữ liệu cập nhật được nhằm quản lý nông trại hiệu quả nhất, đáp ứng nhu cầu thực phẩm có chất lượng và tuyệt đối an toàn. Các chuyên gia nghiên cứu phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cho rằng, sử dụng protein thay thế như thịt có nguồn gốc thực vật hay thịt được nuôi cấy trong phòng thí nghiệm sẽ cung cấp những sản phẩm chất lượng hơn, sạch hơn và an toàn hơn, với rất ít hoặc thậm chí không có thuốc trừ sâu, thuốc kháng sinh hoặc chất kích thích thường thấy trong các sản phẩm thực phẩm ngày nay.
Tuy nhiên, vấn đề phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại Singapore cũng gặp phải không ít khó khăn, nhất là về chi phí, cơ sở vật chất và thiết bị ứng dụng. Trong những năm qua, Chính phủ Singapore đã dành nhiều khoản ngân sách, nổi bật là quỹ hỗ trợ trị giá 44 triệu USD được thành lập vào tháng 4-2021, để giúp các trang trại thương mại quy mô lớn (bất kể địa điểm) khởi nghiệp trong lĩnh vực thực phẩm. Bên cạnh đó, vấn đề thiếu đất quy mô lớn để đầu tư ứng dụng khoa học - công nghệ theo vùng sản xuất tập trung, thiếu các loại protein thay thế, hay giá thành sản phẩm cao… cũng là những trở ngại không nhỏ.
Duy trì và thúc đẩy hoạt động vận tải biển
Nằm ở vị trí gần eo biển Malacca - được mệnh danh là “huyết mạch” vận tải biển, kết nối các nước ở Đông Á, châu Đại Dương, Nam Á, Tây Á, châu Phi và châu Âu - Singapore từ lâu đã có rất nhiều lợi thế trong phát triển ngành vận tải biển. Trong ngành này hiện có sự tham gia của 5.000 doanh nghiệp, với hơn 170.000 lao động, đóng góp 7% vào GDP của nước này. Tuy nhiên, từ khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát tại Singapore, hoạt động cảng biển ở nước này cũng đối mặt với nhiều khó khăn do sự gián đoạn và đứt gãy của chuỗi cung ứng hàng hóa, ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động vận tải biển. Để bảo đảm cho ngành kinh tế “xương sống” phát triển bền vững, Chính phủ Singapore đã triển khai nhiều biện pháp nhằm duy trì quá trình vận hành của các cảng biển.
Một là, Chính phủ Singapore đưa ra hướng dẫn và quy hoạch trong tương lai trên nhiều khía cạnh, trong đó có tích hợp chuỗi ngành vận tải biển, phát triển ngành công nghiệp cảng và công nghệ cảng “xanh”, “thông minh”. Đây được xem là một công cụ cần thiết giúp Singapore phát triển thành trung tâm vận tải biển quốc tế. Môi trường kinh doanh thuận lợi, chính sách thuế quan mang tính hỗ trợ, hệ thống đăng ký và quản lý linh hoạt, thân thiện…, cùng một loạt chính sách khuyến khích phát triển hệ thống vận tải biển của Singapore, cũng là một trong những phương thức để Singapore thu hút số lượng lớn các nguồn lực vận tải biển, cũng như duy trì vị trí trung tâm vận tải biển số một toàn cầu. Theo tờ The Business Times, năm thứ tám liên tiếp, Singapore duy trì vị trí trung tâm hàng hải số một thế giới trong bảng xếp hạng Chỉ số phát triển trung tâm vận tải biển quốc tế Tân Hoa-Baltic của Nhà cung cấp dữ liệu thị trường hàng hải toàn cầu Baltic Exchange, có trụ sở tại Thủ đô London (Anh) (2).
Thứ hai, với vai trò tiên phong của Cơ quan hàng hải và cảng biển Singapore (MPA), Singapore tiếp tục phát triển mạnh mẽ ngành hàng hải trong thời gian qua, đồng thời dành sự hỗ trợ cho phát triển công nghệ trong nhiên liệu vận tải biển, đổi mới sáng tạo, nâng cao độ an toàn, bồi dưỡng cán bộ quản lý trẻ, tài năng và chuyển đổi lực lượng lao động trong ngành vận tải biển cho giai đoạn tương lai. Ngoài ra, Singapore cũng đóng vai trò tích cực trong đề xuất các lộ trình cho việc phi carbon hóa ngành này và đã chủ động bảo vệ người lao động trong lĩnh vực bị ảnh hưởng do dịch bệnh COVID-19. Những nỗ lực và các biện pháp của Chính phủ Singapore đã giúp “đảo quốc sư tử” duy trì được vị trí hàng đầu trong bảng xếp hạng năng lực cảng biển trên thế giới.
Thứ ba, dựa trên kinh nghiệm phát triển lĩnh vực vận tải hàng hóa truyền thống, Singapore trong nhiều thập niên đã xây dựng nền tảng vững chắc cho ngành hàng hải thông qua thu hút một loạt doanh nghiệp hàng hải và dần xây dựng một hệ sinh thái ngành vận tải biển toàn diện. Singapore không chỉ tập hợp thành công nhiều tập đoàn vận tải biển quốc tế, mà còn thu hút mạnh mẽ các nhà cung ứng hàng hóa quốc tế, qua đó, làm phong phú thêm mạng lưới kinh doanh thương mại và vận tải biển của mình. Bên cạnh sự kết hợp, tham gia của các bên liên quan tới bảo hiểm vận tải biển, luật biển, tài trợ vận tải biển và môi giới vận tải biển, sức mạnh nghiên cứu khoa học của các trường đại học, các trung tâm nghiên cứu, doanh nghiệp công nghệ, doanh nghiệp khởi nghiệp và các thể chế khác đặt trụ sở tại Singapore, cũng giúp Singapore tăng cường khả năng đổi mới sáng tạo vì sự phát triển của lĩnh vực vận tải biển trong tương lai.
Theo Cơ quan Hàng hải và Cảng Singapore (MPA), trong tương lai, khi cảng biển thế hệ tiếp theo của Singapore ở Tuas - khu vực phía tây của Singapore - dần đi vào hoạt động, phần lớn hoạt động sẽ được số hóa và tự động hóa. Những vị trí công việc đòi hỏi nhiều kỹ năng hơn sẽ được tạo ra trong hệ sinh thái cảng biển và Chính phủ Singapore sẽ đào tạo thêm nhiều chuyên gia kỹ thuật hệ thống để thiết kế, bảo trì các hệ thống tự động phức tạp. MPA đang hướng tới mục tiêu đầu tư nhiều hơn và hy vọng sẽ mang lại khoảng 15 tỷ USD cam kết chi tiêu kinh doanh từ các doanh nghiệp vận tải biển trong giai đoạn 2020 - 2024; đồng thời, tăng gấp ba lần số lượng các doanh nghiệp khởi nghiệp công nghệ hàng hải vào năm 2025 (3).
Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 vẫn diễn biến hết sức phức tạp và khó lường, Singapore còn phải đối diện với không ít thách thức trong tương lai nhằm duy trì ổn định nền kinh tế. Thậm chí, kể cả khi nền kinh tế có tín hiệu phục hồi, Singapore vẫn có khả năng phải đối diện với nguy cơ lạm phát tăng cao. Bên cạnh đó, tỷ giá đồng nội tệ cao hơn và chu kỳ trong xuất khẩu chậm lại cũng có thể là một trong những rào cản gây ảnh hưởng tiêu cực tới quá trình phục hồi nền kinh tế của Singapore. Tuy nhiên, giới phân tích tin rằng, với sự quyết tâm và sáng tạo của Chính phủ Singapore trong việc ứng phó với các thách thức hiện nay, Singapore sẽ từng bước đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế, ngay cả khi dịch bệnh COVID-19 chưa thực sự kết thúc./.
-----------------------
(1) Đây là một phương pháp xét nghiệm nhằm tạo ra một lượng lớn bản sao DNA (phân tử mang thông tin di truyền quy định mọi hoạt động sống của các sinh vật và nhiều loài virus) mục tiêu trong ống nghiệm dựa vào các chu kỳ nhiệt. Phương pháp này có độ nhạy và độ đặc hiệu rất cao, được nhà khoa học người Mỹ Kary Mullis phát minh vào năm 1985
(2), (3) Xem: BNEWS/Thông tấn xã Việt Nam: “Cách để Singapore duy trì vị trí trung tâm vận tải biển số một toàn cầu”, ngày 19-7-2021,http://congthuong.hochiminhcity.gov.vn/en/tin-tuc-su-kien-chi-tiet/-/asset_publisher/b6xgTni2SKYY/content/cach-de-singapore-duy-tri-vi-tri-trung-tam-van-tai-bien-so-mot-toan-cau?p_p_auth=nmuR84nl&enableXemTheoNgay=false
Tỉnh Vĩnh Long phát huy những bài học kinh nghiệm bước đầu trong phòng, chống dịch bệnh COVID-19 để tiếp tục phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội  (27/04/2022)
Liên minh châu Âu với sáng kiến “Cửa ngõ toàn cầu”  (20/04/2022)
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc thăm chính thức Singapore  (25/02/2022)
Công nghiệp hỗ trợ Thủ đô vượt khó để phát triển  (09/11/2021)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
- Tổng quan về chuyển đổi số ở Việt Nam
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên